10:02 +07 Thứ ba, 19/03/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc » Vần Đ

Liên hệ

ĐẠI THANH 大 青

Thứ bảy - 05/03/2011 05:30
Cây thảo sống 2 năm, toàn cây không có lông, rễ trụ hình viên trụ, vỏ ngoài có màu vàng tro.

ĐẠI THANH      

Isatis tinctoria L.
 

 Tên khác: Tùng lam (Bản Thảo Cương Mục) Đại thanh diệp, Tiên đại thanh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Đại thanh diệp (Việt Nam).

Tên khoa học: Isatis tinctoria L.

Họ khoa học: Cruciferae.

Mô tả: Cây thảo sống 2 năm, toàn cây không có lông, rễ trụ hình viên trụ, vỏ ngoài có màu vàng tro. Thân mọc thẳng, cao từ 40-90cm, phần trên phân ra nhiều nhánh. Lá mọc đối. ở gốc mọc lá có cuống hình viên chùy dài, hình mũi mác ngược, mép nguyên, ở thân hình lá mũi mác, ở thân sinh lá hình mũi mác, ở gốc hình mũi tên bọc nửa thân, mép nguyên hoặc có răng cưa nhỏ không rõ. Chùm hoa sinh ở nách lá; hoa nhỏ, 4 cánh màu vàng. Quả hình viên  chùy có góc, dẹp ngang, dạng như quả có cánh, rụng xuống.

Địa lý: Chưa thấy ở Việt Nam, còn phải nhập. Ở Trung Quốc, thường hay thấy ở hai bên đường, rãnh núi, bờ khe.

Thu hái: Thu hái vào mùa xuân, phơi trong râm cho khô, để dành dùng.

Phần dùng làm thuốc: Lá.

Tính vị: Vị đắng, mặn. Tính lạnh.

Quy kinh: Vào kinh Tâm, Vị.

Tác dụng: Giải độc, thanh nhiệt, lương huyết.

Chủ trị: Trị sốt, sởi, viêm quầng, sưng đau họng, thanh quản, viêm gan, viêm tuyến mang tai.

Liều dùng: 9-30g.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị họng sưng đau ứ tắc khó nuốt (hầu tý, hầu phong): Đại thanh diệp giã nát, ép lấy nước nhỏ vào  miệng (Vệ Sinh Dị Giản Phương).

+  Trẻ nhỏ lở miệng:  lá Đại thanh 18 thù, Hoàng liên 12 thù, 3 thăng nước sắc còn 1 thăng uống một ngày hai lần (thù là đơn vị đo lường xưa, cứ 24 thù là một lạng; 1 lạng xưa là nửa lượng bây giờ) (Thiên Kim Phương).

+ Trị nhiệt bệnh sinh kiết lỵ: dùng Đại thanh 120g, Cam thảo, Xích thạch chi mỗi thứ  90g, A giao 60g, Đậu xị 8 chén, 1 đấu rưỡi nước sắc còn 8 thăng chia 3 lần uống (Trửu Hậu Phương).

+ Trị nhiệt bệnh sinh ban sởi đỏ, bứt  rứt: Đại thanh 30g, A giao, Cam thảo, mỗi thứ 6g 5, Đậu xị 2 chén. Sắc, chia 3 lần uống (Đại Thanh Tứ Vật Thang - Nam Dương Hoạt Nhân Thư ).

+ Trị nhiệt bệnh sinh ban sởi đỏ, bứt  rứt: Lá Đại thanh 22,5g, Tê giác 7,5g, Chi tử 10 trái, Đậu xị 2 nắm, một chén rưỡi nước sắc còn 8 phân uống lúc nóng ( Tê Giác Đại Thanh Thang - Nam Dương Hoạt Nhân Thư ).

+ Trị trẻ nhỏ tự nhiên da bụng xanh đen, do khí huyết suy mất dinh dưỡng, phong hàn thừa cơ nhập vào, tiên liệu nguy hiểm: Đại thanh tán bột uống với rượu (Bảo Ấu Đại Toàn).

+ Trị trẻ nhỏ sốt cao, bứt rứt, khát nước: Đại thanh diệp 9g, sắc chia 2 lần uống, có thể thêm chút đường (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+  Trị viêm não tủy, sốt cao khát nước: Đại thanh diệp tươi 30g (khô 15g), Kim ngân hoa 30g, Thạch cao sống 30g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị phát tán do nhiệt, đau họng: Đại thanh 9g, Tê giác 3g, Sơn chi 9g, Đậu xị 6g, sắc uống (Tê Giác Đại Thanh Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị miệng đau, tắc họng, viêm họng, sưng hạch bạch huyết, viêm quầng,  chứng bại huyết: Đại thanh diệp, Bồ công anh đều 15g, Huyền sâm, Áp chích thảo đều 12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị nhiễm trùng đường hô hấp và viêm họng cấp tính : Đại thanh diệp tươi đâm nát, lấy nước cốt lần uống 1 muỗng, ngày 3 lần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Tham khảo:

. Đại thanh trừ nhiệt độc lây lan truyền nhiễm rất tốt (Bản Thảo Tập Chú).

. Đại thanh chữa ôn dịch (sốt lây lan) nóng rét (Bản Thảo Tập Chú).

. Cổ phương chữa chứng thương hàn, đổ mồ hôi vàng, viêm da vàng v.v...’Đại Thanh Thang’. Lại chữa thương hàn đầu mình cứng đơ, đau cứng cốt sống, trong ‘Cát Căn Thang cũng dùng Đại thanh, đa số dùng nhiều trong bệnh theo mùa (Đồ Kinh Bản Thảo).

. Đại thanh chữa phong nhiệt độc, tâm phiền muộn, tật khát họng khô, trẻ con phong mề đay mình sốt, và độc của các vị thuốc thuộc kim loại, đá khoáng, thoa chữa độc sưng (Chư Gia Bản Thảo).

. Đại thanh chủ về nhiệt độc kiết lỵ, vàng da, đau tắc họng, viêm quầng. Lại rằng, Đại thanh có khí hàn vị hơi đắng, mặn, giải được nhiệt độc tâm vị, không chỉ đặc biệt chữa thương hàn vậy. Sách ‘Hoạt Nhân Thư ‘ ghi rằng : Đại thanh chữa thương hàn phát ban đỏ phiền đau, có ‘Tê Giác Đại Thanh Thang, ‘Đại Thanh Tứ Vật Thang’, nên trong ‘Chỉ Chưởng Phú’ ghi rằng : Dương độc thì cuồng loạn, phát ban, phiền muộn, dùng ‘Đại Thanh Thăng Ma’ chữa khỏi bệnh trầm kha ấy (Bản Thảo Cương Mục).

. Đại thanh bẩm thụ khí chí âm nên vị đắng, khí đại lạnh không độc. Chân Quyền ghi rằng, Đại thanh vị ngọt, trừ được đại nhiệt, chữa nóng rét trong bệnh ôn dịch, bởi đại lạnh lại đắng rõ ràng nó giải tán được nhiệt tà vậy. Nội kinh ghi rằng, khí đại nhiệt thì hàn đoạn lấy nó, cái gọi nhiệt ở đây, là nhiệt độc lây lan theo mùa, đau đầu sốt nhiều ở trong miệng, là chứng thực nhiệt của Vị, thuốc này là thuốc tốt đối với bệnh này ( Bản Thảo Kinh Sơ).

.  Đại thanh, Tiểu thanh vị đắng tính đại hàn không độc, chủ trị chứng đau đầu lây lan theo mùa, sốt nhiều nhọt miệng, nhiệt độc lây lan theo mùa, chứng nóng rét trong ôn bệnh lây lan. Tiểu thanh không bằng Đại thanh. Trong cổ phương không dùng, vật có tính âm hàn chỉ nên dùng cho khử trừ bệnh nhiệt lây lan theo mùa, mà không thể dùng cho người hư hàn tỳ yếu nhược (Bản Thảo Đồ Giải).

+ Khí vị, tính chất của Đại thanh, Tiểu thanh đều giống như Lam thảo, nên công dụng cũng tương đương. Trương Thạch Ngoan đã lấy Đại thanh, Tiểu thanh cùng liệt kê vào điều ở Lam thực không phải là không có thấy, đặc biệt trong cổ thư đều không cho rằng Đại thanh, Tiểu thanh có thể là một, có sự khác nhau như sách Biệt Lục cho rằng Đại thanh vị đắng, tính đại hàn, chủ trị đau đầu sốt cao, nhọt miệng lây lan theo mùa. Đào Hoằng Cảnh lại cho rằng trừ  nhiệt độc lây lan, vật vã, mày đay, độc của kim loại đá khoáng, sưng độc. Tần Hồ cho rằng Đại thanh chủ trị kiết lỵ nhiệt độc, vàng da đau tắc họng, viêm quầng. Tiểu thanh chữahuyết lỵ đau bụng, khi dùng mài lấy nước cốt uống giải được độc của rắn. Tô Tụng trong Đồ kinh ghi rằng, Tiểu thanh giã đắp ung nhọt sang tiết sưng đau. Thạch Ngoan cho rằng ông Châu Hoằng đời Tống chữa phát ban đau họng, có ‘Tê Giác Đại Thanh Thang’,  ‘Đại Thanh Tứ Vật Thang’, đều chữa bệnh nhiệt độc thịnh trong ôn bệnh học, không phải chỉ dùng cho bệnh thương hàn. Đại thanh tả được hỏa của can đởn, chính là khử nhiệt tà của tâm và vị, cho nên chứng cam tích thuộc nhiệt, viêm quầng của trẻ con, nó là vị thuốc chủ yết. Tiểu thanh khử độc tất cả các loại thuốc, giải độc của Lang độc, Xạ võng, Ban miêu, Phê thạch, v.v... (Bản Thảo Kinh Sơ).

- Thương hàn phát ban do nhiệt độc, dùng ‘Đại Thanh Tứ Vật Thang uống rất có hiệu quả. Thương hàn mình cứng đơ, xương sống đau, dùng ‘Đại Thanh Cát Căn Thang’ rất hay, có bài ‘Đại Thanh Thang’ chỉ dùng độc vị Đại thang, sắc cho uống chữa thương hàn ra mồ hôi vàng, vàng da, chứng dịch lưu hành, dùng nó nhiều để bôi đắp ung nhọt, chuyên chữa nhiệt độc lưu hành, nhức đầu lở miệng (Tiểu thanh là thứ là khác Đại thanh, dùng lá sống dã nát đắp chữa ung nhọt), nếu tỳ yếu hư hàn thì chớ dùng (Dược Phẩm Vậng Yếu).

- Đại thanh có công năng thanh nhiệt lương huyết, là thuốc chính để giải độc, chuyên giải được nhiệt độc thực nhiệt ở tâm vị. Sách ‘Hoạt Nhân’ có ‘Tê Giác Đại Thanh Thang’ chuyên trị sưng đau họng phát ban do thương hàn. Sách ‘Thẩm Thị Tôn Sinh’ có ‘Đại Thanh Thang’ trị độc tà nội hãm ở bên trong, như trong bài  phú ‘Lý Tượng Tiên Chỉ Chưởng’ ghi rằng: “Dương độc thì cuồng, ban, phiền loạn, lấy Đại thanh, Thăng ma thì có thể bớt nguy”, như thế chúng ta biết rằng Đại thanh có công năng thanh nhiệt giải độc, chớ có khinh thường vậy (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).

+ Là thuốc trọng yếu để giải độc, thanh nhiệt ở Tâm, Vị, tả thực hoả ở Can Đởm, vào phần huyết mà tán huyết nhiệt, thiên về trị ban chẩn (Thực Dụng Trung Y Học).

Phân biệt:

1- Cây Đại thanh (Isatis tinctoria L) còn cho Bột chàm là màu xanh chế từ cây trên (Xem: Thanh đại).

2- Cây Đại thanh trên còn cho rễ của cây gọi là Bản lam căn (Xem thêm: Bản lam căn).

3- Ở Trung Quốc vị Đại thanh người ta dùng tương đối phổ biến và khác nhau từng vùng. Có 4 loại.

- Tung lam (Isatis tinctoria L., Isatis indigotica Fort.) thuộc họ Cruciferae, hay dùng ở Bắc Kinh, Đông Bắc, Nội Mông, Sơn Tây, Hà Nam, Hoa Đông.

- Liệu lam (Polygonum tinctorium Lour.,) thuộc họ Polygonaceae, hay dùng ở Hoa Bắc, Đông Bắc.

- Mã lam (Strobilanthes flaccidifolius Ness., Baphiacanthes cusia Bremek) thuộc họ Acantheceae hay dùng ở Hoa Nam, Tây Nam, Hồ Bắc.

- Lô biên thanh (Clerodendron cyrtophyllum Turcz) họ Verbenaceae hay dùng ở Hoa Trung, Hồ Nam.

4- Rễ của các vị này thường dùng để thay cho vị Địa cốt bì, nhưng không phải Địa cốt bì (Xem: Địa cốt bì).

5- Vị Đại thanh còn dùng với cây Bọ mẩy ở Việt Nam, (Xem Mô tả: Bản lam căn).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán