BẠCH PHẤN ĐẰNG 白 粉 藤
Cissus repens Lamk.
Tên Việt Nam: Dây chìa vôi, Hồ đằng bò, Bạch liễm, Đau xương, Chìa vôi xanh.
Tên khoa học: Cissus repens Lamk.
Họ khoa học: Vitacceae.
Tên gọi: Cây có nhiều phấn trắng nên gọi là Bạch phấn đằng.
Mô Tả : Cây nhỏ cao 1-3m, rất nhẵn. Cành có 4 góc có sáp trắng, không bao giờ có cánh, nhiều khi phủ bởi lớp sáp màu xanh nước biển (nên có tên là Chìa vôi xanh). Cành con trải ra. Tua cuốn hình sợi chỉ có hai nhánh không bằng nhau. Lá hình trái xoan hay tam giác, hình tim hay cụt ở gốc (Tai nhỏ cách xa nhau), màu hơi đỏ ở mặt dưới 3-5 gân gốc, gân giữa khỏe hơn, 2-4 đôi gân bên lồi hơn, gân con không rõ rệt, răng thành mũi nhọn, lá kèm hình thang, khô xác ôm thân.
Cụm hoa đối diện với các lá, thành ngù kép, gân nhẵn, cuống hoa mang vài cái lông, dài gấp đôi nụ hình tháp. Đài hình chén uốn lượn, rất nhẵn 4 cánh hoa hình tam giác, với 1 vết lõm ở ngọn, rất nhẵn, 4 nhị, bao phấn hình tròn lồi mạnh ở mặt trong của trung đới. Quả hình quả lê, một hạt chỉ hơi dẹp không đèo ở gốc. Có hoa vào tháng 6 quả vào tháng 1. Ở miền nam cây Cissus repens Lamk Var. Glauca Roxb có nhánh mốc, lá hơi đỏ ở mặt dưới, cây Cissus repens Lamk Var Cordata Roxb, lá hình tim tròn, đỏ ở mặt dưới.
Phân biệt:
1) Cây Chìa vôi còn có tên khác là Bạch liễm (Cissus modeccoides Planch Var subintegra Gagnep) là cây dây leo dài 2-4m, thân nhẵn, có tua cuốn đơn, nhỏ, hình sợi, mọc đối diện với lá. Lá đơn mọc so le gân lá hình chân vịt, có 5-7 thùy, mép lá có răng cưa thưa. Gốc phiến lá hình tim, rộng vài dài 6-8m. Lá phía gốc hầu như có phiến nguyên, hình mũi mác. Cụm hoa ngù mọc đối chiếu với lá. Hoa màu vàng nhạt, cây mọc hoang khắp nơi. Rễ củ gọi là Bạch liễm tức là củ Chìa vôi, to bằng quả trứng gà, mấy củ dính liền với gốc cây, hai đầu củ hơi nhọn, ngoài đen trong trắng, vị đắng, hay nhầm lẫn với củ Bạch cập. Thường đào củ về rửa sạch ngâm một đêm cho mềm, xắt mỏng, phơi khô, tán bột, rất dễ mốc mọt, nên để nơi khô ráo. Củ này có vị đắng chua, hơi the, tính mát, có tác dụng thông kinh, phá huyết, trừ phong thấp, lợi tiểu, sát trùng. Kinh nghiệm nhân dân dùng để chữa bệnh phong thấp, sưng tấy, gân xương co quắp, ung nhọt, bên trong sắc uống bên ngoài giã với muối đắp lên chỗ đau. Hoặc chữa rắn cắn (Giã lá với muối nuốt nước, bã đắp lên nơi rắn cắn), mỗi ngày dùng từ 12-20g. Ngoài ra rễ củ phơi khô còn chữa nhức đầu, tê thấp, dùng thân cây Chìa vôi rửa sạch, sát trùng rồi dùng nong cổ tử cung, sau đó cho uống một bài thuốc có tính chất kích thích co bóp tử cung để tống thai ra ngoài để dễ nạo hơn.
2) Ngoài ra cây Bạch phấn đằng còn lẫn với Cây chìa vôi (Ipomoea turpethum R. Br = Operculina turethum (L.) Manso) là cây dây leo bằng thân quấn, sống dai. Lá thường hình tam giác, có gốc phiến hình tim. Cụm hoa ở nách lá. Hoa màu trắng hay vàng nhạt. Chỉ nhị phồng ở gốc, bầu 2 ô mỗi ô đựng hai noãn. Quả nang bao bọc trong đài cao tới 3m, đựng 3-4 hạt màu đen. Đặc biệt quả này nứt ngang vì vỏ ngoài quả hình một cái chỏm rụng xuống mang theo vòi. Cây ra hoa vào mùa thu, đông, thường mọc dại ở ven đường. Cây có tác dụng như Bạch phấn đằng.
Địa lý: Cây mọc hoang, gặp ở cả hai miền Việt Nam.
Thu hái, sơ chế: Thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, đông.
Phần dùng làm thuốc: Lá rễ.
Tác dụng : Rễ: Tán kết tiêu sưng, thanh nhiệt chỉ thống.
Lá: Vị đắng tính lạnh có độc ít.
Chủ trị Liều dùng: Lao hạch cổ, viêm thận, ung thư (mụn nhọt), Rắn cắn, rễ dùng từ 12-20g sắc uống. Lá giã nát đắp nơi đau nhức hoặc rắn cắn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn