BỆNH VIÊM ĐẠI TRÀNG MẠN
- Thứ ba - 29/10/2013 09:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Thể tỳ hư khí trễ: đau bụng lâm râm vùng hạ vị, đại tiện thường xuyên bị rối loạn, hay đi lỏng hoặc táo bón, có lúc kèm theo máu, đầy bụng, rêu lưỡi trắng, mạch trầm nhược.
Bài thuốc: đẳng sâm 12g, hoài sơn 12g, cam thảo 4g, chỉ xác 8g, mộc hương 2g, ý dĩ nhân 12g, trần bì 8g, liên nhục 12g, sa nhân 8g, binh lang 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu gặp lạnh đau nhiều, xoa bóp thấy dễ chịu thì gia can khương 6g.
Thể âm huyết thiếu, thấp nhiệt lưu tính: có từng cơn đau quặn bụng, đại tiện khó xuống, đi nhiều ra chất nhầy máu, có lúc mủ máu, đầy hơi, trung tiện được thì dễ chịu, miệng đắng, rêu lưỡi vàng, mạch trầm sắc.
Bài thuốc: rau má 12g, hoàng đằng 5g, cam thảo 4g, binh lang 8g, chỉ xác 8g, minh giao (cao da trâu) 8g, hoàng liên 5g, hồng hoa 12g, chi tử 8g, sinh địa 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu đại tiện ra máu nhiều thì gia trắc bách diệp 10g. Nếu có mủ máu thì gia kim ngân 10g.
Phương pháp thụt giữ đại tràng: hoàng đằng 10g, hoàng bá 10g, hoàng liên 11g. Lấy khoảng 200ml nước sắc hỗn hợp 3 vị rồi lọc sạch giữ nhiệt độ 30-35 độ thụt giữ đại tràng. Thụt 2-3 lần, nếu chưa khỏi hẳn có thể thụt tiếp 1 đợt nữa (bệnh nhân cần được thực hiện ở các cơ sở y tế).
Các bài thuốc trên tác dụng chủ yếu là kiện tỳ điều khí, dưỡng âm thanh nhiệt trừ thấp, ngoài ra còn có tác dụng điều hòa khí huyết, nâng cao thể trạng, ổn định sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Riêng phương pháp thụt giữ đại tràng bằng thuốc là những vị thuốc kháng sinh có tác dụng diệt và hạn chế vi khuẩn, theo Đông y là những vị thanh nhiệt trừ thấp. Đây là phương pháp trực tiếp nhằm rút ngắn thời gian điều trị bệnh.