Điều cần làm khi trẻ em mắc hen
- Thứ sáu - 17/06/2016 14:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bệnh hen (hen suyễn) là bệnh thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ là 3,2% (theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam năm 2010 – 2011). Cơn hen khiến trẻ ngủ kém, mệt mỏi, cản trở các hoạt động của trẻ như chơi đùa, thể thao… hoặc bệnh có thể chuyển biến thành cấp tính, buộc trẻ phải nhập viện.

Dưới đây là một số điều bậc cha mẹ cần chú ý khi trẻ có các dấu hiệu ban đầu của bệnh hen.
1. Cần đưa trẻ đi khám
Khi đến gặp bác sĩ, phụ huynh cần chuẩn bị:· Liệt kê ra các triệu chứng bất thường xuất hiện của trẻ. Lưu ý: những thời điểm đặc biệt trong ngày hay theo mùa; các yếu tố như không khí lạnh, vật nuôi, hoạt động thể lực…) khiến triệu chứng của trẻ nặng hơn.
· Ghi lại các thông tin về sức khỏe và tinh thần (bao gồm cả các biến đổi về tâm lý hoặc những thay đổi về người chăm sóc, môi trường học tập).
· Ghi lại danh sách các loại thuốc, vitamin… bé đã dùng.
· Ghi lại các loại thuốc bé bị dị ứng (nếu có)
· Viết ra các câu hỏi, thắc mắc để được bác sĩ giải đáp
2. Chế độ ăn uống của trẻ có hen phế quản
Cần cẩn trọng với các thức ăn có nhiều gia vị như nộm, nước ngọt, nước giải khát và thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, dưa chua, trái cây khô đóng gói hay hải sản (tôm, cua, ghẹ, mắm nêm). Nếu trẻ bị lên cơn suyễn khi ăn một loại thực phẩm nào đó thì không nên cho bé sử dụng.Cần cảnh giác với chính một số thuốc chữa bệnh như kháng sinh, thuốc Aspirin… bởi đó có thể là tác nhân làm cơn hen của bé nặng hơn.
Cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và axit béo Omega 3 hoặc cho trẻ bổ sung các viên vitamin. Thực tế là thiếu vitamin C và sống trong môi trường có không khí ô nhiềm làm tăng nguy cơ trẻ em mắc hen suyễn.
3. Không chủ quan khi trẻ đã khỏi bệnh
Đối với trẻ có tiền sử bệnh hen cần tuân thủ theo hướng dẫn phòng hen của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị dự phòng cũng quan trọng không kém sau khi điều trị cắt cơn hen.Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen (trẻ vẫn ăn, chơi bình thường). Vào mùa lạnh, cần giữ ấm, mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Nơi trẻ tắm cần kín gió, cho trẻ tắm nhanh với nước ấm, rồi lau khô người và mặc ngay quần áo cho trẻ, hạn chế lạnh đột ngột khiên trẻ dễ bị cảm lạnh và tăng nguy cơ xuất hiện cơn hen phế quản khi trẻ từng có bệnh hen.
Đối với trẻ có tiền sử hen suyễn, bố mẹ cần cẩn trọng khi cho bé sử dụng thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc.
Hạn chế tối đa các yếu tố có thể gây ra hen. Không hút thuốc trong nhà và tránh cho trẻ tiếp xúc với khói từ bếp than, bếp củi… Không nuôi chó, mèo trong nhà. Phơi nắng chăn, gối, đệm mỗi khi có điều kiện để loại bỏ mạt gà chui trong các vật dụng đó. Ở nơi trẻ ngủ, không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy (nếu có thể).
Bệnh hen suyễn không thể chữa dứt điểm hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được. Khi điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ có một cuộc sống gần như bình thường. Nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh hen suyễn tự khỏi trong một thời gian dài nhưng các cơn hen vẫn có thể tái phát bất kì lúc nào; do vậy, cần cẩn trọng đối với trường hợp trẻ có hen suyễn.