Du lịch tắm nước thuốc, châm cứu chữa bệnh
- Thứ tư - 05/12/2012 08:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lần đầu tiên tại Việt Nam, GS Nguyễn Tài Thu, nhà châm cứu nổi tiếng thế giới, phối hợp với các chuyên gia đông y tổ chức chương trình du lịch điều dưỡng, tắm nước thuốc và châm cứu chữa bệnh.
GS Thu làm việc với các đối tác trong lễ khai trương
Tháng 6 vừa qua, một nhóm du khách Australia đã mở hàng chương trình du lịch “vừa khám bệnh vừa giải trí” này.Công đoạn du lịch chữa bệnh nội trú, du khách tới Bệnh viện Châm cứu (Thái Thịnh, Hà Nội). Tại đó, du khách được khám sức khỏe toàn diện, sau đó tắm nước lá cây, xông hơi, massage...
Hôm ấy, khu vực massage 30 phòng tắm có thể phục vụ 50 khách cùng lúc vui như hội. Những thùng gỗ chứa đầy thứ nước nâu nâu bốc hơi nghi ngút thơm lừng được “chế biến” từ các loại cây, lá, củ, quả thuốc nam lẫn bắc. 20 khách nước ngoài ngâm mình đầy sảng khoái.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Du lịch Phương Bắc, đang ở Bà Rịa - Vũng Tàu để sắp xếp cho một tour chẩn bệnh dã ngoại khác cho biết: “Không ngờ hình thức du lịch này được quan tâm nhiều vậy, nhất là khách ngoại. Chúng tôi chỉ học tập và đào sâu kinh nghiệm của cổ nhân, kết hợp giữa y học và cảnh quan để nâng cao sức khỏe và chữa bệnh”.
GS Nguyễn Tài Thu, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Thầy thuốc Nhân dân, chịu trách nhiệm chính đưa ra các phác đồ trị liệu cho chương trình bệnh viện lưu động.
Du lịch điều dưỡng thực ra không mới với thế giới. Đi tiên phong phải kể đến Malaysia, Singapore và Ấn Độ.
Tuy nhiên, nhóm tiên phong ở Việt Nam biết tạo ra khác biệt bằng cách đưa thêm vào dịch vụ tắm nước thuốc, châm cứu và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tinh hoa Việt.
Chương trình được thiết kế phù hợp với “bản mệnh” của du khách để tạo cái gọi là hoà hợp giữa thiên–địa (phong thổ và cảnh quan du lịch), và nhân (du khách).
Có lẽ hiếm tour du lịch nào lại đòi hỏi cung cấp thông tin đầu vào là ngày sinh tháng đẻ để lên số tử vi cho du khách. Dựa vào đó, mỗi quý khách có một liệu trình y dược, y thực và du lịch phù hợp với mình.
GS Nguyễn Tài Thu ví dụ, người bị bệnh tim nên đi rừng, xuống biển hay ra hải đảo. “Kể cả chế độ điều dưỡng cũng được quản lý theo cách rất dễ chịu”, GS Thu nói: “Muốn du lịch giảm béo nhưng vẫn thích ăn thịt mỡ, chúng tôi có cách làm du khách đạt được mà không ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Lấy châm cứu làm chủ đạo, nhiều chuyên gia y tế, lương y hàng đầu Việt Nam, thậm chí cả Hội Châm cứu Quốc tế, cũng vào cuộc cùng nhiều công ty du lịch.
Vẫn kém khâu quảng bá
Không mấy ai biết đến loại hình chữa bệnh tự nhiên, nhiều du khách ngoại tìm đến Việt Nam để thực hiện các tour du lịch chữa bệnh bằng tây y tại các bệnh viện lớn.
BV Việt-Pháp Hà Nội chữa cho khá nhiều bệnh nhân ngoại qua đường du lịch. Người viết bài này tiếp chuyện một nữ khách Hàn Quốc vào Việt Pháp làm giải phẫu thẩm mỹ nâng ngực và cô tỏ ra rất hài lòng.
“Giá dịch vụ chữa bệnh ở Việt Nam khá hấp dẫn so với các quốc gia khác”, Fawzia Nashrin, quê ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, nói sau 5 tháng sống ở Hà Nội. Tại BV Mắt Hà Nội, chi phí cho một tour giải phẫu mí mắt khoảng 400 USD – 500 USD. Chi phí một tour đến Mỹ cho trường hợp tương tự có thể lên đến 2.000 USD – 3.500 USD, Fawzia cho biết. Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Việt kiều Mỹ, về Việt Nam thực hiện một tour phẫu thuật mũi chỉ mất 200 USD trong khi ở Mỹ chi phí là 1.200 USD.
Theo ông Peter Kappart, Phó Giám đốc tập đoàn bệnh viện danh tiếng Thụy Sĩ thì Việt Nam nằm trong số các quốc gia châu Á như ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, sẽ trở thành trung tâm thu hút du khách quốc tế trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh. Tuy nhiên, như bình luận trên Đài BBC gần đây, khâu quảng bá “hoàn toàn chưa”, cả đông và tây y.
Nền y học cổ truyền Việt Nam được biết đến ở các nước chủ yếu qua các ca chữa bệnh thành công cho các yếu nhân.
Theo BBC thì Việt Nam được biết đến trong quá khứ về xuất khẩu chuyên gia y tế. “Song khái niệm du lịch chữa bệnh xem ra còn quá mới mẻ. Nhiều người ngạc nhiên là Việt Nam dường như chưa xem du lịch chữa bệnh có thể tạo nguồn thu đáng kể trong khi, thống kê năm 2005 cho thấy, du lịch chữa bệnh mang lại cho ba nước Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia, cả tỷ đô la.
Thời điểm bài báo này lên khuôn, GS Nguyễn Tài Thu đang ở Paris và một trong những nhiệm vụ của ông là quảng bá cho chương trình du lịch chữa bệnh châm cứu, tắm nước thuốc.
Nhưng một con én chẳng thể làm nổi mùa xuân cho dù Viện Châm cứu Trung ương Việt Nam cũng đã mở cơ sở khám chữa bệnh tại Mexico.
Con số mỗi năm Viện Châm cứu tiếp nhận và chữa bệnh cho một vài trăm khách nước ngoài trong khi năng lực của Viện có thể làm gấp mười cho thấy ngành du lịch chữa bệnh ở Việt Nam vẫn ở tư thế ngái ngủ.
Trong khuôn khổ chương trình do GS Tài Thu làm chủ nhiệm, có hai gói dịch vụ. Gói thứ nhất là du lịch lữ hành điều dưỡng– chăm sóc sức khoẻ- châm cứu chữa bệnh.
Mỗi đoàn từ 15 đến 20 khách có 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng viên chuyên nghiệp đi cùng phục vụ. Tour du thuyền điều dưỡng trên Vịnh Hạ Long tháng 6 vừa qua, du khách Úc thoải mái ngả mình trên ghế bên bờ biển ngắm cánh buồm no gió ngoài khơi trong khi được bác sĩ và điều dưỡng viên châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt để “dưỡng khí, tồn thần”.
Gói thứ hai là chữa bệnh nội trú kết hợp dã ngoại. Ông Nguyễn Văn Luật, Giám đốc Cty Cổ phần Du lịch Phương Bắc, nói: “Thay vì bệnh nhân nhập viện, chúng tôi căn cứ bệnh lý của từng bệnh nhân để tổ chức nhóm điều trị tại các danh thắng mà phong thuỷ thích hợp với hiệu quả chữa trị”.