KHUYNH HƯỚNG SỬ DỤNG LIỆU PHÁP BỔ SUNG THAY THẾ ĐANG GIA TĂNG Ở MỸ

Vào tháng 5.2004, cơ quan Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã công bố một kết quả điều tra xã hội học được thực hiện trong năm 2002 về việc sử dụng liệu pháp bổ sung và thay thế (Complementary and Alternative Medicine - CAM) của người Mỹ trưởng thành. Các nghiên cứu thống kê được tiến hành độc lập bởi Trung tâm Quốc gia về Liệu Pháp Bổ sung & Thay thế (NCCAM) và Trung tâm Thống kê Sức khỏe Quốc gia (NCHS) với trên 31.000 đối tượng được tham gia
KHUYNH HƯỚNG SỬ DỤNG LIỆU PHÁP BỔ SUNG THAY THẾ ĐANG GIA TĂNG Ở MỸ
Kết quả thống kê đối với nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Liệu pháp Bổ sung và Thay thế ( NCCAM). Kết quả phân tích cho cho thấy trong năm 2002 đã có 62,1% người Mỹ trên 18 tuổi sử dụng một số hình thức CAM trong điều trị bệnh.  Đặc biệt, cuộc điều tra thống kê này cũng bao gồm luôn 2 loại  liệu pháp đã không được lưu ý trong những cuộc điều tra khảo sát trước đó là cầu nguyện và sử dụng megavitamin. Megavitamin thường được hiểu là liệu pháp chủ trương  sử dụng vitamin với liều cao gấp nhiều lần liều dùng thông thường để điều trị một số bệnh nhất định.
Khảo sát cũng chỉ ra một số người có khuynh hướng tìm đến với CAM hơn những người khác.  Chẳng hạn phụ nữ đến với CAM nhiều hơn nam.  Người có học thức cao hơn, người đã từng nhập viện trong năm trước đó hoặc người vừa cai hút thuốc lá cũng là những đối tượng dễ có thiên hướng sử dụng CAM.
Vậy Liệu pháp Bổ sung và Thay thế (CAM) là gì ?Khó có được một định nghĩa chính xác nào về CAM vì nó liên quan tới một lĩnh vực quá rộng và liên tục thay đổi. Theo TT Quốc gia về Liệu pháp Thay thế và Bổ sung (National Centre of Complementary and Alternative Medicine – NCCAM), thì CAM là “nhóm các biện pháp, liệu pháp và sản phẩm chăm sóc sức khỏe”. Tuy nhiên, ranh giới giữa CAM và Y học quy ước (ta thường gọi là Tây Y-BT) là không hoàn toàn, nhiều biện pháp CAM được y học sử dụng một cách rộng rãi.
Trong các hình thức CAM,  sau cầu nguyện thì sử dụng thảo dược và các sản phẩm tự nhiên đứng vị trí số 2 với 50.613 người sử dụng, chiếm 16.3%. Các sản phẩm tự nhiên làm thuốc được định nghĩa là những sản phẩm “không phải vitamin, không phải khoáng chất” có nguồn gốc từ thiên nhiên trong đó.
“Cúc hoa là dược thảo được sử dụng nhiều nhất với hơn 40%, tiếp đó là Nhân sâm 24%, Bạch quả 21.1%. Các sản phẩm từ đậu nành cũng được sử dụng với 9.4%.”
Giải thích về việc sử dụng CAM, gần 55% số người tham gia khảo sát cho rằng “sự phối hợp giữa Liệu pháp Bổ sung với Liệu pháp chính thống sẽ cho kết quả điều trị tốt hơn”, có tới 25% số người đến với CAM do bác sỹ khuyên và 13,2% số người được hỏi cho rằng Liệu pháp chính thống quá tốn kém.
Khuynh hướng sử dụng CAM đang gia tăng.Một điều tra xã hội học được Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia của Hoa Kỳ (NCSH) thực hiện mới hơn, vào năm 2007 đã cho thấy khuynh hướng số người Mỹ đến với CAM đang gia tăng. Điều tra lần này loại trừ hình thức cầu nguyện nhưng lại mở rộng đối tượng điều tra cho trẻ em với  sự tham gia của 23.300 người trưởng thành trả lời cho bản thân và hơn 9.000 người lớn khác đại diện cho trẻ em trong gia đình. Kết quả của điều tra này cho biết số lượng người trưởng thành sử dụng CAM đã gia tăng từ 36% ở năm 2002 lên 38% vào thời điểm 2007.  Tỷ lệ số người Mỹ sử dụng những  hình thức CAM thông dụng cũng tăng lên. Đối với trẻ em, CAM được dùng phần lớn cho các chứng đau nhức, stress, trầm cảm và rối loạn tăng động giảm sức chú ý (ADHD). Tính chung, tỷ lệ sử dụng CAM cho trẻ em khoảng 12%. Khảo sát cho biết trẻ em ở những gia đình có cha mẹ sử dụng CAM sẽ có khuynh hướng  cho con em mình đến với CAM.
Trước những thực tế nêu trên, Tiến sĩ  Josephine P. Briggs, Tổng Giám Đốc  NCCAM đã phát biểu “ Cuộc điều tra thống kê đã cho thấy CAM là những liệu pháp phổ biến đang tồn tại trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân tại Hoa Kỳ. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc về sự an toàn cũng như hiệu quả của những liệu pháp này. Cần có sự thảo luận cởi mở giữa người bệnh và người cung cấp dịch vụ CAM để bảo đảm sự phối hợp và tính an toàn trong chữa trị.”

Tác giả bài viết: LY Võ Hà