Mắc bệnh tim do nhiễm các bệnh phổi

Những người mắc bệnh tim do nhiễm các bệnh phổi gây ra thường được gọi là bệnh tâm phế mạn.

 Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tâm phế mạn bao gồm: các bệnh tiên phát của đường hô hấp và phế nang phổi, các bệnh tiên phát làm tổn thương lồng ngực và cơ lồng ngực, các bệnh tiên phát làm tổn thương mạch máu phổi...

Bệnh tâm phế mạn là một bệnh lý làm lớn rộng tâm thất phải của tim do sự phì đại hay giãn thứ phát của tâm thất phải sau những rối loạn hoặc bệnh lý của hệ hô hấp. Bệnh thường xảy ra do một bệnh bên trong chủ mô phổi, một vài trường hợp có thể do bất thường của việc thông khí phổi, tổn thương lồng ngực hay hệ thống cơ hô hấp; cũng có thể do những bệnh của tuần hoàn phổi. Tình trạng tăng áp lực phổi luôn luôn đi trước bệnh tâm phế mạn, trong đó có suy tim phải.
Trên thực tế khó xác định thời gian xuất hiện của bệnh tâm phế mạn, có thể nói từ sau tuổi 50 thì bệnh tâm phế mạn là bệnh tim mạch đứng hàng thứ ba thường gặp nhất sau bệnh tim thiếu máu và tăng huyết áp; bệnh có khả năng xuất hiện thứ phát sau bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính. Đối với những người hút thuốc lá quá nhiều, sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí nặng thì bệnh viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng xảy ra với tần suất cao và bệnh tâm phế mạn chiếm khoảng 1/3 các trường hợp suy tim; hiện nay bệnh được phát hiện ở nam nhiều hơn nữ có lẽ do thói quen hút nhiều thuốc lá.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tâm phế mạn do nhiều nguyên nhân khác nhau có liên quan đến các bệnh tiên phát thuộc cơ quan hô hấp, sau đó chúng ảnh hưởng và gây bệnh cho tim bao gồm: các bệnh tiên phát của đường hô hấp và phế nang phổi thường gặp như: viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn có hoặc không có giãn phế nang, hen phế quản; giãn phế nang do các nguyên nhân không phải viêm phế quản mạn tính, không phải do hen phế quản, xơ phổi và giãn phế nang hoặc không giãn phế nang do hậu quả của lao xơ phổi, bụi phổi, giãn phế quản, viêm phổi, các bệnh sarcoid, xơ phổi kẽ lan tỏa... Các bệnh tiên phát làm tổn thương đến lồng ngực, cơ lồng ngực như gù lưng, vẹo cột sống, dị dạng lồng ngực, dày dính màng phổi, cơ thể béo bệu... Các bệnh tiên phát làm tổn thương mạch máu phổi như bệnh thành mạch, viêm tắc mạch, nghẽn mạch phổi, tăng áp lực động mạch phổi do các nguyên nhân có liên quan... Do bệnh tiên phát ở cơ quan hô hấp ảnh hưởng để gây nên bệnh ở tim nên các nhà khoa đã dùng thuật ngữ bệnh tâm phế mạn để ám chỉ đến bệnh lý liên quan này.
Ở nước ta, các nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh tâm phế mạn là bệnh lao phổi, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính đơn thuần, viêm màng phổi, dị dạng lồng ngực...
Triệu chứng bệnh lý và chẩn đoán
Người mắc bệnh tâm phế mạn có các triệu chứng lâm sàng được biểu hiện tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh.
Ở giai đoạn đầu: bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu do viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, giãn phế nang tắc nghẽn; người bệnh ho nhiều, khạc đờm đặc có màu xanh, vàng hoặc có mủ, khó thở... Ngoài ra, cũng có thể có các triệu chứng của bệnh phổi hạn chế với triệu chứng của bệnh lao phổi, giãn phế nang, cơ thể béo bệu, gù vẹo cột sống, dị dạng lồng ngực, xơ phổi, dày dính màng phổi, khó thở, ho...
Ở giai đoạn tăng áp lực động mạch phổi: bệnh nhân có dấu hiệu khó thở khi gắng sức, có triệu chứng ngón tay dùi trống; hình động mạch phổi to, nổi vồng lên trên phim chụp X-quang...
Ở giai đoạn suy tâm thất phải: bệnh nhân có biểu hiện khó thở, lúc đầu khó thở xảy ra khi gắng sức, rồi khó thở khi làm việc nhẹ nhưng sau đó trạng thái khó thở xảy ra kể cả khi nghỉ ngơi. Đồng thời, người bệnh bị đau vùng gan, gan to và ấn đau, tĩnh mạch cổ nổi lên, phù thũng, tím tái, có triệu chứng ngón tay dùi trống, đi tiểu ít, nhịp tim nhanh, có thể có rối loạn nhịp tim, có dấu hiệu mỏm tim đập ở dưới xương ức, khi nghe ghi nhận tim có tiếng ngựa phi bên phải ở thời kỳ tiền tâm thu, có tiếng thổi tâm thu do hở van tim 3 lá cơ năng. Trong giai đoạn này, chụp phim X-quang phổi thấy hình cung động mạch phổi nổi rõ, bóng tim có thể to. Ngoài ra, có thể làm xét nghiệm đo điện tim, siêu âm tim và lồng ngực, đo các khí trong máu... để chẩn đoán xác định thêm mức độ của bệnh tâm phế mạn.
Tiến triển của bệnh và cách xử trí điều trị
Bệnh tâm phế mạn tiến triển từ từ, gây nên tổn thương chức năng và cấu trúc của phổi dẫn đến tình trạng suy hô hấp từng phần, suy hô hấp toàn bộ, suy tim phải và cuối cùng là suy tim toàn bộ. Mặc dù hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhưng suy tim phải theo các nhà khoa học vẫn chiếm một tỉ lệ tử vong khá cao từ 60 - 70% trong các trường hợp bị suy tim phải lần đầu tiên hay lần thứ hai. Sự tiến triển của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhất là phụ thuộc vào người bệnh có phát hiện được bệnh của mình bị mắc phải hay không, khi phát hiện được bệnh có được điều trị và theo dõi thường xuyên hay không. Những trường hợp suy hô hấp mạn tính tắc nghẽn mà nguyên nhân thường gặp là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do hút thuốc lá sẽ dẫn đến bệnh tâm phế mạn rất dễ dàng. Thực tế, các đợt bùng phát cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ làm nặng thêm bệnh tâm phế mạn, có trường hợp chỉ sau thời gian 3 năm đã có dấu hiệu suy tim phải.
Đối với bệnh hen phế quản, nhất là trường hợp hen phế quản dị ứng nhiễm khuẩn, có khi sau 5 - 10 năm đã gặp dấu hiệu suy tim phải, ngược lại trường hợp hen phế quản dị ứng không nhiễm khuẩn thì rất ít khi dẫn đến bệnh tâm phế mạn. Đối với trường hợp suy hô hấp mạn tính hạn chế như: xơ phổi do lao nhưng loại lao xơ lan tỏa mới dẫn đến bệnh tâm phế mạn, trái lại nếu loại lao xơ một phần nhỏ không có khả năng dẫn đến bệnh tâm phế mạn. Tuy vậy, khi mắc thêm bệnh lý giãn phế quản mới có thể nhanh chóng bị bệnh tâm phế mạn vì lúc đó đã trở thành suy hô hấp mạn tính phối hợp; trường hợp này nếu có nhiễm trùng phế quản phổi kèm theo cũng sẽ làm bệnh tâm phế mạn nặng thêm. Trường hợp các bệnh nhân được phát hiện, theo dõi và xử trí điều trị tốt thì bệnh ổn định, có thể mất thời gian từ 10 - 20 năm hoặc lâu hơn nữa mới có biến chứng suy tim; cũng có trường hợp người bệnh phải chấp nhận sống chung với bệnh tâm phế mạn cho đến hết đời mình.
Bệnh nhân tâm phế mạn cần có chế độ nghỉ ngơi và làm việc phù hợp, không nên thực hiện các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức. Nên có chế độ ăn uống hợp lý, ăn ít chất muối, cố gắng giảm cân ở những người có cơ thể béo bệu. Có thể dùng kháng sinh để xử trí can thiệp khi có các đợt bội nhiễm vi khuẩn với các loại kháng sinh thông dụng như: penicillin G, ampicillin, amoxicillin, erythromycin, chloramphenicol, co-trimoxazol, cephalosporin, ciprofloxacin... Cũng có thể sử dụng corticosteroid để điều trị trong các đợt cấp tính của bệnh tâm phế mạn như: prednisolon, dexamethason... Ngoài ra, dùng thêm thuốc giãn phế quản: salbutamol, cho thở oxy; dùng thuốc trợ tim digoxin, digitalin, thuốc lợi tiểu diamox, aldacton; tập thở kiểu cơ hoành, tuyệt đối không được hút thuốc lào và thuốc lá. Tránh sinh hoạt, ăn ở trong môi trường không khí bị ô nhiễm, có nhiều bụi bặm, khói độc, khí độc. Không nên sử dụng các loại thuốc có khả năng làm suy giảm khả năng hô hấp, các loại thuốc ngủ và thuốc an thần, các loại thuốc có chứa thuốc phiện và các dẫn chất của nó.
Suy tim phải chiếm một tỉ lệ tử vong khá cao từ 60 - 70%
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo thống kê thực tế tại nước ta, nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tâm phế mạn thường do bệnh nhân mắc phải bệnh lao phổi, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính đơn thuần, viêm màng phổi, dị dạng lồng ngực... Vì vậy bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các cơ sở y tế cần chủ động phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh tiên phát của hệ hô hấp để có biện pháp xử trí can thiệp kịp thời, phù hợp nhằm ngăn ngừa khả năng dẫn đến bệnh tâm phế mạn. Nên nhớ rằng, trong bệnh lý tâm phế mạn, nguyên nhân gây bệnh có mối liên quan chặt chẽ giữa phổi và tim đã được xác định, do đó bị nhiễm các bệnh phổi dẫn đến mắc bệnh tim là vấn đề không thể chủ quan.

 

Tác giả bài viết: BS. NGUYỄN TRÂM ANH