Tiếp cận với châm cứu

Người nguyên thủy sơ khai nhất chỉ có hai hoạt động phổ biến hàng ngày: săn bắt mồi và chạy trốn kẻ thù. Hai hoạt động ấy lặp đi lặp lại, thường xảy ra với cường độ cao và quyết liệt khiến nguồn năng lượng dự trữ ATP – (Adenosine triphosphate) ở các bó cơ bị cạn kiệt đến mức chúng bị co rút khẩn cấp. Hiện tượng này thường gọi là chuột rút.

 

Chuột rút có thể xảy ra cục bộ ở chân, tay, lưng, cổ… hoặc có thể xảy ra toàn thân khiến mọi cử động bị đình chỉ làm cho người đang chạy bị ngã, đang bơi bị chìm…

Khi các bó cơ bị co cứng đã ép chặt và siết mạnh lên các sợi thần kinh gây cảm giác đau đớn, người nguyên thủy lấy tay cào cấu, xoa nắn và sau đó là lấy đá sẵn có cạnh nhọn dấn mạnh vào những chỗ bị co cứng ấy, có khi đâm mạnh đến chảy máu để cứu thoát. Đó là động tác châm cứu đầu tiên của loài người và thạch châm (dùng đá để châm) ra đời. Huyệt và châm cứu được những ông bà người vượn tình cờ phát hiện như vậy.

Thạch châm chỉ nhằm cứu thoát tình trạng chuột rút do hiện tượng thiếu máu cục bộ dẫn tới sự co cứng cục bộ. Khi ấy chưa có khái niệm về huyệt, mạch, kinh lạc…

Xã hội loài người phát triển hơn, những người thầy châm nguyên thủy đã thay hòn đá bằng que, gai, tre, trúc… nhọn, tự nhiên hay được chế tác cũng cùng mục đích cứu thoát các trường hợp bị chuột rút. Hình thức dùng que, gai, tre, trúc nhọn để châm gọi tắt là trúc châm.

Thạch châmTrúc châm là hình thức châm cứu cổ sơ nhất có thể gọi đó là giai đoạn đại trường châm.

Đại trường châmcó các nhược điểm cơ bản là phá hoại tổ chức cơ thể, tổn hao cơ và thần kinh gây viêm nhiễm và dấu vết lớn. Vì vậy khi loài người biết dùng kim khí trong sinh hoạt đời sống thì thạch châm, trúc châm đã cáo chung nhường chỗ cho vi châm. Người thầy châm cứu dùng kim đồng, vàng, bạc… từ to thô đến rất nhỏ. Kinh nghiệm còn cho thấy những người thầy châm biết dùng lửa sẵn có ở bếp củi hoặc “lửa hỏa thang” – (lửa đốt rượu) đốt kim trước khi châm để tránh tai biến nhiễm trùng, mặc dù khi đó loài người chưa có kiến thức về vi khuẩn và nhiễm khuẩn.

Ban đầu châm cứu chỉ là để cấp cứu khi bị co cơ chuột rút. Người nguyên thủy chưa có khái niệm huyệt nhưng từ kinh nghiệm của nhiều thế hệ đã giúp họ nhận biết được những điểm, những vùng ổn định trên cơ thể khi châm kim vào tác dụng chữa bệnh có hiệu quả nhất và đã đặt tên cho chúng. Kinh nghiệm được tích lũy, số huyệt được đặt tên ngày càng nhiều. Sách Nội Kinh là quyển sách y khoa cổ nhất Trung Hoa đã ghi được 295 huyệt. Đến đời Tống trên tượng đồng châm cứu đã mô phỏng được 350 huyệt. Đến thế kỷ 17, quyển Châm cứu Đại Thành của Dương Kế Châu ghi được 763 huyệt. Còn ở Việt Nam, lịch sử châm cứu cũng đã trải qua hàng nghìn năm, các tác giả đến nay còn được biết đến trong thư tịch như An Kỳ Sinh thời An Dương Vương, Khổng Minh Không triều Lý, Tuệ Tĩnh triều Trần, Nguyễn Đại Năng Triều Hồ và đến thế kỷ 17 – 18, Hải Thượng Lãn Ông đã ghi trong Y Tôn Tâm Lĩnh được 702 huyệt.

Nhiều huyệt được đặt tên trên cơ thể; các thầy châm nhiều thế hệ đã thấy được tác dụng gần giống nhau của một số huyệt sắp xếp trên cơ thể theo một đường vẽ ổn định, nên các khái niệm về kinh, mạch đã hình thành.

Huyệt, kinh, mạch… đã được khá nhiều tác phẩm và tác giả cổ kim Đông, Tây bàn luận, nghiên cứu và tổng kết. Những ai muốn tiếp cận với châm cứu đầu tiên đều gặp phải những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Những khái niệm về huyệt, về kinh, mạch… được định nghĩa và vẽ ra, chỉ rõ đường đi tuần hoàn, lên xuống, ngược, xuôi… thế nhưng những khái niệm ấy đều chỉ có thể cảm nhận, không thể lấy những kiến thức hiện có của khoa học hiện đại để xem xét.

Ví dụ: Định nghĩa về huyệt (theo sách châm cứu học của Viện Đông Y Việt Nam) nguyên văn như sau: “Theo Thiên cửu châm thập nhị nguyên của sách Linh Khu, huyệt là nơi thần khí hoạt động vào ra, nó được phân bố khắp phần ngoài cơ thể, nhưng không phải là hình thái tại chỗ của da, cơ, gân, xương” (Sở ngôn tiết giả, thần khí chi sở du hành xuất nhập dã). Theo định nghĩa cổ nhất của huyệt mà Viện Đông Y Việt Nam coi là chuẩn mực thì thần và khí là hai dạng vật chất có thể đi ra đi vào ở huyệt. Khoa học hiện đại chưa có công trình chứng minh hai dạng vật chất này. Nhưng muốn nghiên cứu châm cứu trước tiên hãy coi đó như một tiền đề, hãy học thuộc lòng và chấp nhận vậy.

Khi bước vào thế giới của châm cứu, tôi có cảm giác như ngồi trên một chếc thuyền con bơi vào biển cả đầy sóng gió mịt mù. Khoảng 40 năm bắt đầu từ thất bại của nhà châm cứu Triều Tiên Kim Mon Han đến nay tôi mới ngộ được rằng châm cứu là một thành tựu vĩ đại của nhân loại dùng để cấp cứu và sau đó dùng kết hợp với cây cỏ để chữa bệnh.