Y học cổ truyền: Cấy chỉ chữa hen phế quản

Ở nước ta, phương pháp cấy chỉ điều trị hen phế quản đã được áp dụng từ những thập niên 70-80 thế kỷ trước tại một số bệnh viện như Viện y học cổ truyền Việt Nam, Viện châm cứu Việt Nam, Bệnh viện y học dân tộc Hà Nội, Bệnh viện quân y 103, Bệnh viện trung ương quân đội 108...

Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi nhận thấy rằng đây là một phương pháp điều trị đạt được hiệu quả nhất định, có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác nhằm nâng cao hiệu quả điều trị căn bệnh này.

Với mong muốn phổ cập phương pháp cấy chỉ, chúng tôi xin giới thiệu để các bạn đồng nghiệp tham khảo:

- Phương huyệt: được chia ra các nhóm huyệt chủ yếu và các huyệt phụ.
Nhóm huyệt chủ yếu gồm các huyệt: định suyễn (suyễn tức), khí suyễn, phế du, kiên trung du, chiên trung. Nhóm huyệt phụ gồm các huyệt: đại trùy, bách hội, thận du, đại tràng du.

- Vị trí và tác dụng của các huyệt điều trị: định suyễn có vị trí cách huyệt đại trùy (hoặc gai đốt sống C7) ngang ra 1 thốn. Kiên trung du có vị trí các huyệt đại trùy (hoặc gai đốt sống C7) ngang ra 2 thốn. Khí suyễn có vị trí các gai đốt sống lưng D7 ngang ra 2 thốn. Cả ba huyệt này đều có tác dụng cắt cơn hen phế quản, giảm ho. Phế du có vị trí các gai đốt sống lưng D3 ngang ra 1,5 thốn, là du huyệt của phế, nằm trên kinh Túc thái dương bàng quang, có tác dụng chữa các bệnh của phế. Chiên trung hay còn gọi là đản trung, nằm trên nhâm mạch, ngang 2 núm vú ở nam giới hay ngang khoảng liên sườn 4, có tác dụng cắt cơn hen phế quản, hạ khí nghịch, khoan khoái lồng ngực... Huyệt đại trùy nằm chính dưới gai đốt sống cổ C7, có tác dụng chống co thắt phế quản, giảm ho. Châm bách hội, đại trùy có tác dụng kích thích dương khí, điều hòa thần kinh thực vật. Thận du có vị trí ngang gai đốt sống thắt lưng D2 ra 1,5 thốn, là du huyệt của tạng thận. Châm cứu huyệt này có tác dụng bồi bổ nguyên khí cho thận. Huyệt đại tràng du có vị trí ngang gai đốt sống L4 ra 1,5 thốn, là du huyệt của đại tràng, có quan hệ biểu lý với phế, nên chọn đại tràng du là vậy.

- Dụng cụ cần thiết: bơm tiêm 5ml 01 cái, novocain 0,25% 5ml 02 ống, panh có mấu 01 chiếc, nỉa không mấu 01 chiếc, kéo cắt chỉ 01 chiếc, kim có nòng thông số 20 hoặc số 22: 05 cái (như kim chọc dò tủy sống, kim lấy máu...). Chỉ cát-gút cỡ 2/0: 01 gói hoặc ống. Nên chọn cát-gút cromic để thời gian kích thích tại huyệt lâu. Chỉ cát-gút cần cắt ngắn từng đoạn trước, mỗi đoạn 1-1,5cm, ngâm chỉ trong cồn 96 độ để tránh chỉ bị trương nở.

- Chuẩn bị bệnh nhân: bệnh nhân cần được giải thích về phương pháp chữa bệnh. Ðể bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm trong phòng kín, tránh gió lùa. Sau khi sát trùng da bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch Bondotacin cần gây tê dưới da bằng novocain 0,25% vào các huyệt định cấy chỉ để giảm đau cho bệnh nhân.

- Kỹ thuật cấy chỉ: Các huyệt định suyễn, khí suyễn, phế du, thận du, đại tràng du cấy thẳng góc hoặc xiên 45 độ, chiều dài chỉ khoảng 1cm. Huyệt chiên trung cấy dưới da, chiều dài chỉ khoảng 1-2cm. Huyệt đại trùy, bách hội cấy dưới da, chiều dài chỉ khoảng 1cm là vừa. Người già và trẻ em, do thành ngực mỏng nên cấy dưới da.
Mỗi lần cấy chỉ có thể cấy 4-6 thậm chí 8 huyệt, không nên cấy quá nhiều huyệt một lúc. Nên chọn các huyệt thuộc cả hai nhóm nói trên.
Ví dụ:
Cấy lần 1: chọn các huyệt định suyễn, khí suyễn, đản trung.
Cấy lần 2: chọn các huyệt kiên trung du, bách hội, thận du.
Cấy lần 3: chọn các huyệt phế du, đại tràng du.
Khoảng cách giữa hai lần cấy chỉ thường là 10-15 ngày. Tùy theo kết quả điều trị mà quyết định số lần cấy chỉ.

- Chú ý: sau khi cấy chỉ cát-gút phải được nằm dưới da, đầu chỉ không được thòi ra ngoài. Kim cấy chỉ là loại kim nhỏ vì vậy không nhất thiết phải băng các vết cấy chỉ. Bệnh nhân cần được dặn chỉ nên tắm sau khi cấy chỉ khoảng 3-4 giờ.

Trong quá trình cấy chỉ nếu tuân thủ đúng kỹ thuật thường không có tai biến gì. Chú ý các tai biến có thể xảy ra như đâm kim quá sâu ở các huyệt ở thành ngực có thể gây ho do kích thích màng phổi hoặc tràn khí phế mạc do đâm kim quá sâu vào màng phổi.

- Chỉ định: các thể hen phế quản đều có thể cấy chỉ được. Có thể cấy chỉ cho cả người già lẫn trẻ em.

- Chống chỉ định: bệnh nhân đang sốt cao, sau tiêm vacxin, ngay sau khi ăn no hoặc khi đang quá đói, sau khi uống rượu... Thận trọng khi bệnh nhân có tiền sử dị ứng với protein. Phụ nữ có thai không cấy chỉ các huyệt thận du, đại tràng du.

Kinh nghiệm cho thấy, đáp ứng với điều trị của bệnh nhân mỗi người mỗi khác, có những bệnh nhân đáp ứng ngay sau vài ba lần điều trị, có những bệnh nhân phải cấy chỉ nhiều lần mới đạt hiệu quả. Hen phế quản là một bệnh khó, vì vậy nếu giảm được mức độ cơn hen, giãn cách thời gian giữa hai cơn... được coi là đã có kết quả.

Vấn đề dùng thuốc kết hợp trên bệnh nhân hen phế quản như thế nào? Về mặt lý thuyết, chúng ta vẫn có thể dùng các thuốc điều trị hen phế quản cho bệnh nhân khi cần thiết. Với bệnh nhân sử dụng các thuốc corticoid có thể làm chỉ tiêu chỉ cát-gút nhanh hơn vì vậy khoảng cách giữa các đợt cấy sẽ phải rút ngắn lại cho thích hợp.

Chúng tôi quan niệm rằng cấy chỉ điều trị hen phế quản là một phương pháp chữa bệnh hay vì nhiều lý do: bệnh nhân không phải phụ thuộc vào thầy thuốc, thầy thuốc không phụ thuộc vào bệnh nhân. Hiệu quả của phương pháp này cũng có thể được sánh ngang với một số phương pháp điều trị khác. Có thể coi phương pháp này như một phương pháp điều trị kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Nguồn tin: Nguồn: Sức khoẻ và đời sống