Cháo thuốc phòng và chữa bệnh

Liệu pháp cháo thuốc để phòng và chữa bệnh đã có từ hàng nghìn năm nay. Tùy theo giới, tuổi, sinh bệnh lý từng người, từng mùa mà dùng.

Liệu pháp cháo thuốc để phòng và chữa bệnh đã có từ hàng nghìn năm nay. Tùy theo giới, tuổi, sinh bệnh lý từng người, từng mùa mà dùng. Con người và giới tự nhiên thường xuyên ảnh hưởng lẫn nhau. Mỗi mùa trong năm có thời tiết khí hậu đặc thù. Vào mùa hanh khô, bộ máy hô hấp (bao gồm cả da) bị ảnh hưởng nhiều hơn. Do đó vào mùa hanh khô, phép dưỡng sinh là dưỡng âm và nhuận phế là chính. Đông y có nhiều biện pháp để dưỡng âm và nhuận phế. Trong phạm vi bài này chúng tôi giới thiệu một số công thức nấu cháo để ăn vào buổi sáng mùa hanh khô.

Cháo thuốc.

Đơn giản nhất là cháo hoa nấu bằng gạo tẻ hoặc nếp - gạo nếp bổ nhưng khó tiêu hơn gạo tẻ. Gạo mới nhiều nhựa thơm quánh nhưng không nở nhừ và khó tiêu hơn gạo cũ. Gạo mùa ngon hơn gạo chiêm. Tùy từng trường hợp cụ thể của người dùng mà chọn gạo thích hợp. Có thể chỉ dùng một loại gạo hoặc phối hợp để chúng bổ cứu cho nhau (nửa tẻ với nửa nếp).
Gạo nào và nấu kiểu gì cũng là món ăn bổ, lành. Người xưa thường nói gạo là “ngọc thực” và “ăn gì cũng không bằng có hạt cơm vào bụng”. Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh điều đó. Cháo còn có đặc điểm ăn dễ tiêu và cung cấp thêm nước kịp thời bồi bổ tân dịch cho cơ thể. Đặc biệt đối với người mới ốm dậy, người già, yếu răng... thì cháo là món ăn dễ được tiếp nhận, vì dễ ăn hơn cơm. Nhân dân ta đã có kinh nghiệm ăn cháo đậu xanh giải nhiệt mùa hè, cháo hành tía tô giải cảm, cháo chân giò cho nhiều sữa...
Sách xưa hướng dẫn nấu cháo thuốc bằng nồi đất là tốt nhất. Nay thường dùng nồi hầm nhanh nhừ hơn nhưng tránh bị mất lớp men gây phản ứng bất lợi giữa kim loại với dược liệu.
Món cháo mùa thu có thể đơn giản chỉ là cháo hoa (chỉ có gạo) cũng đã có hiệu quả phòng bệnh, giữ sắc đẹp cho da tươi nhuận. Nếu phối hợp dược phẩm hoặc thực phẩm có công năng dưỡng âm, nhuận phế hiệu quả càng cao. Về gia vị nên hạn chế cay vì mùa thu phế đang vượng phải nhuận phế. Đường, muối có thể dùng nếu không phải kiêng kỵ. Nên dùng đường phèn hoặc đường đỏ. Sau đây là một số công thức điển hình dễ thực hiện
Cháo Vừng: Chống háo khát mùa thu. Dùng vừng đen tốt hơn vừng trắng. Cách dùng: Lấy 25-30g Vừng tán bột mịn cho vào cháo đang sôi, bớt lửa ninh cho nhừ cháo rồi ăn.
Công dụng Dưỡng âm, tư thận, bổ tỳ, ích vị, ích não tủy, chống lão hóa, bảo vệ da mềm khỏi hanh khô, làm đẹp da, bà mẹ nhiều sữa. Chúng ta đã biết giá trị của chế độ ăn dưỡng sinh gạo lức muối vừng đang ngày càng được dùng phổ biến. Chuyển công thức này sang cháo càng tốt.

 

Cháo hạt Sen: Gạo tẻ 100g, hạt Sen non hoặc già 20g bóc vỏ lụa ngoài và tâm Sen cho cùng với gạo nấu cháo. Theo Thánh Huệ Phương, dùng hạt Sen non chống lão hóa.
Công dụng: Dưỡng âm, bổ tỳ, thận, nhuận táo, chống lão hóa, đẹp nhan sắc, chống khô da. Không có hạt sen thì dùng ngó sen thái nhỏ.

 

Cháo Mía: Gạo 100g, nước Mía 100ml dùng loại Mía tươi ngon ép lấy nước. Nấu cháo nhừ, cho nước Mía đun sôi lại rồi ăn.
Công dụng: Dưỡng âm, thanh nhiệt, chỉ khát, dùng cho người ho, sốt, khát nước, táo bón. Thận trọng với người hư hàn, hay đi lỏng.

 

Cháo Mộc nhĩ: Trắng hoặc đen (trắng vào phế, đen vào thận) gạo 100g, Mộc nhĩ 10g (làm sạch thái chỉ) nấu gạo lửa to cho sôi rồi cho mộc nhĩ vào hạ lửa nhỏ cho cháo chín nhừ. Đường hoặc muối tùy thích cho vào cháo để sôi lại rồi nhắc ra ăn.
Công dụng: Tư âm, nhuận phế, chữa ho, cầm máu, kỵ phong hàn.

 

Cháo Lê: Lê khoảng 5g thái nhỏ. Nấu cháo nhừ xong cho Lê vào nấu sôi lại là ăn được. Hoặc cháo sôi cho Lê vào bớt lửa ninh nhừ cả hai.
Công dụng: Dưỡng âm, nhuận phế. Dùng cho người bị các chứng ho, khô nóng rát họng, khản tiếng. Thích hợp với người hát, nói nhiều...

 

Cháo Mật ong: Gạo 100g, Mật ong 10-15g, nấu cháo nhừ rồi cho Mật ong vào đun sôi lại là ăn được.
Công dụng: Dưỡng âm nhuận phế, nhuận tràng, bổ ngũ tạng, ích khí huyết, giảm ho, cầm máu.

 

Cháo gà chân đen (ngũ trảo) gà và gạo tùy ý dùng: Gà luộc như thường làm, lấy nước, xé thịt. Có thể lấy cả xương giã riêng đập dập lọc lấy nước (cẩn thận kẻo sót xương gây hóc) nấu với gạo cho nhừ.
Công dụng: Dưỡng âm, bổ khí huyết. Dùng tốt cho người âm hư gầy yếu, đau mỏi xương khớp, phụ nữ khí hư bạch đới, nam giới di tinh, người già ù tai, nặng tai...

Nguồn tin: (health.vnn.vn)