ANH ĐÀO 櫻 桃
- Thứ tư - 02/03/2011 09:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ANH ĐÀO 櫻 桃
Prunus pseudo cerasus Lindl.
Xuất xứ : Biệt Lục.
Tên khác : Anh Châu, Chu Đào, Kinh Đào, Lạp Anh, Tử Anh ( Bản Thảo Cương Mục), Hàm Đào ( Nguyệt Lệnh), Nhai Mật ( Tôn Viên Chú Giải), Sơn Anh ( Nhật Bản).
Tên khoa học : Prunus pseudo cerasus Lindl.
Họ khoa học : Hoa Hồng (Rosaceae).
Mô tả : Loại cây to, cây ăn quả, cao đến 2,5m. Lá hình bầu dục, mượt, mép khía răng cưa, mặt sau cành lá non phủ khít lông mịn. Hoa nở vào mùa Xuân, Hạ, hoa mầu trắng, sau khi kết trái thì nhỏ như quả cầu, lúc chín có mầu đỏ, thường dễ bị sâu sau khi mưa xuống. Quả ăn được, có thể dùng làm thuốc.
Phần dùng làm thuốc :
. Dùng cành gọi là Anh Đào Chi.
. Dùng hoa gọi là Anh Đào Hoa.
. Dùng hạt gọi là Anh Đào Hạch.
. Dùng chất nước trong cây gọi là Anh Đào Thủy.
. Dùng lá gọi là Anh Đàøo Diệp.
. Dùng rễ gọi là Anh Đào Căn.
Thành phần hóa học : Trong Anh Đào có Genkwanin, Sakuranetin.
Tính vị :
+ Vị ngọt (Biệt Lục).
+ Vị ngọt, tính bình, không độc ( Thực Tích Bản Thảo).
+ Vị ngọt, sáp, nhiệt, không độc (Bản Thảo Cương Mục).
+ Vị ngọt, tính nóng, sáp, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Vị ngọt, tính ấm (Trung Dược Đại Từ Điển).
Tác dụng, chủ trị :
+ Điều trung, ích Tỳ khí, dưỡng sắc đẹp (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Ích khí, khứ phong thấp. Trị liệt nửa người, tay chân tê dại, lưng đau do phong thấp (Trung Dược Đại Từ Điển).
. Anh đào chi : trị tàn nhang ( dùng chung với Tử Bình, Nha Tạo, Ô Mai Nhục nấu lấy nước rửa mặt).
. Anh đào hoa : trị những nốt sần sùi, đen trên da mặt ( nấu lấy nước rửa).
. Anh đào căn ( chọn loại rễ ở hướng Đông) : trị sán sơ mít ( sắc uống).
. Anh đào diệp : giã lấy nước uống còn bã đắp , trị rắn cắn.
. Anh đào thủy : trị sởi không mọc ra được.
Liều dùng : 8~12g. Dùng ngoài tùy ý.
Tham khảo :
+ Ăn Anh đào nhiều tuy không có hại nhưng sinh ra hư nhiệt, người đang có phong bên trong không được dùng, nếu dùng sẽ sinh ra phong ngay ( Thực Liệu Bản Thảo)
+ Anh đào làm tổn thương gân cốt, bại khí huyết, người có bệnh sốt rét không được dùng ( Bản Thảo Nguyên Thủy).