CẦN LÀM CHO MỌI NGƯỜI HIỂU ĐÚNG VỀ ĐÔNG Y

PGS-TS Nguyễn Thị Bay

PGS-TS Nguyễn Thị Bay

PGS-TS Nguyễn Thị Bay, Trưởng bộ môn Bệnh học – Khoa y học cổ truyền – ĐH Y Dược TP.HCM, đã có hơn 30 năm trăn trở nghiên cứu và giảng dạy về Đông y, vượt qua sự nông nổi của tuổi trẻ, để trở thành người thầy thuốc gắn bó, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển của y học cổ truyền. Với cái nhìn của một thầy thuốc hiểu biết, được đào tạo từ nền tảng y học hiện đại, những chia sẻ của bà làm sáng tỏ hơn những góc nhìn thú vị về Đông y.
*Được biết ngày còn trẻ, là sinh viên y khoa, bà mê Tây y nên đã rất quyết liệt tìm cách “bỏ chạy” khi được phân công sang Đông y? 

- Đó là câu chuyện dài. Khi là sinh viên y khoa, từ lúc bắt đầu được vào bệnh viện thực hành, tôi đã “mê” trở thành bác sĩ phẫu thuật vì khả năng giải quyết dứt điểm ngay căn bệnh quá thuyết phục. Đến cuối năm thứ năm, tôi đăng ký chuyên khoa vào ba nguyện vọng: Phẫu nhi, Nội nhi và Sinh lý bệnh. Vậy mà cuối cùng bất ngờ “bị” đẩy qua Đông y.
 
Tôi phản ứng dữ dội, nên bị kiểm điểm là đoàn viên thiếu gương mẫu, không còn đủ tiêu chuẩn Hồng và Chuyên để thi vào nội trú, không được học ngành yêu thích. Là một lớp phó học tập, một sinh viên trẻ, đầy mơ ước, đó là cú sụp đổ lớn.

*Vì sao học Đông y lúc đó lại kinh khủng vậy? 

- Thời đó, ở miền NamĐông y chưa có điều kiện phát triển, còn tự phát, không được xã hội đánh giá cao. Trong gia đình, người thân cho rằng học kém mới phải đi Đông y. Bản thân tâm lý tuổi trẻ muốn học và được tiếp cận với nền y học tiên tiến, được ứng dụng các kỹ thuật khoa học cao để cứu người - giúp đời. Hoài bão cao vời vợi lại phải đối diện với cảnh chân đất hái thuốc, lỉnh kỉnh những sao tẩm chế biến giản đơn, như đi lùi về hàng chục thế kỷ trước… 

*Rồi cô sinh viên trẻ Nguyễn Thị Bay chạy trốn tiếp tục như thế nào? 

- Phải về Đông y, nhưng tôi không cam phận, mà cố gắng xin và được thầy trưởng bộ môn cho làm đề tài “Nghiên cứu tác dụng giảm đau - chống viêm của rượu thấp khớp trên bệnh viêm khớp dạng thấp” tại khoa Tim mạch - Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy và thi lấy bằng bác sĩ bằng đề tài này. Vậy là đã theo cái nghiệp Đông y rồi. Mặc dù đề tài được giải A của Thành đoàn, nhưng khi tôi lên báo cáo, đám bạn ngồi dưới gõ bàn ý như chọc tôi đang quảng cáo Sơn Đông mãi võ. 

Rồi tôi trải qua nhiều công việc, làm dược lý thực nghiệm trên động vật, đi học sơ bộ chuyên khoa Dược lý, được phân công giảng dạy sinh viên năm 4-5 Y đa khoa, ngồi phòng khám - khám bệnh với thầy Nguyễn Văn Hưởng, tiếp tục cùng một số đồng nghiệp trong bộ môn sang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy để xây dựng khoa Đông y. Việc này khi ấy thất bại vì bệnh nhân vào Chợ Rẫy là muốn được điều trị Tây y, nhưng chúng tôi cũng có cơ hội được làm việc, học tập, rèn luyện điều trị nội khoa như một bác sĩ đa khoa. 

Sau đó, tôi trở về bộ môn Đông Y, về Viện Y Dược học dân tộc và Trường Tuệ Tĩnh 2 để giảng dạy. Tôi xin GS Bùi Chí Hiếu là Trưởng bộ môn cũng là Viện phó Viện Y Dược học dân tộc thành lập nhóm nghiên cứu Kinh dịch và xung phong làm thư ký, thành lập nhóm nghiên cứu lâm sàng…Mãi đến cuối những năm 1990 tôi mới ổn định hẳn. 

*Chắc trải qua nhiều công việc như vậy, bà mới tìm được tình yêu với nghề?
- Cũng chưa hẳn vậy. Năm 1994, tôi được học bổng qua Nhật làm thực tập sinh Dược lý thực nghiệm. Tôi học dược lý, thực hiện đề tài nghiên cứu thuốc y học cổ truyền (YHCT) trên các mô hình bệnh lý ở động vật thí nghiệm. Chính lúc này tôi mới thực sự nhận ra hết những cái hay của Đông y và hối tiếc cho thời gian đã qua… 

* Chuyến đi học ở Nhật có gì đặc biệt khiến bà nhận ra điều mà bao năm trong nước lăn lộn vẫn chưa nhận ra về Đông y?

- Thực ra, đây chỉ là thời gian tôi được suy nghĩ độc lập nhiều nhất, suy nghiệm lại bản thân cộng với điều kiện làm việc tốt, cảm nhận được sự phát triển Đông y ở các nước, sự cần thiết của Đông y trong điều trị và phòng bệnh. 

Một điều nữa là trong sự thiếu may mắn không được học đúng chuyên khoa mình yêu thích, tôi lại được dạy học. Làm cô giáo là nghề nghiệp có trong ước mơ thời thơ ấu của tôi. Những buổi lên lớp, nhận được những tình cảm chân thực từ sinh viên, học viên lương y, nhìn họ khao khát hiểu biết Đông y trong khi mình cứ muốn quay lưng chối bỏ…, tôi dần thay đổi. 

Ở Nhật, ngồi cô đơn trong thư viện, đọc lại những tác phẩm kinh điển của Đông y như Nội kinh, Thương hàn luận một cách nghiêm túc, trong thí nghiệm ngồi quan sát bệnh phẩm, cân đong đo đếm từng giọt nước tiểu, từng thành phần trong mẫu máu…, tôi suy tưởng lại vấn đề của mình. 

Tôi gặp rất nhiều bác sĩ từ khắp nơi như Nepal, Thái Lan, Trung Quốc, các nước Trung Đông đến học tập, nghiên cứu. Họ cũng như tôi, là bác sĩ điều trị bệnh tại nước họ, nhưng khác là họ đi học nghiên cứu sinh, có giai đoạn vào phòng thí nghiệm làm nghiên cứu, học các kỹ thuật về dược lý thực nghiệm. Họ trao đổi kinh nghiệm làm việc, viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, không khí làm việc say mê, tận tụy… 

Khi rảnh, tôi đến thăm các bệnh viện ở Nhật, thấy họ không có sự phân biệt nào với Đông y. Một bệnh nhân đeo toòng teng chai dịch truyền thuốc Tây vẫn hằng ngày uống thuốc Đông y. Người bệnh hoàn toàn tin tưởng, bác sĩ Tây y chỉ định các thuốc Đông y,… không phân biệt gì cả. Tôi nhìn lại mình, cứ trốn chạy nghề, mơ Tây y. Tôi tiếc mình sao không sớm nhìn ra được giá trị thật của YHCT, không sống đúng với công việc của mình. 

*Đến bây giờ, bà đã nhận ra sự huyền ảo, quyến rũ của Đông y. Vậy theo bà, sức mạnh của Đông y là gì? 

- Đó là khoa học thật sự, dù vẫn còn hoang sơ… Đông y là một ngành học như Tây y, chứ không chỉ là một chuyên khoa lẻ như nhiều người quan niệm. Có đầy đủ các chuyên khoa Nội, Ngoại, Phụ, Nhi, Ngũ quan Đông y, có cơ sở lý luận về sức khỏe, bệnh tật, chẩn đoán, điều trị... dựa trên học thuyết triết học Đông phương. Ngôn ngữ về học thuật về bệnh danh khác với Tây y, nhưng có cơ sở khoa học riêng.

Chúng ta cũng biết rằng, từ những năm 1930, ngành hóa dược phát triển, y học đã nhận biết sở dĩ thuốc YHCT có tác dụng điều trị là vì mỗi dược liệu đều có chứa những thành phần hợp chất hóa học nhất định.

Cũng vậy, nhiều công trình đã chứng minh châm cứu có tác động làm cho cơ thể tiết ra các chất như endorphin, morphin giúp giảm đau, epinephrin giúp giãn phế quản, cortison giúp chống viêm, oxytocin giúp kích cơn co tử cung, v.v... Các công trình nghiên cứu về dược liệu về thuốc YHCT ghi nhận các tác dụng chống các gốc tự do (các gốc tự do này gây viêm, gây lão hóa nhanh tế bào), tác dụng kháng sinh, chống viêm, giảm đau, giãn phế quản,… 

*Hơn thế nữa, khi đối diện với người bệnh giai đoạn cuối, không còn phương pháp nào điều trị nữa, trả về gia đình, thì Đông y sẽ là giải pháp tốt. Thí dụ trong bệnh xơ gan mất bù, Tây y sẽ làm gì ngoài giải quyết triệu chứng? 

- Đông y có thể giúp được, thuốc và một số phương pháp YHCT giúp duy trì và phục hồi một số tế bào gan còn lại để tiếp tục đảm nhiệm chức năng của mình trong cơ thể. Chúng tôi đang đúc kết hiệu quả điều trị một số bệnh mạn tính trên các chuẩn mực đo đạc khoa học để có thể công bố, qua đó giúp cho chất lượng sống của người bệnh và hỗ trợ cho điều trị hiệu quả hơn. 

Như vậy Đông y chỉ có thể hỗ trợ cho điều trị chứ không thể điều trị độc lập? Không hẳn vậy, Đông y vừa có thể hỗ trợ Tây y, vừa có thể điều trị độc lập. Như đối với các bệnh khó, bệnh ác tính, cần có những giải pháp trúng đích như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị trong ung thư, nhưng các phương pháp này đều gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi, cũng như bệnh làm cho cơ thể suy sụp, thì sử dụng Đông y trong trường hợp này là hỗ trợ, giúp giải quyết những tác dụng phụ của thuốc Tây đồng thời bổ dưỡng cho cơ thể người bệnh. 

Một số trường hợp bệnh thông thường, bệnh mạn tính vẫn có thể chỉ dùng Đông y điều trị, có thể giải quyết độc lập. Thí dụ viêm phế quản, Đông y vẫn có kháng sinh thực vật, có kháng viêm, có thuốc giảm ho… đầy đủ như một phác đồ điều trị của Tây y. Hay viêm loét dạ dày tá tràng ngay cả khi có HP+, thuốc và các phương pháp không dùng thuốc của Đông y vẫn có thể giải quyết được đúng yêu cầu của nguyên tắc điều trị theo Tây y. 

*Thực tế nhiều người dân yêu thích chữa bằng Đông y, nhưng Đông y lại kém phát triển, không chiếm lĩnh trận địa khám chữa bệnh, để cho các loại chữa bệnh mê tín dị đoan có đất sống. Bà có nghĩ vậy không? 

Không phải Đông y kém phát triển, mà do nhận thức của người dân. Khu vườn lạ Long An chẳng hạn. Tôi có tham gia nghiên cứu đề tài này của Bộ về khía cạnh y tế. Có nhiều người bệnh đến đó rồi về vẫn chết, nhưng không ai thông tin, mà chỉ đồn thổi những điều hoang đường. Từ Hà Nội đến Cà Mau đều đổ về, biến cái làng thành một thứ đô thị dịch vụ. Nhiều nơi khác còn chữa bệnh bằng nước lã, đánh đập… vẫn có người tìm đến. 

Điều này nói lên sự đáp ứng chữa bệnh của các cơ sở y tế chưa tốt, y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đủ, và cũng nói lên vấn đề nhận thức của người dân còn yếu kém. Có lỗi của cả ngành y tế lẫn giáo dục, văn hóa - thông tin. 

* Nhưng phải công nhận rằng bây giờ truyền thông y tế phát triển khá ồ ạt. Bà có thấy, mở tivi, báo chí ra có bao nhiêu kênh nói về thuốc men, bệnh tật, thậm chí có người nói đời sống đang bị y khoa hóa? 

- Tôi thấy chứ. Nhiều nhưng vẫn thiếu. Nhu cầu được hiểu biết là một nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là về sức khỏe. Nên có các chương trình truyền thông y tế mang tính giáo dục cho dân, không chỉ đơn thuần thương mại, mà cần sự hợp tác của các trường đại học y, có tổ chức và phi lợi nhuận, phát sóng vào những giờ vàng. 

* Vậy theo bà phải làm thế nào mới đúng? 

- Cần làm cho mọi người hiểu đúng về Đông y, về các phương pháp tác động chăm sóc và điều trị của Đông y, như cách sống như thế nào để giữ cho Tinh, Khí, Thần, Huyết dịch trong cơ thể ổn định - quân bình cả lúc thường lẫn lúc có bệnh; thức ăn và cách ăn thế nào; cách tập luyện phù hợp với tuổi tác; xoa bóp bấm huyệt, nồi xông cháo cảm và đến sử dụng thuốc cây cỏ như thế nào để điều trị hoặc phòng bệnh, v.v… 

* Nhưng thuốc Đông y bây giờ cũng do nhiều hãng thuốc Tây sản xuất. Lực lượng chuyên nghiệp của Đông y đâu rồi? 

- Theo tôi, về đào tạo, chúng ta đang thiếu lực lượng dược sĩ YHCT, mặc dù chương trình đào tạo dược sĩ Tây y cũng có phần học về dược liệu, về bào chế thuốc v.v... nhưng một học phần nhỏ trong chương trình dược Tây y chưa đủ để những dược sĩ ra trường toàn tâm toàn ý cho bào chế sản xuất Đông dược, nếu có vẫn là Tây y hóa Đông y. 

*Vì sao Đông y có quãng phát triển khá dài mà các thầy thuốc cũng còn ít tin tưởng và áp dụng nó trong công việc chữa bệnh của mình?

Vì có quá ít các thuốc thành phẩm YHCT, chúng tôi hay nói là thiếu vũ khí cho thầy thuốc dễ dàng sử dụng. Một bác sĩ YHCT mới ra trường, sau sáu năm học, họ còn thiếu kinh nghiệm trong việc phối hợp các dược liệu cấu tạo thang thuốc, còn thuốc thành phẩm thì chưa nhiều, họ đành sử dụng sở đoản là dùng thuốc Tây thay vì sở trường của chuyên khoa mình. 

Còn phía các thầy thuốc y học hiện đại, họ chưa có đủ thông tin về các thành phẩm YHCT đã có. Có mâu thuẫn không khi ta thấy ngoài thị trường hằng ngày trên các phương tiện truyền thông quảng cáo rất nhiều sản phẩm thuốc Đông y, thuốc có nguồn gốc từ thảo dược v.v..., vậy sao lại nói thiếu? 

Thiếu ở đây là thiếu những thuốc được sản xuất thông qua các công trình nghiên cứu quy mô và nghiêm túc, mà nghiên cứu cơ bản kiểu này mức đầu tư rất lớn, nên rất khó khăn… Một điều không kém phần quan trọng là thuốc Đông y còn quá đắt tiền, ngoài bộ phận được khám và do bảo hiểm chi trả, số đông người bệnh phải cân nhắc lựa chọn thuốc phù hợp với túi tiền, thầy thuốc phải cân nhắc để còn giữ bệnh nhân… 

Như một người bệnh bị tăng huyết áp, kèm theo tăng mỡ máu, nếu dùng thuốc Tây có thể chỉ tốn từ 15-20 ngàn đồng mỗi ngày, còn một thang thuốc điều trị bệnh cảnh này có thể từ 60-80 ngàn đồng mỗi ngày. Dĩ nhiên sự so sánh này là khập khiễng, nhưng nếu chỉ xét trên khía cạnh tài chính thì đây là vấn đề mà các nhà quản lý về y dược học cổ truyền phải quan tâm.

*Có cách nào cho các bác sĩ trẻ chú ý điều trị bệnh nhân kết hợp với Đông y?

Thật ra, bác sĩ bây giờ vẫn còn “thiếu vũ khí”, tức là thiếu thuốc thành phẩm Đông y đặc trị mà vẫn phải dùng thuốc thang là chính. Để có thể cấu tạo một thang thuốc, phối hợp dược liệu như thế nào để tránh tương tác thuốc, cần phải có kinh nghiệm, người thầy thuốc phải hiểu và giỏi nghề. 

Qua quá trình đào tạo, các bác sĩ đã được trang bị kiến thức để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, nay chỉ cần thời gian, với sự tận tâm tự đào tạo và lòng yêu nghề, các bác sĩ trẻ sẽ nhanh chóng có đủ bản lĩnh với nghề nghiệp. 

* Một loại thuốc Tây bao giờ cũng có đầy đủ thành phần, hàm lượng và các chỉ định rõ ràng, vậy đâu là cơ sở khoa học để tin cậy đối với một thang thuốc Đông y? Bà có thể nói đơn giản nhất để nhiều người có thể hiểu được? 

- Để có cơ sở khoa học tin cậy một thang thuốc Đông y còn là điều khó, ngoại trừ niềm tin vào người thầy thuốc kê đơn, nói như vậy không có nghĩa là thuốc thang không có cơ sở khoa học, mà bởi vì cơ sở khoa học mỗi thang thuốc dựa trên lý luận triết học Đông phương, mỗi dược liệu trong thang thuốc cũng có liều lượng số gam, mỗi dược liệu được thầy thuốc cân nhắc cấu tạo theo Quân, Thần, Tá, Sứ (Quân dược là vị thuốc chính nhằm điều trị bệnh chính, vị Thần nhằm hỗ trợ làm tăng tác dụng của vị quân, Tá là dược liệu nhằm vào triệu chứng phụ kèm theo bệnh chính hoặc giải quyết các tác dụng phụ có hại của các vị thuốc chính, vị Sứ có tác dụng điều hòa các vị thuốc trong thang thuốc và đưa thuốc đến mô đích). Để kiểm nghiệm các thành phần của thang thuốc hiện nay vẫn có thể thực hiện được tại viện kiểm nghiệm, trường dược, v.v… 

Còn căn cứ để chẩn đoán bệnh trong Đông y, chỉ cần bắt mạch, có chính xác không? Bắt mạch là một trong bốn phương pháp chẩn đoán của Đông y (Vọng, Văn, Vấn, Thiết), ngày nay các thầy thuốc YHCT chẩn đoán bệnh phải thực hiện đầy đủ các bước khám bệnh như các thầy thuốc đa khoa Tây y, đồng thời khám theo YHCT trong đó có bắt mạch. 

Theo Đông y, mạch là biểu hiện của hoạt động Khí và Huyết và hoạt động của các chức năng Tạng phủ bên trong cơ thể, người thầy thuốc giỏi có thể dựa trên mạch để đánh giá và tiên lượng diễn biến của bệnh. Vì vậy, dù trước đây hay hiện nay, bắt mạch chỉ góp phần phối hợp chẩn đoán và tiên lượng bệnh. 

* Nếu để Đông y phát triển tốt hơn nữa, theo bà cần phải làm gì?

- Ở tầm vĩ mô, chính sách quốc gia về YHCT phải được tiếp tục (năm 2010 là nhắm vào đào tạo cung cấp nguồn nhân lực thầy thuốc YHCT và phát triển YHCT trong chăm sóc sức khỏe ban đầu). Phải tiếp tục nghiên cứu và sản xuất các thuốc thường dùng, thuốc đặc trị, bác sĩ phải có đủ vũ khí. 

Cũng cần phải quan tâm đến tăng cường nuôi trồng cây con thuốc trong nước, chủ động được nguồn dược liệu thì giá thành mới ổn định và phù hợp với thu nhập bình quân của người dân. Rất cần đào tạo dược sĩ YHCT. 

*Còn về khía cạnh phát triển khoa học thì sao, thưa bà?

- Về khoa học, phải tập hợp lại. Đông y bề rộng phát triển nhiều, nhưng chưa có bề sâu. Phải xem xét trước mắt hai việc: Thống nhất được thuật ngữ Đông y và nghiên cứu khoa học Đông y. Về thuật ngữ Đông y, phải có hội thảo khoa học lớn, cần tiêu chuẩn hóa được chẩn đoán YHCT, giúp được người học, người nghiên cứu khoa học tiếp cận dễ dàng hơn.
Về nghiên cứu khoa học, đây là việc làm tối cấp thiết để phát triển Đông y, vấn đề ở đây là tài chính, bởi nghiên cứu khoa học rất tốn kém. 

* Bà viết nhiều sách giáo khoa và nghiên cứu Đông y, tham gia nhiều ban chấp hành các hội về Đông y, vậy bà có thể kể một số người làm Đông y của nước ta hiện nay, có những tên tuổi nổi tiếng như kiểu Tôn Thất Tùng hoặc các tên tuổi chuyên khoa đầu ngành như bên Tây y không? 

- Cũng có thể so sánh, nhưng hơi khập khiễng, vì một bên để lại cho khoa học một phương pháp, một kỹ thuật y khoa, rất sâu, còn một bên là sách vở, phổ biến kiến thức, hệ thống hóa các kinh nghiệm người xưa… Những thầy thuốc YHCT tên tuổi của Việt Nam trong vòng 50 năm trở lại đây có thể kể: GS Đỗ Tất Lợi, BS Nguyễn Văn Hưởng, GS Bùi Chí Hiếu, GS Hoàng Bảo Châu, GS Trần Thúy, GS Nguyễn Tài Thu, GS Trần Văn Kỳ, Lương y Lê Quý Ngưu, Lương y Nguyễn Trung Hòa, Lương y Trần Khiết… 

*Trong tủ thuốc gia đình về Đông y, bà khuyên nên có trữ những gì? 

- Dầu gió để đánh gió khi cảm. Rượu xoa bóp dành cho người có tuổi. Gừng tươi hoặc khô dành để ngậm khi buồn nôn hoặc ho, uống với trà nóng để cầm tiêu chảy. Hoa cúc nấu trà uống để giải độc, sáng mắt. Lá dâu, lạc tiên để nấu nước uống thay trà giải quyết vấn đề giấc ngủ… Đó là các loại thông dụng, còn thuốc phải có chỉ định của thầy thuốc, không nên tự dùng. 

* Xin cảm ơn bà.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Hải DOANH NHÂN SÀI GÒN