23:15 ICT Thứ tư, 15/01/2025

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Bệnh học » XEM THEO VẦN » BỆNH VẦN D

Liên hệ

ĐIÊN

Thứ tư - 22/06/2011 09:54
Bệnh này đã được giới thiệu trong sách ‘Nội Kinh’. Thiên ‘Điên Cuồng’ (Linh Khu 72) viết: “Chứng Điên tật lúc mới bắt đầu sinh ra, trước hết làm cho bệnh nhân không vui,

ĐIÊN

         

Gặp nhiều nơi thanh và tráng niên, gần đây nhỏ tuổi cũng thấy bị bệnh này.

Bệnh này đã được giới thiệu trong sách ‘Nội Kinh’. Thiên ‘Điên Cuồng’ (Linh Khu 72) viết: “Chứng Điên tật lúc mới bắt đầu sinh ra, trước hết làm cho bệnh nhân không vui, đầu bị nặng và đau nhức, mắt đỏ, nếu bệnh phát lên đến cực rồi giảm (dứt), sau đó bị phiền Tâm”. Về điều trị, thiên này cũng nhấn mạnh: “Phép trị bệnh điên tật, (người thầy thuốc) phải thường ở bên cạnh (người bệnh) để quan sát những nơi cần thủ huyệt để chữa”.

Thiên ‘Chí Chân Yếu Đại Luận’ (Tố Vấn 74) viết : “Các chứng táo cuồng dại đều thuộc về hỏa”.

Thiên ‘Mạch Giải’ (Tố Vấn 49) viết: “Dương khí bốc lên cả trên, mà Âm khí đành trơ trọi ở dưới. Dưới hư trên thực, nên mới sinh ra cuồng và điên, như vậy” và “Bệnh đến thời muốn lên cao mà hát, cởi bỏ áo mà chạy...” đó là vì âm dương lại tranh giành nhau rồi dồn cả ra phần dương ở bên ngoài, nên mới gây thành chứng trạng như vậy”.

Nan thứ 20 (Nan Kinh) viết: “Khi bị “trùng Âm” thì bệnh điên”.

Sách ‘Chứng Trị Chuẩn Thằng – Điên Cuồng Giản Tổng Luận’ nhận định: “Chứng điên hoặc cuồng hoặc trầm tư hoặc ca hát hoặc cười hoặc buồn hoặc khóc, như say, như ngốc, nói bậy có đầu không đuôi, quen lạ không biết, kéo dài lâu tháng lâu năm không khỏi”.

Y học hiện đại xếp vào loại bệnh Tinh Thần Phân Liệt, bệnh Tâm Thần, bệnh Rối Loạn Tâm thần do tổn thương não…

Tương ứng với thể trầm cảm, hoang tưởng và ảo giác của thể trầm cảm, thể mạn tính.

 

Nguyên Nhân

Bệnh thường gặp nơi người:

+ Thần Chí Bị Tổn Thương: Đa số do buồn bực, tức giận uất ức không giải được khiến cho Can không sơ tiết được, khí cơ không thông, tâm thần hoảng loạn gây nên. Hoặc do Can khí uất kết không giải, đờm thấp sinh ra ở bên trong hoặc Can uất hóa hỏa thì đờm hỏa nghịch lên, tâm thần bị tổn thương gây nên bệnh. cũng có thể do tức giận quá, khí cơ bị ngăn trở huyết không vận hành được hoặc do đờm ứ kết, không thăng giáng được, âm dương không điều hòa, tinh thần không quản lý được gây nên bệnh.

+ Đờm Khí Uất Kết: Suy nghĩ thái qúa, ước nguyện không thỏa mãn được, Tâm khí uất ức, Tỳ khí không phát, đờm khí uất kết bốc lên thanh khiếu, che lấp tâm thần khiến cho thần chí hỗn loạn gây nên bệnh. Bệnh kéo dài sẽ làm cho tâm huyết bị hao tổn, Tỳ mất chức năng sinh hóa, Tâm Tỳ đều hư yếu, huyết  không nuôi dưỡng cho tâm, hoặc do uống thuốc  làm cho trung châu bị tổn thương, trung dương hư yếu, thần minh không được nuôi dưỡng gây nên bệnh.

+ Do Di Truyền: Tức là nhiễm độc từ trong thai như quá kinh sợ  làm cho thai khí bị ảnh hưởng, mất chức năng thăng giáng, âm dương mất quân bình khiến cho tiên thiên không đủ, não và thần bị hư tổn, sau khi sinh ra, khí cơ bị nghịch loạn , thần cơ hỗn loạn gây nên bệnh.

Sách  ‘Chẩn Đoán Tật Bệnh Châm Cứu Trị Liệu Khái Yếu’ nêu lên một số nguyên nhân như: Tâm khí hư, Đờm nhiệt thịnh, kinh sợ, Giận dữ, Khí huyết không đủ, Đờm ngưng nơi bào lạc, Tư lự quá, Tâm kinh có nhiệt uất, Âm hư, Thần hư.

 

Triệu Chứng

Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:

+ Can Khí Uất Kết: Tinh thần uất ức, tình chí không thoải mái, trầm mặc, ít nói, hay giận vô cớ, thỉnh thoảng thở dài,  ngực sườn đầy tức, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch Huyền.

Điều trị: Sơ Can giải uất, hành khí đạo trệ. Dùng bài Sài Hồ Sơ Can Tán gia giảm. (Sài hồ, Chỉ xác, Hương phụ, Hậu phác sơ Can, lý khí, giải uất; Bạch thược nhu Can, Xương bồ, Viễn chí, Uất kim để khai Tâm khiếu).

+ Đờm Khí Uất Kết: Tinh thần uất ức, vui buồn thất thường, lúc cười lúc khóc, không muốn ăn uống, không biết sạch bẩn, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch Huyền  Hoạt hoặc Huyền Hoạt.

Điều trị: Lý khí, giải uất, hóa đờm, khai khiếu, tỉnh thần.  Dùng bài:

. Ôn Đởm Thang gia giảm: Bán hạ, Trần bì, Chỉ thực đều 8g, Phục linh 12g, Cam thảo, Trúc nhự đều 6g, Sinh khương 2g. Sắc uống

Ngực sườn đầy tức thêm Hương phụ, Uất kim đều 8g. Ý thức mơ hồ thêm Xương bồ, Viễn chí đều 8g. Mất ngủ thêm Toan táo nhân 20g. Bứùt rứt không yên thêm Hoàng liên 8g

. Thuận Khí Hóa Đờm Thang: Phục thần 12g, Bán hạ (chế Gừng), Trúc lịch, Hương phụ, Uất kim đều 8g, Trần bì, Nam tinh (chế), Viễn chí đều 6g. Sắc uống (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

. Thuận Khí Đạo  Đờm Thang (Nghiệm Phương)..

(Trong bài dùng Nhị Trần Thang  là thuốc của kinh túc Thái âm và túc Dương minh; Bán hạ vị cay, ôn, thể hoạt, tính táo để hành thủy, lợi đờm, làm quân; Đờm do khí bị trệ, khí thuận thì đờm sẽ giáng, vì vậy, dùng Quất hồng để lợi khí. Đờm do thấp sinh ra, thấp bị khứ thì đờm sẽ tiêu đi, vì vậy dùng Phục linh để kiện Tỳ , thấm thấp, làm thần; Thêm Đởm tinh,  Chỉ thực gọi là Đạo ĐờmThang làm tá để trị đờm kết lâu ngày. Nếu chỉ dùng bài Nhị Trần Thang, không đủ sức để trừ, vì vậy dùng Đởm tinh để hỗ trợ cho Bán hạ và Chỉ thực, giúp quét sạch đờm kết lâu ngày; Ngoài ra thêm Hương phụ, Mộc hương để thuận khí giải uất làm sứ).

Có thể thêm Uất kim, Xương bồ để tăng cường khả năng lý khí, giải uất, tỉnh thần.  Thêm Thương truật để hỗ trợ Hương phụ khiến cho khí cơ được thông sướng, đờm khí tự tiêu, khiếu được tuyên thông, thần quay trở lại thì bệnh sẽ khỏi.

+ Tâm Tỳ Đều Hư: Bệnh kéo dài, hồi hộp, sợ hãi, không vui, dễ khóc, không biết đói, tinh thần và trí nhớ giảm, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Tế  Nhược.

Điều trị:

. Kiện Tỳ, an thần, bổ Tâm Tỳ (ích huyết) (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

Dùng bài: Thất Vị Ẩm gia giảm: Đảng sâm 16g, Phục thần, Mạch môn, Thiên môn, Huyền sâm, Câu đằng đều 12g, Bối mẫu, Xương bồ, Đởm tinh, Viễn chí, liên kiều đều 8g, Thần sa 0,6g. Sắc uống (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

. Điều tiết khí cơ, kiện Tỳ dưỡng Tâm dùng bài Dưỡng Tâm Thang uống chung với Việt Cúc Hoàn.

(Dùng Việt Cúc Hoàn để điều tiết khí cơ,  làm cho khí huyết được thông,  dựa theo ý ‘Khí huyết lưu thông tức là bổ’. Bài Dưỡng Tâm Thang có tác dụng kiện Tỳ,, dưỡng Tâm, an thần, dùng Nhân sâm, Hoàng kỳ, Cam thảo để bổ Tỳ khí; Xuyên khung, Đương quy dưỡng Tâm huyết; Phục linh,Viễn chí, Bá tử nhân, Toan táo nhân, Ngũ vị tử để ninh Tâm, an thần, làm cho Nhục quế dẫn thuốc đi vào kinh Tâm,  để hỗ trợ tác dụng dưỡng Tâm, an thần).

Cũng có thể dùng Việt Cúc Hoàn  để thư khí cơ, hợp với Ôn Đởm Thang để điều hòa Tâm và Đởm, làm cho âm dương điều hòa, khí huyết được lưu thông, hư được bổ thì bệnh sẽ khỏi (Trung Y Nội Khoa Học).

+ Khí Âm Đều Hư: Bệnh trị lâu ngày không khỏi, thần trí hoảng sợ, nói nhiều, sợ sệt, tâm phiền, thường hay tức giận, nóng nẩy, không ngủ được, mặt đỏ, cơ thể gầy ốm. Miệng lưỡi khô, lưỡi đỏ, ít rêu hoặc không rêu, mạch Trầm Tế mà Sác.

Điều trị: Ích khí, dưỡng âm. Dùng bài Tứ Quân Tử Thang uống với bài Đại Bổ Âm Hoàn.

(Tứ Quân Tử Thang bổ trung, kiện Tỳ, ích khí, khí thuộc dương, dương sinh âm trưởng, âm hư được dưỡng thì hỏa vượng sẽ tự giáng xuống. Bệnh lâu ngày làm tổn hại Thận, âm hư hỏa vượng, vì vậy dùng Đại Bổ Âm Hoàn, lấy Hoàng bá (tẩm muối), Tri mẫu (tẩm muối), Thục địa (chưng rượu), Quy bản, Trư tích tủy (tủy sống con heo), trộn với mật làm thành hoàn, uống với nước pha muối loãng, là thuốc của túc Thiếu âm. Bốn vị này có tác dụng tư âm, bổ Thận. Bổ thủy thì hỏa sẽ giáng xuống. Nghĩa là dùng tráng thủy làm chính để ức chế dương quang. Thêm Trư tích tủy để thông thận và mệnh môn, dương sinh âm trưởng, Thận và Mệnh môn tương thông, dùng phép tư âm giáng hỏa  khiến cho âm dương điều hòa, thần cơ tự quay về thì bệnh sẽ khỏi (Trung Y Nội Khoa Học).

 

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

 

1- Bạch phàn 30 - 90g, đường trắng 30 - 90g, nước 300 ml, uống thuốc vào buổi sáng sớm. Khoảng một phút sau khi uống thuốc trên, bệnh nhân sẽ nôn ra đờm nhầy, nôn kịch phát sẽ kéo dài 7 - 8 tiếng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu mất nước, cho bệnh nhân uống một ít nước muối và ăn một chút, nhưng thường thì không nên dùng thức ăn trong 6 giờ sau khi uống thuốc. Nếu cần thiết 7 ngày sau có thể uống 1 lần nữa.

2- Đại hoàng 30 - 120g, Uất kim 9g, Thạch xương bồ 30g. Sắc với khoảng 400ml nước, uống vào lúc bụng đói, vào sáng sớm (người bị loét dạ dày hoặc lao ruột hạn chế dùng thuốc này). Khoảng nửa giờ sau khi uống thuốc bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhẹ trong bụng, sau đó tiêu chảy, ra phân nhầy. Liều lượng Bạch phàn và Đại hoàng trong hai phương thuốc trên tùy thuộc vào tuổi, thể chất và tình trạng của bệnh.

Nếu bệnh nhân bị hưng cảm, mạch Huyền Thực:  Dùng phương thuốc 1 hoặc phương thuốc 2.

Sau khi uống thuốc, bệnh nhân thường có một cảm giác trống rỗng và cảm thấy hoảng sợ, lúc đó bệnh nhân nên được giữ yên lặng và hạn chế bất kỳ một kích thích, nhưng nên châm.

3- Mông Thạch Cổn Đàm Hoàn 3 - 9g, ngày uống 2 lần.

4- Bạch Kim Hoàn: Bạch phàn 270g, Uất kim 630g, trộn chung và tán nhỏ làm thành hoàn.

Nếu bệnh nhân bị trầm cảm, mạch Trầm Huyền Hoạt, dùng  phương thuốc số 3 hoặc 4.

+ Nhị Long Tam Giáp Thang (Vân Nam trung Y Tạp Chí 1983, 5): Long đởm thảo 15~25g, Hoàng cầm 20g, Thạch cao 100~500g, Đại hoàng 10~20g, , Bạch thược, Sinh địa đều 30g, Toan táo nhân 25g, Long cốt (sống), Mẫu lệ (sống) đều 30~50g, Thạch quyết minh 20~30g, Trân châu mẫu 30~50g, Hổ phách 6g, Sinh thiết lạc 100~500g, Phục linh 50g, Cam thảo 5g. Sắc uống.

TD: Tả Can hỏa, tiềm Can dương, ích Can huyết, tiết dương minh. Trị điên cuồng.

Đã trị 36 ca, khỏi 28, có kết quả 6, không kết quả 2. Đạt tỉ lệ 94,44%.

(Long đởm thảo, Hoàng cầm thanh tả Can hỏa; Long cốt, Mẫu lệ, Thạch quyết minh, Trân châu mẫu, Thiết lạc trọng trấn tiềm dương; Sinh địa, Bạch thược, Toan táo nhân sinh huyết, dưỡng Can; Cam thảo, Phục linh ích khí, an hồn, dưỡng thần; Đại hoàng, Thạch cao trừ nhiệt ở dương minh. Đại hoàng được Bạch thược, Hoàng cầm, Mẫu lệ và Phục linh thì trị được tức giận, hoảng sợ; Hổ phách an ngũ tạng, định thần hồn).

+ Long Mẫu Bạch Vi Cát Diệp Thang (Chu Phượng Ngôn Phương): Long cốt (sống), Mẫu lệ (sống)  đều 30g, Bạch vi, Cát diệp (lá Cát cánh), Sinh địa, Bạch thược (sống), Ngưu tất đều 12g, Huyền sâm, Mạch môn, Sơn chi tử, Trúc nhự đều 9g, Chỉ xác (sao) 6g, Cam thảo (sống) 3g. Lần đầu đổ vào 600ml (3 chén nước), nấu nhỏ lửa 30 phút, lấy khoảng 2 chén nước. Lần hai nấu với 500ml nước còn 1,5 chén, trộn đều hai chén thuốc, chia hai lần uống.

TD: Thanh nhiệt, hóa đờm, ninh Tâm, an thần. Trị tinh thần phân liệt (đờm nhiệt nội kết, bốc lên Tâm, thần).

+ Cổn Đờm An Thần Thang (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Trúc nhự 20g, Trần bì 10g, Bán hạ (tẩm Gừng) 15g, Phục linh 20g, Cam thảo, Viễn chí (chích), Xương bồ đều 10g, Toan táo nhân (sao) 30g, Long cốt (sống), Mẫu lệ (sống), Trân châu mẫu, Dạ giao đằng đều 30g, Mạch môn 10g. Sắc uống.

TD: Hóa đờm, trấn tỉnh, ninh tâm, an thần. Trị tinh thần  phân liệt.

+ Giải Độc An Thần Thang (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Thạch xương bồ 12g, Uất kim (sao với nước), Sơn chi (sao) đều 10g, Mạch môn, Hương phụ (chế dấm) 12g, Bối mẫu, Đởm nam tinh, Viễn chí (nướng) đều 10g, Toan táo nhân (sao) 15g, Bá tử nhân (sao) 122g, Mẫu lệ (sống), Long cốt (sống) đều 30g, Trúc diệp 10g, Liên tâm 6g, Mộc hương 9g. Sắc uống.

TD: Lý khí, giải uất, thanh Tâm, khai khiếu, an thần. Trị điên (tinh thần phân lập).

+ Dưỡng Doanh Tỉnh Thần Thang (Liêu Ninh Trung Y Tạp Chí 1987, 8): Hoàng kỳ (nướng), Đảng sâm, Táo nhân (sao), Đan sâm 15g, Hắc phụ phiến 9~12g, Bạch truật (sao), Cửu tiết xương bồ đều 9g, Viễn chí 4,5g, Ngũ vị tử 3~4,5g, Can khương 3g. Sắc uống.

TD: Ôn Thận kiện Tỳ,  thông khiếu, tỉnh thần. Trị điên cuồng.

Uống khoảng 10 thang là có kết quả dần.

 

Châm Cứu

+ Đờm Khí Uất Kết:

. Can du, Tỳ du, Thái xung, Phong long, Nội quan (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

. Cổn đờm, tỉnh não. Châm Phonglong, Nội đình, Âm lăng tuyền, Đàn trung, Thần đình (Bị Cấp Châm Cứu).

+ Tâm Tỳ Đều Hư:

. Tỳ du, Tâm du, Túc tam lý, Tam âm giao, Nội quan, Thần môn  (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).

. Bổ ích Tâm Tỳ. Châm Tâm du, Tỳ du, Túc tam lý, Thân mạch, Nội quan (Bị Cấp Châm Cứu).

+ Âm Hư Hỏa Vượng. Dùng tư âm, an thần. Chọn huyệt Tam âm giao,Thái khê, Túc tam lý, Nội quan, Thần môn (Bị Cấp Châm Cứu).

+ Điều khí hóa đờm, thanh Tâm an thần. Châm Thần môn, Đại lăng, Ấn đường, Chiên trung, Phong long, Tam âm giao.

(Đại lăng hợp với Thần môn là theo cách phối Nguyên và lạc huyệt của kinh Tâm và Tâm bào, có tác dụng thanh Tâm an thần; Chiên trung, Ấn đường điều khí tỉnh não; Phong long, Tam âm giao hòa Vị hóa đờm) (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

            + Huyệt chính: Nhân trung, Thần môn, Trung quản. Phối hợp với Nội quan, Hậu khê, Phong long. Châm bình bổ bình tả (Chẩn Đoán Tật Bệnh Châm Cứu Trị Liệu Khái Yếu).

 

Tóm kết: Hai chứng Điên và Cuồng, một chứng thuộc Đờm Khí, một chứng thuộc Đờm Hỏa, lại phân ra âm dương, hư thực, có thể bị riêng cũng có thể chuyển hóa lẫn nhau, vì vậy, trên lâm sàng cần lưu ý cho phù hợp với bệnh chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán