UNG THƯ THỰC QUẢN
Thứ ba - 13/11/2012 09:22
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ ống thực quản, hầu hết là ung thư biểu mô dạng thượng bì trừ đoạn 1/3 dưới thực quản hay gặp ung thư biểu mô tuyến, là một bệnh rất nặng tiên lượng xấu thường gặp, kết quả điều trị thấp, chỉ có khoảng 10-20% số bệnh nhân đã mổ sống thêm dược tới 5 năm.
BỆNH CĂN VÀ SINH BỆNH HỌC
-Tỷ lệ mắc bệnh.
Bệnh khá phổ biến ở một số nước như Chi Lê, Nhật Bản, Pháp, Thuỵ Sĩ, Pháp (vùng Normandie và Bretagne).
Ở Mỹ, khoảng 4% số bệnh nhân chết vì ung thư thực quản và khoảng 2,5% số bệnh nhân phải nằm bệnh viện do bệnh ung thư thực quản.
Ở Bệnh biện Việt Đức, trong 12 năm 1955-1966 trong số 12.403 bệnh nhân ung thư nằm điều trị có 252 trường hợp ung thư thực quản, chiếm tỷ lệ 1,88%.
Ung thư thực quản thường gặp nhất ở 1/3 giữa (47%, ít gặp nhất ở 1/3 trên thực quản (17%. Ở đoạn 1/3 dưới chỉ chiếm 36% nhưng khả năng mổ được cao nhất.
-Tuổi. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi 50-70, hiếm gặp ở người trẻ dưới 40.
-Giới. Đa số là nam giới, chiếm tỷ lệ 75%.
-Những yếu tố thuận lợi :
+Sự liên quan giữa ung thư thực quản với nghiện nặng thuốc lá và rượu đã được xác định rõ rệt. Thói quen ăn uống nóng, ăn những chất nhiều nitrosamine cũng cần lưu ý.
+Một số trạng thái bệnh lý được coi là tiền ung thư thực quản :
*Bỏng thực quản, viêm loét thực quản.
*Bệnh tâm vị không giãn.
*Thoát vị hoành.
*Thực quản ngắn bẩm sinh.
*Các ung thư : khẩu-hầu của amiđan, lưỡi có thể biến chứng là ung thư thực quản.
PHÂN LOẠI
-Phân loại định khu :
Chủ yếu dựa vào vị trí của khối u trên thực quản.
+Ung thư 1/3 trên của thực quản
Nằm giữa miệng-thực quản và bờ trên của quai động mạch chủ. Khi soi thực quản, nó cách các cung răng từ 15-25cm.
+Ung thư 1/3 giữa thực quản
Nằm giữa bờ trên của quai động mạch chủ đến bờ dưới của tĩnh mạch phổi dưới, nghĩa là vào khoảng các rốn phổi. Khi soi thực quản, nó cách các cung răng từ 25-35cm.
+Ung thư 1/3 dưới thực quản.
Nằm dưới một mặt phẳng đi qua bờ dưới của tĩnh mạch phổi dưới, nghĩa là ở tầng hoành hoặc tầng bụng của thực quản. Khi soi thực quản nó cách các cung răng từ 35-45cm.
-Phân loại theo hệ thống TNM :
+T : Khối u tiên phát
Tx : Không có những điều kiện tối thiểu cần thiết để xếp loại khối u tiên phát.
Tis : Ung thư biểu mô insitu / ung thư biểu mô tiền xâm nhập.
T0 : Không có dấu hiệu của khối u tiên phát.
T1 : Khối u lan rộng dưới hoặc đến 5cm của chiều dài thực quản, chưa gây tắc lòng thực quản, chưa chiếm hết chu vi. Tức là u không thâm nhiễm tất cả các thành của thực quản và không có dấu hiệu lan rộng ngoài thực quản.
T2 : U có chiều dài hơn 5cm, gây tắc hoặc chiếm hết chu vi. Hoặc khối u có bất cứ kích thước nào đã gây tắc nghẽn và / hoặc đã thâm nhiễm hoàn toàn thực quản, song chưa lan rộng đến các tổ chức xung quanh.
T3 :Khối u có dấu hiệu lan rộng ngoài thực quản, như u xâm lấn trung thất.
+N : Hạch vùng / hạch khu vực.
Nx : Không thể thăm dò được hạch (thực quản giữa và thực quản dưới).
N0 : Không thấy hạch, chưa tổn thương hạch khu vực.
N1 : Hạch cổ một bên, di động.
N2 : Hạch cổ hai bên, di động.
N3 : Hạch cổ cố định.
+M : Di căn xa.
Mx : Không có điều kiện tối thiểu cần thiết để xác định có di căn xa.
M0 : Không có dấu hiệu di căn xa.
M1 : Có di căn xa.
-Phân loại giai đoạn lâm sàng của ung thư thực quản :
+Giai đoạn I :
Thực quản cổ và ngực T1 N0 M0
+Giai đoạn II :
Thực quản cổ T1 N1, N2 M0
T2 N0, N1, N2 M0
Thực quản ngực T2 N0 M0
+Giai đoạn III :
Thực quản cổ T3 các loại N M0
Các loại T N3 M0
Thực quản ngực Các loại T N1 M0
+Giai đoạn IV :
Thực quản cổ và ngực Các loại T các loại N M1
Nếu có chụp cắt lớp vi tính có thể xếp ung thư thực quản theo tổn thương trên phim chụp cắt lớp :
+Giai đoạn I : Khối u trong lòng thực quản.
+Giai đoạn II : Khối u to và dày thành thực quản.
+Giai đoạn III : U xâm lấn cấu trúc lân cận.
+Giai đoạn IV : Có di căn xa.
GIẢI PHẪU BỆNH LÝ
-Hình ảnh đại thể :
Ung thư thực quản bắt nguồn từ niêm mạc và từ đó phát triển lên, theo hình vòng, lan rộng ra và thâm nhiễm vào các thành của thực quản. Song sự phát triển này không cùng một thể thức vì vậy tạo nên những khối u có hình thái khác nhau :
1.Ung thư biểu mô. Ung thư chỉ giới hạn ở niêm mạc thực quản, làm cho niêm mạc hơi dày lên hoặc hơi cao lên, màu trắng xám. Nếu không được điều trị kịp thời, ung thư biểu mô sẽ phát triển và chuyển thành các thể khác.
2.Ung thư thể loét. Hay gặp hơn là ung thư thể loét hoại tử, khoét sâu vào các tổ chức và cơ quan sát cạnh của thực quản như bộ máy hô hấp, động mạch chủ, trung thất, màng ngoài tim.
3.Ung thư thể sùi. Ung thư phát triển thành một khối to trong lòng thực quản, có thể làm tắc nghẽn thực quản.
4.Ung thư thể thâm nhiễm. Ung thư lan rộng trong thành của thực quản, làm cho thực quản dày lên, cứng, khẩu kính hẹp lại, kèm theo những loét thẳng không đều trên niêm mạc thực quản.
5.Ung thư thể loét sùi. Biểu hiện là một khối u sần sùi có một ổ loét ở giữa.
-Hình ảnh vi thể :
80-90% các ung thư thực quản là những ung thư biểu mô dạng biểu bì. Ung thư có thể biệt hoá hay không biệt hoá. Ung thư biểu mô không biệt hoá hiếm gặp.
Các ung thư tuyến chiếm khoảng 10% các trường hợp.
-Di căn :
Di căn sớm nhất là vào các hạch bạch huyết gần thực quản :
+Ung thư 1/3 thực quản trên thường lan vào các hạch cổ.
+Ung thư 1/3 giữa thực quản và cả trong ung thư 1/3 dưới thực quản thường thâm nhiễm vào các hạch giữa khí quản và phế quản.
+Ung thư 1/3 dưới thực quản và cả ung thư 1/3 giữa thực quản thâm nhiễm các hạch của tâm vị và chuỗi vành vị.
+Các di căn khác hiếm gặp hơn là : gan, phổi, xương.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
1.Thời kỳ đầu.
Khó nuốt là triệu chứng chức năng đầu tiên của ung thư thực quản. Bệnh nhân cảm thấy thức ăn qua thực quản chậm; nếu uống thêm ít nước thức ăn sẽ trôi nhanh xuống dạ dày; triệu chứng khó nuốt sẽ mất đi trong vài ngày rồi lại xuất hiện trở lại.
2.Thời kỳ phát triển.
-Khó nuốt vẫn là triệu chứng chính, ngày càng nặng hơn, kéo dài, gần nhau hơn, rồi xuất hiện thường xuyên và trở thành nuốt nghẹn. Bệnh nhân bỏ các thức ăn đặc, chuyển sang các thức ăn mềm, uống nhiều nước trong khi ăn, và cuối cùng chỉ dùng được các thức ăn loãng.
-Sau khi ăn 5-10 phút, có khi sau 1-2 giờ, bệnh nhân ợ ra những thức ăn mới ăn lẫn với nước bọt, chất nhầy.
-Cảm giác đau ở sau xương ức thường xuất hiện muộn, chứng tỏ bệnh đã tiến triển nặng.
-Một số triệu chứng ít gặp hơn :
+Khó phát âm hoặc mất tiếng do thâm nhiễm dây thần kinh quặt ngược thanh quản.
+Ho do dịch thực quản chảy ngược vào thanh quản, hoặc do di căn ung thư vào thanh quản.
+Chảy máu đường tiêu hoá trên, biểu hiện một ung thư loét.
+Bệnh nhân gầy sút nhanh chóng, suy kiệt rõ ràng, da xanh bủng.
+Hạch ở hố trên đòn phải hoặc trái.
+Dấu hiệu di căn gan.
TRIỆU CHỨNG CẬN LÂM SÀNG
1.Chụp X quang thực quản là một phương pháp chẩn đoán rất có giá trị.
-Cần chiếu chụp X quang thực quản có baryt, người bệnh uống dung dịch baryt pha tương đối đặc, chụp ngay khi uống với nhiều tư thế và góc độ (thẳng và nghiêng), chiếu chụp thực quản toàn thể và chia thành nhiều đoạn, nếu có thể chụp đối quang kép.
-Chụp X quang vô tuyến truyền hình và quay phim X quang rất có ích đối với việc khám xét thực quản vùng cổ, vì đó là vùng chuyển vận nhanh.
-Những hình ảnh X quang thường gặp :
+Thực quản bị hẹp ở một đoạn : dòng baryt đang chảy xuống đột ngột chậm lại, hoặc ngừng chảy, biểu hiện thể thâm nhiễm.
+Một hình khuyết không đều, mờ ảo, biểu hiện thể sùi.
+Một ổ có hình khum viền quanh, đáy phẳng trong lòng thực quản, biểu hiện một ổ ung thư loét.
+Thực quản ở trên vùng ung thư có khi bị giãn to.
+Bờ cong nhỏ của dạ dày có thể bị ảnh hưởng bởi một ung thư của 1/3 dưới thực quản.
Trong thực tế, các hình ảnh trên thường phối hợp với nhau và càng có giá trị nếu có kèm theo hình ảnh thực quản bị cứng ở một đoạn, mất nhu động bình thường.
2.Soi thực quản bằng máy soi sợi mềm
Có giá trị đặc biệt nhất là trong những thể ung thư sớm, ở giai đoạn đầu, chưa có tổn thương rõ rệt về X quang; hoặc trong những thể còn nghi ngờ; hoặc phối hợp với một bệnh lành tính.
Soi thực quản sẽ : đo được kích thước và xác định được vị trí khối u; thấy được 3 hình thái của ung thư : sùi, loét, thâm nhiễm; cho phép làm sinh thiết tổn thương chẩn đoán mô bệnh học. Do đó, đảm bảo chắc chắn cho chẩn đoán và định loại ung thư thực quản.
3.Chụp cắt lớp vi tính
Chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp có thể mổ được nhằm đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, khả năng cắt bỏ được hay không, tránh được các trường hợp mở ngực mà không cắt bỏ được thực quản.
CHẨN ĐOÁN
1.Chẩn đoán xác định
Dựa theo triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.
Bất kỳ một người nào trên 40 tuổi bị khó nuốt, nhất là đã khó nuốt kéo dài trên 2 tuần lễ đều phải nghi ngờ là bị ung thư thực quản. Bệnh nhân cần được sớm chụp X quang và soi thực quản bằng máy soi sợi mềm để xác định chẩn đoán.
2.Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt ung thư thực quản với tất cả những bệnh có thể gây nên khó nuốt như :
-Bệnh tâm vị không giãn :
+Bệnh nhân thường trẻ hơn.
+Khó nuốt xuất hiện thất thường.
+Nội soi hoặc chụp X quang thấy thực quản giãn to dần ở phía trên và hẹp dần ở 1/3 dưới.
-Bỏng thực quản, viêm hẹp thực quản do trào ngược, sẹo hẹp thực quản do uống phải các acid, kiềm :
+Dựa vào tiền sử, soi, chụp X quang.
-Thoát vị hoành :
+Chụp X quang thực quản, dạ dày và tá tràng ở tư thế đầu dốc-Trendelenburg thấy một phần của dạ dày chui qua khe cơ hoành.
+Soi thực quản thấy những tổn thương viêm của niêm mạc thực quản.
-U lành tính của thực quản : u nhú, u nang, u tuyến, u xơ, u mỡ, u cơ.
+Cần soi thực quản và sinh thiết vì u lành có thể lẫn với u ác tính.
-Chèn ép thực quản do khối u bên ngoài đè vào của :
+Thể trung thất của bệnh Hodgkin và của ung thư phổi.
+Hạch vùng phế quản.
+Phình động mạch chủ.
Hình ảnh X quang có những đặc điểm cho từng loại trên và soi thực quản không nhìn thấy tổn thương ở thành thực quản.
-Túi thừa thực quản.
-Co thắt tâm vị.
-Nuốt nghẹn do rối loạn tâm thần.
-Ung thư tâm vị, phình vị của dạ dày.
3.Tiên lượng
Bệnh ung thư thực quản tiên lượng rất nặng và tiến triển nhanh. Do không ăn được, bệnh nhân gầy sút nhanh chóng; nếu không được mổ cắt khối u, bệnh nhân chỉ sống thêm được vài tháng sau khi khám bệnh lần đầu.
4.Biến chứng
Nhiều biến chứng có thể xuất hiện, có liên quan với sự phát triển của khối u :
-Khó phát âm hoặc mất tiếng do tổn thương dây thần kinh quặt ngược.
-Các tai biến nhiễm khuẩn của phế quản và phổi, do nước bọt, các mảnh thức ăn đi nhầm vào đường hô hấp.
-Lỗ rò thực quản – khí quản.
-Đau ngực do ung thư thâm nhiễm vào động mạch chủ, cột sống.
-Ho ra máu hoặc nôn ra máu do loét thành động mạch chủ hoặc tâm nhĩ, làm cho bệnh nhân chết nhanh chóng.
-Các di căn ít gặp hơn so với các ung thư tiêu hoá khác : vào gan, phổi, hiếm hơn vào não, xương.
ĐIỀU TRỊ
1.Tiên lượng điều trị
Ung thư thực quản có tiên lượng xấu, điều trị khó và kết quả không cao, 10% ung thư thực quản sống 5 năm, điều trị tia xạ 5% sống 5 năm.
Theo Nguyến Dương Quang, tỷ lệ tử vong do mổ của ung thư thực quản 1/3 dưới là 12-21%, của ung thư 1/3 giữa là 25-30%; tỷ lệ bệnh nhân mổ sống sau 5 năm vào khoảng 10-15%.
Tiên lượng bệnh phụ thuộc các yếu tố sau :
-Tuổi và thể trạng chung của bệnh nhân.
-Vị trí tổn thương.
-Giai đoạn bệnh.
-Chức năng hô hấp.
-Bệnh phối hợp.
-Chẩn đoán sớm, muộn.
2.Nguyên tắc điều trị
-Điều trị dinh dưỡng phải bắt đầu sớm và đầy đủ trước khi phẫu thuật.
-Điều trị phẫu thuật là chủ yếu, nhưng cần phải lựa chọn : vị trí tổn thương, giai đoạn bệnh, chức năng hô hấp, phương pháp áp dụng
-Nên điều trị phối hợp phẫu thuật, tia xạ, hoá chất hoặc Đông Y, nhưng phương thức áp dụng phải tuỳ thuộc chỉ định cho từng đối tượng và cho mục đích điều trị triệt để hay tạm thời.
3. Điều trị dinh dưỡng
Điều trị dinh dưỡng nhằm :
-Mục đích tránh suy dinh dưỡng do nuốt nghẹn, do mất ngon miệng, mà 18% ung thư thực quản có suy kiệt.
-Hỗ trợ tốt cho phẫu thuật, vì nếu sụt cân trên 15% trọng lượng cơ thể sẽ làm tăng tỷ lệ biến chứng sau mổ và tăng tỷ lệ tử vong.
-Biện pháp là bồi phụ đầy đủ về calo, muối khoáng, vitamin, đạm bằng đường tĩnh mạch, đường ăn nếu chưa nghẹn nhiều. Các thuốc kích thích ngon miệng và tăng đồng hóa rất cần thiết.
4. Điều trị phẫu thuật
-Đánh giá tổn thương tại chỗ :
Vị trí ung thư : 1/3 giữa và 1/3 dưới ưu tiên phẫu thuật hơn 1/3 trên; tổn thương có khu trú ở thành ống hay xâm lấn xung quanh; di căn hạch cạnh thực quản và trung thất. Chụp cắt lớp vi tính rất có giá trị để đánh giá khả năng cắt bỏ được hay không.
-Đánh giá chức năng hô hấp :
Đo các thông số chức năng hô hấp, đánh giá chức năng tim mạch về khả năng có mở ngực hay không thể mở ngực đối với ung thư thực quản.
-Đánh giá khả năng tạo hình thực quản :
Ngày nay, tái tạo thực quản chủ yếu là từ dạ dày. Nếu bệnh nhân còn uống được phải chụp dạ dày có baryt để xem xét hình thái dạ dày, có bệnh lý ở dạ dày tá tràng hay không.
Nếu đặt phương án tạo hình bằng đại tràng cần chụp đại tràng kiểm tra hoặc soi đại tràng ống mềm, loại trừ các bệnh như pôlíp đại tràng, túi thừa, …
-Chọn phương pháp phẫu thuật :
+Phẫu thuật triệt để : chỉ dành cho các trường hợp giai đoạn I và II, ưu tiên ung thư thực quản 1/3 dưới và 1/3 giữa.
+Mở hay không mở ngực :
*Đối với bệnh nhân thể trạng tốt, chức năng hô hấp bình thường nên mở ngực phải đường sau-bên qua liên sườn VI để cắt đoạn thực quản và vét hạch lân cận. Có thể nối trong lồng ngực qua đường mổ này.
*Đối với bệnh nhân thể trạng yếu, chức năng hô hấp hạn chế thì không nên mở ngực mà chọn cách bóc thực quản bằng tay luồn từ đường bụng lên và từ cổ xuống, loại bỏ thực quản và đưa dạ dày lên nối với thực quản ở cổ.
-Chọn phương pháp tạo hình thực quản :
Giải phóng dạ dày, để lại cuống mạch vị mạc nối phải, cắt dọc theo đường song song với bờ cong lớn làm hẹp dạ dày, tạo hình môn vị và đưa đầu trên dạ dày lên nối với thực quản là phương pháp ưa chọn hiện nay. Nếu không thể dùng dạ dày thì mới sử dụng đại tràng.
-Chọn vị trí và khâu nối :
Nối dạ dày thực quản hoặc đại tràng thực quản ở đoạn cổ an toàn hơn ở ngực. Miệng nối có thể rò một thời gian rồi tự liền hoặc có thể phải khâu lại. Nối ở trong lồng ngực có một số ưu điểm về kỹ thuật nhưng rất nguy hiểm nếu rò hoặc bục miệng nối. Đây là nguyên nhân gây tử vong rất cao.
Miệng nối có thể khâu vát bằng tay hoặc nối máy, phẫu thuật viên phải được đào tạo và giàu kinh nghiệm.
-Chỉ định điều trị phẫu thuật tạm thời khi :
+Khối u đã vượt ra ngoài thành thực quản xâm lấn tổ chức lân cận (T3).
+Xâm lấn hạch.
-Điều trị tạm thời bằng một số phương pháp sau :
+Nong thực quản hoặc đặt một ống nhựa trong lòng thực quản để có thể nuôi dưỡng được bệnh nhân.
+Mổ thông dạ dày để nuôi dưỡng bệnh nhân.
+Điều trị bằng tia xạ và cobalt.
Có thể áp dụng tạo hình thực quản không cắt bỏ thực quản, hoặc chỉ mở thông dạ dày đơn thuần.
5. Điều trị tia xạ ung thư thực quản
Điều trị tia xạ có tác dụng đối với ung thư thực quản, nhất là đối với ung thư biểu mô dạng thượng bì, kết quả sống 5 năm đạt 5%.
Có thể sử dụng tia xạ đơn thuần hoặc phối hợp với phẫu thuật.
Tia xạ trước mổ, liều 60Gy có thể tăng tỷ lệ cắt bỏ được nhưng không tăng thêm tỷ lệ sống thêm. Tia xạ sau mổ nhằm làm giảm tỷ lệ tái phát và khống chế di căn hạch, tia xạ đơn thuần cho các bệnh nhân từ chối phẫu thuật hoặc tia xạ với mục đích tạm thời.
Kỹ thuật chiếu tia từ ngoài vào thường sử dụng 3 trường chiếu : thẳng, trước-sau, 2 trường chiếu chếch 15 độ, cả 3 trường chiếu đều tập trung vào u nhằm tăng liều tại u, giảm tác hại đối với các cơ quan lành xung quanh, đặc biệt là phổi. Liều xạ thường dùng là 40Gy đến 60Gy trong 6 tuần.
6. Điều trị hoá chất
a) Điều trị đơn hóa chất.
Có nhiều thuốc có tác dụng đối với ung thư thực quản như :
-Bléomycin
-Mitomycin
-Adriamycin (Doxorubicin hydrochloride)
-5 Fluorouracil (5FU)
-Methotrexate
-Cis-platin
Tỷ lệ đáp ứng đối với thuốc trung bình 22% đối với Cis-platin, 15% đối với 5FU và Adriamycin.
b) Điều trị đa hoá chất .
Điều trị đa hoá chất cơ bản là phối hợp 2 hoặc 3 các hoá chất đã nêu trên với nhau trong điều trị ung thư thực quản. Các phác đồ hay dùng nhất là : Cis-platin + 5FU hoặc Cis-platin + 5FU + Adriamycin kết quả trung bình đạt 40%.
ĐIỀU TRỊ BẰNG ĐÔNG Y
Trong điều kiện bệnh nhân ung thư thực quản ở vùng sâu, vùng xa, hoặc do kinh tế hạn hẹp không có điều kiện đến các bệnh viện chuyên ngành, hoặc do cơ thể và bệnh tật không cho phép để phẫu trị, xạ trị, hoá trị có thể điều trị ung thư thực quản theo phác đồ Đông Y sau :
Triệu chứng (TC) : Nuốt khó, càng nặng thì chất nước cũng khó nuốt dẫn đến suy dinh dưỡng, mất nước; đau xương ức như dao đâm, hoặc đau vùng lưng, ợ hơi, nôn ra chất trắng nhớt hoặc có máu lẫn thức ăn, nói giọng khàn, nấc cụt, khó thở, hạch lymphô to, gầy mòn, da bọc xương. Sinh thiết niêm mạc thực quản có tế bào ung thư, tế bào võng thực quản dương tính.
1)Trước tiên cho uống :
Phương (P) : Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết; công dụng : tư âm bổ thận; chủ trị : can thận âm hư, lưng gối mềm yếu, chóng mặt hoa mắt, tai ù tai điếc, mồ hôi trộm, triều nhiệt, xương nóng âm ỉ, lòng bàn chân bàn tay nóng, tiêu khát, nam di tinh, nữ bạch đới, mạch tế sác; có tác dụng trị tế bào thượng bì thực quản tăng sinh, phòng sự phát triển của ung thư thực quản).
Năm 1977, Sở nghiên cứu trung dược Viện nghiên cứu Trung Y Trung Quốc đã nghiên cứu hệ thống và phát hiện có các tác dụng sau :
-Kháng ung thư; Tăng chỉ số phát triển gan lách chuột trung bình 15%; Tăng khả năng thực bào của tế bào đơn nhân; Tăng cân nặng thể lực của chuột thí nghiệm.
-Trị 92 ca ung thư thực quản ở người, sau 1 năm theo dõi có 82 ca tế bào trở lại bình thường.
Bệnh viện Quảng An Môn thuộc Viện nghiên cứu Trung Y Bắc Kinh điều trị cho bệnh nhân ung thư thực quản mỗi sáng 2 hoàn 9g Lục vị địa hoàng hoàn, liệu trình 1 năm để trị tế bào thực quản tăng sinh.
Dược (D) : Thục địa 32g, Sơn thù nhục, Hoài sơn đều 16g, Đơn bì, Phục linh, Trạch tả đều 12g. Ngày 1 thang sắc uống.
Có thể dùng :
+Lục vị địa hoàng hoàn chế sẵn, hoặc
+Hoàn Lục vị địa hoàng ĐTĐ ngày 4 lần, mỗi lần 10g, hoặc
+Viên nang Lục vị ĐTĐ 500mg ngày 4 lần, mỗi lần 4 viên.
2)TC : Ngực đầy đau tức hoặc khó thở, nấc cụt, ợ hơi, nuốt khó, mồm khô, đại tiện khó, rêu lưỡi trắng dày, mạch huyền hoạt.
Chẩn đoán (CĐ) : Ung thư thực quản, đàm khí uất kết.
Phép chữa (PC) : Sơ can lý khí, hoá đàm giáng nghịch.
P : Toàn phúc đại giả thạch thang gia giảm.
D : Toàn phúc hoa 12g, Đại giả thạch 20g, Khương Bán hạ, Hương phụ, Mộc hương, Chế Nam tinh đều 8g, Uất kim, Chỉ xác đều 10g, Phục linh, Cát cánh, Toàn Qua lâu, Phỉ bạch, Uy linh tiên, Bạch anh, Trúc nhự đều 12g, Đan sâm, Hạ khô thảo, Ngoã lăng tử đều 16g.
Gia giảm (GG) :
-Khí hư, thêm : Đảng sâm, Thái tử sâm đều 12g.
3)TC : Ngực đau ăn vào nôn ra, khó uống nước, phân tựa phân dê, người gầy da khô, lưỡi đỏ khô, mạch tế sáp.
CĐ : Ung thư thực quản, huyết ứ.
PC : Dưỡng huyết, hoạt huyết, tán kết.
P : Đào hồng tứ vật thang gia giảm.
D : Đào nhân 12g, Hồng hoa 10g, Xuyên khung 8-12g, Đương quy 20g, Sinh địa 16g, Bạch thược 12g.
GG :
-Nặng, thêm : Diên hồ sách sao dấm, chích Nhũ hương, chích Một dược, Đan sâm, Xích thược, Ngũ linh chi, Hải tảo, Côn bố, Bối mẫu, Qua lâu.
-Nuốt khó, cho uống thêm Ngọc xu đơn trước.
-Ngực lưng đau nhiều, thêm : Diên hồ sách sao giấm, chích Nhũ hương, chích Một dược, Ty qua lạc (Xơ mướp).
-Đại tiện táo bón, thêm Nhục thung dung.
4)TC : Nuốt rất khó, lưng ngực đau bỏng rát, mồm họng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu ít hoặc không rêu, mạch huyền tế sác.
CĐ : Ung thư thực quản, nhiệt độc thương âm.
PC : Tư âm thông cách ẩm gia giảm.
D : Huyền sâm, Mạch môn, Đương quy, Bồ công anh, Tỳ bà diệp tươi, Lô căn tươi đều 20g, Sinh địa, Bắc Sa sâm, Nam Sa sâm đều 16g, Chi tử, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bán chi liên, Bạch anh, Hạ khô thảo đều 12g, Hoàng liên 8-10g.
GG :
-Đại tiện táo bón, thêm : Tử uyển, Hoả ma nhân, Đào nhân, Nhục thung dung.
5)TC : Nuốt không xuống, người gầy ngày càng tăng, mệt mỏi, hồi hộp, sắc mặt tái nhợt, chân tay thân mình mát lạnh, mặt sưng chân phù, sắc lưỡi nhạt, mạch tế nhược.
CĐ : Tỳ thận dương hư, âm hư huyết thiểu.
PC : Ôn bổ tỳ thận, tư âm dưỡng huyết.
P : Bát trân thang hợp Bát vị hoàn gia vị.
D : Hồng sâm 8-12g, chích Hoàng kỳ, Đương quy đều 20g, Thục địa 16g, Sa nhân 10g, Nhục quế 6-8g, chế Phụ tử 8-16g, Bạch linh, Bạch truật, Bạch thược, Hoài sơn, Kỷ tử, Đại táo đều 12g, Cam thảo 3g, Sinh khương 3 lát.
Một số bài thuốc đã điều trị ung thư thực quản có hiệu quả ở các bệnh viện ở Trung Quốc như sau :
6)Bột tiêu cách số 3 của Bệnh viện nhân dân tỉnh An Huy Trung Quốc.
D : Uy linh tiên 60g, Bản lam căn, Miêu Nhãn thảo đều 30g, Ngưu hoàng 6g, Nạo sa 3g, chế Nam tinh 9g, chế thành cao bột khô, mỗi ngày 4 lần, mỗi lần uống 1,5g.
7)Khai đạo tán
D : Bằng sa 60g, Hoả tiêu 30g, Nạo sa 6g, Trầm hương, Băng phiến đều 9g, Thanh mông thạch 9-15g, tán bột mịn, mỗi lần ngậm nuốt 1g, lúc chảy hết dịch nhờn có thể uống sữa thì ngậm 3 giờ 1 lần, dùng 2 ngày ngưng thuốc.
8)Nạo sa tán
D : Nạo sa 30g, tán mịn bỏ vào ấm sành thêm 30ml nước, đun sôi, lọc bỏ tạp chất, thêm Giấm trắng 30ml đun, bắt đầu lửa to sau lửa nhỏ cho khô, lấy bột kết tinh, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 0,6-1,5g.
9)Phức phương nạo sa tiễn
D : Nạo sa 2,7g, Hải tảo, Côn bố đều 15g, Thảo đậu khấu 9g, Ô mai 3 quả, Bạch hoa xà thiệt thảo 120g, Bán chi liên 60g. Ngày 1 thang sắc chia 2 lần uống.
10)Khai quan tán
D : Thanh đại 9g, Thị sương 3g, Hải cáp phấn 60g, Bằng sa 18g, Nạo sa 12g, Đường trắng 120g. Tán bột. Mỗi ngày 4 lần, mỗi lần ngậm 1-1,5g.
11)Ế cách tán
D : Cấp tính tử 100g, Mật gấu 7g, Nạo sa, Chỉ giáp đều 5g. Tán bột mịn. Mỗi ngày 2 lần sáng tối, mỗi lần hoà uống 3g.
12)Nạo kim tiêu tích phương của Trường Y tế Bắc Trấn, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
D : Tử Nạo sa, Giấm lượng đều nhau, Tử kim đĩnh lượng vừa đủ. Nạo sa ngào với Giấm thành bột tinh thể màu vàng nâu, trộn đều với cùng lượng Tử kim đĩnh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g.
13)Bát giác kim bàng thang của Mã Cát Phúc, Bệnh viện Nhân Dân số 1, thành phố An Khánh, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
D : Bát giác kim bàng, Thanh Mộc hương đều 10g, Bát nguyệt trác 30g, Cấp tính tử, Bán chi liên đều 15g, Đan sâm, sinh Sơn tra đều 12g. Ngày 1 thang sắc uống.
14)Ban miêu tiêu tích phương của Bệnh viện Nhân Dân số 2 thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
D : Ban miêu 1 con, Trứng gà 1 quả. Đục 1 lỗ nhỏ ở vỏ trứng gà, bỏ con Ban miêu vào, đun sôi 30 phút, lấy Ban miêu ra ăn. Ngày 1 con.
GG :
-Tiểu đau hoặc đái ra máu, dùng : Xa tiền tử, Mộc thông, Trạch tả, Hoạt thạch, Đông qua bì, Đại kế, Tiểu kế sắc uống để thông lâm lợi tiểu, thanh nhiệt cầm máu.
15)Bích hổ nãi hoàng phương của Hàn Mỹ Trân, tỉnh Hồ Bắc.
PC : Hoạt huyết thông lợi, giải độc tiêu phù.
D : Thủ cung (Thằn lằn / Bích hổ để giải độc tán kết, phá trưng hà, trị ác sang) 10g, Ý dĩ, Nãi mẫu tử, Hoàng dược tử đều 30g (giải độc tiêu phù, tăng khẩu vị) cho vào rượu trắng uống.
16)Lý khí hoá kết thang của Lưu Gia Tương, Bệnh viện Long Hoa, thành phố Thượng Hải.
D : Bạch hoa xà thiệt thảo, Câu quất, Cấp tính tử, Đan sâm, Tử thảo căn, Khổ sâm, Ngoã lăng tử đều 30g, Hạ khô thảo 15g, Bát nguyệt trác, Can thiềm bì đều 12g, Công Đinh hương, Quảng Mộc hương, sinh Nam tinh, Thiên long, Khương lang đều 9g, sinh Mã tiền tử 4,5g. Sắc uống.
17)Liên bồ thang của Bệnh viện Nhân Dân Chương Nam, tỉnh Hồ Bắc.
D : Bán chi liên 60g, Bồ công anh, Hoàng dược tử đều 30g, pháp Bán hạ 9g, Toàn Qua lâu 15g, Hoàng liên 6g. Sắc uống.
GG :
-Nôn, thêm : Toàn phúc hoa, Đại giả thạch, Khai vị tán.
-Đờm nhiều, thêm : chế Nam tinh, Ý dĩ, Mông thạch cổn đờm hoàn.
-Đại tiện táo, thêm : Đại hoàng, Uất lý nhân.
-Đau ngực, thêm : Lộ lộ thông, Phỉ bạch, Huyền hồ, Đan sâm.
-Tân dịch khô, thêm : Thiên môn, Thiên hoa phấn, Thạch hộc.
-Khí hư, thêm : Đảng sâm, Hoàng kỳ.
18)Trong Kháng nham dược đại toàn.
D : Bán chi liên, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bạch anh, Đông quỳ, Bán biên liên, Trư ương ương đều 30g. Ngày 1 thang sắc uống.
19)Bài thuốc chữa ung thư thực quản của Thượng Hải.
D : Khương Bán hạ, Trúc nhự, Toàn phúc hoa, Chỉ thực, Mộc hương, Đinh hương, Trầm hương khúc, Bạch khấu nhân, Xuyên luyện tử, Xuyên Hậu phác, Sa sâm, Thiên môn, Thạch hộc, Cấp tính tử, Khương lang, Đương quy, Tiên hạc thảo.
20)Bài thuốc ức chế tế bào thượng bì thực quản tăng sinh.
D : Sơn đậu căn, Bại tương thảo, Bạch bì, Hạ khô thảo, Thảo hà sa, …
21)Các vị thuốc chống nuốt khó có thể tuỳ nghi gia giảm : Cấp tính tử, Bích hổ phấn, Uy linh tiên, Thiên quí tử, Thạch kiến xuyên, Hoàng dược tử, Đông lăng thảo.
24)Các vị thuốc dùng trong điều trị ung thư thực quản :
-Ức chế tế bào ung thư : Xích thược, Ngư tinh thảo, Ngũ gia bì, Tam lăng, Thiên Nam tinh.
-Ức chế tế bào ung thư thực quản : Địa miết trùng.
-Ức chế hoạt tính ung thư : Hà thủ ô trắng.
-Chống sự phát triển của tế bào ung thư : Bạch truật.
-Chống tế bào ung thư : Bạch linh, Linh chi, Khổ Hạnh nhân.
-Kháng ung thư : Bạch cập, Thuyên thảo, Khương lang.
-Phân liệt hạch tế bào ung thư : Bạch hoa xà thiệt thảo.
Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, thầy thuốc Đông Y đang điều trị cho bệnh nhân ung thư thực quản có thể trao đổi với người viết qua Email : quyledac@yahoo.com kèm theo triệu chứng và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng của người bệnh.
Tác giả bài viết: Lê Đắc Quý