03:41 ICT Thứ tư, 15/01/2025

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc

Liên hệ

BIỂN SÚC 萹 蓄

Thứ tư - 02/03/2011 10:23
Cây thảo một năm cao 10-30cm thân và cành mọc tỏa tròn, gần sát đất, thân màu xanh lá cây hoặc tím đỏ. Lá đơn rất nhỏ, mép nguyên.

BIỂN SÚC   萹 蓄

Polygonum aviculare L.

 

Xuất xứ: Bản Kinh.

Tên Việt Nam: Cây càng tôm, Rau đắng, Xương cá.

Tên khác: Biển trúc (Danh Y Biệt Lục), Biển biện, Biển nam (Ngô Phổ Bản Thảo), Phấn tiết thảo, Đạo sinh thảo (Bản Thảo Cương Mục), Biển trúc, Vương sô, Bách tiết thảo, Trư nha thảo, Thiết miên thảo (Hòa Hán Dược Khảo), Tàn trúc thảo (Dược Vật Sinh Sản Biện).

Tên khoa học: Polygonum aviculare L.

Họ khoa học: Polygonaceae.

Mô tả: Cây thảo một năm cao 10-30cm thân và cành mọc tỏa tròn, gần sát đất, thân màu xanh lá cây hoặc tím đỏ. Lá đơn rất nhỏ, mép nguyên. hình mũi mác thuôn, mọc so le, cuốn rất ngắn, có bẹ chìa. Hoa nhỏ màu hồng nhạt tụ họp 3-4 cái ở nách lá. Quả bế 3 cạnh chứa 1 hạt đen.

Phân biệt: Có nơi dùng cây Thài lái tía (Zebrina pendula Schnizl) thuộc họ Commelinaceae để thay thế cho vị Biển súc. Cây Thài lài tía là cây thảo mọc bò, lá đơn to, đầu nhọn, có bẹ, mọc so le mặt trên màu lục nhạt có vân dọc trắng, mặt dưới màu tía. Hoa to màu hồng tụ họp 1-2 chiếc ở ngọn cành. Quả nang. Thài lài tía được dùng toàn cây khô và rễ, thân được chặt thành từng đoạn cành mang lá nhăn nheo hình trái xoan, đầu hình mũi mác, đáy thuôn hẹp thành bẹ, có lông, ôm lấy thân. Phiến lá mỏng mặt trên màu nâu có lông thưa, mặt dưới màu nâu tiá, nhẵn, gân lá song song, không mùi, vị hơi chát. Khác với Biển súc là thân hình trụ tròn hơi dẹt, phân nhánh nhiều mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc xanh lục xám, có khía dọc, mấu hơi to, có bẹ chìa mỏng màu nâu nhạt bao xung quanh. Thân cứng dễ bẻ gãy, bẻ ra có tủy trắng. Lá mọc so le có cuống ngắn, phiến lá thường nhăn nheo rách nát. Lá nguyên hình mũi mác, mép nguyên, không có lông, hai mặt lá màu xanh lục nâu hoặc xanh lục xám. Không có mùi vị, vị hơi đắng.

Địa lý: Mọc hoang ở nơi ruộng ẩm, lòng suối cạn ở Bắc Việt Nam như Cao Bằng,  Lạng Sơn, Hà Bắc, Hà nội.

Thu háisơ chế: Thu hái toàn cây, kể cả rễ vào mùa xuân và hạ, phơi hay sấy khô.

Phần dùng làm thuốc: Toàn cây.

Tác dụng : Lợi tiểu, thanh thấp nhiệt, đồng thới có tác dụng sát trùng.

Tính vị: Vị đắng, tính bình, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Qui kinh:

+ Vào kinh bàng quang (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Chủ trị:

+ Trị tiểu buốt, sỏi thận, sỏi bàng quang, vàng da, kiết lỵ, đau bụng do giun đũa, lở loét ngoài da.

Liều dùng: Dùng từ 9-30g. Dùng tươi từ 1-2 lượng, bên ngoài dùng tùy theo nhu cầu.

 Kiêng kỵ: Không có thấp nhiệt, tiểu không thông vì do hư, không có giun sán, tiểu nhiều do suy nhược đều không dùng được.

Bào chế: Dùng sống hay sao vàng cho thơm.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Lở loét nổi vảy ngứa dùng Biển súc  giã nát đắp vào (Trửu Hậu Phương).

+ Đái rát, đái buốt do nhiệt: dùng Biển súc sắc uống  (Sinh Sinh Biện Phương).

+ Vàng da do nhiệt: Biển súc giã nát lấy nước,  ngày uống 1 tô (Dược Tính Luận Phương).

+ Trị sưng đau: Biển súc giã nát uống 1 tô, uống khi nào bớt thì thôi, có thể lấy nước trộn bột miến làm thành bánh nấu ăn, ngày 3 lần (Dược Tính Luận Phương).

+ Trị hoắc  loạn: Biển súc, Đậu, Ngũ vị nấu canh ăn (Thực Y Tâm Kính Phương).

+ Uống nhiều Đơn thạch làm hỏa độc xông bốc lên sưng đau mắt: rễ Biển súc 20g, rửa sạch, giã nát uống (Thực Liệu Bản Thảo).

+ Trị giun cắn ở trẻ con làm sủi bọt, mặt xanh:  Biển súc 10 cân, giã nát vắt lấy nước sắc còn 1 chén, bỏ bã, sắc keo lại uống, nhịn đói cả đêm trước khi uống vào lúc sáng, thường ngày lấy nước cho ăn với cơm (Thực Liệu Bản Thảo).

+ Ngứa lở vùng hạ bột dùng Biển súc 1 nắm sắc 2 chén còn 1 chén uống. Trẻ con bằng phân nửa (Dương Thị Sản Nhũ Phương). 

+ Trị tiểu buốt, tiểu khó, nước tiểu nóng rát: Biển súc 15g sắc uống liên tục, hoặc kèm theo Xa tiền thảo, Thạch vĩ mỗi thứ 9g. Cam thảo (tiêm) 4,5g sắc uống .

+ Trị sạn, sỏi đường tiểu: Biển súc 12g, Hải kim sa 30g, Xa tiền thảo 30g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị viêm ruột cấp tính do thấp nhiệt, lỵ: Biển súc 12g, Xa tiền tử 9g, Tiên hạc thảo 15g, sắc uống. Trỵ lỵ, Bạch lỵ, Trộn thêm đường cát, hồng lỵ, trộn thêm đường đen sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị vàng da do thấp nhiệt: Biển súc tươi sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị lở ngứa ngoài da, thấp chẩn ở da, ngứa âm đạo, trùng roi ở âm đạo, sán móc, ngứa: Biển súc tươi (nửa cân), thêm nước 3 cân sắc rửa (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị sán móc: Biển súc 30g sắc uống, mỗi ngày 1 thang, liên tục 3 ngày (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị tiểu đục, tiểu ra dưỡng trấp:  Biển súc cả rễ, hợp với Sinh khương, Trứng gà, nấu ăn (Thực Dụng Trung Y Học).

+  Trị giun chui ống mật: Biển súc 30g, giấm lâu năm 90g, trộn 3 chén nước, sắc còn 1 chén, chia làm 2 lần uống

 Tham khảo:

. Nước cốt của Biển súc trị được giun ở trẻ nhỏ rất hay (Dược Tính Bản Thảo).

. Biển súc có thể trị được hoắc loạn, vàng da, thông lợi tiểu tiện, tiểu do giun sán (Bản Thảo Cương Mục).

. Biển súc vị đắng, khí bình, công hiệu chuyên lợi tiểu, thanh nhiệt trừ thấp và sát được trùng nên chữa được chứng sài của trẻ con, ngứa trong âm hộ, trĩ, các loại trùng. Biển súc là thứ đặc hiệu, vì vị đắng nên chứng nóng phải lui, vì đắng nên giun sán phải nằm im, nhưng đây chỉ nói về chữa ngọn nhưng không thể là thuốc chữa thường xuyên được (Bản Thảo Cầu Chân).

. Biển súc vị cay nên nó ráo được thấp ở Vị, vị đắng nên sát được trùng. Sách ‘Bản Kinh’ và Biệt Lục đều cho nó là thuốc chuyên trừ thấp nhiệt, những chứng lở loét ở hạ bộ, các loại trùng đều do thấp nhiệt mà ra cả, về sau người ta dùng nó cho vào thuốc tiêu hóa, tiết phát thấp khí rồi mới nhờ nó mà chữa được những chứng tiểu són, tiểu gắt  (Trương Sơn Lôi).

. Dùng Biển súc để trị hoàng đản, hoắc loạn là dựa vào nó có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Tuy nhiên khi có thấp nhiệt thì nên dùng, còn những bệnh do khí hư thì không nên dùng. Thực ra vì nó chỉ chuyên đặc hiệu với những thực bệnh, với những người khoẻ mạnh. Những bệnh thấp nhiệt sinh ra lở loét, ngứa,  đau rát, nóng hay tiểu rát không thông dĩ nhiên phải dùng đến nó (Thực Dụng Trung Y Học).

+ Biển súc có thể thanh nhiệt, hoá thấp, trị tiểu ngắn, nước tiểu đỏ, tiểu không thông, thấp nhiệt ngăn trở đường tiểu (Thực Dụng Trung Y Học).

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán