Cây xanh tốt quanh năm, cao 3-4 m, có gai. Lá mọc so le, hình trứng, chóp lá hơi tròn, mép có răng cưa nhỏ, gai ngắn mọc ở dưới lá, gốc thuôn. Hoa màu trắng, thường nở vào đầu mùa hạ. Quả chín vào mùa đông, vỏ ngoài có màu sẫm, có nhiều múi dài chạy theo quả. Phía ngọn tách ra trông như những ngón tay chụm lại, nên được gọi là phật thủ.
Ở Việt Nam, phật thủ được trồng thành công chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La…
Quả phật thủ có chứa nhiều vitamin C, đường, a xít hữu cơ, glucoside, tinh dầu. Vỏ phật thủ chứa limettin, diosmin và hessperidin.
Theo Đông y, phật thủ có vị cay, chua, đắng, tính ấm, đi vào hai kinh phế, tỳ. Tác dụng lý khí, hành khí chỉ thống, hóa đàm, kiện vị, chỉ khái (làm hết ho). Thường dùng trị đau dạ dày, bụng đầy trướng, chán ăn, nôn mửa, ho dai dẳng có nhiều đàm… Liều dùng: 3-10g quả khô dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc ngâm rượu uống. Người âm,có hư nội nhiệt không nên dùng.
Một số bài thuốc dùng phật thủ
- Sách Y thực bản thảo có phương thuốc Trà phật thủ hoa nhài dùng để điều khí giải uất, hòa vị chỉ thống (giảm đau): Lấy 19g phật thủ khô, 6g hoa nhài, cho vào ấm pha nước sôi hãm từ 5-10 phút, uống lúc ấm. Ngày dùng 1 thang thay nước trà. Phương thuốc này thích hợp với các trường hợp vị khí bất hòa, sườn bụng đau tức, bụng trướng, đầy hơi, chán ăn.
- Ho có đàm, viêm khí quản mãn tính: Nhai cả cùi và vỏ quả phật thủ, nuốt nước hoặc phối hợp với các vị thuốc bán hạ (đã chế với nước gừng) mỗi thứ 6g nấu khô. Nấu sôi khoảng 10 phút với 200ml nước, chia đều uống trong ngày. Có thể thêm đường cho dễ uống.
- Chữa đau dạ dày mãn tính, đau dây thần kinh bụng, dạ dày đầy trướng: Quả phật thủ tươi 15-25g hoặc 6-10g khô, thái lát thật mỏng hoặc tán vụn, pha nước sôi, đậy nắp kín ngâm 10-15 phút, uống nóng. Ngày một thang thay nước trà (Theo sách Thiên phương đại toàn).
- Đau bụng do lạnh: Phật thủ khô 15g, gạo (hoặc gạo lứt) 30g rang thơm. Nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml. Chia uống ngày 3 lần.
- Chữa say rượu: Phật thủ tươi 30-50g, sắc uống.