ĂN CHAY VÀ SỨC KHỎE (I)

Ngày nay khoa học đã tiến bộ rất nhiều trên mọi lãnh vực. Những cuộc nghiên cứu gần đây của các khoa học gia đã chứng minh rằng ăn chay giúp ích cho cơ thể của con người, làm cho có thêm sức khỏe, yêu đời và sống lâu hơn.

 

Bài I

KHÁI NIỆM TỒNG QUÁT

Ngày nay khoa học đã tiến bộ rất nhiều trên mọi lãnh vực. Những cuộc nghiên cứu gần đây của các khoa học gia đã chứng minh rằng ăn chay giúp ích cho cơ thể của con người, làm cho có thêm sức khỏe, yêu đời và sống lâu hơn. Để giải thích cặn kẽ hầu cho mọi người không còn ngờ vực, họ đã cố gắng thí nghiệm xem cơ thể của con người mà Tạo Hóa đã sinh ra thích hợp với sự ăn chay hay ăn mặn. Các cuộc thí nghiệm đó đã dựa vào hai yếu tố sau đây: Thứ nhất là cấu trúc của cơ thể con người theo giải phẫu học và thứ hai là tiến trình tiêu hóa của thức ăn chay và thực phẩm bằng thịt trong cơ thể của con người khác nhau như thế nào.

· Cấu trúc của hệ thống Tiêu hóa trong cơ thể của con người:

Trước hết người ta quan sát về tay và mồm của loài người. Răng của loài người được cấu tạo môt cách đặc biệt giống như răng của các loài động vật ăn thảo mộc, được Tạo Hóa sáng chế một cách khéo léo để nghiền và nhai nát các thức ăn. Loài người và loài động vật ăn thảo mộc không có răng cửa và răng nanh bén nhọn và đủ sức mạnh như loài động vật ăn thịt, nhưng có răng hàm và xương quai hàm để nhai theo cử động chiều ngang và qua lại. Ngược lại loài động vật ăn thịt có răng nanh rất bén nhưng không có răng hàm và xương quai hàm. Do đó khi ăn thịt, chúng chỉ xé và nuốt trọng luôn chớ không hề nhai. Bàn tay của loài người không có móng vuốt sắc bén nên chỉ dùng để lặt rau và hái trái, trong khi loài động vật ăn thịt có móng vuốt rất bén và rất mạnh để vồ mồi và xé thịt.

· Tiến trình của sự tiêu hóa:

Trong bao tử của loài động vật ăn thịt, dịch tiêu hóa chứa đến 20 lần lượng hydrochloric acid nhiều hơn ở trong bao tử của loài động vật ăn rau quả và loài người. Sự khác biệt chủ yếu trong bộ phận tiêu hóa của loài động vật ăn rau quả và loài người với loài động vật ăn thịt là đường ruột, nơi thức ăn được tiêu hóa để biến thành dưỡng chất rồi được hấp thụ vào máu. Một miếng thức ăn bằng thịt chẳng qua chỉ là một phần nhỏ trong xác chết của một con vật. Dĩ nhiên sau khi màng ruột đã tinh lọc lấy chất dinh dưỡng rồi, chất cặn bã còn lại sẽ tích lũy lâu trong cơ thể và sẽ sinh ra nhiều độc tố, nguyên nhân và mầm móng gây ra các bệnh tật nguy hiểm. Để giúp loài thú có thói quen ăn thịt ít bị các chứng bịnh hiểm nghèo, Tạo Hóa đã ban đặc ân cho chúng cho có đường tiêu hóa chỉ dài gấp 3 lần chiều dài của cơ thể. Trong khi đó đường tiêu hóa của loài người và loài động vật ăn rau quả thì dài gấp 12 lần chiều dài của thân thể. Vì thế chất cặn bã ở trong ruột của loài thú ăn thịt sẽ được bài tiết ra ngoài nhanh chóng hơn. Trong khi đó chúng sẽ ở lại trong ruột của loài người và loài động vật ăn thảo mộc lâu hơn. Chính vì thế mà chúng có cơ hội sanh ra độc tố nhiều hơn. Thận phải làm việc vô cùng vất vả nhưng vẫn không đủ khả năng để thanh lọc hết các độc tố trong máu. Đối với người trẻ tuổi thận còn khỏe nên chưa có hề hấn gì. Tuy nhiên đối với người trọng tuổi thận đã suy yếu, nên dễ sinh ra các chứng bệnh hiểm nghèo hơn.

· Sự Liên Quan giữa Ăn Thịt và Bệnh Tim Mạch:

Sự bất lực của con người là không thể tiêu thụ hết các chất béo thặng dư trong cơ thể. Ngược lại loài động vật ăn thịt bao giờ cũng tiêu hóa hết các chất béo và chất cholesterol một cách tự nhiên mà không hề sinh ra những phản ứng bất lợi. Người ta đã từng thí nghiệm với loài chó bằng cách cho vào thức ăn hàng ngày của nó 225g mỡ liên tiếp trong vòng 2 năm liền. Nhưng thành phần chất cholesterol trong máu của nó vẫn không có gì thay đổi.

Ngược lại loài người và loài động vật ăn thảo mộc có khả năng rất hạn hẹp trong việc đối phó với sự thặng dư các chất béo và chất cholesterol trong cơ thể. Sau nhiều năm chất cholesterol thặng dư đó sẽ lắng đọng và bám chặt vào thành các huyết quản nên dễ sinh ra chứng cứng dộng mạch (arteriosclerosis). Lưu lượng máu trở về tim bị bóp nghẽn, lâu ngày sẽ sinh ra bệnh tim hoặc chứng nghẽn động mạch có thể đưa đến tình trạng tử vong.

Đầu năm 1991, tạp chí Y Khoa Hoa Kỳ báo cáo rằng từ 90 tới 97 phần trăm các trường hợp bệnh tim mạch đã gây ra phân nửa số lượng người chết vì bệnh tật tại Hiệp Chủng Quốc có thể ngăn ngừa được bằng cách ăn chay trường. Sự khám phá này đã dược Cơ Quan Nghiên Cứu về Bệnh Tim tại Hoa Kỳ tán đồng mạnh mẽ. Ngoài ra Học Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ (National Academy of Sciences) đã báo động một lần nữa rằng sự tăng cao lượng cholesterol trong máu đã được tìm thấy trong hầu hết dân chúng Mỹ. Nếu không tránh hoặc tiết chế việc ăn thịt thì nguy cơ chết bất đắc kỳ tử bởi bệnh tim mạch sẽ càng lúc càng gia tăng.

Tại hội nghị quốc tế lần thứ ba về ăn chay và dinh dưỡng hồi năm 1997, các khoa học gia đã trình bày rất nhiều cuộc khảo cứu liên quan đến việc so sánh tỷ số các bệnh nhân chết vì bệnh tim mạch giữa những người ăn thịt và những người ăn chay trường. Bác sĩ Margaret Thorogood thuộc viện Đại học Vệ Sinh và Y Khoa Vùng Nhiệt Đới của Luân Đôn báo cáo về cuộc nghiên cứu đó như sau : Bắt đầu từ năm 1980, người ta khảo sát bằng cách theo dõi liên tục sức khỏe của 600 người ăn chay trường và 500 người ăn mặn trong vòng 14 năm. Kết quả ghi nhận trong khoảng thời gian đó chỉ riêng số người ăn chay chết vì bệnh tim mạch có tỷ lệ 38% thấp hơn những người ăn thịt đã chết vì bệnh này.

Giáo sư Gary Fraser thuộc trường Đại học Loma Linda đã theo dõi để nghiên cứu về sức khỏe của 34,192 tín đồ của giáo phái ăn chay trường Seventh Day Adventist Church ở California trong vòng 13 năm và đã ghi nhận rằng tất cả những người ăn chay trường đều có sức khỏe và ít khi bệnh hoạn hơn người ăn thịt.

· Sự Liên Quan Giữa Ăn thịt và Bệnh Ung Thư:

Gần đây các chuyên gia y tế nghiên cứu đã có nhiều bằng chứng chính xác chứng minh sự liên hệ giữa ăn thịt với chứng bệnh ung thư ruột già. Lý do gây bệnh là vì trong thịt chứa nhiều chất béo nhưng lại ít chất xơ, nên dễ gây ra chứng táo bón. Trải qua lâu ngày các độc tố trong thịt sẽ làm cho ruột bị ung thối. Tiến sĩ Sharon Flaming thuộc Phân Khoa Dinh Dưỡng của viện Đại học Berkeley ở California đã viết rằng: Ăn chay trường sẽ ngăn ngừa và làm giảm thiểu sự nguy hiểm của bịnh ung thư ruột già và ruột cùng". Ngoài ra các nghiên cứu gần đây cũng khám phá ra rằng ăn nhiều thịt cũng là mầm móng phát sinh nhiều chứng bệnh ung thư khác đến mức phải báo động. Trong một bài tường trình của Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ vào năm 1983, các chuyên gia y tế đã ân cần nhắc nhở dân chúng: "Chúng ta có thể ngăn ngừa các chứng ung thư thông thường bằng cách tiết chế thịt. Nên ăn nhiều rau quả và ngũ cốc". Ông Rollo Russell cũng đã phát biểu: "Tôi đã tìm thấy trong 25 quốc gia tiêu thụ thịt nhiều nhất trên thế giới có tới 19 quốc gia có tỷ số dân chúng mắc bịnh ung thư cao và chỉ có một quốc gia ở hàng tỷ số thấp. Ngược lại trong 35 quốc gia mà dân chúng không ăn thịt hoặc ăn rất ít thịt không một quốc gia nào có tỷ số cao về dân chúng mắc bệnh ung thư cả'".

· Những hóa chất nguy hiểm trong thịt:

Gần đây các khoa học gia đã tìm thấy rất nhiều chất hóa học độc hại tiềm ẩn trong thịt các loài thú mà khách hàng tiêu thụ không hề hay biết. Trong quyển Poisons in Your Body (Chất độc trong cơ thể của bạn), Gary và Steven Null đã nói về những mánh khóe của một số cơ xưởng sản xuất thực phẩm: ỘNgười ta đã dùng nhiều loại thuốc kích thích tố, thuốc an thần, thuốc trụ sinh và hơn 2700 loại dược chất khác dể cho súc vật tăng trưởng một cách nhanh chóng bất thường và làm cho chúng béo mập nặng cân cũng như không bị chết chóc vì các loại bệnh tật. Họ dùng thuốc để nuôi con vật ngay trong khi chúng còn trong bụng mẹ và cũng dùng thuốc để ướp cho thịt chịu đựng được lâu ngày sau khi chúng bị sát sanh. Hiện nay chưa có quy luật nào bắt buộc các cơ sở chăn nuôi và các kỹ nghệ gia sản xuất thịt phải ghi rõ loại thuốc nào mà họ đã dùng qua trong thời gian chăn nuôi để người tiêu thụ có sự lựa chọn chín chắn.

Tại Úc Châu, người ta đã dùng chất kích thích tố Diethylstilbestrol trong kỹ nghệ chăn nuôi. Đây là một chất độc có khả năng gây ra bệnh ung thư nên đã từng bị khách hàng ngoại quốc từ chối và hủy bỏ hợp dồng thương mại. Nhưng còn bao nhiêu những chất độc hóa học khác được dùng trong kỹ nghệ chăn nuôi mà hiện thời vẫn chưa bị khám phá? Nhờ những chất hóa học này, hàng năm các kỹ nghệ gia sản xuất thịt đã thâu vô một số lợi tức khổng lồ, song cũng đã gây ra biết bao chết chóc vì bệnh tật mà những khách hàng ngây thơ đã vô tình phải gánh chịu.

Năm 1972, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã khám phá ra chất độc thạch tín (arsenic) đã được sử dụng trong kỹ nghệ chăn nuôi gà nên đã khuyến cáo các nghiệp chủ chỉ được phép sử dụng trong một mức độ an toàn mà thôi.

Chất Sodium Nitrate và Sodium Nitrite được dùng để giữ cho thịt khỏi bị hư thúi trong kỹ nghệ thực phẩm kể cả các sản phẩm của thịt đã được chế biến và cá đều là những chất có hại cho sức khỏe. Những chất hóa học này làm cho thịt luôn luôn trông có vẻ tươi tốt vì nó đã được nhuộm thấm vào máu và thớ thịt. Nếu không có các chất hóa học này, thịt để lâu sẽ đổi thành màu xám và có mùi hôi nên sẽ bị khách hàng từ chối. Một điều ít ai ngờ đến là chính những chất hóa học này đã làm cho chúng ta khó phân biệt được thịt nào đã để lâu ngày và thịt nào hãy còn mới. Vì vậy, cùng với chất độc hóa học, độc tố phát xuất ra từ thịt để lâu ngày sẽ cộng hưởng với nhau mà tha hồ tàn phá sức khỏe của chúng ta, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ thơ vì tạng phủ của chúng vẫn còn non yếu. Vì thế Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) đã khuyến cáo các kỹ nghệ gia chế biến thức ăn cho trẻ con không được dùng hai chất hóa học này để ướp vào thực phẩm. Ông AJ.Lehman nói: "Chỉ một số lượng thật nhỏ của chất nitrate cho vào thực phẩm được coi là trong mức độ an toàn cũng đã là một độc chất nguy hiểm huống hồ là với một số lượng lớn". Nơi chăn nuôi gia súc thường khi bẩn thỉu và chật hẹp nên dễ sinh ra các bịnh dịch. Để ngăn ngừa hoặc để chữa trị các bệnh truyền nhiễm lan tràn làm thiệt hại tài sản, các nghiệp chủ không ngần ngại sử dụng một số lượng trụ sinh lớn lao. Họ không đếm xỉa gì đến việc sử dụng thuốc trụ sinh một cách bừa bãi trên cơ thể của loài vật đã vô tình gây ra các chất kháng thể và những vi khuẩn có sức chống cự lại với công hiệu của thuốc trụ sinh. Sau dó những kháng thể độc hại này sẽ tự nhiên được truyền vào cơ thể của con người bằng đường ăn uống. Cơ quan kiểm soát thực phẩm của Hoa Kỳ ước lượng, nhờ các thuốc trụ sinh như Penicillin và tetracyclin mà nền kỹ nghệ thực phẩm sản xuất thịt đã được cứu vớt và nâng tổng lợi tức thu nhập hàng năm lên đến 1 tỷ 900 triệu đô la. Quyền lợi và lòng tham đã khiến các nghiệp chủ làm ngơ trước những ảnh hưởng tai hại tới sức khoẻ mà những khách hàng tiêu thụ là những kẻ vô tội phải hoàn toàn gánh chịu một cách oan uổng.

· Những mầm bệnh san có trong thịt:

Ngoài những hóa chất độc hại được người ta cho vào thịt trong thời kỳ chăn nuôi cho thú được mau lớn hoặc sau khi đã sát sinh để giữ cho thịt được lâu dài, thịt cũng còn chứa những mầm móng bệnh tật khác. Các nhà kiểm thực đã cố gắng thanh lọc các mầm bệnh, nhưng vì áp lực từ phía các kỹ nghệ gia giàu có và thế lực hoặc không đủ khả năng để thanh tra kiểm soát toàn bộ nên một số lượng lớn thịt đã lọt khỏi lưới kiểm tra và đã đến tay người tiêu thụ một cách dễ dàng.

Trong một bản báo cáo của cơ quan kiểm dịch Hoa Kỳ hồi năm 1972, xác nhận rằng có nhiều xác thú vật đã thông qua được các mạng lưới kiểm soát sau khi những bộ phận bị nhiễm bịnh đã được cắt bỏ hoặc tẩy sạch. Điển hình gần 100 con bò bị bệnh ung thư mắt và 3.596.302 trường hợp súc vật bị bệnh bướu gan đều đã qua mắt được sự kiểm soát. Cơ quan kiểm dịch cũng còn cho phép thông qua những trường hợp gà bị bệnh viêm phổi được phép đem bán ngoài thị trường sau khi đã rửa sạch bộ phận bị nhiễm bệnh bằng một loại máy hút đặc biệt. Song phương pháp này cũng không thể nào thanh lọc được hết mầm bệnh đã nhiễm vào thịt. Sự kiện tương tợ này hiện nay cũng đang xảy ra trong ngành kỹ nghệ sản xuất thịt tại Úc.

· Sự dinh dưỡng không cần có thịt:
Một số thành kiến cho rằng thức ăn chay sẽ không thể nào bù đắp vào chỗ thiếu sót chất prtotein cần thiết trong cơ thể của con người, vì chất protein này chỉ có nhiều trong thịt gia súc mà thôi. Một số người khác thì cho rằng chất protein thực vật không có tính cách tương đồng để thay thế chất protein động vật. Vậy thì loài trâu, bò, ngựa và voi...đâu có ăn thịt mà vẫn có đầy đủ chất protein và luôn khỏe mạnh bình thường. Thực ra chất Protein gồm có 22 amino acids. Trong số đó chỉ có 8 loại là cần thiết cho nhu cầu của cơ thể con người và đều đã hàm chứa đầy đủ trong các loại ngũ cốc và rau đậu. Đôi khi số lượng còn nhiều hơn các thực phẩm bằng thịt đã biến chế nữa. Một cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Fred Stare thuộc viện Đại học Harvard và tiến sĩ Marvyn Hardinge của Đại học Loma Linda bằng cách so sánh giữa hai nhóm người ăn chay và ăn thịt. Kết quả cho thấy rằng nếu được ăn uống đầy đủ thì chất lượng Amino acids trong cơ thể của họ đều gấp đôi nhu cầu cần thiết.

Trong khẩu phần của người Mỹ, chất protein chứa đến 20 phần trăm, gấp đôi số lượng cần thiết mà Tổ Chức Y Tế Quốc Tế đã ấn định. Mặc dầu sự thiếu kém chất Protein trong cơ thể sẽ làm cho con người bị yếu đuối. Nhưng nếu thặng dư, cơ thể sẽ không tiêu thụ hết. Nó sẽ biến dạng thành chất Nitrogen phế thãi và sẽ gây ra gánh nặng cho sự hoạt động của thận. Chất carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhưng nếu chất protein thặng dư cũng sẽ làm giảm thiểu sự cung cấp năng lượng này. Trong một loạt các cuộc thí nghiệm được thực hiện bởi tiến sĩ Irving Fisher của viện Đại học Yale (Hoa Kỳ), những người ăn chay trường có khả năng làm việc gấp đôi những người ăn thịt. Ông thử giảm thiểu 20 phần trăm chất protein động vật trong khẩu phần của những người ăn mặn thì thấy hiệu năng làm việc của họ gia tăng đến 33 phần trăm. Nhiều cuộc thí nghiệm khác đã chứng minh sự ăn chay đúng cách và đầy đủ sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn ăn mặn. Tiến sĩ J. Iotekyo V. Kipani của viện Đại học Brussel (Bỉ Quốc) đã chứng minh người ăn chay có sức khỏe dẻo dai hơn người ăn thịt gấp đôi hay ba lần. Trong trường hợp bị mệt lã thì người ăn chay sẽ hồi phục sức khỏe nhanh chóng hơn người ăn thịt đến 1/5 thời lượng cần thiết.

Qua những dẫn chứng trên đây, chúng ta thấy rằng sự ăn chay không những không làm cho cơ thể của con người bị yếu đuối và suy giảm năng suất làm việc mà còn là một phương pháp tự nhiên để thanh lọc máu huyết gây ra bởi những độc tố trong thịt động vật, tăng cường tính miễn nhiễm của cơ thể và gia tăng hiệu năng phòng chống bệnh tật. Ý thức những điều hữu ích đó, người Phật tử chúng ta sẽ không còn ngần ngại khi vừa ăn chay trì giới và vừa đi làm hàng ngày. Tránh khỏi phạm giới sát sinh, thân tâm ta sẽ thường an lạc và thanh thản

Trần Anh Kiệt

 

ĂN CHAY VÀ SỨC KHỎE (II)
Tác giả : Trần Anh Kiệt

Bài 2

ĂN CHAY VÀ PHÒNG BỆNH

Ăn chay là cách sống đạm bạc của những bậc tu hành nhằm giữ gìn cho tâm hồn được an nhiên tự tại vì không dính líu vào chuyện sát sinh. Song ngày nay, các khoa học gia đã khảo cứu và đã đi đến một kết luận thống nhất rằng người Mỹ và các nước Tây Phương sẽ không thể nào giảm thiểu được tỷ số dân chúng trong nước mắc bệnh ung thư, bệnh tim và một số bệnh nan y khác nếu họ không thay đổi thói quen ăn uống bằng cách từ bỏ các thức ăn có nguồn gốc động vật (ăn mặn) chuyển sang các thức ăn có nguồn gốc thực vật (ăn chay).

Ông T.Colin Campbell, nhà sinh hóa học, hiện là giám đốc cơ quan nghiên cứu về Sức Khỏe, Dinh Dưỡng và Môi Sinh Cornell-China-Oxford đã tiết lộ rằng: "Để ngăn ngừa các bệnh nan y hiện nay đang lan tràn trên thế giới, chúng ta phải can đảm chấp nhận thay đổi việc ăn uống theo sự chỉ dẫn của các khoa học gia. Chỉ cần tiêu thụ một lượng thịt nhỏ bé nào đó thôi cũng liên quan mật thiết tới nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, bệnh tim mạch..., điển hình là hiện trạng tại các nước Tây Phương và Mỹ Quốc". Ông nhấn mạnh: "Ăn ít chất béo theo như sự hướng dẫn của Cơ Quan Sức Khỏe và Dinh Dưỡng của Hoa Kỳ cũng chưa chắc có thể phòng ngừa được các bệnh nan y đó. Điều cần yếu là chúng ta phải ăn chay với những thức ăn thanh đạm nhưng không kém phần bổ dưỡng".

Hiện nay ông Campbell đang cùng một số khoa học gia khác thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu Cornell giữa Học viện Y Khoa Phòng Ngừa Trung Quốc và viện Đại học Oxford Hoa Kỳ. Nhóm khoa học gia này còn nhận được sự bảo trợ 200 ngàn Mỹ kim của Học Viện Nghiên Cứu Bệnh Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ nhằm khảo sát một cách rộng lớn về thói quen ăn uống, tập tục sinh hoạt và các bệnh tật thường xảy ra tại khắp lục địa Trung Quốc tận những vùng xa xôi hẻo lánh. Họ đã quan sát và phỏng vấn trên 7 ngàn gia đình người Trung Hoa và đã thu thập rất nhiều kiến thức mới mẻ cho các chuyên gia y tế trên thế giới về nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật khác nhau. Từ đó họ nghiên cứu ra phương pháp phòng chống bằng cách thay đổi thói quen ăn uống bằng rau quả và ngũ cốc thích hợp hơn là bằng y dược thuần túy.

Người Trung Hoa tại các miền thôn dã hàng ngày ăn nhiều đồ ăn thảo mộc gần như chay lạt. Do dó trong khẩu phần của họ chứa rất ít chất béo nhưng lại nhiều chất xơ khác với khẩu phần của người Mỹ và người Tây Phương ăn rất nhiều thịt. Vì thặng dư chất béo động vật nên người Mỹ và người Tây Phương thường hay bị phì mập. Nguyên nhân dễ đưa đến bệnh ung thư, bệnh tim mạch...Ngoài ra các khoa học gia còn nghiên cứu xem khẩu phần tiêu chuẩn do Cơ Quan Dinh Dưỡng và Sức Khỏe Hoa Kỳ ấn định cho dân chúng Mỹ có đạt được công hiệu trong vấn đề phòng chống bệnh tật không. Cuộc khảo cứu cho thấy mặc dầu giảm thiểu thịt động vật rất nhiều, nhưng dân chúng Hoa Kỳ vẫn còn bị mắc chứng suy thoái tế bào (nguyên nhân gây bệnh ung thư) cao hơn ở Trung Quốc. Không những thế, ngay tại lục địa Trung Hoa cũng vậy, dân chúng trong thành thị vẫn có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn dân chúng sống trong vùng nông thôn. Vì dân thành thị ăn nhiều thịt động vật hơn dân ở nông thôn.

Hiện nay người Mỹ tiêu thụ hàng ngày từ 35 đến 38 phần trăm calories năng luợng cung cấp bởi thịt động vật. Trong khi tiêu chuẩn ăn uống được chính thức ấn định bởi Cơ Quan Sức Khỏe và Dinh Dưỡng chỉ có 30 phần trăm mà thôi. Ngược lại tại Trung Quốc, nguồn năng lượng cung cấp bởi thịt động vật cho cơ thể của con người hàng ngày là 15 phần trăm hoặc ít hơn. Chính nhờ phương pháp này mà người Trung hoa đã ngừa được từ 80 đến 90 phần trăm các trường hợp bị bệnh ung thư, bệnh tim và bịnh tiểu đường xảy ra trong dân chúng trước tuổi 65. Đây là kết quả nghiên cứu của ông Campbell nhằm tái xác nhận sự chính xác của tập tài liệu "Phòng bệnh nan y bằng phương pháp ăn uống" do Học Viện Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ phát hành vào năm 1982.

Các chuyên gia y tế thường bảo các chứng bệnh nan y thường xảy ra tại Hoa Kỳ và các nước Tây Phương là "bệnh Tây Phương" (Western Diseases). Ý thức phương pháp phòng bệnh là một việc, nhưng có đem ra áp dụng hay không lại là việc khác. Bà Banoo Parpia, một trong những thành viên cao cấp của phái đoàn đã phát biểu: "Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là người Mỹ và người Tây phương khó mà thay đổi được thói quen ăn uống bằng cách dùng rau trái để thay thế thịt động vật. Chúng tôi khẳng định rằng phương pháp này chẳng những phòng chống được bệnh tật mà còn tiết kiệm được khoảng 120 tỷ đô la hàng năm trong ngân sách y tế của chính phủ". Đồng thời ông Campbell bảo nó cũng giảm thiểu được sự ảnh hưởng tai hại vào môi sinh vì bớt được sự lạm dụng tài nguyên thiên nhiên vào việc chăn nuôi gia súc.

Trong hai năm qua, ông Campbell đã cùng với các đồng nghiệp của ông cho phát hành trên 30 ấn bản về công trình nghiên cứu mà họ đã thực hiện được. Gần đây ông đã thu gọn những nghiên cứu đó vào một quyển sách mới vừa xuất bản với nhan đề Western Diseases: Their Dietary Prevention and Reversibility. Bà Parpia bảo một trong những khám phá nổi bật nhất của phái đoàn nghiên cứu trong dân chúng Trung Hoa về các bệnh nan y đáng ghi nhận như sau:

         Bịnh Ung Thư Nhũ Hoa:

Các thiếu nữ ăn thịt hàng ngày từ thuở nhỏ sẽ có kinh sớm hơn các thiếu nữ ăn chay. Cho nên kích thích tố nữ sản sinh ra nhiều trong suốt cuộc đời thanh xuân của họ. Do đó khi tới tuổi trung niên trở lên, họ là những người dễ mắc bệnh ung thư nhũ hoa nhất. Nói tóm lại, giảm thiểu thịt động vật, ăn nhiều rau quả và ngũ cốc hoặc ăn chay trường sẽ giảm thiểu được chất hormone nên cũng sẽ có ít nguy cơ bị bệnh ung thư nhũ hoa hơn.

         Bịnh Xương Xốp (Osteopororis)

Những phụ nữ ăn nhiều thịt, chất calcium trong cơ thể sẽ bị bài tiết ra ngoài quá nhiều bằng đường tiểu, gây ra tình trạng thiếu quân bình lượng calcium nên có nguy cơ dễ mắc bệnh xương xốp hơn, nhất là đối với những phụ nữ trọng tuổi.

         Bịnh Ung Thư Gan:

Nguyên nhân chính gây ra bịnh này là vì nhiễm vi khuẩn viêm gan B trầm trọng. Nhưng tử suất của bệnh này cao liên hệ tới sự gia tăng chất cholesterol trong máu, nguyên nhân vì ăn nhiều thịt và mỡ động vật.

         Ung Thư Thực Quản:

Người Trung Hoa ăn nhiều thịt có tỷ lệ mắc chứng bệnh này gấp 5 đến 9 lần nhiều hơn những người ăn ít hoặc không ăn thịt.

Ngoài các bệnh ung thư vừ kể, ăn thịt còn có nguy cơ mắc phải nhiều loại bệnh ung thư khác, kể cả bệnh ung thư ruột già và bao tử. Ông Campbell kết luận: "Sau nhiều cuộc khảo cứu, chúng tôi khẳng định rằng sự ăn uống có phương pháp là động lực chủ yếu kiểm soát được sự phát sinh của nhiều loại bệnh tật. Tuy nhiên sự chấp vá khẩu phần bằng cách giảm thiểu lượng mỡ và thịt động vật chỉ hữu hiệu đối với một vài trường hợp nào đó. Nó không phải là phương cách tốt nhất để có thể khống chế được nhiều bệnh nan y. Chỉ có cách ăn chay trường là xét ra hữu hiệu mà thôi.

Gần đây cơ quan y tế ở Ba Lan cho biết, trong thập niên 1990, tử suất của những người chết vì bệnh tim mạch đã giảm thiểu rất nhiều vì dân chúng trong nước đã thay đổi thói quen ăn uống bằng cách sử dụng dầu ăn thảo mộc để thay thế cho dầu mỡ dộng vật mà họ đã dùng từ trước tới nay.

Tại Phần Lan,các khoa học gia bảo, đối với các bệnh nhân đang mắc phải chứng bệnh cao mỡ, chỉ cần giảm thiểu lượng cholesterol trong máu của họ xuống 10 phần trăm thì tử suất của những bệnh nhân chết vì bệnh tim mạch sẽ giảm thiểu được 20 phần trăm.

Cách nay 25 năm, Phần Lan là quốc gia đứng hàng đầu trên thế giới có tỷ số dân chúng đã chết vì bệnh tim mạch. Nhưng nhờ nhân dân trong nước đã ý thức, cải thiện thói quen ăn uống bằng cách tiết giảm rất nhiều thịt động vật, đồng thời phong trào ăn chay và dưỡng sinh được khuyến khích rộng rãi, nên Phần Lan ngày nay đã có một bộ mặt tốt đẹp về phương diện y khoa tại các nước trong vùng Bắc Âu. Phong trào ăn chay và dưỡng sinh cũng còn được phổ biến sang các nước văn minh khác như Anh Quốc và một số quốc gia có tỷ số dân chúng mắc phải các chứng bệnh nan y cao nhất trên thế giới.

Tóm lại ăn chay ngày nay không còn là thói quen ăn uống đạm bạc của những bậc tu hành nữa. Nó đã trở thành một phong trào sống khỏe và đang được khuyến khích mạnh mẽ tại khắp mọi nơi.

Tác giả bài viết: Trần Anh Kiệt