Ăn chay giảm bệnh
- Thứ sáu - 01/06/2012 07:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ăn chay tuyệt đối với những thức ăn toàn thực vật như ngũ cốc, đậu phụ, các loại rau, nấm...- Ảnh: N.C.T.
Có hai câu hỏi liên quan giữa ăn chay và đái tháo đường được đặt ra: một là ăn chay và ăn thường, chế độ ăn nào có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn? Hai là ăn chay giúp ích gì trong điều trị bệnh đái tháo đường?
Lợi ích
Nguyên từ khái niệm ban đầu, thức ăn chay (ăn trai) tức thực phẩm chỉ toàn thực vật - dạng ăn chay của người theo đạo Phật, tránh sát sinh - ngược với ăn mặn (ăn mạng sống). Nhưng dần dà khi số người ăn chay nhiều lên, thức ăn chay cũng linh hoạt cho phù hợp thực tế với mục đích chính là để thay đổi khẩu vị, bảo vệ sức khỏe hơn là tránh sát sinh. Thức ăn chay hiện nay phong phú hơn nguyên mẫu ban đầu nhiều, có đến bốn nhóm được xếp loại: (1) chay tuyệt đối hoàn toàn thực vật, (2) chay có sữa, (3) chay có sữa và trứng và (4) chay linh hoạt hay chay tương đối cho phép ăn thêm thịt, cá...
Theo nguyên lý cơ bản của dinh dưỡng học, khẩu phần ăn hợp lý phải có đầy đủ bốn thành phần là đạm, bột đường, béo, chất khoáng và vitamin. Do đó việc chuyển đổi từ một chế độ ăn bình thường sang ăn chay nói chung là được phép, hợp dinh dưỡng. Thức ăn chay có một số ưu điểm hơn thức ăn nguồn gốc động vật: ít chất béo có hại như cholesterol và các axít béo no (bão hòa), nhiều axít béo chưa no, axít béo nhiều nối đôi, nhiều vitamin E, C, A... giúp cơ thể chống oxy hóa.
Đái tháo đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường với hậu quả là đường glucose trong máu tăng cao, đái tháo đường lại liên quan mật thiết đến bệnh thừa cân, béo phì và tăng huyết áp. Do đó có thể nói ăn chay đúng cách cũng là một chế độ ăn hợp lý, “tuyệt vời” cho người bệnh đái tháo đường, vừa dinh dưỡng vừa hỗ trợ điều trị.
Một công trình khoa học lớn, nghiêm túc năm 2006 ở Hoa Kỳ cho thấy đến 43% bệnh nhân đái tháo đường type 2 khi chuyển sang chế độ ăn chay tuyệt đối đều có giảm lượng thuốc men điều trị và giảm cân. Trong thức ăn chay thực vật nhờ có nhiều chất xơ, chất sợi, nhiều khoáng và vitamin... nên có thêm khả năng giảm các biến chứng của đái tháo đường, đặc biệt biến chứng tim mạch và thận.
Ăn “đúng sách”
Ba điều cần lưu ý khi ăn chay:
- Một là thức ăn chay chỉ đóng vai trò thực phẩm hỗ trợ hay thực phẩm chức năng, không phải là thuốc nên không thể thay thuốc chữa bệnh.
- Hai là khi ăn chay cơ thể có nguy cơ thiếu một số chất vi lượng cần thiết như vitamin B12, (vitamin này có nguồn chính từ động vật), thiếu vitamin D và canxi (rất cần cho trẻ con đang lớn và người già, người loãng xương), thiếu chất sắt và kẽm (các axít phytic, oxalic, tannic... trong thực vật sẽ ngăn cản sự hấp thu sắt). Người ăn chay dễ dàng khắc phục bằng cách dùng nhóm thực phẩm chay có trứng sữa, các thực phẩm chay linh hoạt hoặc bổ sung các vitamin và khoáng chất này.
- Ba là nếu chúng ta cứ chú tâm ăn chay tuyệt đối, tránh sát sinh, với thực phẩm hoàn toàn là chất đường bột, cơ thể sẽ không thích ứng được với chế độ ăn “méo mó” này và bệnh đái tháo đường tăng lên. GS.TS Nguyễn Hải Thủy và cộng sự nghiên cứu trên 328 nhà tu hành đạo Phật, những vị này ăn trường chay, loại chay tuyệt đối (vegans) với những thức ăn toàn thực vật như ngũ cốc, đậu phụ, các loại rau, trái cây, nấm... thấy tỉ lệ bệnh đái tháo đường ở các nhà tu hành này cao gấp hai lần người bình thường. Kết quả được giải thích: do chế độ ăn chay không cân đối, toàn thực vật, không kiêng giảm chất đường bột là nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh đái tháo đường.
Ăn chay đúng cách, đúng phương pháp cũng là chế độ ăn tốt, góp phần trong việc ngừa và chữa bệnh dinh dưỡng như: thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp... Nhưng nếu không lưu ý bổ sung những khiếm khuyết của khẩu phần chay, hoặc máy móc ăn toàn thực vật chắc chắn sẽ có những điều bất lợi cho sức khỏe.
"Lưu ý ăn chay khác hẳn với ăn kiêng: ăn chay là ăn các thực phẩm gốc thực vật, còn ăn kiêng (fasting) là giảm ăn uống dưới mức nhu cầu, thậm chí là nhịn ăn"