Thiền hành và sức khỏe
- Thứ bảy - 04/02/2012 08:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đức Phật nói : "Thể xác này ví như chiếc bè để chúng ta nương gá, tạm mượn để vượt qua sông sanh tử". Nhưng với một thân thể yếu ớt, bệnh tật, thì sự tu tập cũng như sự hoạt động của chúng ta sẽ không thể nào vững bước được trên lộ trình giải thoát giác ngộ và cống hiến cho xã hội nhân sinh.
Qua những sự việc ấy, tôi muốn bày tỏ, đến tất cả mọi người về việc giữ gìn sức khỏe và đặc biệt là lợi ích của việc thiền hành như một phương pháp luyện tập, vận động thể dục trong cuộc sống hàng ngày để làm sao chúng ta có một "Thân thể khỏe mạnh trong một tinh thần minh mẫn".
Như vậy để hiểu rõ hơn lợi ích của thiền hành như sự vận động, ta hãy tìm hiểu vận động là như thế nào ? ra sao ?
Vận động là một quá trình diễn ra giữa con người và thiên nhiên, trong quá trình đó con người bằng hoạt động của chính mình can thiệp vào, điều hòa và làm chuyển hóa vật chất giữa mình và thiên nhiên. Vận động không thể thiếu đối với con người, chẳng khác nào thức ăn đối với sự sống của chúng ta vậy. Vì nó là những hoạt động liên tục không dừng nghĩ của sự sống.
Vận động hay lao động có 2 mặt : Vận động bằng những hoạt động cơ bắp, chân, tay v.v.. Đó là sự vận động bên ngoài. Vận động bằng hệ thần kinh, sự suy nghĩ, tìm tòi là sự vận động bên trong hay là vận động trí óc.
Trong quá trình tiến hóa của con người ngoài sự hoạt động của các cơ bắp trong các công việc như săn bắn, hái lượm, còn hiện hữu cùng với việc tìm ra những giải pháp, kinh nghiệm trong việc làm, đó là sự vận động của trí óc.
Từ thời Đức Phật sự vận động được thể hiện qua pháp thiền hành, kinh hành, đi khất thực, và là một phương tiện chính trong Tăng đoàn, đi từ tụ lạc này đến quốc ấp kia v.v... luôn luôn là sự vận động điều đặn, ngoài sự di chuyển của toàn thân, Đức Phật còn dạy các Thầy Tỳ Kheo lúc nào cũng phải chánh niệm tĩnh giác, quán chiếu các pháp nhằm nhiếp phục các phiền não, đó là sự vận động hay lao động trí óc trong thiền hành.
Cho nên việc, vận động trong thiền hành là quá trình không thể thiếu đối với bất cứ người Phật tử nào nói riêng, và nhân loại nói chung.
Đối với mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi địa phương thậm chí mỗi gia đình, mỗi cá nhân có thể có những truyền thống riêng về cách tận dụng hoạt động thế lực để rèn luyện thân thể và củng cố sức khỏe. Mỗi cơ thể, mỗi lứa tuổi cũng có những ưa thích riêng đối với một phương pháp, một thể loại, một kỷ thuật luyện tập.
Tôi thiết nghĩ phương pháp đi bộ trong thiền định (thiền hành) là một môn thể dục vận động không những đối với người già mà còn cho mọi đối tượng, vì nó là một hoạt động dễ và đem lại nhiều hiệu quả. Bản thân tôi kinh nghiệm qua thời gian kể từ khi bệnh tiểu đường xuất hiện tôi quyết định lấy việc "đi bộ trong thiền" làm môn thể thao tôi ưa thích và gắn bó với nó, từ đó đến nay đã 8 năm tôi kiên trì tập luyện và tôi thấy nó đã đem lại kết quả đối với bệnh trọng của tôi là bệnh tiểu đường không tái phát nữa, cảm thấy ăn ngon miệng, ngủ cũng ngon. Ngoài việc vận động trong thiền hành ra, các bạn cũng nên kết hợp các liều thuốc do Bác sĩ chỉ định, và một yếu tố quan trọng, đem đến kết quả trên là tôi đã áp dụng được lời Phật dạy. Ngài nói : "Tất cả bệnh đều do tâm mà ra" cho nên để đối trị tâm tôi luôn luôn dùng phương thuốc hoan hỷ - vui tươi, không bị ràng buộc bởi các duyên, song song với điều đó là trong lúc tập tôi cũng chú ý đến hơi thở, làm sao cho hơi thở thoải mái, nhẹ nhàng, không co thắt và không (táp nuốt) không khí lúc thở vào v.v... Qua những việc vừa trình bày trên chúng ta thấy sự vận động đem đến cho chúng ta niềm vui trong cuộc sống, bệnh tật được đẩy lùi, nhưng tựu chung lại việc đi bộ trong thiền hành gồm những yếu tố chính sau :
1/- Cố gắng kiên trì tập luyện thiền hành như môn thể thao mình ưa thích, coi nó như là người bạn không thể xa được.
2/- Không nên hấp tấp hay gò bó mà phải thoải mái trong thiền hành.
3/- Kết hợp với việc ăn uống đúng dinh dưỡng, ngủ nghĩ đúng giờ - phòng ngủ không chật quá - yên tỉnh - thoáng mát.
4/- Luyện tập hít thở điều đặn, không nhanh không chậm.
5/- Luôn luôn lúc nào cũng giữ tâm an tĩnh, không sợ hải, rầu lo, bực tức v.v... Vì nó là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.
Ta hãy xem sự nghiên cứu của Avicenne, người thầy thuốc Ả Rập thế kỷ thứ X có đúng hay không. Ông cho tiến hành thí nghiệm như sau: Nuôi hai con cừu cùng lứa tuổi, cùng cân nặng trong những điều kiện vật chất, dinh dưỡng như nhau, nhưng con thứ nhất được nuôi ở một nơi yên lặng, không có gì tác động đến hệ thần kinh cảm xúc; Con thứ hai được giữ trong một cái chuồng cạnh đó Avicenne buộc một con chó sói, lúc nào cũng gầm gừ đe dọa.
Kết quả: Cừu thứ hai ăn không ngon, ngủ không yên, gầy sút, Cừu thứ nhất sống thoải mái, lên cân nhanh. Avicenne đã tăng khẩu phần nuôi con Cừu thứ 2 lên gấp đôi, nhưng sức khỏe của nó cũng không cải thiện đáng kể. Vì thế chúng ta thấy trong cuộc sống cần nên có một tinh thần vui vẽ, cởi mở là yếu tố tạo thành sự khỏe mạnh thông qua việc luyện tập hàng ngày.
Tóm lại, tất cả các sự vận động đều đem đến cho chúng ta một sức khỏe tốt, một sức sống mới với một phương pháp đúng, một ý nghĩa tốt là sự kết hợp hài hòa giữa thân và tâm, những điều này sẽ luôn luôn tạo cho chúng ta sống yêu đời hơn, cống hiến cho xã hội tốt đẹp hơn, đúng với câu châm ngôn "Một thân thể khỏe mạnh trong một tinh thần minh mẫn". Tôi khuyên mọi người nên tìm một bộ môn, một phương pháp thích hợp để luyện tập trong cuộc sống hàng ngày, việc làm ấy sẽ giúp rất nhiều cho chúng ta trên bước đường tu tập và thực hiện hạnh lợi tha.
Cuối cùng, kính chúc quí vị sống vui khỏe, sống trong chánh niệm tĩnh giác cùng nhau tu tập, đồng thành Phật quả.
Phụ lục: Toa thuốc phụ trợ đối với bệnh tiểu đường
Dưới đây là toa thuốc mà bản thân chúng tôi đã áp dụng song song với việc thiền hành để điều trị bệnh tiểu đường với một kết quả đáng kể.
Đậu đen lòng xanh 1 kg
Lá dâu tằm ăn 1 kg
Cỏ mực 1 kg
Tất cả 3kg chia ra làm 30 lần. Mỗi phần đổ vào 3 lít nướt, sắc lại còn 1 lít, uống trong một ngày, 30 phần uống trong vòng 1 tháng. Sau khi hết thuốc, nên đến Bác sĩ xét nghiệm xem kết quả ra sao ?