02:39 ICT Thứ tư, 18/06/2025

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thông Tin Y Học

Liên hệ

Khái niệm ung thư trong y học cổ truyền

Thứ bảy - 14/05/2011 08:20

Khi nghe một ông lang giới thiệu là có thể chữa khỏi ung thư, bạn đừng vội kết luận là ông ta nói dối, vì trong Đông y, "ung thư" không phải là tên của căn bệnh nan y mà mọi người đều kinh sợ. Đó chỉ là các loại mụn nhọt trên cơ thể, có thể chữa trị dễ dàng bằng các bài thuốc cổ truyền.

Trong Đông y, "ung" là loại nhọt và apxe cấp tính nằm ở giữa da và cơ, phát triển với tốc độ nhanh, sưng, nóng, đỏ, đau. Các nhọt này nổi cao lên mặt da, có giới hạn rõ ràng, dễ làm mủ và dễ vỡ; khi vỡ mủ rồi thì dễ hàn miệng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân có hoặc không có các triệu chứng toàn thân như sốt, sợ lạnh, môi khô, miệng khát...
Ung xuất hiện do khí huyết không thông, sáu thứ tà khí bên ngoài xâm nhập cơ thể. Cụ thể là bệnh nhân ăn uống quá nhiều đồ cay nóng và bổ béo, khiến nhiệt độc uất kết bên trong, làm tắc các kinh lạc, hậu quả là khí huyết ngưng trệ, dẫn đến ung nhọt.
Tùy theo vị trí bị bệnh, các loại ung có tên gọi và cơ chế bệnh sinh khác nhau. Ung ở cổ gọi là cảnh ung, ở nách là dịch ung, rốn: tề ung, hông: khoa ung, vú: nhũ ung... Tổn thương nông gọi là ngoại ung, sâu gọi là nội ung. Ngoài ra còn có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo đặc điểm và tính chất của nhọt như: ung thũng là nhọt sưng, ung nùng là nhọt đã hóa mủ, ung lâu là mụn nhọt vỡ lâu không hết mủ, tạo thành lỗ dò, ung độc là nhọt độc, ung sang là mụn nhọt nông đã vỡ mủ, tạo vết loét lâu liền...
Thư là loại nhọt chìm sâu ở trong, phát sinh giữa gân cơ và xương, gây đau âm ỉ, khi chưa thành mủ thì khó tiêu, đã thành mủ rồi thì khó vỡ, khi đã vỡ thì khó liền miệng; mủ thường trong và loãng. Tùy vào việc nhọt có đầu hay không lúc khởi phát, người ta chia thư thành hai loại: đầu thư và vô đầu thư (nhọt độc và apxe sâu). Đặc trưng của thư là sắc da tối đen, da không tươi, dày, giống như da dưới cổ trâu (còn đặc trưng của ung là da mỏng và sáng bóng).
Sách Nội kinh có danh từ "mãnh thư", chỉ một loại tổn thương viêm ở cằm trông giống như tổ ong (sau này gọi là tả hầu ung). Sách Y tông kim giám có khái niệm "cầm thư", chỉ một loại tổn thương ở sống lưng (còn gọi là đơn độc - một loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở ngoài da, với những quầng đỏ tươi và nóng, sau lan dần ra nhiều chỗ, thường kèm theo sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy), y học hiện đại gọi là viêm quầng.
Ngoài ra, các y thư cổ còn ghi lại khá nhiều bệnh danh thuộc loại thư như: dịch thư (lao hạch nách), cổ âm thư (lao hạch đùi) và hiếp lặc thư (lao thành ngực và xương sườn). Về sau, các chứng này được quy vào hai loại bệnh loa lịch (lao hạch) và lưu đàm (lao xương khớp), tùy theo tính chất.
Như vậy, có thể thấy bệnh danh "ung thư" trong y học cổ truyền được dùng để gọi các loại mụn nhọt nói chung, sau này còn được sử dụng để chỉ một số bệnh khác như lao hạch, lao xương khớp, viêm tắc động mạch... Khái niệm này có nội dung hoàn toàn khác so với bệnh danh ung thư của y học hiện đại.

Tác giả bài viết: ThS Hoàng Khánh Toàn

Nguồn tin: Sức Khỏe & Đời Sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán