22:43 ICT Thứ ba, 17/06/2025

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thông Tin Y Học

Liên hệ

Y học cổ truyền Việt Nam thời WTO: Cần sự đột phá để phát triển và hội nhập

Thứ ba - 20/03/2012 15:21
Với bề dày lịch sử, Việt Nam đã hình thành một nền y học cổ truyền (YHCT) rất đa dạng, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây YHCT đã có những đóng góp to lớn vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập của đất nước, đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đòi hỏi rất nhiều các ngành, lĩnh vực, trong đó nhất là YHCT phải có những giải pháp đột phá để phát triển và hội nhập quốc tế.

YHCT Việt Nam - thành tựu và thách thức

Theo Bộ Y tế, sau hơn 50 năm thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển YHCT, Việt Nam đã hình thành được mạng lưới YHCT trong hệ thống y tế cả nước với nhiều thành tựu đáng kể. Hệ thống YHCT đã góp phần tích cực vào việc phòng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng các phương pháp, thuốc YHCT  khá phong phú. YHCT cũng đã được xã hội hóa, đưa vào chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Theo nghiên cứu tình hình sử dụng YHCT chiếm tới trên 30% và có xu hướng ngày một tăng. Cả nước hiện đã có 57 bệnh viện chuyên khoa YHCT, trong đó phần lớn các bệnh viện luôn nằm trong tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, một đội ngũ cán bộ YHCT đã hình thành và phát triển với hệ thống đào tạo đầy đủ và chuyên sâu. Nhiều công trình nghiên cứu về YHCT đã đạt được thành tựu đáng kể.

Tuy nhiên những thành tựu của YHCT, đặc biệt là 20 năm đổi mới chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiện nay, nhân lực của YHCT còn quá mỏng. Chỉ cần nhẩm tính mỗi khoa YHCT (kể cả bệnh viện chuyên khoa cũng như đa khoa) có 5 bác sĩ chuyên khoa thì với tốc độ đào tạo hiện nay cũng phải trên 50 năm nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại. Tương tự, đội ngũ tốt nghiệp trung học cũng cần khoảng 30 năm.

Bên cạnh đó, hệ thống YHCT ở các tuyến cơ sở đã được hình thành và phát triển qua nhiều năm đang bị giảm sút nghiêm trọng, cùng với đó là việc nuôi trồng dược liệu ở các địa phương cũng không đáp ứng được yêu cầu thị trường. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh YHCT tư nhân phát triển mạnh, nhu cầu về thuốc tăng mạnh; thị trường tự do cũng do đó phát triển để thỏa mãn nhu cầu về thuốc, kể cả các vị thuốc quý hiếm. Thực trạng này cho thấy, các văn bản pháp luật nhằm quản lý thị trường thuốc YHCT chưa được ban hành kịp thời, để đảm bảo thuốc đến tay người dùng phải được an toàn và có tác dụng.

Về đào tạo cán bộ chuyên khoa, sản xuất thuốc YHCT chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, nhất là những cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực này, đồng thời số sản phẩm YHCT chưa đáng kể.

Để tồn tại và phát triển khi vào WTO?

Gia nhập WHO cũng như nhiều ngành nghề khác, đòi hỏi YHCT Việt Nam phải  hiện đại hóa, công nghiệp hóa mới có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, hiện đại hóa YHCT khác hẳn với Tây y hóa. Hiện đại hóa YHCT, bao gồm hai lĩnh vực: ứng dụng các thành tựu khoa học hiện đại trong  các hoạt động thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền, đồng thời giữ được bản sắc của YHCT; kết hợp  YHCT với y học hiện đại (YHHĐ), sử dụng các phương tiện hỗ trợ cho chẩn đoán, điều trị; ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến thuốc YHCT.

 Gia nhập WTO, trước xu hướng cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến YHCT đòi hỏi  phải tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác của quốc tế về YHCT, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực như: kết hợp YHCT  với YHHĐ, chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học trong chẩn đoán. Đánh giá thuốc YHCT; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phát triển nguồn dược liệu; hiện đại hóa trang thiết bị trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất thuốc YHCT. Song song với đó là đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo để tăng số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành. Khuyến khích các hướng nghiên cứu, phát triển nguồn thuốc cổ truyền; phối hợp với các hội nghề nghiệp để khôi phục và đẩy mạnh việc trồng cây thuốc, đồng thời chú trọng phát triển loại thuốc hướng tới xuất khẩu.

 Giải pháp cho YHCT Việt Nam hội nhập WTO

 Gia nhập WTO, ngành YHCT đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn lao. Để ngành YHCT có thể tồn tại, vượt qua thử thách, tận dụng và phát huy được cơ hội khi gia nhập WTO cần có những giải pháp rất  cụ thể. Theo đó, Nhà nước có sự quan tâm, hỗ trợ cho ngành theo chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để phát triển sản xuất (chủ yếu là dược liệu) trong nước theo hướng tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Tốt nhất là xây dựng ngành dược trở thành một trong những chương trình mục tiêu quốc gia của ngành y tế. Tạo điều kiện để ngành y, dược cổ truyền đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mà trước hết là ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... Tăng  cường sản xuất hàng hóa theo hướng để xuất khẩu.

Mấu chốt quan trọng là càng sớm càng tốt để ngành dược cổ truyền có được những hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Từng doanh nghiệp, từng đơn vị chuyên ngành cần xác định rõ chỉ có vượt qua thử thách mới nắm được cơ hội. Cần có những cơ chế kết hợp lợi ích một cách rõ ràng, tạo ra động lực cho những con người mang trong mình bầu máu nóng YHCT, khao khát vươn lên, thành đạt và khẳng định mình. Tạo cơ chế để các doanh nghiệp (chủ yếu là dược cổ truyền) và các đơn vị YHCT được tự chủ tối đa và kinh phí, bình đẳng kinh doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, khuyến khích các doanh nhân giỏi, là đầu tàu cho phát triển chuyên ngành, trên cơ sở tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường.

Đẩy mạnh công tác đào tạo chính quy, mở ra nhiều loại hình đào tạo trong nước và tích cực gửi học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài; đào tạo liên tục, chú trọng đào tạo cán bộ chuyên ngành  như các hội nghề nghiệp ở một số nước phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan...

Hiện tại chúng ta đã có Nghị quyết 46/NQ-TW nêu rõ: "... xây dựng ngành YHCT thành một ngành khoa học"; có quy hoạch phát triển tổng thể ngành y tế định hướng đến năm 2020; chính sách quốc gia về YHCT đến 2010. Đó là kim chỉ nam và là cơ sở để hoạch định, xây dựng cơ chế, chính sách cho ngành YHCT.

Vì vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, trước mắt, cần phải khẩn trương thực hiện tốt một số nội dung cụ thể như: sớm ban hành các quy trình kỹ thuật y, dược cổ truyền: các quy trình kỹ thuật về y (điều trị có dùng thuốc; không dùng thuốc); quy trình bào chế dược liệu; các quy định về sử dụng có hiệu quả, hợp lý và an toàn về thuốc YHCT; bảo tồn nguồn gen cây thuốc; phát triển và khai thác bền vững; chế biến bào chế sản xuất thuốc, cung ứng thuốc bảo đảm chất lượng, xuất nhập khẩu thuốc với những ưu tiên nhất định đối với thuốc thiết yếu. Công tác đào tạo loại hình cán bộ khoa học y và dược học cổ truyền với các chương trình thích ứng là rất quan trọng để phát triển YHCT trên nền tảng phát triển dược YHCT. Vấn đề xây dựng hệ thống YHCT ổn định và sự đầu tư thích đáng từ phía Nhà nước là bảo đảm cho YHCT đứng vững và từng bước hội nhập WTO tận dụng được cơ hội, khắc phục tồn tại và vượt qua thử thách trước mắt cũng như lâu dài.

Tác giả bài viết: Theo TS. Lê Lương Đống- Quyền Vụ trưởng Vụ YHCT - Bộ Y tế

Nguồn tin: Sức Khỏe & Đời Sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán