Cà chua.
Quả tim là trung tâm của sự sống. Từ lúc nằm trong bụng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, trong khoảng 60 năm cuộc đời, quả tim là chiếc máy hoạt động liên tục với hơn 2.000.000.000 lần đập !
Từ lâu, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp bệnh Tim Mạch vào hàng những bệnh gây tử vong cao nhất trên thế giới, và bệnh ngày một phát triển nhiều hơn theo lối sống ngày càng hiện đại. Tác nhân gây bệnh thì có nhiều: do di truyền, tuổi tác, thuốc lá, rượu mạnh, stress, ít vận động, ăn uống không hợp lý ...
Để bảo vệ cho trái tim, phòng tránh các bệnh chứng về tim mạch như cao huyết áp, tăng cholesterol, xơ vữa động mạch, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ (tai biến mạch máu não do nghẽn mạch hay xuất huyết não)... ngoài lối sống tích cực, giảm các tác nhân có hại, còn phải kể đến vai trò của các chất dinh dưỡng.
Sau đây là những thực phẩm có tác dụng tốt nhằm bảo vệ cho tim:
Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh một chế độ ăn giàu rau quả có thể giảm đến 25% chứng nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Chanh, cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, sơ-ri, chanh dây, chuối… và những loại rau tươi có nhiều vitamin C, giúp tăng cường bảo vệ cho thành mạch. Người ta cũng nhận thấy mức vitamin C trong máu thấp có liên hệ với chứng cao huyết áp.
Những thực phẩm chứa nhiều vitamin E (nhất là giá đậu và các rau có màu xanh đậm) có khả năng giảm thiểu sự hình thành các cục máu đông, nguyên nhân chính gây nghẽn mạch dẫn đến đột quỵ, đột tử …
Cà rốt, trái Gấc với nhiều bêta-caroten, Cà chua với lycopen, Nho đỏ hay đen với resveratriol, hoa Hòe với rutin…, những chất vi lượng này có thể giúp làm giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các loại cá như cá Mòi, cá Trích, cá Ba sa, cá Hồi… chứa nhiều acid béo omega-3. Mỗi ngày ăn chừng 35 g cá có thể làm giảm đến 50% tử suất do bệnh tim mạch. Các nhà khoa học khuyên nên ăn mỗi tuần 2 - 3 lần cá, mỗi lần khoảng 120 g (chừng 1 con cá Trích hay 1/2 lát mỏng cá Ba sa hay cá Bông lau). Các acid béo omega-3 có trong mỡ cá làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và giảm hình thành các cục máu đông, làm hạ mức triglycerid quá cao trong máu.
Các loại dầu thực vật chứa nhiều acid béo không no thiết yếu như dầu mè, dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu phộng… có lợi cho tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy các acid béo không no thiết yếu tác động lên các prostaglandin nhóm E tương tự như tác dụng của aspirin và các thuốc tác dụng trên sự tổng hợp prostaglandin khác trong phòng ngừa biến chứng tim mạch.
Trái Dứa (Thơm, Khóm) chứa bromelain, có tác dụng ly giải protein, do đó ức chế sự kết tập tiểu cầu, cải thiện đau thắt ngực, giảm huyết áp, phân hủy các mảng xơ vữa ở thành mạch, vì vậy cũng làm giảm nguy cơ tim mạch.
Tỏi có chứa ajoen, có thể ngừa hình thành cục máu đông. Tỏi còn làm hạ mức cholesterol xấu (LDL) và triglycerid trong máu.
Tỏi cũng làm hạ huyết áp. Ăn Tỏi có thể làm giảm áp suất tâm thu từ 20 - 30 mm và áp suất tâm trương từ 10 - 20 mm thủy ngân. Cơ chế gây giảm huyết áp của Tỏi có liên hệ tới tác động trên hệ thần kinh tự chủ, tác động hạ lipid máu và có thể là do các hợp chất chứa lưu huỳnh trong Tỏi. Người ta nhận thấy những bệnh nhân cao huyết áp thường có tỷ lệ thấp các amino acid chứa lưu huỳnh trong máu.
Hành cũng có những tác dụng tương tự như Tỏi.
Bánh mì lứt, cơm gạo lứt và các ngũ cốc còn nguyên hạt khác như bắp, kê, các rau quả có nhiều chất xơ, nhất là những quả và hạt có nhiều pectin hay chất nhầy như mủ Trôm, hạt Ươi, hạt É… làm tăng thải trừ cholesterol qua đường tiêu hóa, do đó giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch.
Uống rượu vang đỏ điều độ (mỗi ngày không quá 2 ly) sẽ giảm nguy cơ tăng cholesterol trong máu và ngăn ngừa việc hình thành cục máu đông nhờ những chất polyphenol và chất chống oxy hóa từ trái Nho đỏ. Uống vang đỏ điều độ cũng giúp làm hạ mức cholesterol xấu và triglycerid trong máu.
Trà chứa nhiều polyphenol, flavonoid. Dùng mỗi ngày 4 - 5 tách trà có thể làm giảm nguy cơ tim mạch.
Trà Hoa Hòe, rau Giấp cá rất giàu các flavonoid, có tác dụng bảo vệ và làm tăng sức dẻo dai của thành mạch, làm tăng tính thẩm thấu của mao mạch, vì vậy, cũng làm giảm nguy cơ tim mạch.
(Theo Le Figaro & Encyclopedia of natural medicine).
Tác giả bài viết: DS. HUỲNH VĂN NHIỆM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn