Khổ đế phát sinh do phản ứng tâm lý chứ không phát sinh nơi đồ vật. Đồ vật là đối tượng của tâm, khi tâm phát sinh phản ứng tham, sân, si trên đồ vật đó thì mới tạo ra khổ đế. Đồ vật đụng chạm đến con có thể tạo ra khổ, hay lạc. Ví dụ con vấp một cục đá và chân bị đau. Đau là khổ nhưng không phải là khổ đế. Nhưng khi đau chân, con sinh bực tức, căng thẳng, mất bình tĩnh đó mới là khổ đế. Ngay cả cảm giác lạc, như khi ăn một món ngon, rồi con sinh tham ăn, lòng tham ấy mới sinh ra khổ đế. Nếu tâm con luôn sáng suốt, định tĩnh, trong lành, dù khi khổ hay lạc cũng không để tham lam, sân hận, si mê khởi lên thì sẽ không có khổ đế đâu con.
Đất nước lửa gió chỉ là những tên gọi để biểu trưng cho bốn đặc tính cơ bản của vật chất: Tính cứng mềm gọi là đất, tính trơn dính gọi là nước, tính nóng lạnh gọi là lửa, tính chuyển động gọi là gió. Thực ra tứ đại còn bao hàm nhiều đặc tính vi tế hơn nữa mà mỗi người có thể trực tiếp cảm nhận được. Tuy nhiên trong đó yếu tố nước rất khó cảm nhận bằng giác quan mà phải có tri nhận nữa mới được. Tất nhiên tứ đại thuộc thực tánh pháp, nên tưởng tri và thức tri chỉ có thể nhận biết qua khái niệm, không thể nhận biết thực tánh được.
Đây là một câu hỏi hay. Nhiều người nghe hành thiền Vipassanà có kết quả nhanh và tốt thì cứ việc tin tưởng và hành theo mà không hề biết phương pháp của người dạy mình đúng hay sai, thật hay giả. Nguyên nhân là vì thiếu nhận thức cơ bản về pháp học. Pháp học ở đây không phải là học hết Tam Tạng kinh điển, mà là có nhận thức đúng cốt lõi của giáo Pháp, nhất là tính chất và mục đích của pháp hành thiền tuệ. Đặc biệt trong thiền tuệ, không những có một số phương pháp sai lầm, cho dù phương pháp đúng mà chỉ hiểu sai một ly thôi cũng không còn là thiền tuệ nữa. Hiện nay thiền Vipassanà đang phổ biến trên thế giới, nhưng cũng chính vì thế mà sinh ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Điều đó là tất nhiên thôi, nhưng người học thiền thì nên đề cao cảnh giác không nên vội vàng cả tin. Hãy đọc lại cho thật kỹ bài kinh Kalama, để thấy chính đức Phật đã cảnh báo như thế nào về việc tin và hành.
Nhiều người sống chẳng ra gì nhưng lại tự mình cho mình là thiền sư, mà thực chất chỉ là đang thực hiện ý đồ danh lợi... Đơn giản là họ chỉ qua Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng hay Nhật Bản gì đó, hoặc thậm chí chỉ cần nghe được một vài điều từ người khác, và nếu chưa phải là nhà sư thì họ xin tu gieo duyên, rồi sẵn có phương pháp trong tay, nghiễm nhiên trở thành một ... "thiền sư"! Chính trong thời mạt pháp này người học Pháp cần phải hết sức cẩn trọng, đừng tự hại mình và tiếp tay cho kẻ phá hoại Phật Pháp. Thầy nói lên sự thật này không phải để chỉ trích ai, mà chỉ nhằm mục đích giúp cho những người đang tìm Đạo không bị đánh lừa.
Có những điều sau đây giúp con thấy ra đúng và sai trong khi tu học:
- Tri kiến (thấy biết) là trụ cột của thiền Vipassanà, tri kiến đúng là hành đúng, tri kiến sai là hành sai.
- Vipassanà có nghĩa là thấy biết như thực, vậy không có gì để hành ngoài thấy biết trực tiếp và chân thực, không qua bất kỳ khái niệm nào. Nói cách khác thấy biết như thực tức là đang hành thiền Vipassanà .
- Dựng lên phương pháp rồi áp dụng để hành và dựng lên đối tượng rồi lấy đó để quán là không phải thiền Vipassanà. Vì cái gì được dựng lên đều là khái niệm, không phải là thực tánh pháp tự nhiên.
- Có hứa hẹn sở đắc không phải là thiền Vipassanà. Hứa hẹn là tương lai, trong khi thiền Vipassanà hoàn toàn xảy ra trong hiện tại. Có sở đắc tức có ngã và ngã sở, hay nói cách khác là đồng hóa ngã với pháp (ngã chiếm hữu pháp), thì không thể nào thấy được ba tính chất vô thường, khổ, vô ngã của Pháp tánh tự nhiên.
- Phương pháp nào nhằm diệt khổ được lạc không phải là thiền Vipassanà, ngược lại, hành Vipassanà phải loại bỏ mục đích diệt khổ để được lạc, vì ý muốn diệt khổ là tâm sân, ý muốn được lạc là tâm tham. Pháp thiền Vipassanà dạy rằng khi chánh niệm tỉnh giác không để tham sân xen vào. Nếu không, không phải là hành thiền theo Đạo Đế mà đang hành theo Tập Đế. Nói rõ hơn là đang hành theo tiếng gọi của bản ngã tham sân si.
- Không áp dụng bất cứ kiến thức nào để hành thiền Vipassanà, dù đó là kiến thức Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), trừ phi kiến thức đó không còn là khái niệm mà là thực tại hiện tiền. Ví dụ như không phải kiến thức về thân, thọ, tâm, pháp mà là trực nhận thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp.
- Không áp dụng bất cứ khuôn khổ, phương pháp hay ý niệm nào đã định sẵn vào pháp hành Vipassanà, vì như vậy là lấy quá khứ chụp mũ pháp, bóp méo pháp hiện tại chứ không phải tôn trọng pháp nguyên vẹn như nó là để thấy ra thực tánh. Pháp gì bị khuôn định sẵn thì không phải là pháp thực tại vận hành tự nhiên. Không bao giờ có thể thấy thực tánh ngoài pháp thực tại tự nhiên. Phương pháp chỉ có thể đem đến lợi ích tục đế nhưng không thể chứng ngộ chân đế.
- Tất cả những pháp thấy ra trong khi thiền định (mà người ta thường lầm là thiền tuệ!) đều do tưởng sinh, tuyệt đối không phải là thực tánh pháp. Thực tánh Pháp không phải là ảo ảnh, dù đó là ảo ảnh do định sinh, trừ phi thấy bản chất của nó là tưởng.
- Nếu có người nói họ đã đắc pháp này pháp nọ, thì dù có thực đó cũng chỉ là kinh nghiệm. Trí tuệ Vipassanà không phải để thu thập kinh nghiệm mà chính là hóa giải mọi kinh nghiệm sở đắc, vì kinh nghiệm chỉ làm giàu bản ngã.
- Đừng vội tin những gì thiền sư nói mà hãy xem những gì thiền sư ấy thể hiện trong đời sống hàng ngày. Một vị thiền sư không thể dạy đúng khi tự mình không sống đúng. Đó là lý do vì sao trong Thiền Tông người ta dùng từ khám nghiệm để chỉ sự khám phá chính mình hay khám phá một thiền sư thực ngộ hay chỉ là giả ngộ.
- Một vị thiền sư có đạo đức chưa hẳn đã giác ngộ, nhưng thiền sư giác ngộ luôn luôn đạo đức. Người đạo đức là tốt và đáng kính nhưng nếu chưa giác ngộ thì chưa hẳn dạy thiền đúng. Cần phải phân biệt rõ hai điều này.
1) Đi thọ bát quan trai ở chùa cũng tốt, mà tự mình thọ ở nhà cũng được, tùy theo điều kiện cho phép của mỗi người. Quan trọng là ngày hôm đó có thọ bát quan trai giới trong sạch thanh tịnh hay không mà thôi. Bát quan trai mục đích giúp người tại gia, không có điều kiện xuất gia, có thể tập sống không lệ thuộc vào một số phương tiện hưởng thụ để sống giản dị, thanh thoát, và ít bị ràng buộc hơn.
2) Có loại định cần thiết cho thiền tuệ, có loại định trở ngại cho thiền tuệ. Nói một cách tổng quát, định nào dính mắc vào thời gian, sở đắc và bản ngã đều trở ngại cho thiền tuệ. Định nào không vướng kẹt trong quá khứ, hiện tại, vị lai (thời gian), không trú vào sở đắc, không có bản ngã sở đắc mới có thể xứng hợp với giới và tuệ trong thiền tuệ được. Con vào mục Thư Viện trong trang Web này để xem thêm bài viết của thầy về đề tài này: Thực Tại Hiện Tiền 2, chương 8: Nội tâm tĩnh lặng. Chúc con tu hành tinh tấn.
Toàn bộ những điều được đề cập trong Vi Diệu Pháp đều là thực tánh pháp có sẵn trong thân, thọ, tâm, pháp nên đức Phật dạy chỉ cần chánh niệm tỉnh giác ngay trên thân, thọ, tâm, pháp là thấy được thực tánh ấy ngay. Học Vi Diệu Pháp cũng tốt, ít nhất là giúp chúng ta bớt đi những quan niệm sai lầm về thân tâm mà mình tưởng lầm là bản ngã. Tuy nhiên nếu học mà biết quên ngôn ngữ đi chỉ thấy thực tánh pháp thôi thì rất bổ ích. Ngược lại, nếu cứ nhớ chi pháp này chi pháp khác đem ra áp dụng để hành thì không bao giờ thấy được thực tánh. Vì cái biết đó là biết qua lý trí, hay nói cách khác là tưởng tri và thức tri. Đôi khi trở thành sở tri chướng nên thức tri không thể nào thấy thực tánh được, chỉ có tuệ tri, tức biết bằng chánh niệm tỉnh giác đúng mức, mới thấy được thực tánh mà thôi. Vậy không nên học Vi Diệu Pháp để tích lũy kiến thức, mà nên học để mở rộng tầm nhìn, khai mở tâm trí. Lấy tâm trí khai mở, không chấp trước quan niệm sai lầm để hành thiền là tốt, nhưng nếu áp dụng kiến thức mà hành thì chẳng thà không có kiến thức còn hơn. Năm vị Kiều Trần Như không học Vi Diệu Pháp chỉ nghe Phật thuyết Tứ Diệu Đế cũng vẫn chứng ngộ Đạo Quả Vô Sanh. Những vị chỉ mới 7 tuổi thậm chí gần như chưa học gì mấy mà vẫn chứng ngộ bậc Alahán thì sao? Hành thiền bằng thấy biết trong sáng như thật chứ không bằng kiến thức.
Khi chánh niệm mà cứ hướng tới một mục đích hay một kết quả nào đó ở tương lai thì sao còn gọi là chánh niệm được nữa! Đối tượng của chánh niệm là pháp thực tánh tại đây và bây giờ. Bất kỳ lý tưởng nào xen vào đó cũng đều là chướng ngại khiến cho không thể thấy thực tánh thì làm sao mà có tuệ nào được? Hành thiền không phải để an lạc, nên dù an lạc bây giờ hay sau này cũng đều vô nghĩa, nếu ngay nơi thực tại không thấy bản chất thật của pháp. 16 tuệ chỉ có mặt trong hiện tại với thấy biết hoàn toàn định tĩnh trong sáng, nếu để ý nghĩ về 16 tuệ hiện ra thì không còn là thiền vipassanà nữa.
Chánh nghiệp là hành động chơn chánh, không hại mình hại người, trong đó cụ thể là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Chánh nghiệp thuộc về giới luật, đây là những giới luật cơ bản nhất thôi chứ kể ra thì có rất nhiều hành động không nên làm nữa. Sở dĩ dùng phủ định vì chỉ cần không hành động bất thiện là được, còn nếu nói khẳng định thì làm sao kể hết hành động thiện.
Ném tiền hay vật dụng xuống hố sima là một tậo tục có tính tín ngưỡng, do đó chúng ta không nên phê phán. Tất nhiên cũng có một ý nghĩa nhất định nào đó người ta mới làm. Phần nhiều người ta làm như vậy để cầu phước, hay trừ tà, vì họ tin rằng sima là vật linh thiêng do Chư Tăng đọc tuyên ngôn Tăng sự để làm cho sima thanh tịnh trang nghiêm không bị sự quấy nhiễu bởi những nguồn tai hại nhất là phi nhân. Tuy nhiên, nếu quá lệ thuộc vào niềm tin này thì cũng trở thành mê tín, không có lợi cho việc tu tập giác ngộ giải thoát.
Còn đợi đến nữa đêm là do giờ đó sẽ không còn vị tỳ kheo nào ngoài số chư Tăng đang làm Tăng sự có thể đi qua lại bên ngoài vùng sima chưa kiết giới xong. Theo luật, như vậy là có vị tỳ kheo ở ngoài không tham dự thì Tăng sự không thành tựu được. Điều này chỉ có ý nghĩa về giới luật thôi, chứ không có ý gì khác. Tóm lại, mỗi nơi có một số tập tục độc đáo do niềm tin hay quan niệm của nơi đó, chúng ta không nên bắt chước cũng như bài xích. Phải chiêm nghiệm học hỏi kỹ lưỡng rồi mới theo hay không theo.
Những ngôn ngữ này được sử dụng bên Hệ Phái Bắc Tông nên thầy không rành lắm. Thầy ít khi nghe nói Chi Hương Linh mà thường nghe Chư Hương Linh. Có thể kiến thức thầy nông cạn nên không có nhiều thông tin về chữ nghĩa. Nếu đúng là chi thì con nên hỏi lại quý thầy bên Bắc Tông xem là nghĩa gì. Nếu là chư dùng để ám chỉ số nhiều, tương đương với những, các... trong tiếng Việt.
Chỉ tịnh đúng là từ để chỉ nghỉ trưa và chỉ túc là ngủ buổi tối thường được dùng trong các thanh quy thiền môn. Túc ở đây có nghĩa là buổi tối. Lần sau con đừng hỏi thầy chữ nghĩa nữa nghe. Thầy già rồi cho thầy quên bớt chữ nghĩa chừng nào tốt chừng đó. Miễn là không vong thân, không mê mờ thực tại là được. Con nên hỏi những điều có liên quan đến thực tại, đến chính mình trong hành trình tu tập thì may ra thầy còn biết đôi chút để chia sẻ. Cám ơn con.
Chùa có hai loại sinh hoạt lễ: Sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt đột xuất. Lễ đột xuất thì không thể nói trước được, ví dụ như lễ kiết giới sima vừa rồi. Thực ra lễ đột xuất cũng có thể thông báo nếu cần, nhưng đặc biệt lễ kiết giới vừa rồi diễn ra lúc nửa đêm, tránh đông người tham dự nên không thông báo trước. Còn các lễ định kỳ được tổ chức như sau:
- Lễ tụng kinh an lành đón giao thừa đầu năm vào 12g tối 30 Tết
- Lễ Thánh Hội và Phật hứa Ma vương, có thọ đầu đà từ 6g tối ngày Rằm tháng Giêng đến 6g sáng ngày 16.
- Lễ Vesak Tam Hợp (Đản sanh, Thành Đạo, Niết-bàn, có thọ đầu đà từ 6g tối ngày Rằm tháng Tư đến 6g sáng ngày 16.
- Lễ Trai Tăng Dâng y tắm mưa để chư Tăng an cư kiết hạ vào sáng ngày 15 - 06 - âm lịch.
- Lễ giổ Tổ Hộ Tông vào sáng ngày 26 - 07 âm lịch.
- Lễ Dâng y Kathina vào sáng ngày 17 - 09 âm lịch
- Lễ Báo Hiếu đặt bát tại Bồ Đề Phật Cảnh trưa Rằm tháng 07 và 30 tháng 08 âm lịch.
- Lễ giổ Đại Đức Lão Tâm (thí chủ dâng đất chùa Bửu Long) vào sáng ngày 28 - 11 âm lịch