01:01 ICT Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Hỏi & đáp

Liên hệ
Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_1
Câu hỏi:
Con thưa thầy, bản chất của hành hữu vi là khổ, nhưng trong cuộc sống đời thường có nhiều trách nhiệm mà bản thân mỗi người phải cố gắng làm. Chẳng nhẽ cứ quán sát thực tại như nó đang là, mà không cần phải hành động gì là đủ rồi sao? Cứ lặng lẽ hồn nhiên quán sát là pháp tự vận hành, tự giải quyết mà không cần bản thân phải gia công cố gắng gì sao? Hành + hữu vi => bản chất là khổ; Hành + vô vi => sáng suất, định tĩnh, trong lành. Vậy chúng khác nhau về "sự" như thế nào, có chuyển hóa cho nhau không và có thì chuyển hóa thế nào? Và "vô vi" với "chỉ cần quán sát mà không cần phải gia công làm gì cả vì bản chất của hành là khổ" nó có khác nhau không? Con cảm ơn thầy.
Trả lời:

Câu hỏi: "Chẳng nhẽ cứ quán sát thực tại như nó đang là, mà không cần phải hành động gì là đủ rồi sao? Cứ lặng lẽ hồn nhiên quán sát là pháp tự vận hành, tự giải quyết mà không cần bản thân phải gia công cố gắng gì sao?" chứng tỏ con chưa thấy rõ thực sự hữu vi và vô vi là gì. Ai nói vô vi là không hành động, không trách nhiệm, không cố gắng? Đức Phật và các bậc Thánh đã vô vi tuyệt đối (được gọi là hành động duy tác) sao vẫn lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha? Các Ngài có vô trách nhiệm với bản thân và cuộc sống không? Hữu vi trong nghĩa tạo tác nghiệp do bản ngã vô minh ái dục thì chắc chắn là khổ rồi. Còn vô vi (vô hành, vô tác, vô nguyện, vô thủ hữu) không phải là "không hành động hay không cố gắng gia công gì cả" như con nghĩ, mà là hành động hay cố gắng gia công thuận pháp chứ không thuận theo bản ngã vô minh ái dục (như hành động hữu vi, hữu ngã).

Bây giờ thầy lấy một ví dụ để con xem hành động nào có trách nhiệm với mình và người hơn nha. Nếu một bác tài đang lặng lẽ lái xe với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành (hoặc khi cần thì thận trọng, chú tâm, quan sát rõ ràng), biết rõ tình trạng đang điều khiển xe của mình, biết rõ tình trạng lưu thông trên đường... mà vẫn rất thoải mái tự nhiên trọn vẹn với việc lái xe. Như vậy con có cho là bác tài không trách nhiêm, không cố gắng làm gì cả không? Trong khi một bác tài khác, đang lái xe mà cứ hậm hực nghĩ cách trả thù một kẻ đã hại anh ngày hôm qua, hoặc mãi mê tính toán một kế hoạch  béo bở trong tuần tới, hoặc đang bị thu hút vào một bản tin thời sự nóng bỏng làm anh lo lắng bất an, vì vậy lắm khi anh lái xe trong tình trạng vô thức, khả năng gây tai nạn hay cản trở giao thông rất cao. Như vậy không phải hành động hữu vi hữu ngã của anh ta không những làm khổ mình mà còn làm khổ người nữa hay sao? Tài xế thứ nhất hoàn toàn trọn vẹn với thực tại, tâm không lăng xăng tạo tác, không bị tham sân si chi phối, khả năng tự động điều chỉnh rất cao, như vậy là hành động vô vi thuận pháp. Tài xế thứ hai, không trọn vẹn với thực tai, bị quá khứ, tương lai và hiện tại chi phối, bị tham sân si dẫn dắt, nên tâm luôn lăng xăng tạo tác, hành động đó gọi là hữu vi thuận ngã. Hữu vi như vậy không khổ là gi, phải không?

Con muốn chuyền hóa một hành động hữu vi sang vô vi thì chỉ cần trở lại thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại - trạng thái thân tâm đang là, hay công việc đang làm. Như vậy không những hành động hữu vi, hữu ngã được chuyển hóa mà còn làm công việc ấy chu đáo hơn nhiều trong vô vi vô ngã. Một người đang chăm chú lau nhà rất thoải mái tự nhiên và an lạc, bỗng thấy em mình đi chơi về giẫm lên sàn làm bẩn đi. Người chị nổi giận, bây giờ việc lau nhà trở nên bực bội không thoải mái nữa. Đó là chiều chuyển biến ngược lại từ hành động vô vi vô ngã thành hữu vi hữu ngã, từ an lạc đến khổ đau. Tóm lại, vô vi ở đây là thái độ hành động sáng suốt vô ngã, an lạc tự nhiên, thoát khỏi thái độ toan tính đầy lo lắng, sợ hãi, bất an của cái ta vô minh ái dục, chứ không phải là không hành động gì cả. Hãy chiêm nghiệm thật kỹ lưỡng chính hoạt động hàng ngày của con thì con sẽ thấy ngay đâu là vô vi đâu là hữu vi.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_2
Câu hỏi:
Con đã vào chùa và đã làm những điều có lỗi với nhà chùa. Giờ con muốn đi tu lại thì có được không? Và con phải làm như thế nào?
Trả lời:

Đức Phật dạy trong Kệ Kinh Pháp Cú: " Người nào trước làm ác, sau làm lành, như mặt trăng ra khỏi mây che". Khi chưa hiểu biết đúng thì hành động sai lầm là chuyện bình thường. Cái đúng do rập khuôn theo một mẫu mực nào đó mình cho là đúng không bằng cái đúng do thấy ra được sai lầm của mình. Tu hành chính là quá trình tự động điều chỉnh từ nhận thức ra cái sai, đó là sự điều chỉnh chân thực. Không tự biết mình sai mà chỉ cố gắng làm theo một quan niệm mình cho là đúng thì chẳng khác nào một người hôi hám bẩn thỉu, không tự biết mình để tắm rửa cho sạch mà cứ xức dầu thơm vào thì muôn đời vẫn dơ. Con thấy ra lỗi lầm của mình, tự biết ăn năm sám hối, tự biết từ bỏ lỗi lầm đó chính là tu chứ con nói tu gì nữa? Con nhớ rằng không sai tức là tự nó đã đúng rồi. Nếu con theo một quan niệm nào đó mà con cho là đúng để làm theo thì coi chừng vẫn có thể sai đấy. Hãy học cái đúng cái sai ngay trên thực tế, xem nó có hại mình hại người không, chứ không nên chỉ biết áp dụng một khuôn mẫu đạo đức một cách máy móc thụ động con nhé.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_3
Câu hỏi:
Kính thưa thầy! Con rất thích hai câu thơ của Thầy: "Tự do là ung dung trong ràng buộc. Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau" Thưa thầy, hai chữ "ràng buộc" trong câu đầu phải chăng là nhân quả, nghiệp duyên, hay một ý khác là định mệnh? Và tất cả các pháp sinh ra đều có tính tương tác, ràng buộc lẫn nhau trong một qui định chặt chẽ mà chúng ta không thể cố gắng thoát ra bằng bản ngã. Chỉ có như thị, chấp nhận không điều kiện, không động cơ, thì khi đó mới được tự do hoàn toàn? Kính thầy khai thị cho con!
Trả lời:

Có hai loại ràng buộc: 

- Một là loại ràng buộc của pháp tự nhiên như con đã nói: "là nhân quả, nghiệp duyên, ...là định mệnh (từ quả của nghiệp). Và tất cả các pháp sinh ra đều có tính tương tác, ràng buộc lẫn nhau trong một qui định chặt chẽ mà chúng ta không thể cố gắng thoát ra bằng bản ngã. Chỉ có (thấy) như thị, chấp nhận không điều kiện, không động cơ, thì khi đó mới được tự do hoàn toàn"

- Hai là ràng buộc mà đức Phật gọi là kiết sử, triền cái, tức là các phiền não bên trong do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Giải thoát chính là thoát khỏi sự ràng buộc này. Như vậy, khi thoát khỏi sự ràng buộc của bản ngã tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, nghi hoặc, thất niệm, bất giác, vô tàm, vô quí v.v... thì đồng thời có thể ung dung tự tại trong những ràng buộc tự nhiên giữa cuộc đời (loại ràng buộc thứ nhất). Vì vậy chư Phât, chư Thánh nhân, Bồ-tát mới ung dung tự tại như vậy. Các ngài không những có khả năng tự giác mà còn có thể vào đời, sống thuận pháp tùy duyên, thong dong vô ngại, với tâm nguyện vô ngã vị tha.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều: dù là ràng buộc của kiết sử hoặc triền cái, cũng không phải giải thoát bằng cách đem bản ngã tham sân si ra mà lăng xăng giải quyết hay tìm cách loại bỏ, diệt  trừ theo quan niệm chủ quan, mà vẫn phải ung dung tự tại mới thấy ra được nó.  Loại ràng buộc thứ hai này, thực chất chỉ là hư ảo do vọng tưởng của bản ngã tạo ra, nên không cần phải diệt mà chỉ cần thấy ra bằng trí tuệ (tuệ tri) trong chánh niệm tỉnh giác thì nó liền tự diệt. Hành thiền theo Vipassanà chỉ có nghĩa là thấy ra minh bạch chứ không cố gắng để giải quyết gì cả. Còn lấy nỗ lực của bản ngã mà giải quyết, diệt trừ thì chính là tạo tác trong quỹ đạo tham sân si, nên chỉ làm tăng thêm sức mạnh của ràng buộc mà thôi. 

Ví dụ, khi ảo tưởng của bản ngã thấy sợi dây là con rắn liền phát sinh sợ hãi, rồi lại lăng xăng tìm cách giải quyết, hoặc diệt con rắn hoặc diệt sợ hãi. Hành động đó cũng là biểu hiện của bản ngã tham sân si nên chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng chỉ cần trầm tĩnh sáng suốt (thái độ ung dung tự tại) nhìn kỹ thấy rõ sợi dây là sợi dây thì không cần lăng xăng giải quyểt gì cả mà con rắn và sợ hãi đều tự biến mất.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_4
Câu hỏi:
Con cảm ơn thầy, con nhận được câu trả lời lần trước của thầy, con rất vui và đã giúp ích cho con rất nhiều. Con mong thầy làm rõ giúp con trong trạng thái tâm này: Giáp mặt với hiện tại chỉ còn HƠI THỞ và tình huống ĐANG LÀ (không còn ý niệm về bản thân như được tôn trọng, được khen chê, được thấy mình làm tốt nhiều việc, không tự ti hay là gì đi nữa), mà chỉ còn niềm vui sống với hơi thở và những sự vụ mà pháp đang vận hành theo duyên nghiệp đến với mình nơi hiện tại đang là. Ở đó bỗng quên mình đi không còn lo lắng hay sợ hãi nữa (vì trạng thái tâm không còn cảm nhận về cái tôi nữa), bây giờ, chỉ còn niềm vui sống trọn vẹn cùng hơi thở CHÁNH NIỆM và sự vụ đang là trong trạng thái tâm "phục vụ để hoàn toàn - hoàn toàn để phục vụ". Ở đó không còn khái niệm, không còn chờ thời gian cứu cánh, đón nhận mọi pháp đến với mình bình thản, không lo âu, không hy vọng, không thất vọng... Tất cả chỉ là bài học để mình sống đúng, sống tốt hơn. Con mong thầy làm rõ giúp con, trạng thái tâm đó và tinh thần: "phục vụ để hoàn toàn - hoàn toàn để phục vụ" con còn phải điều chỉnh thêm gì? Con thưa thầy.
Trả lời:

Sống luôn chánh niệm tỉnh giác ngay nơi hiện tại, như vậy gọi là sống tùy duyên thuận pháp, không có gì sai. Tuy nhiên đã sống tùy duyên thuận pháp thì chỉ cần tâm rỗng lặng trong sáng là có thể trọn vẹn với tất cả mọi hoạt động, mọi trạng thái, mọi tình huống chứ không cần phải chỉ trọn vẹn với hơi thở. Có khi chỉ cần có chánh niệm tỉnh giác thôi còn đối tượng nào cũng được, hoặc không cần đối tượng nào bên ngoài mà lấy ngay chánh niệm tỉnh giác làm đối tượng cũng được. Chánh niệm là tâm không thất niệm, tạp niệm và vọng niệm, nên đôi lúc chánh niệm có cái tên gọi khác là vô niệm. Tỉnh giác là không mê mờ đối với thực tại (trạng thái đang là), không bị  ý niệm, tư tưởng, quan niệm, tình cảm v.v... che lấp. Tánh biết trong sáng tự nhiên luôn có đức tính sáng suốt, định tĩnh, trong lành và ung dung tự tại trong vạn pháp, chỉ có bản ngã tham sân si mới tự làm khổ mình mà thôi.

"Phục vụ để hoàn toàn" là lấy việc làm lợi mình lợi người, vô ngã vị tha, để thể hiện đời sống giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến (giác ngộ giải thoát)"Hoàn toàn để phục vụ"  sống trọn vẹn trong giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến để thể hiện đời sống tự giác, giác tha.Đây chính là đời sống của người Phật tử chân chính: "Thuận pháp tùy duyên, vô ngã vị tha". Tuy nhiên cũng cần thận trọng, chú tâm quan sát thật rõ ràng trạng thái thân tâm để không rơi vào cái ngã vi tế: Đó là cái ngã "niềm vui sống trọn vẹn cùng hơi thở" hoặc cái ngã vị tha "phục vụ để hoàn toàn, hoàn toàn để phục vụ". Cần nhớ rằng giải thoát giác ngộ không phải là trạng thái mà chỉ là thái độ thấy biết mà thôi.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_5
Câu hỏi:
Thưa thầy. Tại sao đức Phật nói vô thường là khổ? Cũng có những trạng thái chuyển biến từ đau khổ sang hạnh phúc chứ đâu phải chỉ có một chiều chuyển sang đau khổ đâu ạ? Như vậy trong thực sự chuyển biến (vô thường) này cũng có cả chiều hướng tích cực chứ đâu chỉ có chiều hướng tiêu cực ạ?
Trả lời:

Phật dạy "Hữu vi là vô thường" và "Hữu vi là khổ". Hữu vi thứ nhất là duyên sinh của vật lý, nó chỉ vô thường chứ không khổ. Hữu vi vật lý này lẽ ra không khổ, nhưng con người chấp lầm làm ngã và ngã sở nên khi nó vô thường lại thành khổ. Ví dụ chấp "vàng của tôi", "thân của tôi", "tâm là ngã" v.v... nên khi nó biến đổi liền thấy khổ. Hữu vi thứ hai là nghiệp tạo tác của ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên v.v... nên vô thường này mới thật là khổ. Chính cái khổ thứ hai này mới là khổ đế. Bản thân vô thường thì không khổ, không lạc, không tích cực, tiêu cực gì cả.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_6
Câu hỏi:
Con thưa thầy. Có phải buông bỏ tất cả để trở về thực tại tức là xả bỏ hết phương tiện, niềm tin, niềm vui, mục đích... như con được đọc trong những cuốn sách của thầy không? Để giáp mặt với thực tại - trọn vẹn như nó đang là, với hai bàn tay trắng, không cần phải đòi hỏi thêm tài năng hay điều kiện gì cả. Ở đó mọi buồn vui được mất của cuộc sống muôn đời mà ta sống hòa trong đó - có những giọt nước mắt và có cả những nụ cười... Và điều quan trọng nhất còn lại sau khi đã bỏ phương tiện, bỏ cứu cánh đó là "tánh biết" thấy rõ những giọt nước mặt và nụ cười đó là 1 điều hiển nhiên của tự nhiên, của sự sống, của nhân quả muôn đời. Để rồi 1 ngày kia "tánh biết" đó đủ dũng lực, sáng suốt sẽ ôm trọn nước mắt và nụ cười trong trạng thái im lặng tuyệt đối, vô ngại đi vào dòng đời, sống có ích cho mình và những người xung quanh, chỉ với thực tại đang là và hai bàn tay trắng. Con thưa thầy đó có phải là mục đích của thiền?
Trả lời:

 

Buông bỏ cái gì để trở về thực tại khi ngay đó chính là thực tại? Chỉ có buông bỏ cái ta ảo tưởng trong thái độ ứng xử với thực tại mà thôi. Cái ta luôn tạo ra phương tiện và mục đích để đạt tới ở tương lai, rồi bỏ quên thực tại. Bỏ quên thực tại gọi là thất niệm hay bất tại. Quên thực tại nên không thấy thực tánh pháp, đó là thất giác hay vô minh. Buông cái ta ảo tưởng xuống thì ngay đó có chánh niệm tỉnh giác. Có chánh niệm tỉnh giác thì cần gì phải buông bỏ vui buồn. Nếu buông bỏ hết vui buồn v.v... thì làm sao thấy được thực tánh của vui buồn v.v... ngay nơi thực tại? Vì vậy, không phải buông bỏ vui buồn... mà là buông bỏ thái độ lăng xăng của bản ngã đối với trạng thái vui buồn đó. Tất cả cái gọi là tài năng chỉ là công cụ của bản ngã dùng để chọn lựa pháp theo tư ý tư dục hay vô minh dục vọng của mình. Nói cách khác tài năng chỉ để bản ngã thực hiện phương tiện và mục đích nó đã đề ra. Chính là buông tất cả tiểu xảo đó của bản ngã để tánh biết trong sáng tự nhiên thấy ra bản chất thật của vạn pháp. Như  vậy buông bỏ chính là mục đích chứ không phải buông bỏ là phương tiện đạt đến mục đích nào khác. Khi buông bỏ thì không có bản ngã, không có bản ngã thì ngay đó đã là chân đế rốt ráo rồi. Nhớ rằng khi bản ngã đã được buông xuống thì lập tức tánh biết tự phát huy trọn vẹn sự trong sáng tự nhiên vốn đã đầy đủ, chứ không cần đợi đến một ngày kia đủ dũng lực trong sáng mới tự tại vô ngại trong vạn pháp. Buông sự tạo tác lăng xăng của bản ngã để tánh thấy tự chiếu đó là thiền, là sống thuận pháp, vô ngã vị tha.


Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_7
Câu hỏi:
Kính thưa Sư. Con có ba câu hỏi, nhờ Sư giải thích: 1- "Vô minh thì sẽ có sanh-già-chết. Minh thì không có sanh-già-chết". Có phải vì thấy được sự sinh diệt từng sát-na của thân và tâm, có đó mất đó, không thật có thân tâm, nên gọi là không sanh-già-chết? 2- Vì sao vô thường là thường? 3- Nhận ra chân đế có phải là kiến tánh, tức thấy ra tự tánh không? Ví dụ, thay vì thấy cây đèn cầy là cây đèn cầy, con còn nhận ra được bốn đặc tính đất, nước, lửa, gió và sự sanh diệt từng sát-na của cây đèn cầy đang cháy. Nhìn người, thay vì thấy đàn ông, đàn bà, xấu, đẹp... con chỉ thấy danh sắc, nhân quả, nghiệp báo (dù không sâu sắc)... Kính thỉnh ý Sư?
Trả lời:

Câu hỏi của con vẫn còn nặng lý trí lắm. Con nên lặng lẽ mà thấy, đừng để ý niệm nào xen vào, dù là pháp học đúng đắn nhất, thì sẽ trực nhận ngay những gì con thắc mắc. Còn nếu không thấy thì dù có giải thích cách mấy con cũng chỉ hiểu được qua khái niệm của lý trí mà thôi.

1) Vô minh thì không thấy thực tánh pháp nên vẫn còn muốn trở thành. Có trở thành tức là sinh lão tử. Không vô minh nên ngay đó là chân đế, không có ý muốn trở thành. Không trở thành tức là không có sinh lão tử. Còn mọi khái niệm sát-na sinh diệt, có có, không không v.v... đều vẫn còn trong thức tri, không phải tuệ tri nên chưa thoát khỏi vô minh - sinh tử.

2) Thấy ra bản chất của tất cả pháp hữu vi là vô thường nên thấy vô thường là rất bình thường, không có gì để phải khởi lòng tham sân, thủ xả. Người không thấy tính chất vô thường của vạn pháp, nên khi vô thường xảy ra thì cho là bất thường do đó mới có tham sân, thủ xả. Thấy vô thường là thường thì không còn tham muốn cái thường nào khác nữa.

3) Trong 4 chữ "nhận ra chân đế", quan trọng không phải là nhận ra điều gì, như thế nào, mà là thấy được "ai nhận ra", và "cái gì là chân đế". Nếu động thái "nhận ra"  lý trí bản ngã thì chân đế (cái được nhận ra) cũng chỉ là khái niệm tục đế. Đó không phải là kiến tánh, không phải là vipassanà, và cái gọi là chân đế đó cũng không phải là tự tánh (thực tánh), nó chỉ là khái niệm có từ kiến thức đã có. Lúc đó dù nhận ra thì cũng chỉ nhận ra qua thức tri, nghĩa là khái niệm đất, nước, lửa, gió cũng chẳng khác gì khái niệm đàn ông, đàn bà, xấu đẹp... Chân đế hoàn toàn mới mẻ, không phải lấy cái đã biết để quy chiếu. Khi nào tánh thấy là vô ngã, và chân đế là tự tánh của pháp, chứ không phải là "cái ta nhận ra" thì mới thật sự gọi là nhận ra chân đế.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_8
Câu hỏi:
Thưa Sư, cho con hỏi một điều: Khi xưa Đức Phật có ban giới luật cấm uống sữa không ạ? Nếu có thì trong trường hợp nào mà Đức Phật ban điều luật đó? Con cám ơn Sư.
Trả lời:

Đức Phật không ban điều luật nào cấm uống sữa cả. Chỉ có buổi chiều tối (quá ngọ) Đức Phật khuyến giới chư Tỳ kheo không nên uống sữa nhất là sữa chua. Sữa chua hồi đó là sữa tươi để lâu thành chua chứ không phải như yaourt bây giờ. Sữa hồi đó là sữa tươi chưa được xử lý vệ sinh cho nên uổng tươi hay để lâu thành chua thì đúng là không nên uống, có thể gây đau bụng, hoặc bao tử vì các vị tỳ kheo không ăn buổi chiều. Bây giờ là sữa hộp đặc hoặc bột , thậm chí sữa tươi, sữa chua cũng đều đã xử lý vệ sinh, không gây đau bụng nữa nên uống buổi chiều cũng không sao. Nhưng nếu là sữa tươi hay chua chưa xử lý thì đương nhiên khoa học bây giờ cũng không cho uống. Điều luật gọi là điều học nên cần phải hiểu rõ ý nghĩa của nó thì giữ mới tốt, nếu chỉ tuân theo hình thức giới thì chưa phải thật sự giữ giới.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_9
Câu hỏi:
Trong Thực Tại Hiện Tiền 2, con đọc thấy một đoạn Thầy viết rằng: "có tinh tấn mà không có đức tin thì chỉ là nỗ lực của bản ngã", điều này làm con gợi nhớ đến một người khá thú vị và cũng nổi tiếng... Nhưng bạch thầy, vì sao có tinh tấn mà thiếu đức tin lại là nỗ lực của bản ngã ạ?
Trả lời:

Bài đó thầy viết để nói về sự quân bình của ngũ căn, ngũ lực: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tinh tấn là con dao 2 lưỡi, nó có thể phục vụ cho cả thiện lẫn ác. Vì vậy nếu tinh tấn chưa đi kèm với chánh kiến (tuệ) thì ít nhất cũng phải đi kèm với đức tin (tín). Tinh tấn đi kèm với trí tuệ gọi là tùy pháp hành, đi kèm với đức tin gọi là tùy tín hành. Tuy nhiên đức tin ở đây không phải là mê tín hay dựa vào tha lực mà tin vào pháp đang vận hành nơi chính mình, đó là tánh thấy của tâm và thực tại tánh của pháp. Tánh thấy thể hiện nơi chánh niệm tỉnh giác, thực tại tánh thể hiện nơi thân, thọ, tâm, pháp mà mỗi người sẵn có. Thấy hoặc tin như vậy mới có thể tinh tấn đúng. Nếu không tinh tấn chỉ là công cụ hay nỗ lực của bản ngã muốn đạt được tham vọng của mình mà thôi. Như vậy có hai loại tinh tấn: Tinh tấn thuận pháp và tinh tấn thuận ngã. Theo Nho giáo, thuận pháp gọi là thuận thiên (tự nhiên), thuận ngã gọi là nghịch thiên, mà "thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong" cũng đúng vậy.

Lên phía trên
Hỏi Đáp Phật Học Phần 2_10
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Thầy dạy: "Vipassanà có nghĩa là thấy biết như thực, vậy không có gì để hành ngoài thấy biết trực tiếp và chân thực", tương tự "trực chỉ" và "kiến tánh" trong Thiền tông. Vài pháp thiền đang thịnh hành như "quán thọ" hoặc quán danh sắc (tâm thân) của vài thiền sư, tức là vẫn còn dùng phương tiện để đạt đến cứu cánh. Sự khác biệt cua hai khuynh hướng nầy, con nghĩ tùy căn cơ của Phật tử mà áp dụng. Có những người thấy nhưng không thể nào biết như thật mà chỉ biết qua màn che của vô minh. Do đó con cảm thấy phương tiện vẫn cần trong những trường hợp nầy. Xin lãnh hội thêm từ Thầy. Chúc Hân.
Trả lời:

Thấy biết như chân như thật, rõ ràng và trực tiếp là nguyên lý cốt lõi của thiền. Trong Thiền Tông thấy được nguyên lý này gọi là ngộ hay kiến tánh. Thiền Vipassanà gọi là tuệ thấy thực tánh pháp. Vậy người nào có khả năng thấy biết trực tiếp ngay trên thân, thọ, tâm, pháp thì người ấy không cần phải mất thời gian rèn tập qua phương pháp nào cả. Tất nhiên, người không có cách nào thấy pháp một cách trực tiếp thì đành phải đi lòng vòng theo phương pháp. Phương pháp cũng tốt miễn là đừng kẹt vào đó là được. Thường thì người ta bị kẹt vào phương pháp nên lúc đầu phương pháp rất hữu ích, nhưng về sau bị trì trệ không tiến được nữa.

Con là bác sĩ hẳn biết rất rõ điều này. Một người mạnh khỏe không cần dùng thuốc bổ, chỉ cần biết ăn uống và hoạt động điều hòa tự nhiên là được, chỉ khi nào bị bệnh hoặc suy dinh dưỡng mới phải dùng thuốc bổ. Nhưng khi dùng thuốc bổ đã được khỏe mạnh bình thường thì không nên uống nữa, nếu thấy tốt mà uống mãi thì sẽ mất đi nội lực tự sinh sẵn có nơi mỗi người, thậm chí còn sinh ra bệnh nữa. Nội lực đó chính là khả năng thấy biết như thật sẵn có nơi mỗi người. Nếu có thể sử dụng nó một cách trực tiếp thì không cần mất thời gian cho phương tiện nào cả. Sống thuận pháp ngay tại đây và bây giờ gọi là chánh pháp, áp dụng phương tiện để tu tập gọi là tượng pháp, không thoát khỏi được phương tiện gọi là mạt pháp. Đó là vấn đề căn cơ trình độ của mỗi chúng sanh.

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán