a) Tu sĩ Phật giáo cũng tùy tông phái hoặc địa phương mà có ăn chay hay không ăn chay, sống độc thân hay có gia đình. Điều này tuỳ thuộc vào chủ trương của mỗi tông phái và họ cũng có cái lý riêng của họ. Tu sĩ sống độc thân để không bị ràng buộc vào đời sống gia đình, nhờ vậy họ dễ dàng vân du hành đạo và sống đời sống vô ngã vị tha hơn.
b) Thực ra không phải trọng nam khinh nữ, mà thực tế trong đời sống tu tập người nam có nhiều thuận lợi hơn người nữ. Nhất là trong đời sống xuất gia, người nữ khó sống một mình trong rừng hay những nơi hoang vắng chẳng hạn. Chính vì một số điều bất tiện hơn người nam mà nhiều người tu thích có thân nam hơn thân nữ. Nhưng về mặt tu chứng giác ngộ giải thoát thì Phật giáo không phân biệt nam nữ gì cả.
Niệm gì không quan trọng, mà niệm thế nào mới đáng quan tâm. Mục đích của niệm là thoát khỏi thất niệm, tạp niệm và vọng niệm để đưa tâm đến nhất niệm hay định tĩnh. Vậy nếu con niệm "tinh tấn" mà định tĩnh được là đã đạt được mục đích của niệm rồi. Đức Phật giới thiệu nhiều đề mục khác nhau là để mỗi người tự chọn sao cho thích hợp và hiệu quả với mình là được.
Tất nhiên có ý nguyện sau này xuất gia mà bây giờ con tập giữ giới tỳ-khưu trước càng tốt vì như vậy sau này giữ giới sẽ dễ dàng hơn. Giữ giới dĩ nhiên có phước, tuy nhiên con nên giữ giới để ngăn ngừa hành động nói năng sai trái hại người hại mình thì tốt hơn là cầu phước. Con càng thoát được những sai trái thì càng nhẹ nhàng thanh thoát, ung dung tự tại, đó không phải là phước sao? Thầy cũng đã làm như vậy một thời gian trước khi xuất gia.
Phi hữu ái chính là tâm sân. Tâm sân chỉ hoàn toàn đoạn diệt khi đắc đạo quả A-na-hàm. Câu hỏi của con chỉ giúp con có kiến thức phong phú thêm về lý thuyết kinh điển thôi. Con nên hỏi thực hơn một tí, ví dụ như: "Khi tâm đối kháng với cái không như ý (một phản ứng của phi hữu ái), con nên có thái độ thế nào?" Như vậy con sẽ có câu trả lời hữu ích từ thầy hoặc từ chính con tự thấy ra ngay trên sự kiện hiện thực đó.
Sinh lão bệnh tử là ám chỉ luân hồi sinh tử. Vì vậy, nói sinh lão bệnh tử, sinh trụ dị diệt hay thành trụ hoại không thì cũng cùng một nghĩa tương ứng với những sự kiện khác nhau mà thôi. Nếu con đã hiểu sinh thì già, bệnh, chết cũng đều nói lên tính vô thường biến hoại của tất cả pháp hữu vi duyên hợp. Nhất là nhấn mạnh hữu vi tâm lý tức phản ứng tạo tác của tâm. Khi vô minh, không định tĩnh sáng suốt để thấy sự thật (thực tánh pháp) thì liền phát sinh ý muốn trở thành (ái dục), trong ý muốn này nội hàm hai đối cực: muốn thoát tình trạng hiện tại (sân), muốn lặp lại tình trạng quá khứ hay đạt đến trạng thái ảo ở tương lai (tham). Ý muốn trở thành thúc đẩy ý chí (thủ) cố gắng tạo tác để trở thành (hữu). Đây chính là toàn bộ nguyên nhân của sinh - lão tử mà chúng ta thường gọi là luân hồi sinh tử. Hình tướng già nua, bệnh tật chỉ là biểu hiện bên ngoài của bản chất biến hoại vô thường do hữu vi tạo tác. Cũng cần nhận ra rằng vì lâm vào giữa hai đối cực tham và sân mà đánh mất thực tại để thấy biết rõ ràng minh bạch. Đó chính là mê muội bất an (si) làm cho vô minh ngày càng được củng cố sâu dày. Sở dĩ thầy không chỉ giải về khổ già một cách cục bộ mà nói dài dòng như vậy để con thấy nó trong toàn cảnh mà con có thể chiêm nghiệm nơi chính mình, chứ không phải chỉ thu thập kiến thức về những mảnh vụn cô lập.
Con thấy ra những gì sư ông giảng là sư ông không phí công vô ích rồi. Cám ơn con nhiều lắm. Hai câu cảm hứng ngữ của con ý thật hay, chỉ cần sửa và sắp lại vài chữ cho đúng ngữ pháp là hơn cả tuyệt vời đó con. Sư ông đề nghị như sau:
"Tri kiến vô vi bất vọng giả. Vô vi tất diện bản lai nhân". Nghĩa là: Thấy biết không do tâm tạo tác thì không phải là vọng, tâm không tạo tác hẳn gặp lại con người thật nơi chính mình. Không biết như vậy có đúng ý con chưa? Có thể là con muốn nói nhờ duyên học Đạo với sư ông mà thấy ra chánh pháp nên con kính trọng sư ông, nhưng sư ông sửa lại một tí với ý nghĩa là qua chánh pháp đó nhờ tâm con không tạo tác nên thấy ra thực tánh nơi chính mình. Nếu hiểu được chánh pháp nhưng tự mình không thấy pháp thì chỉ cách một tí thôi vẫn còn vọng đó con ạ.
Câu hỏi của con thật thật tuyệt vời. Từ lâu mỗi lần giảng đến đoạn kinh trên thầy đều phải đính chính cụm từ "với hy vọng hướng đến" này. Cụm từ này có nguyên văn Pàli như sau: "...yàvad eva ñàna-mattàya patissati-mattàya". Yàvad eva có nghĩa là "tới...cần thiết" hay "vừa đủ" (as much as it is necessary). Mattàya có nghĩa là với mức độ. Vậy cụm từ trên dịch là: "Với mức độ niệm tuệ vừa đủ". Do đó đoạn kinh trên nên được dịch là: "Vị ấy an trú niệm như vậy với mức độ tuệ tri và ức niệm vừa đủ". Bởi vì chánh niệm tỉnh giác dư hay thiếu đều không thể thấy được thực tánh pháp. Trong cụm từ Pàli trên không hề có một dấu hiệu nào là"với hy vọng hướng đến" cả. Đọc kinh nhất là đọc bản dịch thật nguy hiểm, vì tam sao thất bổn, do đó cần đối chiếu với nguyên văn và nhất là đối chiếu với sự thật tự mình thực chứng mới đúng được.
Khi thấy người khác có cảm thọ khổ biết đó là cảm thọ khổ. Vì một người biết rõ cảm thọ khổ nơi tự thân thì cũng dễ dàng thấy rõ cảm thọ khổ nơi người khác. Cảm thọ khác nhau trên hiện tướng của mỗi người nhưng vẫn giống nhau trên thực tánh, vì vậy không cần cảm nhận trên hiện tướng vẫn thấy được thực tánh. Ngay cả khi quán thọ bên trong tự thân cũng không cần quan tâm đến hiện tướng mà chỉ thấy ra thực tánh mà thôi. Nếu không thấy rõ điều này mà niệm thọ thì chỉ thấy tướng chứ không thể nào thấy tánh được.
Sinh là khổ do nghiệp tạo tác (hữu), nghiệp tạo tác là do dính mắc (thủ) ý muốn trở thành (ái), ý muốn trở thành do vô minh. Như vậy sinh là quả của vô minh, ái dục và tác nghiệp, vì vậy nó dẫn đầu trong các quả khổ sinh, lão, bệnh, tử cùng với sầu, bi, khổ, ưu, não. Chữ sinh ở đây không ám chỉ việc sinh nở, mặc dù sinh nở cũng là khổ.
Niệm thí là nhớ lại một việc thiện đã làm trong quá khứ với mục đính tự nhắc mình luôn hoan hỷ với điều thiện. Trong đời sống không phải ai cũng có thể chỉ làm thiện mà không làm ác, vì vậy nhắc lại điều thiện đã làm để luôn an trú thân tâm trong thiện pháp, vì nhớ lại điều thiện cũng chính là một hành động của thiện tâm, dù lúc đó con không làm được một việc thiện gì bên ngoài như san sẻ, cúng dường, phục vụ v.v... Nhất là khi tâm con đang có chiều hướng bất thiện thì việc nhớ lại điều thiện để tự nhắc mình không rơi vào việc ác thì rất tốt. Tuy nhiên, không nên nhớ lại việc thiện với tâm tự mãn, ngã mạn, thấy mình có công đức v.v... vì cái tâm nhớ đó là bất thiện. Trong trường hợp đó quên đi có khi tốt hơn. Nếu một người tâm luôn an trú trong thiện pháp, thường làm việc thiện thì nên chú tâm vào việc thiện hiện tại hơn là nhớ về điều thiện trong quá khứ. Và trường hợp người sống chánh niệm tỉnh giác thì chẳng cần phải nhớ gì trong quá khứ cả, dù là quá khứ thiện hay bất thiện.
Cũng không cần gọi tên động thái đó là gì vì như vậy lại rơi vào ý niệm và kết luận. Chỉ cần thể nghiệm và thực chứng điều đó thì con tự thấy biết pháp một cách chân thực mà không cần đặt tên hay so sánh trạng thái đó với bất cứ cái gì khác, bởi vì ngay khi mình toan đặt tên hay so sánh thì pháp vừa mới hiển lộ liền bị che lấp mất rồi. Thầy hoan hỷ khi thấy con đã nhận ra được điều cốt lõi này.
1) Thiền theo yoga hay khí công thì ngồi kiết già, bán già và thẳng lưng có nhiều lợi thế vì liên hệ tới việc điều thân, điều khí. Nhưng thiền Phật giáo chú trọng ở tâm hơn nên không nhất thiết phải ngồi như vậy, ngồi sao dễ chịu, thoải mái là được, thậm chí không ngồi mà đi, đứng, nằm cũng vẫn tốt. Tuy nhiên nếu làm quen được với thế ngồi trang nghiêm ngay ngắn thì khi tham dự khoá thiền tập thể vẫn ngồi chung được với mọi người mà không bị xem là lập dị. Muốn ngồi kiết già dễ dàng không phải đợi ngồi thiền mới tập mà nên tập khi có cơ hội, ví dụ như khi ngồi học bài, đọc sách, ăn cơm v.v. dần dần vượt qua được cái đau gây căng thẳng lúc đầu và thấy ngồi như vậy thoải mái hơn.
2) Thiền hơi thở trong Phật giáo có mục đích dẫn tâm trở về thực tại tự thân không để tâm đi lang thang, mơ mộng và chìm đắm bên ngoài nữa. Nhưng không phải vì vậy mà quá tập chú vào hơi thở, quá cố gắng định tâm và cố điều tiết hơi thở, vì làm như vậy thực ra cũng là một loại lang thang khác muốn mượn hơi thở để tìm cầu sở đắc. Cố gắng này sẽ đưa đến căng thẳng, khó thở và co thắt cơ ngực, cơ bụng hoặc nhức đầu, thậm chí nếu tham vọng và ý chí quá cao có thể đưa đến tình trạng "tẩu hoả nhập ma". Chỉ nên thư giãn, buông xả và theo dõi động tác thở một cách hoàn toàn tự nhiên thì lập tức chánh niệm tỉnh giác tự ứng khởi, an lạc cũng liền phát sinh, mà không tầm cầu hay ham muốn sở hữu điều gì.
Theo thầy thì Thất Giác Chi để dành cho người còn tu, tức từ người phàm đang tu thiền đến các bậc Thánh hữu học. Còn khi đã đắc Đạo Quả Alahán thì đã là bậc vô học thì không cần phải tu tâp Thất Giác Chi nữa. Con nên đặt những câu hỏi thiết thực trong sự tu tập hơn là chỉ thuần tuý phát triển kiến thức kinh điển. Dù con có biết thêm những điều này thì cũng không giúp ích gì cho sự giác ngộ thực tại. Trong thông báo về trang hỏi đáp này, thầy có nói mục đích là hướng dẫn tu tập thôi, còn về kinh điển thì đã có kinh sách và các lớp chuyên môn để con học hỏi tham vấn. Thầy xin lỗi vì không có thì giờ nhiều nên chỉ tranh thủ trả lời ngắn gọn thôi.Con thông cảm nhé.
Mặc dù có quá khứ, hiện tại, vị lai, nhưng quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, chỉ còn pháp hiện tại là đối tượng thật sự đang hiện hữu để chúng ta có thể thấy biết, điều chỉnh hay xử lý mà thôi. Ví dụ khi con đi qua một cây cầu khỉ nếu con không thận trọng, chú tâm, quan sát vào hoàn cảnh hiện tại thì con sẽ bị té xuống mương ngay, lúc đó quá khứ tương lai không thể cứu con được.
Không phải hiện tại quan trọng hơn quá khứ tương lai, nhưng quá khứ chỉ có thể là bài học kinh nghiệm cho hiện tại, còn tương lai thì lại tùy thuộc vào những gì chúng ta đang làm trong hiện tại. Như vậy cần phải thận trọng, chú tâm, quan sát hiện tại để học ra bài học thiết thực của mình. Một học sinh cứ muốn học bài lớp trước, hoặc mong học bài lớp sau thì làm sao thông suốt được bài vở của mình trong lớp em đang học? Muốn có tương lai em ấy phải học bài học hiện tại ở lớp mình cho thông mới được.
Thầy xin lỗi, câu hỏi này thầy sơ ý bỏ sót nên bây giờ mới trả lời. Trong từ kép Bodhi-satta thì satta có nghĩa là chúng sinh hữu tình, bodhi là tuệ giác, ghép chung lại không có nghĩa là hữu tình giác ngộ (Phật) mà để ám chỉ bất cứ ai đang thực hành hạnh tự giác, giác tha bằng trí tuệ hầu đưa đến giác ngộ viên mãn. Nói "gia công để giác ngộ" là nói theo nghĩa nội dung chứ không theo nghĩa đen từng chữ.
Đúng vậy, con nhận thức rất chính xác. Mọi phân biệt có tính kỳ thị dù từ phía tông phái nào cũng đều chủ quan lệch lạc do chưa thấy được chân lý cốt lõi của Phật Pháp. Người thấy Pháp sẽ không còn thái độ sai lầm đó nữa. Chân lý mà đức Phật giác ngộ và chỉ bày không phải do Ngài đặt ra mà là chân lý muôn đời, bất kỳ ai giác ngộ cũng đều thấy chân lý ấy như nhau. Bao lâu còn phân biệt chân lý của anh hay chân lý của tôi... thì không còn là chân lý nữa.
Tâm lý, người sai phạm khi đối trước người khác, nhất là bậc tôn túc, ở nơi tôn nghiêm, để xin sám hối và nguyện sửa sai thì dễ trở lại trong sạch hơn, do đó người ta thường đi chùa để xin sám hối và thọ giới lại với một vị Tăng để bày tỏ quyết tâm điều chỉnh sai phạm của mình. Tuy nhiên nhiều người sợ tội và nghĩ rằng đi đến chùa thọ giới lại cho hết tội là rất sai lầm. Tốt nhất là người phạm giới có ý thức trách nhiệm về hành vi của mình chứ không tìm cách chạy tội để có được cảm giác an toàn. Trong trường hợp này chẳng thà chịu ray rứt ăn năn còn hơn có được cảm giác yên tâm giả tạo. Cần thận trọng quan sát hành vi của mình để biết mình đã sai phạm điều gì, ở mức độ nào, tính chất và nguyên nhân ra sao... để tự điều chỉnh chính hành vi của mình mới thật sự là thành tâm sám hối và sửa sai. Bất cứ ở đâu con nhận biết sai lầm của mình và sửa sai ngay tại đó đều tốt cả, chứ không nhất thiết đợi đến chùa thọ giới lại cho yên tâm mới là tốt đâu.
Cúng bánh trái, vật thực cho cô hồn, ngạ quỷ họ không nhận được đâu con. Ngay cả người xứ này có khi còn không ăn được vật thực xứ khác huống chi vật thực cõi người làm sao cõi ngạ quỷ ăn được? Tuy nhiên họ có thể cảm thấy được an ủi khi thấy con cháu còn nhớ tới mình. Cô hồn ngạ quỷ chỉ có thể nhận được phước báu do thân nhân làm rồi hồi hướng đến họ. Cụ thể là con nên bố thí vật thực cho người nghèo hoặc để bát cúng dường đến chư Tăng rồi thành tâm hồi hướng đến họ thì họ sẽ hưởng được những phước báu như là một loại vật thực của cõi ngạ quỷ.
Thực ra giữ Bát quan trai giới có mục đích để tập sống giản dị, không để quá lệ thuộc vào tiện nghi vật chất (nằm ngồi nơi quá cao sang, say mê ăn uống) hay dính mắc vào những thói quen mê đắm (âm nhạc, trang điểm, nước hoa v.v...) Con ngồi trên ghế salon hoặc tắm gội bằng xà-bông chứ đâu phải trang điểm hay xức dầu thơm gì nên không sao. Hơn nữa, ngoại trừ ngũ giới nếu phạm thì có tội, những giới còn lại trong bát quan trai giữ được thì có phước, giữ không được thì không có phước chứ không có tội nên con đừng sợ.
Đạo Quả của những bậc Thánh chỉ để đức Phật xác nhận trình độ thực chứng của một hành giả, chứ không ai tự xưng mình đắc Đạo Quả cả. Hành giả có thể nói: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Tam Bảo, hoặc tôi đã buông gánh nặng xuống v.v... Dù đắc Thánh Quả không ai đi khoe khoang, khoe khoang chứng tỏ chưa đắc, vì Thánh nhân đâu còn cái ngã để tự hào, để muốn mọi người biết đến. Còn nếu chưa đắc mà khoe thì phạm tội Bất Cộng Trụ, bị trục xuất ra khỏi Tăng-già.