Khi nào tâm con không còn bị ngăn che bởi khái niệm, tư tưởng, tình cảm, lý trí chủ quan v.v. thi lập tức thấy ngay nhân quả. Nhưng chính khi con đưa ra mức thời gian thì tâm con đã bị vướng bận rồi đó. Chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại, hay phản ánh thực tại với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành, thì tự khắc con sẽ thấy ngay nhân quả không thể nào sai lệch được.
Thiền không nhất thiết phải ngồi. Tại sao con không thiền trong mọi lúc mọi tư thế đang diễn biến để khỏi phải phân vân có nên thay đổi tư thế hay không. Lúc ngồi thì cứ ngồi, ngồi sao cũng được, nhưng đừng quan tâm đến thời gian. Bởi vì thời gian chính là tâm mong đợi một kết quả, nghĩa là luôn bất an. Nếu con thực sự tĩnh lặng và trong sáng thì cả ngồi lẫn thời gian đều không còn ý nghĩa gì cả, vậy sao con phải bận tâm?
Giải nghiệp có ba cách:
1) Chấp nhận trả quả để học ra bài học nhân quả nghiệp báo
2) Sám hối nghiệp đã gây ra trong quá khứ
3) Tránh làm việc hại mình hại người, thường làm những việc tốt lành lợi mình lợi người.
Ai làm được ba điều trên đều có thể giải nghiệp bất luận là người xuất gia hay tại gia. Trả quả có thể do báo oán, nhưng dù không ai báo oán thì cũng có thể gặt quả theo duyên khác. Ví dụ giết một vị Alahán thì vị ấy đâu có báo oán mà vẫn chịu quả khổ trong địa ngục.
Không quay lại vì theo Kinh Phật những vị Thánh Bất Lai này sau khi tịch sẽ sinh lên cõi Sắc giới, ở đó và sẽ đắc quả Alahán rồi nhập Niết-bàn luôn nên không trở lại cõi người nữa.
1) Có bằng đại học rồi xuất gia thì thuận tiện hơn nếu con muốn theo học các trường Phật học hay đại học Phật giáo và về sau có thể làm được một số Phật sự cần có học lực, học vị. Nhưng cũng chưa hẵn có bằng cấp mới giác ngộ giải thoát được. Vậy tùy sự nhận thức và ý nguyện của con mà quyết định. 2) Sắc, hương, vị, xúc là những đối tượng (cảnh) cụ thể có thể "nắm bắt" trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng âm thanh chỉ có thể "nắm bắt" gián tiếp qua những điều kiện trung gian mà thôi.
Tất nhiên trong thiền quán vẫn có định đó là sát-na định hoặc tùy thời định, nghĩa là định bám sát theo diễn biến của đối tượng dưới hình thức chánh niệm, chứ không cần an chỉ định. Trong thiền định không nên tuỳ tiện chuyển đối tượng vì như vậy không thể định được, trừ phi định đã thuần thục. Nhưng trong thiền tuệ thì đối tượng tự chuyển chứ không nên chọn đối tượng mà chuyển vì như vậy là đối tượng đã bị tạo chứ không phải là đối tượng tự nhiên nữa. Nều chánh niệm tỉnh giác đúng thì khi đối tượng chuyển sát-na định vẫn không mất.
Con nên vào Nam tìm một ngôi chùa Nguyên Thuỷ thích hợp rồi xin vị trụ trì cho xuất gia. Tuy nhiên không ai cho xuất gia ngay cả mà cần phải có thời gian làm công quả để tìm hiểu, thử thách, nếu được thì mới cho làm giới tử để thực tập oai nghi tế hạnh, học kinh luật và nghi thức xuất gia. Một thời gian (từ 1 đến 3 năm) sau nếu học tốt và có phong cách thích nghi đời sống xuất gia mới được cho thọ giới Sa-di v.v...
Nếu con chọn hơi thở để định thì sao gọi là đối tượng thiền quán? Hành giả thiền định thường chọn cửa mũi hoặc phồng xẹp ở bụng vì như vậy dễ định tâm hơn. Nhưng trong thiền tuệ hay thiền quán thì nên theo dõi động tác thở toàn thân, vì như vậy tâm không rơi vào định, mà chỉ thấy trạng thái diễn biến vô thường sinh diệt của động tác thở mà thôi. Trong thiền tuệ không có cái gọi là hơi thở, vì hơi thở chỉ là một khái niệm, không có thực tánh, nên không thể làm đối tượng cho thiền tuệ được. Hành giả không thể thấy biết cái gọi là hơi thở mà chỉ có thể trải nghiệm những trạng thái nóng, lạnh, chuyển động, xúc chạm, sự co duỗi nơi toàn thân v.v... mà thôi. Vậy con cần lưu ý sự khác biệt của đối tượng thở trong thiền định và thiền tuệ để biết thật sự mình đang hành thiền gì. Định là chuyên chú tâm (tầm tứ) vào một đối tượng cố định, rồi qua tưởng đối tượng ban đầu được biến đổi thành một tướng khái niệm gọi là thiền tướng (nimitta) để an trú tâm trong trạng thái tĩnh chỉ gọi là nhất tâm. Trong khi thiền tuệ hướng tâm trên thực tại hiện tiền (chánh niệm), với thấy biết trong sáng quan sát trạng thái động của thực tại đó để nhận ra bản chất tự nhiên của nó (tỉnh giác) chứ không phải để định tâm.
Mười phiền não và mười kiết sử nói chung có tính chất giống nhau.
1) 10 phiền não là nguyên nhân đưa đến đau khổ trầm luân phổ biến cho tất cả chúng sanh, đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quý. (Đôi lúc còn triển khai tham thành Dục ái, hữu ái, sắc ái, vô sắc ái).
2) 10 kiết sử là những trói buộc chúng sanh trong luân hồi sinh tử, khiến cho không giác ngộ giải thoát được, đó là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh. 10 kiết sử được sắp xếp theo thứ tự từ thô đến tế, từ thấp lên cao, từ dễ mở đến khó mở. Vì vậy:
- Mở được thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ gọi là bậc nhập dòng pháp
- Giảm được thêm sân hận và ái dục gọi là bậc thuận dòng pháp
- Mở được cả 5 trói buộc trên gọi là bậc không quay lại
- Mở được cả 10 trói buộc gọi là bậc hoàn toàn giác ngộ giải thoát.
Thấy, nghe, xúc, biết tức kiến, văn, giác, tri nên gọi chung là tri kiến. Như vậy bài kệ này nói đến tri kiến như thực (yathàbhuta ñàna-dassana). Thấy là nhãn thức, nghe là nhĩ thức, xúc dùng trong bài kệ này ứng dụng chung cho tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và biết là ý thức. Nếu tâm rỗng lặng, trong sáng không bị lý trí vọng thức hay tình cảm tham sân xen vào thì khi thấy, nghe, xúc, biết pháp đều như thị như thực, gọi là thấy biết thực tánh (paramattha). Nếu tâm bị che lấp bởi lý trí, tình cảm thì chỉ thấy biết qua ý niệm, quan niệm, thành kiến, hay cảm tình ưa ghét v.v... nên sẽ là cái thấy chủ quan, không như thực, hay nếu có đúng thì chỉ đúng theo khái niệm chế định (paññatti). Cái biết này gọi là kiến thức. Tóm lại, tri kiến là thấy biết trực tiếp, thực tế và vô ngôn, còn kiến thức là một số thông tin vay mượn đã được mã hoá qua ngôn ngữ. Vậy không nên tin vào kiến thức mà cần phải thấy biết như thực theo bài kệ Phật dạy. Đó là cốt lõi của thiền Vipassanà Nguyên Thuỷ và thiền Kiến Tánh của Thiền Tông.
Con nói làm thầy cũng thấy khó luôn. Thôi bây giờ con thử bắt đầu bằng lời dạy đơn giản nhất của Đức Phật: "Không làm các điều ác, nên làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, là lời chư Phật dạy". Câu này thì tông phái nào cũng công nhận nên con khỏi sợ kẻ nói xuôi người nói ngược. Để rõ hơn một tí, thầy xin định nghĩa một số từ trong Phật ngôn trên:
- Điều ác là những hành động, lời nói hại mình, hại người hoặc hại cả hai. Hại là làm tăng trưởng tham sân si và phiền não khổ đau cho mình và người.
- Điều lành là những hành động, lời nói không hại mình, hại người, làm đoạn giảm tham sân si phiền não khổ đau cho mình và người.
- Tâm trong sạch hay thanh tịnh là tâm không tham, không sân, không si hay nói cách khác là tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành.
Con có thể dễ dàng thực hiện lời dạy trên của đức Phật bằng cách rất đơn giản là con chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát mỗi hành động, nói năng, suy nghĩ của mình thì con sẽ thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc đời. Nếu con có thể thận trọng chu toàn, chú tâm trọn vẹn và quan sát rõ ràng thì dù Phật Pháp mênh mông không sợ gì không giác ngộ được.
Trong thời Đức Phật, chùa Ni không được ở quá xa chùa Tăng, để chư Tăng có thể đến chùa Ni giáo giới dễ dàng hơn, vì theo Bát Kỉnh Pháp thì Ni phải được sự giúp đỡ và hướng dẫn của Tăng. Nữ giới thường được xem là phái yếu nên cần sự hỗ trợ của nam giới đó cũng là chuyện thường tình. Nếu một già-lam rộng lớn cũng có thể chia ra hai khu vực riêng biệt cho Tăng và Ni, tuy nhiên giới luật và thanh qui mỗi bên có những điểm đặc thù, nên đều có sinh hoạt riêng, độc lập về một số phương diện nhất định. Khi đức Phật cho nữ giới xuất gia đã tiên đoán tuổi thọ của Giáo Pháp sẽ giảm đi một nữa chính là vì nguyên tắc "Tương trợ nhưng độc lập" giữa Tăng và Ni về sau sẽ bị phá vỡ dần. Điều này đòi hỏi ý thức của Tăng Ni và luật lệ của Giáo Hội can thiệp thì mới chấn chỉnh được.
Người hành thiền mới sơ cơ thường tuân theo một thời khoá do một thiền viện, một thiền sư hay tự mình quy định để tự sách tấn, không giải đãi, dễ duôi. Điều này cũng tốt, nhất là với các loại thiền có sở đắc. Nhưng nếu hành giả là người đã thấy ra rằng thiền thật sự chỉ có thể thực hiện trọn vẹn tại đây và bây giờ thì người ấy có thể hành thiền ở khắp mọi nơi, mọi lúc, không cần quy định giờ giấc nào cả. Vì một khi đã quy định thì tất nhiên phải gặp trở ngại. Ví dụ đến giờ ngồi thiền thì có công việc, có khách khứa hay bệnh duyên v.v... lúc đó dễ sinh bất an, thậm chí có người còn sợ tội nữa. Vậy đơn giản là nếu chưa có thể hành thiền mọi lúc mọi nơi thì cứ theo quy định nhưng nên uyển chuyển một tí đừng quá cứng nhắc, đồng thời nên tập thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình trong đời sống hàng ngày thì sẽ không còn bất an trong quy định giờ giấc nữa.
1) Trước mặt có nghĩa là hiện tiền, tức hiện tại. Ám chỉ rằng chánh niệm luôn hiện diện, không thất niệm (niệm bị biến mất vào quá khứ hoặc tương lai). Đối tượng của chánh niệm là thực tại thân tâm ngay đây và bây giờ, không phải là một khái niệm hay tưởng tượng.
2) Quỉ thần nói chung là Atula. Như nói quỉ Dạ-xoa, thần núi v.v. Thực ra có hai loại Atula: Atula thiên thuộc cõi chư thiên thấp (nói theo thuật ngũ Đạo gia thì gọi là địa tiên) nhưng cao hơn cõi người, và một loại Atula ác đạo thấp hơn cõi người. Những loại Atula, Khẩn-na-la, Kim-xí điểu, Dạ-xoa, Long Vương v.v. tuy khác nhau về duyên nghiệp nhưng mức độ tương đương và cao hơn cõi người, được gọi chung là thần. Chính vì vậy mà những vị thần này có pháp thuật chứ không phải thần thông (Những loại thần này trước kia khi làm người cố gắng tập trung tâm luyện pháp thuật chứ chưa phải là thần thông của thiền sắc giới) nên họ không cần phải đắc định sắc giới.
Tác ý (manasikara) là một trong bảy 7 yếu tố cơ bản luôn có mặt trong tất cả tâm. Nó có nhiệm vụ tự nhiên ban đầu là dẫn tâm về một trong hai hướng (mặt) của đối tượng. Nếu nhận đối tượng theo hướng chân thực thì gọi là như lý tác ý, nếu nhận đối tượng theo hướng chủ quan thì gọi là phi như tác ý. Ví dụ thấy sợi dây như nó là tức hướng thấy đúng thì gọi là như lý tác ý. Nếu thấy sợi dây là con rắn tức hướng thấy ảo tưởng thì gọi là phi như tác ý. Nhiều người hiểu lầm như lý tác ý là ý chí quyết định đúng, và phi như tác ý là ý chí quyết định sai. Như vậy là nhầm lẫn tác ý với tư tác (cetana). Đối trị phóng tâm không phải là công việc của tác ý. Cố ý dùng ý chí đối trị phóng tâm tức muốn loại bỏ phóng tâm thì đó là một tâm sân, chỉ làm cho phóng tâm tăng thêm, hoặc làm cho tâm căng thẳng, mệt mỏi, đưa đến hôn trầm thụy miên, một trạng thái ngược hẵn với phóng tâm nhưng cả hai đều có trạng thái si giống nhau. Chính tầm (vitakka) mới làm công tác hướng tâm đến đối tượng. Khi tầm vừa đủ thì tứ (vicara) giúp tâm giữ thăng bằng trên đối tượng. Khi tâm lập lại thăng bằng thì hỷ (piti) phát sinh khiến cho sân tự rút lui. Sau đó hỷ dịu xuống thì lạc (an ổn) đến và lập tức phóng tâm (trạo hối) tự rút lui chứ không cần dùng ý chí đối trị. Cần nắm vững điều này nếu không chỉ tạo chiến tranh nhị nguyên của bản ngã trong thiền định. Thắng thì sinh ngã mạn tự tôn, bại thì tự ty mặc cảm, đều chỉ là biểu hiện của cái ta háo thắng mà thôi.
1) Bất kỳ hành theo phương pháp gì, khi hành bị phiền não, cảm thấy bất an, căng thẳng, khó chịu v.v... thì làm sao có phước được. Ngược lại khi hành con thấy sáng suốt, định tĩnh, trong lành, khinh an, thư thái thì tất nhiên đó là phước rồi. Nhưng sao con lại quan tâm đến phương diện được phước hay không mà không chú tâm vào việc khám phá sự thật để thấy rõ bản chất của pháp ngay nơi thân, tâm và cảnh (đối tượng thiền) ấy?
2) Việc gọi hồn người chết về để nói chuyện có xác suất đúng rất thấp. Chỉ có thể gọi hồn những người đang ở trong cảnh giới Peta và Asura chung với loài người dưới dạng "vô hình" mà thôi. Nếu người chết đã tái sinh làm nguòi, súc sanh, địa ngục hay chư thiên cõi cao thì làm sao gọi hồn về được. Trong những trường hợp đó một Peta hay Asura nào đó mạo danh thân nhân của mình về nói chuyện, và họ cũng biết được một vài thông tin về người thân của mình nên mình rất tin tưởng, sự thật thì một số thông tin khác do họ bịa ra mà thôi. Nếu vì việc gọi hồn là đúng đắn và cần thiết thì vẫn được chứ không phải mê tín. Nhưng nếu chuyện gì cũng gọi hồn về hỏi thì không những sai trái mà còn làm phiền người đã chết nữa.
1) Pháp mà đức Phật dạy được gọi là chánh Pháp vì Pháp ấy chỉ bày cho chúng ta thấy sự thật. Nương nơi những lời dạy chân chánh ấy chúng ta thấy ra sự thật đã sẵn có nơi chính mình và cuộc sống, nhờ vậy chúng ta biết sống thuận Pháp, thấy rõ đâu là đúng đâu là sai, đâu là chân đâu là giả, không bị đánh lừa bởi ảo tưởng do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Tuy nhiên cần lưu ý: lời dạy của đức Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, nương theo ngón tay để thấy trăng chứ đừng tưởng lầm ngón tay là mặt trăng. Quá chú ý vào ngón tay, quan trọng hóa ngón tay, diễn dịch quá nhiều về ngón tay có thể đánh lạc hướng ngón tay muốn chỉ, do đó không thấy được mặt trăng mà chỉ thấy cái mình diễn dịch. Pháp do tư kiến diễn dịch không đúng sự thật, dù là diễn dịch lời Phật dạy, hay tà kiến đều không thể giúp thấy được sự thật, mà chỉ tăng trưởng vô minh ái dục mà thôi nên gọi là tà Pháp, không phải chánh Pháp.
2) Do không thấy sự thật (vô minh) nên các phiền não tham, sân, si, ngã mạn, trạo cử v.v... mới sinh khởi. Không thể loại trừ chúng bằng cái ta ý chí, vì như vậy chỉ dồn chúng vào vô thức. Ở đó chúng vẫn âm thầm lớn mạnh và chờ cơ hội sinh khởi trở lại. Đồng thời cái ta cũng sâu dày thêm. Chỉ có thận trọng, chú tâm, quan sát chúng một cách vô tư trong sáng để thấy biết sự sinh diệt trong điều kiện tự nhiên thì mới thấy được bản chất thật của chúng. Thấy như vậy thiền Nguyên Thủy gọi là vipassana, Thiền Tông gọi là kiến tánh. Cái thấy đó cũng chính là minh. Trong minh tất cà phiền não đều tự diệt.
1) Nói chung, sau 60 tuổi xuất gia vẫn được, nhưng cũng tùy trường hợp. Nếu sức khỏe kém, không đủ trí nhớ, chưa có vốn cơ bản về Phật Pháp, bị tập nhiễm những thói quen không hợp với phong cách trang nghiêm thanh thoát của tu sĩ v.v... thì không nên xuất gia vì khó học thuộc kinh luật xuất gia, khó học hiểu Phật Pháp, và không biểu hiện được Tăng tướng. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng có thể xin ở chùa để tu tâm dưỡng tánh hoặc làm công quả dưới hình thức cư sĩ thì tốt hơn. Nếu không bị những khuyết điểm trên thì có thể xuất gia được. Ngoài ra, người lớn tuổi xuất gia dể rơi vào những sai phạm sau đây: - Vì lớn tuổi nên Phật tử không biết sẽ lầm là hòa thượng, được cung kính đảnh lễ cúng dường rồi sinh ra ngã mạn, muốn qua mặt các vị sư trẻ cao hạ hơn mình. - Dễ tự ái khi bị vị nhỏ tuổi cao hạ quở trách nên sinh ra bướng bỉnh cứng đầu. - Khó sửa đổi những thói hư tật xấu. - Thích làm thầy dạy dỗ người khác theo thói quen gia trưởng ngoài đời v.v...
2) Tất nhiên có khả năng gì đóng góp cho lợi ích chung là tốt, nhưng phải luôn nhớ rằng phận sự pháp học pháp hành là chính. Nếu đức tu chưa vững, đạo pháp chưa thông thì việc làm sẽ trở ngại cho việc hành trì tu tập, vì đó là môi trường cho bất thiện pháp dễ phát sinh. Việc phục vụ chỉ tùy duyên, sao cho vừa lợi ích chung vừa không đánh mất pháp hành giới định tuệ nơi mình thì mới được
Câu hỏi của con thật khó trả lời. Vì hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.không khéo nói ra sẽ mất lòng người này người khác. Vậy thầy chỉ kể ra một số ý kiến để tự con suy gẫm và quyết định thái độ cho riêng mình. Nói chung, có những quan điểm như sau:
1) Không nên thờ Xá-lợi ở tư gia, vì ít tư gia có chỗ đủ điều kiện trang nghiêm, thanh tịnh và cung kính để tôn trí, nên ngày xưa vua Asoka chỉ tạo dựng bảo tháp riêng để thờ mà thôi, Các nước lân cận cũng thỉnh Xá-lợi về rồi xây dụng bảo tháp rất hùng vĩ ở những vị trí đặc biệt để thờ.
2) Không nên thờ trong nhà hay đeo theo trên người, xem Xá-lợi như bùa hộ mạng để tránh tai họa hay trấn ếm ma quỷ.
3) Không nên đem Xá-lợi ra để đổi chác, mua bán hay làm quà tặng vì mục đích danh lợi bất chánh, hay vì tình cảm cá nhân.
4) Không nên sưu tầm Xá-lợi để làm collection như sưu tầm các vật quý khác, trở thành đối tượng của lòng tham. Đã quý thì một ngôi Xá-lợi cũng quý lắm rồi.
5) Xá- lợi hiện nay có thật có giả khó lường, không vội tin mà cũng đừng nghi ngờ phỉ báng.
6) Không nên chiếm hữu Xá-lợi như của riêng một cách ích kỷ, thay vì tôn trí những nơi tôn nghiêm mà mọi người đều được chiêm bái, chư thiên có thể đến được để hộ trì.
Bên cạnh cũng có ý kiến hoàn toàn trái ngược:
1) Ai hữu phước có được Xá-lợi thì người đó có bổn phận hộ trì gìn giữ. Chắc gì giữ trong chùa trong Tháp không bị lợi dụng để cầu danh cầu lợi.
2) Thờ chỗ cao quý hay nơi nghèo hèn, chỗ trang trọng hay nơi đơn sơ không quan trọng mà quan trọng là lòng tôn kính của mình.
3) Thờ trong nhà hay đeo theo trên mình là để luôn nhắc nhở mình phải tinh tấn thanh tịnh thân khẩu ý.
4) Xá-lợi thật hay giả cũng không quan trọng, cứ nghĩ đó là Xá-lợi với lòng tôn kính là được. Tượng Phật bằng đồng bằng đá mà mình vẫn kính lễ và cũng vẫn có phước vậy.
v.v... và v.v.... Con nghĩ thế nào là đúng thì cứ làm. Đôi lúc nhiều ý kiến giúp mình điều chỉnh hiểu biết chủ quan của mình đó con. Theo thầy thì có Xá-lợi hay không thì việc chính yếu của người Phật tử là phải sống thuận pháp mới thật sự cung kính cúng dường đức Phật.
Thầy biết mẹ con là người mộ đạo, tính tình hiền lương, nặng tình cảm và có ít nhiều tâm hồn nghệ sĩ. Có lẽ vì vậy mà mẹ con còn quyến luyến tình cảm thân quen, không muốn rời xa những kỷ niệm trong tổ ấm gia đình. Nếu như vậy thì những hiện tượng mà các con nghe, thấy về mẹ là đúng. Lúc đầu là vậy nhưng về sau mẹ con sẽ cảm thấy khổ vì âm dương cách trở nên có những chuyện muốn nói, muốn làm mà không thể thực hiện được.Lúc đó muốn thoát thì không đủ lực để thoát. Tốt nhất là các con nên trai Tăng cúng dường để dùng phước lực, tâm lực và ân đức Tam Bảo hồi hướng cho mẹ, giúp mẹ đủ lực để siêu thoát.