Theo thầy thấy thì có nhiều trường hợp rất đúng, ví dụ như Ngài Giới Nghiêm thì giới rất nghiêm, Ngài Hộ Tông là vị tổ hộ trì Phật Giáo Nguyên Thủy... Nhưng cũng không thiếu gì trường hợp sai. Có nhiều vị có tên rất hay nhưng tư cách thì hoàn toàn ngược lại. Ví dụ đôi khi tên chánh mà thành tà, tên thiện lại thành ác, tên giác lại thành mê, tên viên lại méo mó v.v. Tốt nhất là căn cứ trên "chân dung" của mỗi người mà thấy ra bản chất thật thì không sai vào đâu được.
Kệ Pháp Cú số 29 dạy: "Tinh cần giữa những người phóng dật, tỉnh thức giữa những kẻ cuồng mê, bậc trí như con tuấn mã, bỏ lại sau lưng đám ngựa yếu hèn. Đức Phật luôn khen ngợi những người sống thận trọng, tinh cần, vì đó là pháp dẫn đầu tất cả thiện pháp. Trước khi viên tịch Ngài cũng dạy: "Hữu vi là vô thường, hãy thận trọng chớ có phóng dật". Người luôn tinh cần tỉnh giác sẽ dễ dàng vượt thoát phiền não khổ đau, trong khi những kẻ phóng dật mê muội vẫn mãi đắm chìm trong luân hồi sinh tử.
Giới điều thứ 5 thuộc về uống các chất có men làm cho say. Hút thuốc không thuộc giới điều này. Trong luật cũng không có chỗ nào nói cấm hút thuốc vì vậy một số sư mới hút thuốc mà không ai cấm được. Tuy nhiên, theo thầy thì hiện nay y học đã chứng minh hút thuốc có hại cho người hút và cả người phải bị ngửi mùi thuốc lá nên thuốc lá đã bị cấm ở nhiều nơi, như trên máy bay, trong phòng hội họp v.v... và chỉ được hút thuốc ở phòng quy định mà thôi. Cho nên chư tăng, nhất là chư tăng trẻ, vị nào chưa biết hút thuốc thì không nên tập hút thuốc, vị nào đã hút thì nên bỏ, và nếu bỏ không được thì nên hút chỗ kín đáo để không gây ảnh hưởng đến người khác, về cả mặt vệ sinh lẫn thẩm mỹ.
Nếu một người biết chánh niệm tỉnh giác, tức luôn thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình thì có thể tự biết trình độ tu tập của mình. Trong tu tập, khám phá chính mình để thấy ra đâu đúng đâu sai, đâu chân đâu giả, v.v... thì người đó đồng thời cũng khám phá ra căn cơ trình độ của mình. Những phương pháp tu hướng ngoại, hoặc chỉ mong cầu ở sở đắc trong tương lai hay ở một nơi nào khác thì khó biết được trình độ của minh. Còn người thấy ra đâu là pháp, đâu là ngã, đâu là tập khí sinh tử thì họ có thể thấy ra căn cơ trình độ tu tập của mình một cách dễ dàng.
Sao hạn có thể là sự tương quan giữa nhân quả nghiệp báo với năm tháng ngày giờ. Môn Tử Vi định ra tên của những vì sao để biểu trưng cho những sự kiết hung tốt xấu khác nhau. Ví dụ một người quá khứ gieo nhân xấu nên tái sinh vào năm tháng ngày giờ có những sao tương ứng để nhận quả xấu theo chu trình vận hành nhân quả. Đây là một phát kiến khá thú vị giúp con người qua đó thấy ra phần nào nghiệp quá khứ của mình. Theo Phật giáo thì mỗi người có thể chuyển nghiệp của mình bằng cách "Tránh ác, làm lành và thanh tịnh tâm ý" chứ không phải cúng ông sao nào cả (vì sao là hình ảnh tượng trưng chứ không phải là ngôi sao thật). Tuy nhiên, nếu cúng có ý nghĩa là tạ ơn hay sám hối những lỗi lầm của mình trước Tam Bảo, Ông bà cha mẹ hay Chư Thiên là điều đáng làm.
Chính tâm trạng nôn nóng muốn giải thoát đã làm con không chịu nổi khổ đau. Khi con thấy khổ đau là bài học để con thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống thì con sẽ biết trân quý nó và con sẽ vô cùng cám ơn những nỗi khổ đau đã giúp con giác ngộ sự thât. Chỉ có giải thoát khi nào con giác ngộ ra sự thật. Tuyệt đối không có cách nào để giải thoát được khi con vãn chưa thấy ra sự thật về chính mình và cuộc sống. Ví như khi con lạc vào rừng, không phải chỉ nôn nóng muốn thoát ra là thoát ra được, mà con phải sáng suốt biết rõ khả năng của minh và nhẫn nại khám phá những nguy hiểm của khu rừng ấy thì mới tìm thấy đường ra. Hãy học từ đau khổ bài học giác ngộ giải thoát.
1) Khi còn bản ngã thì còn tự lực và tha lực. Một em bé tất nhiên cần tha lực của mẹ cha v.v... Nhưng khi lớn lên em phải phát huy tự lực vì tự lực là nhân, tha lực chỉ là duyên. Khi không còn bản ngã nữa thì hoặc tự lực và tha lực là một hoặc không cần tự lực tha lực gì cả. 2) Cầu và nguyện là hai việc khác nhau. Cầu là xin hay mong được một điều gì đó cho mình hoặc người khác, vì vậy thường dựa vào tha lực. Nguyện là quyết tâm làm một việc gì đó cho mình hoặc người khác, vì vậy cần tự lực nhiều hơn. Ví dụ nguyện giữ giới, nguyện hồi hướng, nguyện sống vô ngã vị tha v.v. 3) Người tu tập cần dựa vào tự lực thì mới nhận được tối đa sự trợ giúp của tha lực. Ví dụ một em học sinh phải siêng năng học tập thì mới học được nhiều bài học từ thầy cô. Nếu em không chịu học tập thì thầy cô giảng chỉ làm em nhức đầu thêm mà thôi. Tự mình phải biết tiếp thu những nguồn trợ lực để phát huy tự lực cho đến khi có thể tự lập thì không nên dựa vào tha lực nữa. Ví dụ như một người bị thương phải nhờ vào xe lăn mà đi, nhưng khi đã khỏi thì phải tự tập đi chứ không nên ngồi xe lăn mãi. Cha mẹ nuôi dạy con chỉ muốn con khôn lớn để có thể tự lập chứ không ai mong con cái ỷ lại vào mình. Chư Phật cũng vậy, chỉ khai thị cho chúng sanh biết tự giác ngộ giải thoát. Nếu ai không tự nỗ lực thì dù cho cầu Phật gia hộ cũng không thoát khỏi phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử. Đức Phật dạy: "Mỗi người là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ cho mình được. Khi đã trở nên thuần tịnh thì chính mình là nơi nương nhờ tối thượng". Vì vậy "Mỗi người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi".
Theo thầy thì việc tốt lớn nhất và cho nhiều người nhất là tự giác giác tha, nghĩa là tự mình giác ngộ giải thoát và giúp người khác hiểu đúng, sống đúng Chánh Pháp để họ khỏi sa đọa vào đường ác. Nhưng sao con lại thích làm việc gì lớn nhất? Theo thầy thì nên tùy duyên mà làm việc thiện để giúp ích người khác, nghĩa là ai cần giúp thì mình giúp dù giúp cho ít hay nhiều người cũng nên làm. Làm đúng khả năng và vị trí của mình chứ không nên tham vọng làm quá sức mình. Ví dụ một em học sinh siêng năng học tập đúng cấp đúng lớp đúng bài vở của mình là việc làm lợi ích nhất và cho nhiều người nhất trong vị trí hiện nay của em ấy.
Ngũ ấm hay ngũ uẩn là 5 yếu tố trong chuỗi tùy thuộc nhau và cùng nhau phát sinh, tạo thành sự vận hành của nhân quả, nghiệp báo. Năm yếu tố này là:
1- Sắc uẩn: gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. 2- Thọ uẩn: gồm các cảm thọ khổ, lạc, hỷ, ưu và xả. 3- Tưởng uẩn là tri giác, nhận biết đối tượng và hình thành khái niệm. 4- Hành gồm 50 tâm sở thiện, bất thiện và trung tính. 5- Thức là nội dung của những loại tâm khác nhau.
Khi năm yếu tố này yếu mạnh không đồng đều và không điều hòa với nhau thì sẽ sinh ra phiền não khổ đau, nên gọi là ngũ ấm xí thạnh khổ. Ví dụ sắc quá thịnh hay quá suy, cảm giác quá mạnh hay quá yếu, tri giác quá nhiều hay không đủ, phản ứng khi thuận khi nghịch, khi thiện khi ác, tâm thức khi tĩnh khi động, khi mê khi sáng v.v... nên tạo ra phiền não khổ đau, goi là ngũ ấm xí thạnh khổ.
Không gian vũ trụ theo Thái dương hệ là không gian ba chiều, trong khi không gian Đức Phật nói đến là bao gồm chiều kích thứ tư, thứ năm v.v... Kết cấu của loại không gian này chúng ta không thể thấy được bằng mắt thường hay kính viễn vọng. Vì vậy khó mà định được Núi Tu-di, Bắc Cu-lô châu, Đông Thắng-thần châu v.v... ở đâu. Ngay trên trái đất chúng ta có những cõi giới vô hình mà phần lớn chúng ta trong tầm nhìn không gian ba chiều không thể thấy, chỉ có một số nhà ngoại cảm, những người có thần nhãn v.v... mới thấy được. Núi Tu-di cũng như các châu nói trên vượt ngoài không gian ba chiều của chúng ta nên chúng ta không thấy làm sao định vị được?
Nếu con không thể về Việt Nam hay đi Úc v.v... để trực tiếp sắm sửa lễ phẩm, y bát để dâng y thì con có thể nhờ bạn bè hay thân nhân của con ở những nơi đó thay mặt con làm tất cả phước sự liên hệ đến lễ dâng y Kathina giúp con. Nếu không có bạn bè, thân nhân ở đó thì con có thể liên hệ với chùa nào con xin dâng y để gởi tịnh tài về đó nhờ Ban Hộ Tự trong chùa thực hiện lễ dâng y giúp con cũng tốt.
Ở các nước Âu Mỹ, Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo thường lảm lễ cưới cho con chiên. Trước khi làm lễ cưới hai bên nam nữ phải đi đến nhà thờ học phép hôn phối. Khi Phật giáo truyền qua phương Tây, Phật từ cũng phải làm lễ cưới tại chùa để vị trụ trì ký giấy hôn thú luôn, không cần phải ra tòa. Điều này thầy nghĩ cũng tốt, vì ít ra đôi tân hôn cũng chấp nhận đặt hôn sự của mình trong lòng tôn kính, hướng đến điều cao cả, và lấy đạo đức làm lẽ sống của mình. Như vậy không hơn bày tiệc tùng linh đình, nhậu nhẹt say sưa sao. Nếu coi chướng mắt là tại chùa nào đó tổ chức thiếu trang nghiêm hợp đạo. Nếu hai họ đến chùa lễ Phật, nghe thuyết giảng về đời sống đạo đức trong gia đình, rồi hai nhà tuyên bố giới thiệu đôi tân hôn và chư Tăng tụng kinh phúc chúc, thì không có gì mất trang nghiêm thanh tịnh cả. Có lẽ con chưa quen thấy tổ chức lễ cưới trong chùa mà lại thấy tổ chức chỗ nào đó không hay nên thấy chướng mắt thôi, phải không?
Xin lỗi, vì sư đi Úc cả tháng nay nên trả lời câu hỏi của con chậm trể. Thông cảm nghe.
- Thủ dâm là tội Tăng tàn của giới tỳ kheo, cư sĩ không phạm giới. Tuy nhiên người cư sĩ nếu tránh được điều này cũng càng tốt vì thủ dâm nhiều có hại cho sức khỏe, dẫn đến bệnh tật nhất là suy thận và giảm trí nhớ.
- Nhận tiền trong bát là không đúng, trừ phi Phật tử gởi cúng chùa hoặc Tam Bảo, nhưng cũng nên dâng ở bên ngoài, không nên để vào bát, vì bát chỉ dể vật thực. Trong trường hợp Phật tử để trong bì thư hoặc trong gói quà mà vị sư không biết đó là tiền thì không sao. Cách để bát ở một số chùa hiện nay không được trang nghiêm do không giải thích cho Phật tử biết luật, và thiếu tổ chức chu đáo. Nên có một bàn riêng để Phật tử dâng tịnh tài (dưới hình thức tứ vật dụng) rồi sau đó ban tổ chức tùy nghi dâng cúng lại chư Tăng thì tốt hơn. Nếu con thấy không hoan hỷ trong những buổi để bát sai luật con có thể không tham gia để làm những phước sự khác.
Lễ dâng y Kathina sở dĩ phước lớn vi tác ý dâng chư Tăng chứ không dâng cá nhân vị sư nào. Người thí chủ chính đương nhiên có phước báu lớn nhưng tất cả những người có hùn phước trong đó đều có phước báu của lễ Kathina theo tâm tùy hỷ (anumodana) của mình. Nếu tâm tùy hỷ của người hùn phước cao hơn tâm hoan hỷ của thí chủ chính (vì bị buồn bực điều gì trong cuộc lễ nên hoan hỷ không trọn vẹn) thì phước báu cũng lớn hơn thí chủ đó. Muốn làm phước có phước báu lớn tâm phải tương ưng với trí, đối tượng làm phước là người hay việc có thể đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều người, đồng thời có tâm hoan hỷ cao là tốt nhất.
- Tự mình dùng tam tịnh nhục hoặc dâng cúng chư Tăng v.v... thì vẫn đúng Pháp, nhưng cúng Phật thì chỉ nên cúng hương hoa để tỏ lòng tri ân và tôn kính là được, không nên dâng cúng vật thực. Thực ra cách tôn kính cao thượng nhất là hành theo Pháp và sống thuận Pháp chứ không đòi hỏi phải cúng dường bất cứ gì khác.
- Nếu biết mình sai lầm, dù nhỏ hay lớn, đều có thể sám hối và sửa sai thì không còn mặc cảm tội lỗi nữa, nhưng về nhân quả thì sẽ tùy sai lầm có tác hại nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà có hậu quả tương ứng. Có thể làm giảm hậu quả xấu bằng cách làm nhiều việc thiện ngược lại với nghiệp xấu đó. Ví dụ đã phạm tội trộm cắp thì nên làm nhiều việc bố thí v.v...
Thiền chỉ tức thiền định và thiền quán là thiền tuệ. Hai pháp thiền này có rất nhiều điều vi tế không thể trình bày trong giới hạn của mục hỏi đáp này. Vì vậy xin giới thiệu đạo hữu đọc cuốn "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ" của HT. Hộ Pháp và cuốn "Thiền Phật Giáo, Nguyên Thủy Và Phát Triển" của HT. Viên Minh, ngay trong mục Thư Viện của trang Web này. Khi đọc có những chi tiết nào không hiểu rồi hỏi thì sẽ dễ trả lời cụ thể từng vấn đề hơn. Chúc đạo hữu sớm hiểu ra thiền định và thiền tuệ.
"Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không". Vậy có hay không xin bạn vui lòng hỏi lại chính mình, trong đó sẽ có câu trả lời chính xác nhất.
1) Lẽ ra anh nên hỏi vị ấy để tìm hiểu xem vị ấy dùng từ duyên với nghĩa gì mới phải. Có thể vị ấy muốn nói anh có duyên với Phật Pháp, hoặc có duyên với vị ấy.
2) Anh có tâm dâng cúng xe thuyền cho quý thầy có phương tiện đi lại hoằng pháp là tốt chứ đâu có tội gì. Nếu quý vị ấy dùng sai mục đích thì quý vị ấy có tội, chứ không phải là anh.
3) Tứ vật dụng là: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc ngừa chữa bệnh.
4) Ngày nay Phật tử không biết dâng bốn món vật dụng như thế nào cho hợp với quý thầy nên đã thay bằng tịnh tài (tiền trong sạch) để quý thầy tự sắm tứ sự cho hợp với mình, nên tịnh tài này cũng được gọi là tứ vật dụng. Theo tôi nghĩ Phật tử cúng với ý tốt tức không tội. Quý thầy dùng sai thì quý thầy mới có tội.
5) Dâng y là dâng y cà-sa cho chư Tăng. Nhưng trong lễ dâng Pháp y nhiều người đã dâng y cà-sa nên dâng vật dụng như anh làm cũng được.
Con vào mục Thư Viện đọc cuốn Thực Tại Hiện Tiền, phần cuối thầy có giảng bài kinh Bát-nhã từng câu một khá rõ ràng. Hy vọng con sẽ hiểu được ý nghĩa bài kinh đó. Trong tất cả kinh điển Đại thừa, bài kinh đó gần với giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy nhất.
Đúng theo giới luật Phật thì vị sư (tỳ-kheo hay sa-di) không được nhận tiền bạc, châu báu. Muốn dâng tịnh tài cho một vị sư thì chỉ tác bạch thôi rồi gởi cho người kappiya của vị ấy giữ giúp để khi vị ấy cần vật dụng gì thì người kappiya sẽ thay mặt thí chủ dâng cúng vật ấy. Trong trường hợp dâng cúng cho chư Tăng hoặc cho chùa mà không có kappiya ở đó thì vị trụ trì hoặc một người đại diện Tăng có thể nhận để giao lại người thủ quỹ của chùa vì đó không phải nhận cho cá nhân vị ấy. Nhất là trong trường hợp để bát thì vị sư không nên nhận, và người Phật tử hiểu đạo cũng không nên dâng như vậy.
Ngày nay luật không nhận tiền bạc chỉ có chư Tăng Miến Điện còn giữ tốt nhất, ở các nước khác thì có vị giữ có vị không. Do sinh hoạt trong thời đại chúng ta việc gì cũng cần tiền mà mỗi vị phải có một người kappiya đi theo thì rất tốn kém bất tiện. Những vị lớn còn có người lo, nhưng các vị mới thọ tỳ-kheo hoặc còn sa-di thì khó có người kappiya luôn đi theo bên cạnh để phục vụ, vì vậy ở một số nước, chư sư được giữ "tịnh tài" dưới hình thức "tứ vật dụng" do khi dâng cúng thí chủ có tác ý dâng tứ vật dụng chứ không có tác ý dâng tiền bạc. Cách giải quyết giản dị này đỡ gây rắc rối cho chư sư, cho kappiya và cho thí chủ. Tuy nhiên nhiều vị kỹ lưỡng về giới luật không chấp nhận cách này.
Thôi thì cứ cho là có thể nhận "tứ vật dụng" dưới hình thức tịnh tài cho thích ứng với thời đại, nhưng phải để tịnh tài trong bì thư và phải tác bạch là "tứ vật dụng" thì còn thông cảm được. Nhưng để tiền vào bát một cách lộ liễu thì không nên, vì mục đích đi bát là để khất thực chứ không phải xin tiền như những người ăn xin giả dạng nhà sư. Khổ một nỗi những người tín đồ ít biết giới luật của chư Tăng thấy việc để tiền là tiện lợi nhất cho họ nên họ ưa để tiền hơn vật thực hay vật dụng. Có lẽ điều này các chùa nên chỉnh đốn lại việc đi bát cho đúng luật, và nên giảng giải cho Phật tử nhiều hơn về giới luật chứ không thể trách người có tín tâm được.