04:00 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc

Liên hệ

CÂU ĐẰNG 鉤 藤

Thứ tư - 02/03/2011 18:46
Cây câu đằng Uncaria rhynchophylla (Miq) Jacks còn gọi là Câu đằng Nhật Bản đó là cây leo màu nâu đậm, cành non có 4 cánh

CÂU ĐẰNG   鉤 藤

Uncaria rhynchphylla (Miq) Jacks.

Xuất xứ: Biệt Lục.

Tên Việt Nam: Vuốt câu, Câu đằng, Dây móc câu, Gai mấu.

Tên khác: Điếu đằng câu (Hòa Hán Dược Khảo), Lưỡng câu, Câu đằng câu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tên khoa họcUncaria rhynchphylla (Miq) Jacks (= Ourouparia rhynchphylla Matsum).

Họ khoa học: Họ Cà Phê (Rubiaceae).

Tên gọi: Vị này có gai như lưỡi móc câu nên gọi là Câu đằng.

Mô tả: Cây câu đằng Uncaria rhynchophylla (Miq) Jacks còn gọi là Câu đằng Nhật Bản đó là cây leo màu nâu đậm, cành non có 4 cánh, lá mọc đối hình trái xoan nhọn đầu, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có phấn, gân nổi rõ cả 2 mặt, lá kèm chia đôi, gai cong, khỏe nhọn đầu. Hoa tập chung thành hình đầu, dầy đặc ở đầu cành. Hoa nhỏ màu vàng hay trắng. Đài 5 ống đài hình cầu. Tràng 5 ống tràng ngắn. Nhị 5 đính trên ống tràng. Bầu 2 ô. Vòi mảnh. Quả nang, có đài còn lại ở đỉnh, nhiều hạt. Hoa nở vào mùa hè.

Địa lý: Mọc hoang ở miền thượng du, ven đường đi, ven rừng thứ sinh, bò dài trên các cây bụi khác.

Thu hái, sơ chế: Thu hái vào tháng 3, cắt dây về, chọn các mấu có móc câu chặt thành từng đoạn dài khoảng 2cm, phía trên chặt sát móc câu phơi nắng hoặc sấy thật khô, thường dùng sống không cần sao chế.

Phần dùng làm thuốc: Đoạn cành có gai móc câu khô, màu  nâu hồng hay nâu sẫm, không lẫn đoạn có gai. Khi dùng dùng móc câu.

Mô tả dược liệu: Câu đằng dùng gai móc mấu như loại lưỡi câu đơn, có loại lưỡi câu kép mọ đối trên trục màu đỏ nâu bằng phẳng trơn. Chất cứng, dùng mấu non có tác dụng  hơn thứ già. Loại khô không mốc mọt, mục bở, mỗi khúc có hai gai ở 2 bên là thứ tốt, thứ chỉ có 1 gai kém giá trị, thứ không còn gai thì không dùng.

Bào chế: Khi dùng cắt bỏ cành của nó đi, chỉ dùng toàn những móc câu thôi, dùng được móc non càng tốt, không cần lấy thứ già, loại non sức mạnh hơn loại già.

Cách dùng: Dùng vào thuốc thang thì nên để riêng, sau khi sắc thuốc gần được mới cho Câu đằng vào. Hoặc tán bột dùng trong cao đơn hoàn tán. Nhức đầu chóng mặt dùng gai mấu, đau thần kinh tọa dùng rễ cây.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng gió.

Tính vị: Vị ngọt, tính lạnh.

Qui kinh: Vào kinh Can, Tâm bào.

Tác dụng: Thanh can, tức phong, tiềm dương.

Chủ trị: Trị trẻ nhỏ động kinh, váng đầu, chóng mặt do phong hỏa, nhức đầu, phát sốt, co giật. (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Liều dùng: Dùng 10 – 20g, không nên sắc lâu.

Kiêng kỵ: Không có phong nhiệt và thực nhiệt cấm dùng.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+   Trị  trẻ nhỏ động kinh do sốt cao: Câu đằng 30g, Tiêu thạch 15g, Chích cam thảo 6g 5, tán bột, mỗi lần uống 2g với nước nóng, ngày 3 lần (Thánh Tế Tổng Lục).

+   Trị động kinh, co giật: Câu đằng, Chích cam thảo mỗi thứ 6g, sắc  với 5 chén nước còn 2 chén, uống với một chút táo, ngày uống 5 lần, đêm 3 lần (Thánh Huệ Phương).

+   Trị sởi mọc chậm: Câu đằng, Tử thảo nhung 2 vị bằng nhau, tán bột lần uống 1 muỗng cà phê với rượu nóng (Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết).

+ Trị trẻ nhỏ bị động kinh co giật:  Câu đằng, Viễn chí, Phục thần, Hổ phách, Táo nhân, Đơn sa, Ngưu hoàng, Thiên trúc hoàng, Tê giác, Sinh địa, Long xỉ, Mạch môn, Kim bạc, có đờm  gia Trúc lịch, Nam tinh, Quất hồng bì (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+   Trị Can nhiệt sinh phong, động kinh co giật: Câu đằng 12g, Tê giác 3g, Thiên ma 9g, Toàn yết 3g 5, Mộc hương 8 phân, Cam thảo 3g sắc uống (Câu Đằng Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+   Trị Tetanos kèm có nội nhiệt: Câu đằng 5-8 chỉ, Hoàng cầm 9g, Tang diệp 15g, Đởm nam tinh 6g, Thạch cao 2-240g, Thuyền thoái 1-60g, Toàn yết, Bạch phụ tử mỗi thứ 3-15g, Ngô công 5 con, sắc uống mỗi ngày 1 thang (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+   Trị  nhức đầu, váng đầu do huyết áp cao: Câu đằng 12g, Kim ngân hoa 9g, Bạc hà 3g 5, Hồng hoa 9g, Địa long 9g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+   Trị nhức đầu, chóng mặt, mặt đỏ, mạch huyền sác do huyết áp cao gây nênCâu đằng, Cúc hoa, mỗi thứ 9g, Hạ khô thảo 15g, sắc uống  (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tham khảo:  Câu đằng có tác dụng  khư phong mà không táo, là một vị thuốc trung hòa, là thuốc của thủ thiếu âm, Túc quyết âm kinh, Thiếu âm chủ hỏa, Quyết âm chủ phong, phong hỏa va chạm vào nhau thì sinh ra chứng nóng lạnh động kinh, làm cho không yên hỏa tắt thì âm can đều yên ổn, chứng nóng lạnh cũng tự khỏi vậy. Cho nên trong nhi khoa rất quan trọng nó. Khi dùng cần đi kèm với huyết dược, thì công hiệu càng hay. Khi dùng bỏ cành chỉ dùng thuần một thứ móc câu còn non thì công hiệu gấp 10 nhưng sắc lâu thì mất tác dụng , chờ sắc các vị khác sắp tới rồi mới cho vào sau, sôi một hai dạo sau thì đem xuống dùng thế mới đắc lực (Dược Phẩm Vựng Yếu).

+   Vị cam, hàn, hơi  đắng, là thuốc của kinh thủ túc Quyết âm. Túc Quyết âm chủ phong, thủ Quyết âm chủ hoả, kinh phong co quắp, đầu váng, hoa mắt đều do phong hoả bốc lên. Vì khí và vị của Câu đằng bạc, hợp với thể chất của trẻ nhỏ, vì vậy dùng trị động kinh, co giật… Khi sốt cao, tay chân máy giật, có thể dùng Câu đằng để đề phòng. Nếu đã phát kinh phong thì Câu đằng không bằng Toàn yết, Ngô công (Thực Dụng Trung Y Học).

Phân biệt:

. Ở Việt Nam còn dùng cây Móc câu (Uncaria macrophylla Wall) với tên Câu đằng lá to vì có lá lớn hơn với cây trên, hoa và là thường dùng làm thuốc.

. Ở Việt Nam còn khai thác với tên câu đằng một số loài Câu đằng khác trong đó có các loài vuốt bắc hay dây Giang quéo (Uncaria tunkinensis Havil) là loài cây to, nhánh non, dưới lá có lông dầy nâu, có có 8 đến 10 cặp gân, lá bẹ chẻ hai, cao 4-5mm. Hoa đầu tròn to 2cm, cô độc trên cọng dẹp và cong ở đáy, hoa vàng, ống vành dài 5-8mm, có lông. Nang cao 4mm thường gặp ở núi Phan Rang, Quảng trị.

. Cây Uncariarhynchophylla (Miq) Jackson.

. Ngoài ra người ta còn dùng loài cây dây móc Câu (Uncaria Sp) là dây leo, thân vuông có rãnh dọc. Lá mọc đối ở kẽ lá có gai nhọn mọc cong xuống, cứ 1 mấu 2 gai lại xen một mấu 1 gai. Hoa nhỏ màu vàng trắng tụ họp thành hình cầu ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả dẹt. Cây mọc hoang ở khắp miền núi, Hoa quả vào tháng 3-6, người ta thường dùng móc câu liền với mấu cành vào mùa hè thu. Nên dùng mấu có hai móc để thế cây Câu đằng trên. Tất cả các cây này đều phải nghiên cứu thêm để dùng cho hợp lý hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán