DƯƠNG MAI 楊 梅
Myrica rubra Sieb. Et Zucc.
Tên Việt Nam: Dâu rượu, Dâu tiên.
Tên khác: Cửu tử (Bản Thảo Cương Mục), Hỏa thực, Hỏa tề, Kim hoàn, Dương quả, Long tình, Dương thị tử, Dương gia quả, Hạc đầu hồng, Hạc đính hồng, Nhật tinh táo công (Hòa Hán Dược Khảo).
Tên khoa học: Myrica rubra Sieb. Et Zucc.
Họ khoa học: Myricaceae.
Mô tả: Cây nhỏ cao 0,40-0,50m nhưng cũng có thể cao đến 10m. Cành nhỏ thường có phủ lông tơ. Lá xanh tươi quanh năm, khi còn non thì có phiến lá to hơi mềm, lá trên cánh già thì nhỏ hơn mà dai cứng. Phiến lá dài 5-12cm, rộng 2-3cm, phiến nhỏ dài 2-3cm, rộng 8-10cm. Mép lá non có răng cưa rõ, mép lá già răng cưa không rõ. Cuống không rõ hoặc rất ngắn, dài 2-10mm. Hoa khác gốc, hoa đực gầy thưa hoa, hoa cái mọc thành hình đuôi xóc dài 1-5cm. Quả có đường kính 5mm-1cm, khi non có màu xanh, khi chín có màu đỏ tím, trên mặt có rất nhiều gợn thoạt nhìn giống như quả kép của quả dâu tằm, có lẽ vì vậy mà gọi là quả dâu. Hạch dầy và cứng, mọng nước màu đỏ tím rất đẹp. Mùa hoa tháng 10-11, mùa quả tháng 11-1.
Phân biệt: Có nơi người ra dùng cây Dâu rượu (Myrica sapida Wall Var chevalieri Dode) đó là cây bụi, cành có nhiều lỗ bì, màu nâu xám. Lá dầy, cứng, nguyên. Hoa đực mọc thành cụm hoa dài, thẳng, lá bắc có lông, lá bắc con khuyết, nhị 4-8 gần như không chỉ nhị. Hoa cái mọc thành bông gồm 5-8 hoa, bầu non có lông. Quả chín mau đỏ, to bằng ngón tay út. Cây này hay mọc nhiều ở miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, thường dân gian lấy quả dùng để chế rượu hoặc làm thuốc bổ phổi, trị bệnh ho, giúp cho bệnh tiêu hóa dể dàng.
Địa lý: Cây mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam, mộc số tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Phú, Lang Biang.
Thu hái, sơ chế: Hái quả chín vào tháng 12-3. Đặt thúng ở dưới cây, tuốt cho rụng quả vào thúng, phơi khô lại. Làm như vậy giữ được lâu không mọt.
Phần dùng làm thuốc: Quả chín.
Tính vị: Vị chua ngọt, tính ấm, không độc.
Cách dùng: Ướp muối cất dùng.
Tác dụng: Thu liễm, điều khí, hòa Vị.
Chủ trị: Trừ đàm, giảm nôn ọe, tiêu thực. Khi uống rượu thì uống vào một muỗng Dương mai sau đó mửa ra.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị kiết lỵ không ngưng: Dương mai đốt, nghiền, mỗi lần dùng 6g với nước cơm, ngày 2 lần (Phổ Tế Phương).
+ Trị đau nhức không giảm: Dương mai tán bột, lấy một ít hít vào mũi làm cho hắt hơi được là tốt (Phổ Tế Phương).
+ Trị nhức đầu: Dương mai tán bột, uống sau khi ăn với Bạc hà (dạng trà), mỗi lần 6g hoặc tán bột, sắc chung lại để uống (Tập Nghiệm Phương).
+ Trị tất cả các loại tổn thương, cầm máu sinh cơ, làm mất vết sẹo: Dương mai ướp muối, dùng luôn cả hạt, giã nát làm thành bánh ở trong ống tre, cất dùng. Khi vết thương tán bột đắp vào rất hay (Kinh Nghiệm Phương).
Tham khảo:
+ Dương mai chỉ khát, hòa ngũ tạng, rửa thường xuyên, đỡ được mùi hôi. Đốt tro để chữa kiết lỵ rất hiệu nghiệm. Dương mai muối ngậm 1 quả có tác dụng lợi yết hầu, lợi ngũ tạng, hạ khí (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Dương mai vị ngọt chua tính ấm, nên ướp tí muối ăn. Tỉnh rượu, hết khát, hoạt huyết, tiêu đờm, làm sạch trường vị, trừ phiền muộn, khí hôi. Dương mai ướp muối, chích mật, ngâm rượu đường, phơi khô, có tác dụng tiêu thực, chữa kiết lỵ. Loại lớn mà ngọt là tốt nhất, ăn nhiều thì động huyết loại chua thì càng gây. Tất cả các bệnh ghé nhiệt kiêng dùng (Tùy Tức Cư Ẩm Thực Phổ).
+ Quả Dương mai khí vị chua ngọt, ấm, không độc. Chủ trị tiêu thực, cầm ói hết khát, rửa ráy đường ruột trừ khí hôi. Trong ‘Đại Hoà Bản Thảo’ ghi rằng, ướp muối ăn được chữa bệnh cầm ói mửa, tiêu thực, giải rượu, thường ngâm Dương mai 1 quả thì nhuận yết hầu, hạ khí ngũ tạng, người ta thường hay cất trữ (Bản Thảo Thực Phổ).
+ Ngoài thu hái quả chín ra người ta còn dùng cây và rễ sắc lấy nước rửa để trị lở ngứa. Trong ‘Bản Thảo Cương Mục’, Lý Thời Trân đời Minh khi bàn về vỏ thân và rễ Dương mai, đã viết: sắc lấy nước ngậm trị đau răng, uống vào để giải cứu Thạch tín, đốt cháy hòa dầu xức để trị bỏng nóng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn