Đây cũng là một cách để người Huế thay đổi khẩu vị và làm cho tâm hồn mình được tĩnh tại, thư thái. Tuy là bún chay nhưng nó vẫn có vị ngọt đặc biệt, đó không phải là vị ngon ngọt của xương bò hay xương heo mà là tổng hòa của những thứ nguyên liệu từ rau củ quả như bí đỏ, thơm, củ cải, bắp su, cà rốt…
Nấu bún chay là cả một nghệ thuật, đòi hỏi tài khéo léo của những người phụ nữ đảm đang. Trước hết, phải biết chọn những thực phẩm còn tươi ngon, vỏ sáng, lá xanh, không bị sâu, bị úng. Rau củ quả được rửa sạch, cắt thành từng khúc hoặc từng miếng bản to. Thời gian hầm rau củ vừa phải nếu quá ít sẽ không lấy được hết các chất, nhưng nếu quá lâu, rau củ sẽ nát và không ngon. Nước dùng phải trong, có vị thanh đạm mới đạt yêu cầu chất lượng. Khi nồi nước dùng đã chín tới, thêm các loại thực phẩm như đậu phụ tươi (hoặc chiên) cắt lát, nấm mèo, nấm rơm, phù chúc, bơ rô… để tăng thêm hương vị. Tùy theo sở thích của người dùng mà thêm chút muối, ớt, tiêu tạo sự hấp dẫn cho món ăn. Tất cả nguyên liệu đều được xuất phát từ tự nhiên nên rất giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Bún chay thường được ăn kèm với rau sống bên cạnh chén xì dầu và chao. Các quán chay nổi tiếng ở Huế như Liên Hoa, Bồ Đề, Tịnh Tâm, Loving Hut... luôn có món bún chay trong thực đơn của quán. Với không gian yên tĩnh, bàn ghế được bố trí hài hòa, thân thiện, ấm cúng, các quán chay không chỉ thu hút du khách vào những ngày lễ của Phật giáo mà cả ngày thường. Các bức tranh vẽ Đức Phật và các bức thư pháp được treo trên tường khiến thực khách không chỉ cảm nhận vị ngon ngọt của nước bún mà còn bao hàm cả vị thiền của đạo Phật. Trên nhiều con phố và các chợ của Huế, trong những ngày rằm hay mồng một, các bạn sẽ rất khó để tìm cho mình một quán bún bò giò chả bởi các o, các mệ bán bún bò đã đổi sang bán bún chay. Khi Huế bước vào mùa đông với những cơn mưa rả rích, ngồi bên nồi nước bún thơm phưng phức, bạn sẽ có cảm giác như cơ thể đang nóng dần lên. Những quán bún chay bình dân là nơi lý tưởng để ngắm cảnh Huế và dòng người qua lại. Những ngày mưa, quán vắng hơn thường lệ nên dễ trò chuyện, trao đổi tâm tình, o bán bún cũng tỏ ra gần gũi hơn với khách, các bạn sẽ được nghe o kể chuyện gia đình, chuyện buôn bán hay những chuyện thế thái nhân tình…
Từ những thực phẩm đơn giản nhưng qua bàn tay chế biến tinh tế của người phụ nữ Huế, bún chay đã trở thành một trong những đặc sản của vùng đất Cố đô được du khách gần xa biết đến. Màu xanh của bơ rô, màu đỏ của ớt, màu nâu của nấm và màu trắng của sợi bún đã tạo nên một tô bún đa sắc màu rất riêng của Huế.