Dược thiện trị viêm mũi xoang mạn tính ở trẻ
Thứ năm - 26/10/2017 23:10
Theo Y học hiện đại, viêm xoang mũi mạn tính là chứng bệnh viêm mũi có biến chứng viêm xoang. Viêm xoang mũi mạn tính ở trẻ em hay gặp ở trẻ trên 5 tuổi, thường viêm xoang hàm hoặc viêm xoang hàm - sàng. Bệnh diễn biến mạn tính ngay từ đầu, khó chữa, cả hai bên xoang đều bị viêm.
Người bệnh có biểu hiện: ngạt mũi, mũi chảy dịch nhày - mủ (nước mũi đặc hơi xanh) kéo dài, hay tái phát. Nếu chất dịch này nuốt xuống đường tiêu hóa hoặc hít phải sẽ gây viêm phế quản tái diễn, viêm dạ dày ruột non, ho từng cơn…, chảy ra ngoài lỗ mũi thành vệt viêm. Y học cổ truyền gọi viêm xoang mũi mạn tính ở trẻ em là cam mũi hoặc tỵ cam, là hiện tượng lỗ mũi chảy nước đặc liên tục, màu xanh vàng, hai lỗ mũi đỏ kèm theo mắt nhíp, người gầy yếu. Bệnh gặp chủ yếu ở mũi xoang, ít có triệu chứng toàn thân.Nguyên nhân bệnh do thấp nhiệt hiệp với phong tà nhập vào tỳ phế làm ảnh hưởng trực tiếp đến phế lạc và tỵ khổng gây ra. Người bệnh chảy nước mũi đặc liên tục, màu xanh vàng, hơi tanh, hai lỗ mũi đỏ kèm theo mắt nhíp, người gầy yếu, ăn uống kém tiêu hoặc tiêu lỏng, phân thường sống, mình nóng, hay ra mồ hôi trộm, mạch tế sác. Phép trị là bổ tỳ phế, thông lạc, thanh hư nhiệt, trừ thấp. Dùng một trong các bài thuốc:Bài 1: Lục thần tán gia giảm: nhâm sâm 6g, bạch truật 8g, phục linh 8g, cam thảo (chích) 4g, biển đậu 6g, hoàng kỳ 6g, hoàng cầm 5g, hạnh nhân 5g, bối mẫu 6g, liên kiều 5g, gừng tươi 3 lát, đại táo 3 quả. Sắc uống.Bài 2: nhân sâm 4g, bạch truật 8g, phục linh 8g, cam thảo (chích) 4g, biển đậu 6g, hoàng kỳ 6g, sinh địa 8g, huyền sâm 6g, đan bì 6g, mạch môn 6g, kim ngân 8g, ké đầu ngựa 8g, tân di 4g hoàng cầm 6g. Sắc uống.Bài 3: Ích khí tổng minh thang gia giảm: hoàng kỳ 10g, nhân sâm 10g, cát cánh 6g, mạn kinh tử 6g, bạch thược 5g, hoàng liên 3g, cam thảo 3g, thăng ma 5g, thạch xương bồ 5g, liên kiều 5g, la bạc tử 5g, bối mẫu 4g, hoàng cầm 5g. Sắc uống. Chữa chảy nước mũi đặc nhiều không dừng, nước mũi màu vàng đặc hoặc lẫn màu xanh.Bài 4: tang diệp 24g, thương nhĩ tử 10g, tân di 3g, lô căn 24g, cát cánh 10g, cam thảo 3g. Sắc uống. Chữa viêm hốc mũi mạn tính.Thuốc dùng tại chỗ:Lông nhím (thiêu tồn tính) 2 phần, bạch phàn 1 phần. Tán thành bột mịn. Dùng nước muối sinh lý rửa sạch lỗ mũi. Dùng tăm bông thấm thuốc bôi sâu trong 2 lỗ mũi. Ngày 1 lần, cách 2 ngày dùng thuốc 1 lần.Điều dưỡng và dự phòng: Vệ sinh mũi hàng ngày, không dùng tay bẩn ngoáy lỗ mũi. Nên ăn các chất dễ tiêu hóa, đủ dinh dưỡng.
Tác giả bài viết: Lương y Thảo Nguyên