Chữa bệnh nội thương lâu ngày, sinh nấc nghẹn, nôn mửa, tức ngực, mạch chậm: tử hương 2-4g, tai hồng 10g, gừng 5 lát sắc với 200ml nước còn 50ml uống trong ngày.
Nụ hoa tử hương phơi khô cho vị thuốc tử hương.
Tử hương thuộc họ Sim, còn có tên khác là đinh hương. Nụ hoa tử hương được thu hái vào lúc nụ bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu hồng đỏ, để cả cuống hoặc ngắt bỏ, phơi âm can hoặc sấy nhẹ đến khô.
Theo Đông y, tử hương có vị cay, tê, mùi thơm mạnh, tính ấm, có tác dụng kích thích, làm thơm, ấm bụng, chống nôn, giảm đau, sát khuẩn, tiêu sưng... Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa phong thấp, đau xương, nhức mỏi, chân tay lạnh: tử hương 20g, long não 12g, cồn 90 độ 250ml. Ngâm 7 ngày đêm. Lọc bỏ bã. Khi dùng, lấy bông thấm thuốc bôi, rồi nắn bóp nơi đau nhức. Ngày làm 1-2 lần.
Chữa viêm mũi, khai thông đường thở: tinh dầu tử hương, tinh dầu bạch đàn, trần bì, hạt mùi, menthol, natri bicarbonate, acid citric, trộn đều, làm viên. Mỗi lần dùng 2-3g cho vào nước sôi rồi xông họng. Có thể ngậm.
Chữa sai khớp, bong gân: tử hương phối hợp với quế, gừng sống, dây đau xương, vỏ núc nác, hồi hương, vỏ sòi, lá canh châu, mủ xương rồng bà, lá náng, lá thầu dầu tía, lá kim cang, lá mua, huyết giác, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế , giã nhỏ, sao nóng và chườm.
Chữa bệnh nội thương lâu ngày, sinh nấc nghẹn, nôn mửa, tức ngực, mạch chậm: tử hương 2-4g, tai hồng 10g, gừng 5 lát sắc với 200ml nước còn 50ml uống trong ngày. Trong trường hợp nếu nóng nhiều thì giảm đinh hương, tăng tai hồng; ngược lại, nếu lạnh nhiều thì tăng đinh hương, giảm tai hồng.
Chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thổ tả: tử hương 2g, sa nhân 6g, bạch truật 12g, tán bột, uống mỗi lần 2-4g. Ngày 2-3 lần.
Chữa răng bị sưng, đau, sâu răng: tử hương giã nhỏ, ngâm với cồn, càng lâu càng tốt, rồi tẩm vào bông, đắp vào chỗ răng đau. Có thể phối hợp với xuyên tiêu tán thành bột mịn cùng với ít băng phiến, rồi trộn với mật ong, bôi hàng ngày.