22:55 EDT Thứ tư, 17/04/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Châm cứu » Trị liệu

Liên hệ

Chữa hen phế quản bằng châm cứu

Thứ năm - 14/07/2011 21:25

 

 

Y học cổ truyền phương Ðông gọi hen phế quản với bệnh danh là "háo hống". Nguyên nhân gây bệnh vô cùng phong phú, chủ yếu được quy do chức năng của hai tạng phế và thận. Theo Nội kinh "phế chủ khí, thận nạp khí". Khi phế không làm chủ được chức năng thăng giáng, phế khí nghịch lên gây suyễn. Thận tàng tinh, nhưng có chức năng nạp khí. Khi thận không nạp được khí, khí nghịch lên gây suyễn thở.


Bệnh hen phế quản thường được thể hiện bằng các triệu chứng sau: người bệnh đột nhiên lên cơn khó thở, thường khó thở ra hoặc khó thở khi hít vào. Ðứng cạnh bệnh nhân có thể nghe thấy tiếng cò cử do phế quản co thắt. Người bệnh có thể ho khạc được đờm. Trong cơn hen, vẻ mặt người bệnh thường trắng bệch do thiếu ôxy, dáng so vai rụt cổ, mệt mỏi, tiều tụy... Cơn thoảng qua hoặc kéo dài nhiều ngày không dứt tùy theo mức độ của bệnh. Có thể gặp ở trẻ em gọi là hen sữa, hoặc người trung, cao tuổi đến 40-50 tuổi trở đi mới mắc bệnh gọi là hen muộn. Giữa các đợt mắc bệnh, hầu như bệnh nhân trở lại bình thường. Cơn hen dường như có chu kỳ, sau một thời gian nhất định lại tái phát. Những người mắc các bệnh đường hô hấp như polip mũi, viêm mũi, viêm xoang... là gai kích thích gây bệnh; hoặc dị ứng với thuốc như aspirin, dị ứng lông súc vật như chó, mèo... đôi khi bụi nhà cũng gây cơn hen.


Châm cứu là một trong những biện pháp chữa bệnh hen phế quản của Ðông y. Ðể cắt cơn hen phế quản, người ta thường chọn phương huyệt sau: định suyễn, khí suyễn, đại trùy, phế du, chiên trung, nội quan, phong long, liệt khuyết, thận du.


Vị trí và tác dụng của các huyệt: Ðịnh suyễn hay còn gọi là suyễn tức, là huyệt ngoài kinh, nằm ở ngang gai đốt sống cổ C7 ngang ra 1 thốn. Khí suyễn: cũng là huyệt ngoài kinh, nằm ở ngang gai đốt sống lưng D7 ra 1 thốn. Phế du: huyệt du của phế nằm ở kinh túc thái dương bàng quang, ngang gai đốt sống lưng 3 ra 1,5 thốn. Chiên trung: là huyệt chủ về khí, nằm trên nhâm mạch, là giao điểm của đường chính trung và đường thẳng nối hai núm vú ở nam giới hay là ngang với khoảng gian sườn 4. Ðại trùy: là huyệt hội của dương khí, nằm ở ngay dưới gai đốt sống cổ 7. Khi ngồi cúi đầu xuống, gai đốt sống cổ 7 nổi cao nhất. Phong long: là huyệt nằm trên kinh túc dương minh Vị, là huyệt lạc với kinh túc thái âm Tỳ. Nằm cách hõm ngoài xương bánh chè đo xuống 8 thốn, ngang ra 1 khoát ngón tay là huyệt. Liệt khuyết: là huyệt của Thủ thái âm Phế kinh, nằm ở cổ tay, tính từ lằn chỉ cổ tay lên 1,5 thốn, phía ngoài xương quay, là huyệt lạc với kinh đại trường. Thận du là huyệt du của thận, nằm trên kinh túc thái dương bàng quang, cách gai đốt sống lưng L2-L3 ngang ra 1,5 thốn. Nội quan: là huyệt của thủ quyết âm tâm bào, nằm ở mặt trước trong cẳng tay, cách lằn chỉ cổ tay 2 thốn.


Thủ pháp châm cứu: Khi mới phát cơn hen phế quản, chọn các huyệt định suyễn, khí suyễn là chính. Các huyệt này dùng kim hào châm, châm sâu 1-1,5cm, đồng thời vận dụng phép vê chuyển, vừa vê kim vừa tiến kim, làm cho bệnh nhân có cảm giác lan chuyển xuống lưng mông thì tốt. Huyệt chiên trung châm bằng dọc dưới da, hướng mũi kim xuống dưới, là cách đón mà tả đi. Huyệt liệt khuyết châm bằng dọc dưới da, huyệt nội quan châm chếch kim sâu khoảng 1cm. Các huyệt phế du, thận du nên vận dụng phép châm bổ hoặc cứu bổ. Phế khí tỏa thịnh thì sau khi châm phế du nên dùng kim tam lăng chích nặn máu và giác hút nặn máu ở cả hai huyệt phế du. Ngày châm cứu 1-2 lần, một liệu trình châm cứu có thể châm 7-10 ngày. Ngoài cơn nên cứu các huyệt thận du, phế du để tăng cường chính khí, nâng cao tác dụng chữa bệnh.


Giảng nghĩa của phương huyệt: Phương huyệt này lấy bình suyễn, khu đờm là chính. Các huyệt định suyễn, khí suyễn theo kinh nghiệm của tiền nhân có tác dụng bình suyễn là chính nên mới đặt tên là định suyễn và khí suyễn. Nội quan là huyệt thuộc thủ quyết âm tâm bào, là huyệt chủ trị về bệnh ở lồng ngực, có tác dụng khoan khoái lồng ngực, phối hợp với các huyệt khác làm cho phế khí giáng xuống, tăng hiệu quả chữa bệnh đờm nhiệt ở phế. Phế khí tuyên giáng thất thường, nhiều đờm thì dùng thêm huyệt phong long là huyệt chủ về hóa đờm. Liệt khuyết là huyệt thuộc thủ thái âm Phế kinh, có tác dụng trừ đàm tiết nhiệt. Thiên kinh mạch biệt luật sách Tố vấn cho rằng các mạch đều triều về phế . Vì vậy chọn chiên trung là huyệt trên mạch Nhâm, là huyệt chủ về khí, có tác dụng thuận khí, hóa đờm là chính. Ðại trùy có tác dụng tuyên giáng dương khí, nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy khi châm đại trùy có tác dụng chống co thắt phế quản. Người hư nhược nên cứu hai huyệt phế du, thận du để bồi bổ cho hai tạng phế, thận. Làm cho phế khí, thận khí thêm đầy đủ. Theo Trung tàng kinh: phế là gốc của sinh khí . Phế chủ khí có nghĩa là phế chủ về cơ năng hô hấp và chủ về chân khí. Phế và thận khí đầy đủ thì trên có thể giáng xuống, dưới có thể nạp vào mà khỏi bệnh, có nghĩa là phế khí giáng xuống được, thận khí nạp vào được thì ắt khỏi bệnh.

 

Tác giả bài viết: BS. Quách Tuấn Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán