CÂU VẪN 鉤 吻
Gelsemium elegans Benth.
Tên Việt Nam: Cây lá ngón, thuốc Rút ruột, Co ngón, Ngón vàng.
Tên khác: Dã cát (Bản Kinh), Độc căn, Trừ tân (Ngô Phổ Bản Thảo), Hồ mạn thảo (Hồ Kinh Bản Thảo), Đọan trường thảo, Hoằng đằng, Hỏa bả hoa, Dã cát, Bẻ ra có khí xanh bay ra nên gọi là Cố hoạt (Bản Thảo Cương Mục), Trường thảo, Thủy lạn thảo (Tục Danh).
Tên khoa học: Gelsemium elegans Benth. (Medicia elegans G.,Leptopteris sumatrana Blu).
Họ khoa học: Loganiaceae.
Tên gọi:
. Thuốc vào miệng như có lưỡi câu móc trong họng nên có tên là Câu Vẫn.
. Uống vào sẽ đứt ruột chết nên gọi là Đoạn Trường Thảo.
Mô tả: Cây nhỏ, mọc leo, cành nhẵn, có rãnh dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài hoặc gần mũi mác, mép nguyên mặt nhẵn, lá kèm không rõ, chỉ còn một đường chỉ nhỏ. Cụm hoa hình chùy ở khe lá, dạng ngù. Hoa màu vàng. Đài 5, rời. Tràng 5 nhẵn, dính thành ống hình phễu. Nhị 5, thọt, đính ở phía dưới ống tràng. Bầu nhẵn, vòi hình sợi, đầu nhụy 4 thùy hình sợi, noãn xếp 2 hàng trong mỗi ô bầu. Quả nang có vỏ cứng, dai, cắt vách. Hạt có rìa mỏng, mép cắt khía.
Địa lý: Mọc hoang ở nhiều vùng núi cao các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang nước Việt Nam
Thu hái, sơ chế: Chọn vào tháng 2-8.
Phần dùng làm thuốc: Lá.
Tính vị: Vị cay, tính ấm, rất độc.
Chủ trị:
. Thường dùng làm thuốc đầu độc hoặc tử tử ít khi dùng làm thuốc. Sách xưa ghi rằng: Vết thương do dao búa chém, trúng phong độc, ho xốc, phù thủng co rút, lở loét trùng độc, giết chó chim, giã nát làm trong thuốc cao, không nên dùng để uống (Biệt Lục).
. Các loại lở ngứa sưng độc giã nát đắp vào hoặc nấu nước rửa.
Kiêng kỵ: Ghét Hoàng cầm, Bán hạ làm sứ cho nó.
Ngộ độc: Cây có độc toàn cây, độc nhất là rễ và lá non, người ta cho biết rằng chỉ cần ăn 3 lá kèm theo một chén rượu đủ làm chết 1 người trong vài giờ.
Triệu chứng ngộ độc: Nạn nhân thấy khát nước, sốt đau rát họng, đau bụng, nôn mửa, tiếp theo là hoa mắt, cấm khẩu, sùi bọt mép, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, hô hấp chậm rồi chết. Nên cấp cứu bằng y học hiện đại. Kết hợp dùng Kim ngân hoa sắc lấy nước uống để giải (Cây Độc ViệtNam).
Phân biệt:
. Trong nhân dân còn dùng cây Pterocarya tonkinensis dode cũng gọi là cây lá Ngón hay cây Cỏi, đó là cây to vỏ cây thường màu nâu đen. Lá kép lông chim chẵn, 3-6 đôi lá chét không cuống mọc đối, mép lá có răng cưa, ở răng có tuyến. Hoa đơn tính họp thành đuôi sóc đơn tính rất dầy hoa. Hoa đực có 5-6 mảnh bao hoa, 9-10 nhị, bao phấn trơn. Hoa cái có bao hoa rất ngắn liền với bầu hạ và lá bắc, vòi rất ngắn hai đầu nhụy. Quả bế, nhỏ, tụ họp trên một đuôi sóc mọc thõng rất dài (20-45cm) quả có 2 cánh hẹp và mang bầu nhụy tồn tại. Cây mọc dọc theo bờ sông, bờ suối, thường gặp ở các tỉnh phía bắc nước ta. Vỏ, lá rễ, hạt đều độc, dùng để chế thuốc trừ sâu, giuốc cá, nhưng không độc bằng cây trên.
. Khác với cây Chè vằng (Jasminum subtriohinetve Blu. Họ Oleaceae) có hoa trắng, lá nhỏ và dầy hơn, dùng nước nấu cho phụ nữ sau khi sinh làm ăn ngủ ngon.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn