GIÁP TRÚC ĐÀO 夾 竹 桃
Nerium indicum Miller.
Tên Việt Nam: Trúc đào, Đào lê.
Tên khác: Tiểu đào hồng tử, Giáp trúc đào tử, Nhiếp chỉ giáp thảo tử (Cứu Hoang Bản Thảo), Hạn trân châu, Vũ khách tử, Kim phụng hoa tử, Cúc tỳ tử (Bản Thảo Cương Mục), Phụng liên tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Nerium indicum Miller. (Nerium oloender, Nerium odorum) Soland.
Họ khoa học: Apocynaceae.
Mô tả: Cây nhỡ, mọc đứng, nhẵn, cao 4-5m. Cành mềm dẻo. Lá mọc vòng 3, hình mác, dai, cứng, mặt trên xanh thẫm, mặt dưới nhạt hơn, gân đều song song ở hai mặt gân chính. Hoa mọc thành xim ở ngọn, màu hồng hay trắng. Đài 5, ống hình chuông. Tràng nhiều cánh (con số thay đổi), ổ gốc có vảy hình chỉ. Nhị 5, không có đĩa mật. Bầu gồm 2 noãn riêng biệt có lông ở đỉnh, noãn đính theo 8 hàng, mỗi hàng 10 noãn. Quả đại 2, dài 15-20cm.
Địa lý: Dáng cây và hoa đẹp nên hay được trồng làm cảnh, trồng bằng cành. Có khắp nơi trong nước.
Phân biệt: Cần phân biệt với Bạch đào hoa.
Thu hái, sơ chế: Lá thu hái quanh năm. Dùng tươi. Phơi trong râm cho khô hoặc sấy khô.
Phần dùng làm thuốc: Lá Hạt (gọi là Phụng tiên tử).
Tính vị: Vị ngọt, tính lạnh, rất độc.
Tác dụng: Trợ tim, an thần, chống co giật, khử đờm.
Chủ trị:
Trị bệnh tim và suy tim, bệnh tâm thần, Thần kinh suy nhược, suyễn, đờm nghẹt, bế kinh.
Cách dùng: Uống sắc mỗi lần lá khô dùng 1-3 phân, hoặc tán bột mỗi lần 3-6 ly. Hạt dùng 8 phân-3g 5.
Chú ý: Cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai cấm dùng.
Ngộ độc: Toàn cây có chất độc, lá có chất độc đối với tim. Nếu dùng đúng liều quy định thì có tác dụng trợ tim, nếu dùng quá liều thì sẽ bị ngộ độc.
Sau khi chất độc vào cơ thể 10-15 phút thì bị nôn mửa dữ dội, sau đó thì mệt lả, không buồn nói, có khi nhức đầu, chóng mặt, đau bụng. Ngộ độc nặng hơn thì có thể trụy tim, không đo được huyết áp, có khi hôn mê hoàn toàn, không xử trí kịp thời đi tới tử vong. Cần phải loại bỏ ngay chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách rửa hay hút dạ dày.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị khó sinh, thúc sinh: Phụng tiên tử 6g, tán bột sắc uống, đừng cho dính răng, bên ngoài dùng Tỳ ma tử (hạt Đu đủ tiá) tùy theo tuổi bao nhiêu để lấy, rồi giã nát đắp dưới lòng bàn chân (Tập Giản Phương).
+ Trị nghẹn, ăn không xuống: Phụng tiên hoa tử ngâm rượu 3 đêm phơi nắng rồi tán bột, làm viên với rượu lớn bằng hạt đậu xanh, lần uống 8 viên với rượu ấm không được dùng nhiều, ấy gọi là Cấp tính tử vậy (Trích Huyền Phương).
+ Trị đau nhức răng muốn nhổ đi, dùng Kim phụng hoa tử tán bột trộn vào một tí Nhân ngôn chấm vào chân răng rồi nhổ ra (Trích Huyền Phương).
+ Trị hóc xương: Bạch phụng tiên tử nghiền với nước, lấy ống tre đổ vào cuống họng thì làm nó mềm ra, không chó đụng thuốc vào răng. Có thể tán bột rồi thổi vào cũng được (Phổ Tế Phương).
+ Trị trẻ con bỉ tích: dùng Cấp tính tử, Thủy hồng hoa, Đại hoàng mỗi thứ 40g, để sống tán bột, mỗi vị lấy ra 15g, bên ngoài dùng 40g Bỉ tiêu, đem 1 con bồ câu trắng (hoặc Vịt trắng) bỏ lông và phân, mổ bụng, đừng rửa nước, chỉ lấy giẻ lau sạch sẽ rồi bỏ thuốc vào bụng, dùng chỉ may lại, bỏ vào nồi sành 3 chén nước và vịt, nấu khô, trong lúc nấu, lấy giấy bịtg kín cẩn thận và nấu lửa liu riu, đem ra trộn đều, sấy khô cho vàng, để nguội, ăn vào sáng sớm, 3 ngày sau đại tiện ra máu thì bệnh hết, cử ăn đồ mát lạnh 100 ngày (Tập Hiệu Phương).
+ Trị hen suyễn: Trúc đào 3 lá, Gạo nếp 1 chén giã nhỏ, thêm vào một tý đường nấu cháo ăn. Có thai kiêng dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị bế kinh: Trúc đào 3 lá, sắc uống, không nên uống nhiều (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị ghẻ lở, dùng 15g-24g lá tươ,i nấu đặc lấy nước rửa, ngày 1 lần (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tham khảo:
- Theo tài liệu nước ngoài, bò ngựa ăn phải lá Trúc đào tươi cũng bị ngộ độc. Người ăn thịt súc vật bị chết vì lá Trúc đào cũng sẽ bị ngộ độc theo.
- Chất độc ở cây Trúc đào không bị phá hủy khi đun sôi hoặc qua quá trình làm khô cây.
- Hoa Trúc đào cũng độc, tuy lượng chất độc thấp hơn so với các bộ phận khác.
- Dùng lá Trúc đào để chữa bệnh ngoài da để rửa cần chú ý. Có nơi giã nhỏ lá để đắp chữa ghẻ có thể bị ngộ độc, cần lưu ý.
- Có nơi dùng bột vỏ thân cây Trúc đào để đánh bả chuột.
- Không nên trồng cây Trúc đào cạnh nguồn nước ăn (giếng bể nước) vì lá hoặc hoa Trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước, uống lâu ngày sẽ ngộ độc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn