LIÊN KIỀU 連 翹
Forsythia suspensa Vahl.
Xuất xứ : Thần Nông Bản Thảo.
Tên khác : Dị Kiều (Nhĩ Nhã), Tam Liêm Trúc Căn (Biệt Lục), Hạn Liên Tử (Dược Tính), Tam Liên, Lan Hoa, Chiết Căn, Liên Kiều Tâm, Liên Thảo, Đới Tâm Liên Kiều, Hốt Đồ Liên Kiều, Tỉnh Liên Kiều, Châu Liên Kiều, Liên Kiều Xác, Tỳ Liên, Dịch Ách Tiền, Đại Kiều, Hoàng Thiều, Liên Dị, Giản Hoa (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học : Forsythia suspensa Vahl.
Họ khoa học : Họ Nhài (Oleaceae).
Mô Tả : Cây cao 2-4m. Cành non hình gần như 4 cạnh, có nhiều đốt, giữa các đốt ruột rỗng, bì không rõ. Lá đơn, phiến lá hình trứng, dài 3-4cm, rộng 2-4cm, mép có răng cưa không đều. Cuống lá dài 1-2cm. Lá thường mọc đối. Hoa màu vàng tươi, tràng hình ống, trên xẻ thành 4 thùy, đài cũng hình ống, trên cũng xẻ thành 4 thùy, 2 nhị, nhị thấp hơn tràng. Một nhụy 2 đầu nhụy. Quả khô hình trứng, dẹt, dài 1,5- 2cm, rộng 0,5-1cm, 2 bên có cạnh lồi, đầu nhọn. Khi chín mở ra như mỏ chim, phía dưới có cuống hoặc chỉ còn sẹo. Vỏ ngoài màu vàng nâu nhạt, trong quả có nhiều hạt nhưng phần lớn rơi vãi đi, chỉ còn sót lại 1 ít.
Địa lý : Đa số nhập của Trung Quốc.
Thu hái : Quả xanh hái vào tháng 8-9 khi quả chưa chín, nhúng vào nước sôi rồi đem phơi khô. Quả già hái vào tháng 10 khi quả đã chín vàng, phơi khô.
Bộ phận dùng : Quả khô.
Mô tả dược liệu: Liên kiều hình trứng, dài 1,6-2,3cm, đường kính 0,6-1cm. Đầu đỉnh nhọn, đáy quả có cuống nhỏ hoặc đã rụng. Mặt ngoài có vân nhăn dọc không nhất định và có nhiều đốm nhỏ nổi lên. Hai mặt đều có 1 đường rãnh dọc rõ rệt (Dược Tài Học).
Bào chế : Rửa sạch, bỏ tâm dùng vỏ hoặc chỉ dùng có tâm hoặc dùng Liên kiều kèm cả tâm và vỏ.
Bảo quản : Tránh ẩm.
Thành phần hóa học :
+Trong Liên kiều có : Forsythin (Phillyrin), Matairesinoside, Oleanolic acid (Trung Dược Học).
+Trong Liên kiều có Phenol Liên kiều [C15H18O7] (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
+Trong Liên kiều có chừng 4,89 Saponin và 0,2% Alcaloid ( Viện Nghiên Cứu Y Học Bắc Kinh).
Tác dụng dược lý :
+Tác dụng kháng khuẩn : Chất Phenol Liên kiều có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như Tụ cầu vàng, Liên cầu khuẩn dung huyết, Phế cầu khuẩn, Trực khuẩn lỵ, Thương hàn, Lao, Ho gà, Bạch hầu, Leptospira hebdomadis, Virus cúm, Rhino virus, Nấm... với mức độ khác nhau (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+Tác dụng chống viêm : khu trú trạng thái viêm mà không ảnh hưởng đến sự tăng sinh vào tế bào vì vậy, ngày xưa gọi Liên kiều là ‘Sang gia thần dược’(thuốc thần trị mụn nhọt), tăng tác dụng thực bào của bạch cầu (Trung Dược Học).
+Thuốc có tác dụng hạ áp huyết, làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu tuần hoàn, cải thiện vi tuần hoàn (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+Liên kiều có tác dụng bảo vệ Gan, giải nhiệt, cầm nôn, lợi tiểu, cường tim (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Tác dụng kháng khuẩn dịch chiết Liên kiều có tác dụng kháng khuẩn tương tự như Kim ngân hoa (Trung Dược Học).
+ Kháng ký sinh trùng: Liên kiều in vitro có tác dụng yếu đối với Leptospirosis (Trung Dược Học).
+ Kháng Emetin: Liên kiều có tác dụng chống nôn mửa do ngộ độc thuốc Digital đối với chim bồ câu và trong nhiều thí nghiệm khác nó có tác dụng làm giảm nôn mửa (Trung Dược Học).
+ Đối với Thận: dùng nước sắc Liên kiều trị 6-8 ca thận viêm cấp cho thấy có tác dụng tiêu phù, giảm protein trong nước tiểu (Trung Dược Học).
- Đối với mắt: Dùng nước sắc Liên kiều trị 2 ca võng mạc xuất huyết. Trong vòng 4 tuần, các triệu chứng giảm, thị lực cũng tăng (Trung Dược Học).
Tính vị :
+Vị hơi đắng (Bản Thảo Cương Mục).
+Vị đắng, tính hàn (Bản Kinh).
+Vị đắng, tính hàn, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+Vị đắng, hơi chua, tính mát (Trung Dược Học).
+Vị đắng, tính hơi hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy kinh :
+Vào kinh Tâm, Can, Bàng quang (Trung Dược Học).
+Vào kinh Tâm, Phế, Đởm, Đại trường, Tam tiêu (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng :
+Thanh nhiệt, giải độc, giải phong nhiệt ở biểu (Trung Dược Học).
+Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, tan mủ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Chủ trị :
Kiêmg kỵ :
+ Tỳ hư, tiêu chảy: không dùng (Trung Dược Học).
+ Sốt kèm khí hư : không dùng (Trung Dược Học).
+ Mụn nhọt thể âm, mụn nhọt đã lở loét: không dùng (Trung Dược Học).
+ Chỉ mát mà không bổ, bệnh ung nhọt đã vỡ mủ thì không dùng. Hỏa nhiệt thuộc hư cũng kiêng dùng. Tỳ Vị hư yếu, phân lỏng : cẩn thận đừng dùng (Dược Phẩm Vậng Yếu).
+ Người thuộc âm hư nội nhiệt và ung nhọt đã vỡ : không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều dùng : 4 – 20g.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị mụn nhọt, đơn độc: Liên kiều, Bồ công anh, Dã cúc hoa đều 12g. sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị tử điến thể dị ứng: Liên kiều 20g, Xích thược 12g, Ma hoàng, Cam thảo đều 8g. sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị lao hạch, đờm hạch hoặc Can hỏa uất kết: Liên kiều, Hạ khô thảo, Huyền sâm đều 12g, Mẫu lệ 20g. sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị lao hạch lympho: Liên kiều, Hắc chi ma đều 160g. tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị cảm phong nhiệt: Liên kiều, Kim ngân hoa đều 12 – 20g, Đại thanh diệp, Bản lam căn đều 20g, Bạc hà, Kinh giới đều 8g. sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Dự phòng cảm cúm: Liên kiều, Kim ngân hoa đều 12g, Quán chúng 20g, Cam thảo 4g. Sắc, pha đường, uống thay trà (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+Trị tràng nhạc và viêm hạch ở nách : Liên kiều + Mè đen, 2 vị bằng nhau, tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g (Dược Liệu Việt Nam).
+Trị vú sưng : Liên kiều 16g, Bồ công anh 12g, Kim ngân hoa 5g, Bồ kết thích 4g. Sắc với 500ml nước còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày (Dược Liệu Việt Nam).
+Trị lao hạch, loa lịch :
* Liên kiều, Hạ khô thảo, Huyền sâm mỗi thứ 12g, Mẫu lệ 20g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
* Liên kiều, Mè đen, mỗi thứ 100-150g, tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 4-8g, ngày 2 lần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+Trị mụn nhọt, đơn độc, ban chẩn : Liên kiều, Bồ công anh, mỗi thứ 12g, Dã Cúc hoa 12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+Trị cầu thận viêm cấp, lao thận : Mỗi ngày dùng Liên kiều 30g, cho nước vừa đủ, sắc nhỏ lửa còn 150ml, chia 3 lần uống trong ngày, uông trước bữa ăn, trẻ em giảm liều. Liên tục 5-10 ngày. Kiêng ăn cay và mặn ( Giang Tây Y Dược Tạp Chí 1961, 7:18).
+Trị ban xuất huyết do giảm tiểu cầu : Liên kiều 30g, thêm nước vuằ đủ, sắc còn 150ml, chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn (Quảng Đông Trung Y Tạp Chí 1960, 10: 469).
Tham khảo :
+ “Liên kiều vị đắng, tính hàn, có khả năng tả uất hỏa wr 6 kinh , là chủ dược của thủ Thiếu âm Tâm kinh. Tâm là chủ của hỏa ở 5 tạng, Tâm hỏa được thanh thì mọi hỏa cũng thanh cả. Phàm mọi chứng sang lở ngoài da đều lấy Liên kiều làm thuốc côt yếu” (Dược Phẩm Vậng Yếu).
“Liên kiều chủ trị được những chứng bệnh về huyết thể thực chứng. Liên kiều có công hiêu giống như Hoàng liên. Liên kiều làm tá, sứ cho trung tiêu. Phòng phong là thượng sứ của Liên kiều. Địa du làm hạ sứ cho Liên kiều. Liên kiều lại có tính thông lợi được kinh nguyệt. Liên kiều là vị thuốc thánh trong trị ung nhọt của 12 đường kinh vậy” (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+ Liên kiều và Kim ngân hoa đều có tác dũng tiêu độc nhưng Kim ngân hoa thiên về Salmonella typhi và Streptococus tan huyết còn Liên kiều có tác dụng tốt hơn đối với Shigella Spp và Staphylococus aureus (Trung Dược Học).
+ “Thanh nhiệt ở phần Khí thường dùng vỏ Liên kiều, thanh hỏa ở Tâm thường dùng tâm của Liên kiều (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ “Liên kiều hợp với Ngân hoa thì hiệu lực phát biểu mạnh hơn. Liên kiều thiên về thanh thấu nhiệt đến cơ biểu, mồ hôi ra ít, phát nhiệt, cảm thấy cơ thể bế tắc khó chịu thì nên dùng. Ngân hoa có mùi thơm, thiên về thanh thấu nhiệt đi lên trên, từ miệng mũi đi ra ngoài, mồ hôi ra nhiều, phát nhiệt, cảm thấy khí ở thượng tiêu bí tắc thì nên dùng. Liên kiều vị đắng, tính hàn, hợp với thanh phong nhiệt thiên về phần lý. Bạc hà vị cay, tính mát, hợp với trừ phong nhiệt ở trong và ngoài. Ma hoàng , Quế chi vị cay, tính ấm, thích hợp với tán phong hàm thiên về biểu.” (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ “Liên kiều và Ngưu bàng tử đều có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sơ tán phong nhiệt, tán kết. Tuy nhiên, Liên kiều vị đắng , tính hàn, thiên vào phần khí và vào phần huyết, thăng và phù vì vậy có tác dụng tán. Chuyên thanh Tâm hỏa, lại hay tán kết, hóa ứ, lợi thấp, thanh nhiệt. Khi điều trị thường hay thiên về Tâm và Tiểu trường. Ngưu bàng tử chất nặng, vị cay, đắng, tính hàn, thiên đi vào phần khí, vừa thăng vừa giáng, sở trường là sơ tán phong hỏa, lợi yết hầu, tán kết, lại hay tả bên trong , hoạt trường, thông tiện, làm cho tà khí bên trong thoát ra ngoài mà giải đi. Khi điều trị, thiên về Phế và Vị kinh” (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).
+ “Liên kiều và Ngân hoa đều là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, thường hay dùng phối hợp với hau. Nhưng Liên kiều vị đắng, tính hàn, sở trường về thanh Tâm, tả hỏa, tán kết, lợi thấp, khi điều trị, thiên về Tâm và Tiểu trường. Kim ngân hoa vị ngọt, tính hàn, sở trường về thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ lỵ. Khi điều trị, thiên về Phế và Vị kinh” (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn