TẠO GIÁC 皂 角 刺
gleditschia australis Hemsl.
Tên Việt Nam: Bồ kết.
Tên khác: Trư nhi nha tạo, Tạo giác giáp, Kê tê tử, Ô tê, Huyền đao
Tên khoa học : gleditschia australis Hemsl
Họ khoa hoc: Họ Vang (Caesalpiniaceae).
Bộ phận dùng: quả (bỏ hột). Quả chín khô, chắc cứng, thịt dày, không sâu mọt là tốt.
Cách bào chế:
Theo Trung Y: Ngâm nước một đêm, cạo sạch vỏ ngoài, tẩm mỡ sữa nướng đi nướng lại cho thấu, bỏ hột (cứ một lạng Tạo giác dùng 5 đồng cân mỡ) (Lôi Công Bào Chích Luận).
Tẩm mật nướng: có khi tẩm mỡ sữa vắt lấy nước, có khi đốt cháy tuỳ từng trường hợp.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Tẩm nước cho mềm, bỏ vỏ đen ở ngoài, tước bỏ hai sống, bỏ hột sấy khô. Sau đó có thể sao qua, hoặc lùi trong tro nóng cho giòn rồi tán bột làm hoàn tán, hay làm viên đạn để làm cho trung tiện.
Có thể ngâm rượu trắng (1/4) để ngậm trị răng.
Bẻ ra, cho vào lò than đốt, lấy khói để tẩy uế, chống lạnh.
Bảo quản: dễ bị mọt, nếu chưa bào chế thì chống mọt, năng phơi, tránh ẩm. Bào chế rồi đậy kín.
Thành phần hoá học: có chất Saponin khoảng 10%.
Tác dụng dược lý
+ Gleditschia kích thích niêm mạc dạ dày, gây phản xạ tăng tiết đường hô hấp mà có tác dụng hoá đờm (Trung Dược Học).
+ Thành phần Saponin trong thuốc uống không chỉ kích thích niêm mạc dạ dày mà sau 10 phút gây nôn, tiêu chảy, làm loét niêm mạc dạ dày, gây nhiễm độc (Trung Dược Học).
+ Tạo giác trong ống nghiệm có tác dụng ức chế trực khuẩn đại trường, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh, phẩy khuẩn thổ tả và các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột gram âm và một số nấm ngoài da. Thuốc còn diệt trùng roi âm đạo (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Saponin Tạo giác có tác dụng tán huyết mạnh và kích thích niêm mạc tại chỗ. Nếu uống quá liều nhiễm độc gây nên các triệu chứng đầy, tức ở vùng chấn thuỷ, rát bỏng, muốn nôn, nôn, bứt rứt, tiêu chảy, chân tay tê mỏi. Đối với trung khu thần kinh lúc đầu gây hưng phấn, sau đó bị ức chế. Nếu nặng có thể dẫn đến tê liệt trung khu hô hấp rồi tử vong (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
Tính vị: vị cay, mặn, tính ôn.
Quy kinh: Vào kinh Phế và Đại trường.
Tác dụng: thông khiếu, tiêu đờm, trừ phong, nhuyễn kiên.
Chủ trị: trúng phong, cấm khẩu, trị đờm suyễn, đau cổ, họng nghẹn.
Liều dùng: Ngày dùng 8 - 6g.
Kiêng ky: không phải thực tà nguy cấp thì không nên dùng.
Đơn thuốc kinh nghiệm
+ Trị trúng phong méo miệng: Tạo giác 150g, chế, cạo bỏ vỏ ngoài đi, tán bột. Trộn với dấm để lâu (quá 3 năm) cho sền sệt. Méo về bên phải, bôi thuốc ở bên trái và ngược lại. Thuốc khô thì lại bôi thêm, cho đến khi khỏi (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị chứng bị ma đè, mê mệt không thức dậy được: Tạo giáp, tán bột, thổi vào lỗ mũi (Thiên Kim Phương).
+ Trị họng sưng đau, nghẹt không thở được (nếu không cấp cứu nhanh thì không kịp): Tạo giáp sống, tán nhuyễn, mỗi lần dùng một ít, chấm vào cổ, vào chỗ đau. Bên ngoài lấy Dấm hoà với bột Tạo giáp, bôi chung quanh cổ, một lúc sau sẽ vỡ ra máu được là khỏi (Trực Chỉ Phương).+ Trị họng sưng đau, nghẹt không thở được (nếu không cấp cứu nhanh thì không kịp): Tạo giáp sống, giã nát, vắt lấy nước cốt, đổ vào họng (Trực Chỉ Phương).
+ Trị trúng thử hôn mê: Tạo giáp 30g, đốt tồn tính. Cam thảo 30g, sao sơ, tán bột. Mỗi lần dùng 3g, hoà với nước nóng, đổ vào cho người bệnh uống sẽ tỉnh lại (Đam Liêu Phương)
+ trị họng sưng đau: Tạo giáp 1chùm, cạo bớt vỏ ngoài, dùng dấm gạo tẩm rồi nướng 7 lần, đừng nướng cháy quá, tán bột, mỗi lần dùng một ít thổi vào họng. Hễ nhổ ra đờm dãi là được (Thánh Tế Tổng Lục).
+ Dùng làm thuốc hoá đờm: Dùng cả quả Bồ kết (vỏ và nhân), sấy khô, tán bột, trộn với mật ong làm thành viên, mỗi viên o,2g. ngày uống 3 lần, mỗi lần 2~3 viên. Đã trị 103 ca, gồm lao phổi, áp xe phổi, tâm phế mạn, dãn phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phế quản có đờm đặc, khó khạc. Kết quả: Sau bình quân 16,5 ngày, long đờm tốt (Mao Bảo Linh, Trung Hoa Nội Khoa Tạp Chí 1982, 12 : 783).
+ Trị tắc ruột: Tạo giác, Cát căn đều 500g, sắc với 400ml nước khoảng 40 phút, bỏ bã, hâm giữ cho thuốc ấm nóng. Dùng 10 lớp gạc mỏng làm thành 4 miếng, rộng khoảng 30cm mỗi miếng, tẩm nước thuốc, đắp lên bụng, chườm nóng 3~4 lần trong ngày, mỗi lần 1 giờ. Tuỳ bệnh tình, có thể thêm thuốc kháng sinh, dịch truyền, giảm áp lực dạ dày. Theo dõi 40 ca, khỏi 37 ca (Vương Cẩm Vân, Hà Nam Y Học Viện Học Báo 1965, 22 : 203).
+ Trị tuyến vú viêm sau khi sinh: Tạo giác tán bột, trộn với cồn 75% hoặc rượu trắng, dùng 1 lớp gạc bọc thuốc thành gói nhỏ, nhét vào lỗ mũi bên đau. Để vậy sau 12 gioằ thì lấy ra. Theo dõi 43 ca, khỏi 36 (Hứa Hoài Cẩn, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1973, 11: 685).
+ Trị trẻ nhỏ biếng ăn: Cho tạo giác vào chảo, lúc đầu lửa to, sau nhỏ lại để sao tồn tính. Tán nhuyễn, cho vào lọ đậy kín để dành dùng. Mỗi lần dùng 1g, trộn với đường uống, ngày 2 lần. Thường uống từ 3~10 ngày, trung bình 5 ngày là có kết quả. Đã trị 110, tỉ lệ kết quả 94,5% (Uông Di Khôi, Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1987, 1 : 25).
+ Trị ho suyễn, đờm nhiều: Tạo giác, lượng vừa đủ, tán nhuyễn, trộn với mật làm thành viên. Mỗi lần uống 3g với nước Táo (Tạo Giác Hoàn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị ho suyễn, đờm nhiều: Tạo giác nung thành than, tán bột. Mỗi lần uống 1,5g, ngày 2 lần với nước ấm (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị trúng phong cấm khẩu, hàm răng nghiến chặt, động kinh thuộc chứng bế, đờm quyết: Tạo giác, Tế tân lượng bằng nhau. Tán nhuyễn, lấy một ít, thổi vào mũi cho hắt hơi (Thông Quan Tán – Đan Khê Tâm Pháp Phụ Dư).
+ Trị táo bón: Tạo giác, sao tồn tính, tán nhuyễn. Mỗi lần uống 3g với nước cơm (Tạo Giác Tán - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị răng sâu đau: Bồ kết tán nhuyễn, nhét vào chân răng, chảy nước miếng thì nhổ đi (Những Cây Thuốc Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị quai bị: Quả Bồ kết, bỏ hột, tán nhỏ, hoà với Dấm, tẩm vào bông, đắp chỗ đau, 30 phút lại thay một lần, cho đến khi khỏi (Dược Liệu Việt Nam).
+ Trị trẻ nhỏ chốc đầu, rụng tóc: Bồ kết, đốt thành than, tán nhỏ, rửa sạch vết chốc, rắc thuốc vào (Những Cây Thuốc Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị lỵ lâu ngày: Hạt Bồ kết, sao vàng, tán nhuyễn, trộn với hồ nếp, làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi ngày uống 10~12 viên với nước sắc chè đặc (Những Cây Thuốc Vị Thuốc Việt Nam).
Kiêng k ỵ:
. Phụ nữ có thai, cơ thể khí âm hứ: không dùng (Trung Dược Học).
. Uống liều cao dễ gây nôn, tiêu chảy (Trung Dược Học).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn