THÔNG THẢO 通 草
Tetrapanax papyriferus (Hook.) K. Koch.
Xuất xứ : Bản Thảo Thập Di.
Tên thuốc: Medulla Tetrapanacis
Tên khoa học: Tetrapanax papyriferus (Hook.) K. Koch
Họ : khoa học : Ngũ gia bì (Araliacea
Địa lý : Mọc hoang ở một số vùng ẩm tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang.
Bộ phận dùng : Thân cây.
Tính vị: Vị ngọt hoặc không vị, tính hơi lạnh
Quy kinh: Vào kinh Phế, Vị
Công năng: Thanh nhiệt, hành thủy, lợi sữa
Chủ trị: Lợi thuỷ, thấm thấp, thông nhũ. Trị chứng lâm, thấp ôn, sinh xong ít sữa (Trung Dược Học).
Đơn thuốc kinh nghiệm:
. Trị phù do thấp nhiệt, tiểu ít: Thông thảo, Cù mạch, Thiên hoa phấn, Liên kiều đều 10g, Cát cánh, Sài hồ, Mộc thông, Thanh bì, Bạch chỉ, Xích thược đều 8g, Cam thảo 3g. Sắc uống (Thông Thảo Thang (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
. Trị cổ trướng nhẹ, tiểu ít: Hải kim sa 12g, Thông thảo, Hạnh nhân, Kê nội kim, La bặc tử đều 10g, Hậu phác, Mộc thông, Trần bì đều 6g. Sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
. Trị cầu thận viêm, phù: Thông thảo 8g, Phục linh 12g, Đại phúc bì 10g. Sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
. Trị sinh xong ít sữa: Thông thảo 6-8g, Móng heo 1 đôi, Xuyên khung 6g, Xuyên sơn giáp 8g, Cam thảo 3g. Sắc uống (Thông Nhũ Thang - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
. Tri sinh xong ít sữa: Thông thảo, Cám gạo đều 10g, Hạt bông (sao vàng) 15g. Sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia làm 3 lần uống (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
. Trị đờm nhiệt ở bàng quang biểu hiện rối loạn tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu rắt và mót tiểu: Thông thảo hợp với những vị thuốc thanh nhiệt trừ đờm như Hoạt thạch và Xa tiền tử.
. Trị thiếu sữa: Thông thảo hợp với Vương bất lưu hành và Xuyên sơn giáp, hoặc Thông thảo ninh với móng giò heo.
Bào chế: được thu hoạch vào mùa thu, cắt khúc và bỏ vỏ. Thân cây được phơi nắng cho khô và thái thành miếng mỏng.
Liều dùng: 2-5g.
Tham khảo :
+ Thông thảo mầu trắng mà khí hàn, vị nhạt, nhẹ, vào kinh Phế, dẫn nhiệt đi xuống nên có tác dụng lợi tiểu. Vào kinh Dương minh Vị, thông khí đi lên, vì vậy có tác dụng thông sữa (Bản Thảo Cương Mục).
+ Thông thảo có tác dụng thanh nhiệt, lợi thuỷ, tính vị giống như Mộc thông nhưng không đắng. Tác dụng tả giáng nhưng không mạnh, thông lợi mà không làm tổn thương phần âm, thích hợp đối với chứng thấp nhiệt nhẹ. Đối với chứng nhiệt nhiều, bế kết thì tác dụng của nó kém hơn Mộc thông (Bản Thảo Chính Nghĩa).
Chú ý: Thận trọng khi dùng ở phụ nữ có thai.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn