18:32 ICT Thứ bảy, 02/11/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Y Lý Đông Phương

Liên hệ

TÂM DƯỢC TRỊ TÂM BỆNH (kì 1)

Thứ năm - 02/01/2014 15:07
Nói đến "Tâm lý học sức khỏe" (Health Psychology), nhiều người thường cho rằng, đó là chuyên ngành khoa học hình thành ở phương Tây cuối Thế kỷ trước - Với cột mốc là sự kiện thành lập phân hội "Tâm lý học sức khỏe", thuộc Hội Tâm lý học Mỹ, năm 1978.
TÂM DƯỢC TRỊ TÂM BỆNH (kì 1)

TÂM DƯỢC TRỊ TÂM BỆNH (kì 1)

Trong Đông y, tuy không có chuyên ngành mang tên "Tâm lý học sức khỏe", nhưng từ thời xưa Đông y đã hết sức coi trọng ảnh hưởng của tâm lý đối với sức khỏe và bệnh tật. Bằng chứng tiêu biểu là, cách nay 2000 năm, sách "Nội Kinh", bộ lý luận kinh điển của Đông y, đã có những luận thuật sâu sắc về mối quan hệ giữa tâm lý và sinh lý, cũng như diễn biến bệnh lý ở con người.
• Hình thần hợp nhất
    Hãy thử cùng nghe một trích đoạn từ sách "Nội Kinh":
        - Lôi Công (thầy thuốc nổi tiếng thời cổ đại) đứng dậy vái và nói: Thần trẻ tuổi, còn hồ đồ, (...) chưa biết những biểu hiện về mặt tâm lý. Nay mong được Hoàng Đế chỉ giáo.
        - Hoàng Đế nói: Khi chẩn bệnh, cần hỏi xem bệnh nhân có phải trước kia phú quý mà về sau bần tiện hay không. Người cao quý biến thành ty tiện, tuy không nhiễm ngoại tà, bệnh vẫn sinh ra từ trong, bệnh này gọi là "thoát doanh". Còn người trước giàu sau nghèo mà phát bệnh, thì bệnh gọi là "thất tinh". Hai bệnh đó, đều là do tình chí bị uất ức, khiến khí huyết ngưng kết, thân thể suy bại dần, tích lũy lâu ngày mà thành bệnh, thậm chí tử vong. (...) Người thầy thuốc, khi chẩn trị, nếu không chú ý tới những biến động về tinh thần tình cảm, chỉ biết chữa trị theo triệu chứng, thì sẽ là không đúng với đạo, và đương nhiên ắt sẽ vô hiệu.
    Từ thời "Nội kinh", Đông y đã đề xuất quan điểm "Hình thần hợp nhất": Coi cơ thể con người là một "chỉnh thể", trong đó "thần" (tâm lý, tinh thần) và "hình" (thể xác, sinh lý) là một thể thống nhất, không thể chia cắt.
    "Thần" không thể tồn tại nếu không có "hình", ngược lại "hình" mà không có thần sẽ chỉ là một cái xác chết: "Hình giả thần chi chất; thần giả hình chi dụng. Vô hình tắc thần vô dĩ sinh; vô thần tắc hình vô khả hoạt”. Tạm dịch: "Cấu trúc sinh lý (hình) là nền tảng vật chất của hoạt động tinh thần. Thần là công dụng, biểu hiện các chức năng của hình. Không có hình thì thần sẽ không tồn tại; không có thần thì thân hình chỉ là cái xác".
    Con người là loài động vật có tình cảm. Trong xã hội luôn luôn tồn tại những mâu thuẫn, cuộc sống của con người có những lúc thuận buồm xuôi gió, cũng có những lúc gặp phải trắc trở, do đó không thể tránh khỏi những biến động về mặt tâm lý, lúc vui, lúc buồn, ... Chỉ cần những kích thích đó không vượt quá khả năng chịu đựng, thì không có hại đối với sức khỏe. Đó là những phản ứng có tính bản năng của con người; cũng là hình thức tự điều tiết, để duy trì cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, khi những biến động tâm lý có cường độ quá mạnh vượt quá sức chịu đựng, hoặc kéo dài quá lâu, sẽ ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh lý, khiến cho âm dương khí huyết mất điều hòa, chức năng nội tạng bị rối loạn, mà sinh ra bệnh. Nói chung, những kích thích cường liệt, như bạo nộ, đột nhiên khiếp sợ, có thể gây bệnh ngay sau đó. Còn những biến động như lo lắng, nghĩ ngợi, đau buồn, tuy không mãnh liệt, nhưng nếu cứ dai dẳng, kéo dài lâu ngày, cũng có thể sinh bệnh.
    Người xưa gọi các bệnh do nhân tố tâm lý (tình chí) gây nên là "Tâm bệnh", hoặc "Tình chí bệnh". "Tình chí" (tâm lý) có thể gây bệnh, mà tình chí cũng có thể chữa khỏi bệnh. Để chữa "Tâm bệnh", cần phải sử dụng loại "Tâm dược" - "Thuốc tâm lý” - "Liệu pháp tâm lý". Như người xưa nói: "Tâm dược y tâm bệnh”, hoặc là "Tâm bệnh tâm dược y" ("y" là chữa trị). Trong không ít trường hợp, theo một nghĩa nào đó, "tâm dược" còn có vai trò quan trọng hơn cả thuốc (theo nghĩa thông thường).
    Trong y thư và sử sách, còn ghi lại nhiều y án lý thú về chuyện "Tâm dược" chữa "Tâm bệnh". Xin thuật lại vài chuyện, để cùng tham khảo.
• Trừ "rắn" cần có "rắn" trong chén
    Đây là bệnh án kinh điển, sử dụng "Tâm dược" trị "Tâm bệnh", được ghi chép trong nhiều sách cổ. Sau đã trở thành thành ngữ gọi là "bôi cung xà ảnh" (cây cung trong chén rượu in hình con rắn).
    Một lần Ứng Sâm mời bạn là Đỗ Nghi đến nhà uống rượu. Khi đó trên tường có treo cây cung lớn. Bóng cung trong chén rượu tựa như con rắn. Đỗ Nghi nhìn chén rượu cảm thấy e ngại, nhưng chủ nhân đang mời rất chân thành, bèn miễn cưỡng uống hết chén rượu. Về nhà, Đỗ Nghi rất hoang mang, cảm thấy bụng đầy tức, không thể ăn uống, ngày càng gầy yếu. Mời danh y, uống đủ các loại thuốc mà không kết quả, chỉ còn chờ chết. Sau đó, có lần Ứng Sâm đến, thấy như vậy rất buồn, nhưng không hiểu vì sao rượu lại có rắn, về nhà suốt đêm suy nghĩ không ngủ được. Hôm sau tỉnh dậy, vào phòng khách, bỗng nhiên thấy trên tường treo cây cung, mới hiểu rõ chân tướng sự việc, liền phái người đem xe đón Đỗ Nghi đến; lại để ngồi ở vị trí cũ và bày tiệc chiêu đãi. Đỗ Nghi nâng chén rượu lên, lại nhìn thấy "rắn", vội gọi Ứng Sâm đến xem. Ứng Sâm cười to, chỉ lên tường và nói: "Trong chén không phải rắn, mà là bóng của cây cung. Không tin, tôi bỏ cây cung xuống, trong chén sẽ không còn thấy rắn". Nói xong, bèn tháo cung xuống. Đỗ Nghi nhìn vào chén rượu, quả nhiên không còn rắn, thế là nỗi lo tan biến, nở nụ cười; về nhà nghỉ dưỡng một thời gian, chẳng bao lâu sức khỏe đã khôi phục bình thường.
    Lời bàn: Chuyện trên mới nghe có vẻ hoang đường, nhưng trong cuộc sống không phải hiếm gặp. Con người ta, khi bỗng nhiên gặp phải sự lạ, chưa tìm hiểu rõ, thường dễ hiểu lầm, thậm chí tưởng tượng ra những điều quái lạ. Đối với loại "Tâm bệnh" này, chỉ khuyên bảo hay giải thích xuông, ít khi kết quả tốt. Muốn trừ con rắn ở trong đầu, cần có con "rắn" ở trong chén. Do đó, Ứng Sâm đã cho trình diễn lại toàn bộ hiện trường, đầy đủ vật chứng, để Đỗ Nghi dễ hiểu rõ chân tướng sự việc và mau khỏi bệnh.
• Bút lông cùn chữa khỏi liệt dương
    Thời xưa, có công tử khôi ngô và tráng kiện. Đến tuổi thành hôn, được kết duyên với cô gái vô cùng xinh đẹp. Nên ngày đêm mong ngóng, sao cho mau đến ngày thành hôn. Đêm tân hôn, yến tiệc chưa tan, khách chưa về hết, chàng đã kéo nàng vào động phòng. Vừa vào, chàng đã xông vào như hổ đói, muốn lâm trận ngay. Nhưng từ khi đính hôn, cô gái mới chỉ gặp mặt chàng vài ba lần, nên còn e thẹn. Vừa xấu hổ vừa sợ hãi, liền đẩy mạnh chàng ra. Đột nhiên bị cự tuyệt, lửa tình ngùn ngụt bỗng tắt ngấm, dương cụ đang bột khởi cũng mềm nhũn luôn. Sau đó, mỗi lần lâm phòng, chàng lại thấy hết sức hoang mang, dương cụ không thể nào bột khởi, vô cùng đau khổ. Chàng ngấm ngầm mua thuốc tráng dương uống, nhưng hoàn toàn không có kết quả. Cuối cùng, chỉ còn cách mời một thầy thuốc tới nhà chẩn trị.
    Sau khi tìm hiểu bệnh sử, xem mạch và kiểm tra toàn diện, thầy thuốc nói: "Than đầu bút lông cùn chữa liệt dương rất hay. Nhưng phải do chính tay vợ chế và đưa cho chồng uống, mới có tác dụng". Như bắt được vàng, chàng vội bảo vợ tìm mấy cái bút lông cùn, đem đốt, rồi nghiền mịn, hòa vào rượu, lúc nhập phòng đưa cho chàng uống. Lạ thay, thuốc vừa qua miệng, bệnh liệt dương đã khỏi hoàn toàn.
    Lời bàn: Theo số liệu thống, chỉ có 10-15% liệt dương thuộc loại "khí chất" (mắc bệnh thực sự); còn 85-90% trường hợp thuộc loại "chức năng". Trong quá trình chữa trị liệt dương chức năng, sự tham gia tích cực của người vợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong việc giúp bạn đời tiêu trừ gánh nặng tâm lý, tăng thêm lòng tin.
    Người bệnh trong chuyện, thân thể vốn tráng kiện, tình dục mãnh liệt. Chỉ vì đêm tân hôn tâm lý bị chấn động quá mạnh, nên tạm thời đã bị liệt dương chức năng. Sau đó tinh thần bị ức chế, lại không được người vợ quan tâm giúp đỡ, phải ngấm ngầm mua thuốc tráng dương uống. Thầy thuốc đã phát hiện gốc bệnh, nên đã cố ý bảo người vợ tự tay chế thuốc (một cách biểu thị lòng thương yêu), nên đã giúp người chồng trút bỏ được gánh nặng tâm lý, lấy lại lòng tin. Nhờ vậy, "thuốc" đã phát huy tác dụng ngay tức thì. Thực ra, than đầu bút lông vốn không có tác dụng tráng dương; thầy thuốc chỉ sử dụng để làm chiêu bài.
Qua hai chuyện trên có thể thấy, bản lĩnh của thầy thuốc, không chỉ thể hiện trong đơn thuốc, mà còn thể hiện nhiều hơn ở bên ngoài phương thuốc.
Lương y THÁI HƯ 
(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế) 


 

Tác giả bài viết: Lương y THÁI HƯ

Nguồn tin: thuocvuonnha.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán