Rau dừa nước là cây thảo mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng. thân mềm, xốp có rễ ở các mấu. lá hình bầu dục, mọc so le. hoa trắng, có cuống dài, mọc ở nách lá. quả nang dài, có lông nhỏ, chứa nhiều hạt. nhân dân thường dùng rau dừa làm thức ăn cho lợn, một số nơi dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế biến các món ăn như gỏi, rau sống chấm lẩu mắm, nấu canh. nụ hoa ngâm dấm vị bùi, thơm như cải xoong
Rau dừa hay Rau dừa nước có nhiều tên như Du long thái (Nam dược thần hiệu và Y lược giải âm), Quá đường xà (Trung dược đại từ điển và Trung hoa bản thảo); ngoài ra còn có nhiều biệt danh như Thủy cái thái, Băng thảo (Sinh thảo dược tính bị yếu), Thuỷ ung thái (Bản thảo cầu nguyên), Thủy long (Liễu cương tạp ký), Quá giang long (Thiên bảo bản thảo), Thủy giới thái (Lĩnh Nam thái dược lục), Thủy thái nhạc (Phước Kiến dân gian thảo dược), Cẩu trường thảo (Dân gian thường dụng thảo dược hội biên), Quá giang đằng (Tứ Xuyên trung dược chí), Tỳ bà thái, Ngư phiêu thảo (Thường dụng trung thảo dược thủ sách – Bộ đội Quảng Châu), Giả ung thái (Quảng Tây trung thảo dược), Phù thủy đằng (Phúc Kiến trung thảo dược).
Theo Đông y, Rau dừa nước có vị ngọt nhạt, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc lợi tiểu, tiêu thũng; chủ trị ho do táo nhiệt, vàng da do rượu, viêm tiết niệu, ban sởi, đơn độc, ung thũng đinh sang; với liều dùng 20 - 40g sắc uống, hoặc giã vắt nước. Dùng ngoài giã đắp hoặc đốt lấy tro bó.
Năm 1970, Lương y Phạm Công Tuyên và Bs. Tạ Trắc Dụ ở Bệnh viện Đông y Hà Nội đã có báo cáo dùng Rau dừa nước khô liều 100g/ngày, sắc lấy uống liên tục 5-10 ngày, chữa 25 ca viêm bàng quang (đã kiểm tra loại trừ do sỏi, lao bàng quang hay lao thận) với những triệu chứng đái buốt, đái rắt, đái ra máu. Kết quả thu được rất tốt: sau 1-2 tuần điều trị, bệnh nhân hết đái buốt, đái rắt, nước tiểu bình thường, sau 6 tháng hay hơn không thấy tái phát. Các tác giả đã mở rộng điều trị 37 ca đái ra dưỡng chấp và huyết dưỡng chấp, mắc bệnh từ 1 tháng đến 1-2 năm, bệnh nhân đi tiểu đục kéo dài, có bệnh nhân sáng dậy đái bật ra từng miếng màu trắng như thạch hoặc màu hồng như miếng thịt. Cũng dùng nước sắc 100-200g dược liệu khô Rau dừa nước (sắc với 1,5-2 lít nước trong 2-3 giờ, còn 0,5 lít, chia uống 2 lần), thời gian điều trị từ 4 - 64 ngày. Kết quả thu được cũng rất tốt.
Tác giả xin trích dịch một số đơn thuốc có Rau dừa nước theo Trung dược đại từ điển:
1.Trị tửu đản (vàng da do nghiện rượu): Rau dừa nước tươi 1 nắm, giã nát vắt nước cốt, hòa mật ong uống.
2.Trị lâm trọc (đái buốt, đái đục): Rau dừa tươi 40g, Đường kính 20g, thêm nước sắc, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần.
3.Trị rắn cắn, chó điên cắn: Rau dừa nước tươi 1-2 nắm, rửa sạch, giã nhuyễn vắt nước uống, đắp bã lên vết thương.
(Bài 1, 2, 3 theo Phúc Kiến dân gian thảo dược).
4.Trị thủy thũng (phù, ứ nước): Rau dừa nước, Thủy hồi hương, Thủy tạo giác, Cam thảo, Phục linh. Sắc uống. (Tứ Xuyên trung dược chí).
5.Trị cảm mạo phát sốt, ho do táo nhiệt: Rau dừa nước 20-40g, sắc uống
6.Trị ung sang (mụt nhọt), trật đả (chấn thương đánh, ngã): Rau dừa nước tươi giã nát đắp.
(Bài 5, 6 theo Thường dụng Trung dược thủ sách của Bộ đội Quảng Châu).
7.Trị trẻ em mụn nhọt có mủ, trứng cá: Rau dừa nước sắc uống, ngoài giã đắp rau dừa tươi.
8.Trị nhũ ung (viêm tuyến vú): Rau dừa nước tươi giã đắp.
9.Trị đau răng do phong hỏa: Rau dừa nước 80g, sắc uống.
(Bài 7, 8, 9 theo Quảng Tây Trung thảo dược).
10.Trị táo bón, miệng khát do thực nhiệt: Rau dừa tươi 80-160g giã vắt nước hòa mật ong chưng ấm uống.
11.Trị ban sởi đã phát mà vẫn sốt cao: Rau dừa nước 40-80g, giã vắt nước, chưng nước uống.
12.Trị mụn rộp, dời leo (zona): Rau dừa nước tươi giã vắt nước, hòa bột gạo nếp, bôi chỗ đau.