CƯỚC THẤP KHÍ
Còn gọi là Cước Khí Sang, Lạn Cước A, Cước Lạn Sang. Sách cổ gọi là Xú Điền Loa, Cước A Sang Lạn, Chỉ Gian Hủ Bạch Phát Lạn, Cước Khí Thấp Sang, , Cước Khí, Tử Bạch Hoàng Sang, Điền Loa Sang, Cước Chú, Phong Dưỡng Cước Sang, Lạn Cước Phong, Cước Chỉ Phùng Lạn Sang, Túc Tiễn.
Thường do thấp nhiệt, phát vào lúc giao mùa. Mùa hạ, mùa thu bệnh nặng lên, mùa đông bệnh giảm đi. Bệnh lâu ngày gây rách da. Già trẻ lớn bé, nam nữ đều có thể bị bệnh.
Nguyên Nhân
Các sách cổ đều cho là do thấp nhiệt. Sách ‘Ngoại Khoa Khải Huyền’ viết: “Mưa lâu ngày, thủy thấp xâm nhập vào cơ thể, làm ho các kẽ chân loét hoặc lở ngứa, đau nhức, đi lại khó khăn”.
Sách ‘Ngoại Khoa Chính Tông, mục ‘Phụ Nhân Cước A Tác Sang’ viết: “Phụ nữ bị chứng cước a tác sang, do tam dương phong thấp dồn xuống phái dưới, ngưng kết lại không tan đi. Lúc đầu bị ngứa mà sau đó thành thấp hoặc lòng bàn chân bị co rút, lở ngứa…”.
Sách ‘Y Tông Kim Giám, mục ‘Ngoại Khoa Tâm Pháp Yếu Quyết’ viết: “Chứng Xú điền loa, do Vị kinh có thấp nhiệt dồn xuống gây nên bệnh”.
Triệu Chứng
+ Thể Phong Thấp: Lúc đầu các mụn nước tụ lại thành từng đám, sau đó lở loét, rất ngứa, mùa hè nặng, mùa đông nhẹ.
Điều trị: Khứ phong, táo thấp. Dùng bài Nhị Diệu Hoàn gia vị: Hoàng bá, Thương truật, Ngưu tất, Tỳ giải, Phòng phong, Địa phu tử, Khổ sâm.
(Hoàng bá, Thương truật, Ngưu tất, Khổ sâm, Tỳ giải thanh nhiệt, táo thấp; Phòng phong Địa phu tử khứ phong, giảm ngứa (Trung Y Cương Mục).
Thuốc ngâm : Cước Khí Dược Thủy: Thổ cận bì, Đại phong tử, Đinh hương đều 300g, Khổ sâm 200g, Khô phàn 740g, Địa phu tử 300g, Lưư hoàng 150g, Xà sàng tử 300g, Chương não 150g, 2 lít rượu 50%. Ngâm chung 7 ngày, lọc bỏ bã, chỉ lấy rượu dùng để ngâm vào buổi tối (Trung Y Cương Mục).
+ Thể Thấp Nhiệt: Ngứa, ra nhiều mồ hôi, mùa hạ, mùa thu gặp nhiều, khe chân ướt, ngứa, lở loét, có mùi hôi, có thể nổi hạch ở háng, nặng hơn có thể nổi đơn độc, lưỡi đỏ sẫm, rêu lưỡi ít hoặc hơi vàng, mạch Nhu Sác.
Điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp. Dùng bài
. Tỳ Giải Thấm Thấp thang gia giảm: Tỳ giải, Ý dĩ, Hoàng bá, Phục linh, Đơn bì,Trạch tả, Hoạt thạch, Mộc thông, Thương truật, Liên kiều.
(Hoàng bá, Đơn bì, Liên kiều thanh nhiệt, giải độc; Tỳ giải, Ý dĩ nhân, Phục linh, Thương truật kiện Tỳ lợi thấp; Hoạt thạch, Trạch tả, Mộc thông để thấm thấp. Nhiệt dược thanh, thấp được trừ thì bệnh tự khỏi (Trung Y Cương Mục).
. Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, tiêu thủng: dùng bài Ngũ Thần Thang gia giảm: (Ngân hoa, Địa đinh, Ý dĩ nhân, Xích phục linh đều 15g, Hoàng bá, Ngưu tất, Trạch tả, Đơn bì (sao), Xa tiền tử (bọc lại) đều 10g, Thanh bì 6g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
Thuốc bôi: Cước Khí Phấn (Hoàng bá, Khô phàn, Hoạt thạch, Chương não đều 6g. Tán nhuyễn, rắc vào vùng bệnh (Trung Y Cương Mục).
+ Thể Huyết Táo: Da khô, nứt, rách. Thường bị lâu ngày không khỏi, lòng bàn chân sưng, lở loét, đụng nhẹ cũng đau, mùa thu, mùa đông bệnh càng tăng, rêu lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi ít, mạch Hư Tế.
Điều trị: Dưỡng huyết nhuận táo, phù Tỳ sát trùng. Dùng bài:
. Đương Quy Ẩm Tử gia giảm: Đương quy, Xuyên khung, Quế chi, Cam thảo đều 6g, Hà thủ ô, Hoàng tinh, Sinh địa, Thục địa, Bạch thược (sao) đều 15g, Sơn dược, Thiên môn, Mạch môn, Biển đậu (sao), Ngọc trúc đều 12g. Sắc uống (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
. Tứ Vật Thang gia giảm: Kinh giới, Sinh địa đều 16g, Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Liên kiều, Hoàng bá, Thương truật đều 12g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu).
. Dưỡng huyết, khứ phong. Dùng bài Khứ Phong Địa Hoàng Hoàn gia giảm: Sinh địa, Thục địa, Bạch tật lê, Ngưu tất, Tri mẫu, Hoàng bá, Độc hoạt, Đương quy.
(Sinh địa, Thục địa, Tri mẫu, Đương quy để dưỡng huyết, nhuận táo; Bạch tật lê, Độc hoạt khứ phong, giảm ngứa; Ngưu tất, Hoàng bá thanh nhiệt, nhuận táo) (Trung Y Cương Mục).
. Bổ ích Thận khí, tán phong, lợi thấp. Dùng bài Tê Giác Tán gia giảm: Can địa hoàng, Sơn thù nhục, Hoàng kỳ (sinh) đều 12g, Thiên ma, Khương hoạt, Phòng phong, Hoàng cầm (sao) đều 10g, Binh lang, Chỉ xác (sao) Ô tiêu xà đều 6g, Bạch tiên bì, Trạch tả, Sơn dược đều 15g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
Thuốc Bôi: Nhuận Cơ Cao (Y Tông Kim Giám): Đương quy, Hoàng lạp đều 15g,Tử thảo 3g, Ma du 120g. Hai loại thuốc nấu với dầu, khi thuốc khô, chỉ lấy dầu, thêm Hoàng lạp vào, nấu thành cao dùng để bôi (Trung Y Cương Mục).
Thuốc Rửa: Vương bất lưu hành 30g, Minh phàn 9g. sắc lấy nước. Mỗi ngàyngâm 2~3 lần, mỗi lần 15 phút, liên tục 10~20 ngày (Trung Y Cương Mục).
Thuốc Xông:
. Lá Ngải cứu tươi 50g, Lá Sài hồ tươi, Lá Cỏ mực tươi đều 30g,Lưư hoàng (bột) 5g, Dấm thanh 15ml, Đồng tiện 20ml, Rượu trắng 30o 15ml. Thuốc giã nát, trộn với Dấm, nước tiểu và rượu. Dùng 5 cục gạch ghép lại thành lò chữ U, bên dưới lót 2 cục, chung quanh ghép 3 bên 3 cục, chừa một lỗ để quạt than. Cho than vào rồi rắc thuốc lên trên than, khi bốc khói, hơ tay hoặc chân phía bên trên để xông khói. Nên dùng khăn phủ kín tay chân cho khói không thoát ra ngoài nhiều. Mỗi lần xông 30~45 phút. Hai ngày xông một lần cho đến khi khỏi. Khi xông mồ hôi chân tay sẽ ra nhiều, dùng khăn lau sạch rồi lại tiếp tục xông. Đã trị 20 ca, khỏi hoàn toàn (Đông Y Tạp Chí 1983, 181 : 17).
. Lá Ngải cứu 20~`30g, sắc với 4 chén nước cho kỹ rồi cho vào bình miệng rộng, lấy vải trùm lên trên miệng bình rồi đặt tay lên miếng vải để xông lấy hơi nóng. Nếu nguội thì lại đun cho nóng lên (Thuốc Hay Tay Đảm).
. Lấy nước bọt Đậu hũ để ngâm tay hàng ngày cũng đỡ (Thuốc Hay Tay Đảm).
Châm Cứu
Dựa theo phương pháp tuần kinh để lấy huyệt.
Huyệt chính: Hợp cốc, Hậu khê, Trung chử, Bát tà, Hợp với Đại đô, Tam âm giao, Thái khê. Ngày châm 1~2 lần, lưu kim 30 phút.
Tham Khảo
. Dùng Công đinh hương, Hoa tiêu, Tô mộc, Phòng phong, Thổ cận bì đều 15g. Sắc với 2,5 lít nước cho sôi khoảng 30 phút. Dùng để ngâm. Mỗi lần ngâm 45 phút. Ngày một lần. Đã trị 70 ca. ngâm từ 3~8 ngày, sau đó vùng bệnh hết ngứa, đau, các chỗ khô bớt đi, các chỗ loét khỏi hết (Phó Nghiệp Trân, Bì Phu Bệnh Phương Trị Nghiên Cứu Thông Báo 1979 (4) : 236).
. Dùng Hoàng tinh 60g, Hoắc hương, Bạch tiên bì, Địa phu tử, Xà sàng tử, Khổ sâm, Thông bạch đều 30g, Minh phàn 15g. Cho vào chậu, đổ 1,5 lít Dấm vào ngâm 48 giờ là có thể dùng được. Mỗi ngày ngâm 2 giờ, liên tục 10 ngày là một liệu trình. Thường làm như vậy 1~2 liệu trình là có thể khỏi (Tôn Tử Huệ, Tân trung Y 1977 (2) : 6).
. Chế xuyên Hoàng liên, Thăng ma đều 30g, Ngũ vị tư 45g, ngâm với 500ml rượu 75o trong 4~6 ngày. Lọc bỏ bã, lấy rượu để ngâm (Lý Hoa An, Hà Nam Trung Y 1981 (4) : 37).
Châm Cứu
+ Cứu : A thị huyệt (vùng tổn thương). Dùng Phụ tử, cắt thành lát mỏng, đặt lên huyết, dùng ngải nhung cứu 5~10 tráng, rồi dùng nước cốt Hành trộn với thuốc bột (Bạch phụ tử, Xuyên ô, Cương tằm, Mật đà tăng, Đồng lục, Khinh phấn, Đởm phàn đều 3g, Xạ hương 0,3g), trộn đều thành dạng cao sền sệt, đắp vào vùng tổn thương (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
Bệnh Án Cước Thấp Khí
(Trích trong ‘Chu Nhân Khang Lâm Sàng Kinh Nghiệm Tập)
Tăng X, nữ 34 tuổi. Nhập viện ngày 13-08-1976. Chân bên trái sưng đau không đi được khoảng gần nửa tháng. Khám thấy mu bàn chân sưng đỏ, ấn vào thấy lõm, khe ngón chân lở loét, chảy nước, có vẩy, rỉ mủ, co gấp chân thì đau. Chẩn đoán: Cước tiễn do truyền nhiễm.
Biện chứng: Thấp nhiệt dồn xuống phía dưới hóa thành hỏa, độc. Điều trị: Thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, tiêu thủng. Cho dùng Phục linh, Hoàng cầm, Trạch tả, Đơn bì, Tạc mộc, Liên kiều, Xa tiền tử, Lục Nhất Tán đều 9g, Bồ công anh 15g. Sắc uống. Bên ngoài dùng Địa du (sống), Mã xỉ hiện, Hoàng bá đều 60g, Nấu lấy nước rửa.
Ba ngày sau, hết sưng đỏ, chỗ lở loét và chảy nước gần khỏi, không thấy mủ tiết ra nữa, đã giảm đau. Tiếp tục cho uống bài trên, thêm Nhị Diệu Hoàn 9g. sau ba ngày, hết hẳn sưng đỏ, khe chân khô, không ngứa. Cho dùng Lục Nhất Tán 9g, Khô phàn 3g,, Tán nhuyễn rắc vào kẽ chân. 5 ngày sau, tiếp tục dùng Dấm để ngâm, mỗi buổi tối ngâm chân ½ giờ, khỏi hẳn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn