02:19 ICT Thứ năm, 19/09/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thư viện Đông y » NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP

Liên hệ

NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP

Thứ hai - 04/07/2011 10:10

Tác giả. Nguyễn Đình Chiểu

( Sinh ngày 1-7-1822   mất ngày ngày 3 - 7 - 1888 )

Lời dẫn (trích từ quyển 1)

Để phục vụ việc nghiên cứu toàn diện về Nguyễn Đình Chiểu, quyển Ngư Tiều y thuật vấn đáp xuất bản lần này được biên soạn trên nguyên tắc đảm bảo tính chất về mặt văn bản và có cơ sở khoa học về mặt chú thích. Công tác hiệu đính văn bản tác phẩm này được tiến hành trên cơ sở ba tài liệu sau:
1- Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca, bản chữ Nôm chép tay của Nam trung cư sĩ Khánh Vân năm Tân hợi (1911), gồm 3632 câu thơ lục bát và một số bài thơ, phú ...chữ Nôm và Hán chép xen kẽ, ngoài ra còn có hai bài:
 

    a/- Sưu tinh dụng dược tâm pháp tự truyện, và
    b/- Trích yếu âm dương biện luận chữ Hán ở đầu sách (ký hiệu là bản V).
     

2- Ngư tiều vấn đáp y thuật do Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình và bổ chú, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn,1952, đánh số đến 3644 câu thơ lục bát, tuy nhiên bị sót mất hai câu 1787 và 1788, ngoài ra còn chép nhập bốn chữ đầu của câu 1475 với bốn chữ sau của câu 1476 thành một câu tám chữ sau câu 1474. Bản này cũng có một số bài thơ, phú...chữ Nôm và Hán chép xen kẽ cũng như hai bài:
 

    a/- Sưu tinh dụng dược tâm pháp tự truyện, và
    b/- Trích yếu âm dương biện luận chữ Hán ở đầu sách (ký hiệu là H).
     

3- Ngư Tiều vấn đáp y thuật diễn khúc ca, bản chữ Nôm chép tay của Nguyễn Thịnh Đức năm Tân mão (1951) chỉ có phần đầu gồm 1034 câu thơ lục bát và những bài thơ chữ Nôm và Hán xen kẽ ở phần này (ký hiệu là bản Đ). Chúng tôi dùng bản V làm bản trục và hiệu đính trên trên cơ sở hai bản kia. trường hợp những câu, chữ trong bản trục thấy cần được thay đổi cho hợp lý, chúng tôi chỉ lấy những câu, chữ trong phạm vi hai bản kia, tuyệt đối không thêm bớt hay đặt ra những chữ mới. Về chính tả, các âm được thống nhất theo cách phát âm phổ thông. Đối với các từ Hán Việt, trừ những trường hợp vì phải bảo đảm vần điệu câu thơ như nho = nhu, cương = cang...chúng tôi giữ nguyên cách đọc địa phương, còn ngoài ra đều theo âm phổ thông. Các trường hợp này, chúng tôi không đưa vào phần khảo dị. Có những chữ ở bản H xét ra do lỗi chính tả như giằn (dằn), mặt (mặc) chúng tôi cũng không đưa vào phần khảo dị, trừ các chữ đó có thể đưa đến cách hiểu khác về câu thơ.
Bên cạnh phần nguyên tác của Nguyễn đình Chiểu, Ngư tiều y thuật vấn đáp còn trích dẫn, sao chép rất nhiều các bài thơ, phú...chữ Hán từ các sách y học (Đông y) Trung Quốc cũ. Đối với các bài này, chúng tôi không làm công việc khảo dị văn bản, mà chỉ sử dụng nguyên văn các bài đó trong các sách thuốc Đông y, mà chủ yếu là trong y học nhập môn, Lý diên biên chú, Việt Đông Hán văn đường tàng bản, Quang tự Mậu tuất niên (bản khắc gỗ). Tuy nhiên trong điều kiện in ấn hiện tại, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu bản dịch nghĩa của các bài này mà thôi.
Phần khảo dị văn bản được xếp riêng ở sau cùng quyển sách.
Về mặt chú thích, chúng tôi chủ yếu chú thích các điển tích, tên người, các chữ và câu khó hiểu đối với người đọc bình thường. Mặt khác, chúng tôi cũng lưu ý chú thích ở một mức độ nhất định các thuật ngữ, các vấn đề chuyên môn của Đông y, trên nguyên tắc ngắn gọn nhưng bảo đảm tính chính xác.
Mỗi chú thích được đánh dấu bằng số câu, được xếp ngay ở phần mỗi trang sách. Trường hợp trùng lặp, chúng tôi không chú thích mà chỉ ghi "Xem..." hoặc cần phải tham khảo thêm thì ghi "Xem thêm.." để người đọc tiện tra cứu.

 

Nhóm biên soạn

 

Hoàn cảnh xã-hội và mục đích biên soạn Ngư tiều vấn đáp Y thuật (trích từ quyển 2)


 

Nguyễn Đình Chiểu sinh trưởng giữa lúc thực dân Pháp đang tiến hành xâm lược nước ta. Năm 1858, chúng đánh phá hải cảng Đà Nẵng. Năm 1859, chúng đánh Gia Định. Hồi ấy Nguyễn Đình Chiểu đang dạy học ở Gia Định, phải chạy về quê vợ ở Cần Giuộc (gần Chợ Lớn) lánh nạn và tiếp tục dạy học ở đấy. Năm 1861, Cần Giuộc cũng bị quân Pháp chiếm, ông lại phải chạy về Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, Tự Đức cắt ba tỉnh miền đông nhường cho Pháp. Tuy vậy Pháp vẫn tiếp tục mưu đồ xâm lược. Năm 1867, chúng chiếm luôn cả ba tỉnh miền tây Nam Bộ. Thế là cả sáu tỉnh Nam Bộ bị Pháp đô hộ.
Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhân dân miền Nam lúc bấy giờ vô cùng căm phẫn. Ông rất đau xót về tình cảnh đất nước bị chia cắt, nhân dân khổ cực nhiều bề : nào bị giặc tàn sát, đàn áp, bức hiếp, nào đói rét, bệnh tật, chết chóc. Nguyễn Đình Chiểu vì bị mù, không có điều kiện cầm vũ khí giết giặc, nên đã dùng bút thay gươm, viết văn làm thơ để nói lên lòng yêu nước thương dân và nỗi căm thù sâu sắc của mình đối với quân cướp nước và bè lũ vua quan nhà Nguyễn bán nước hại dân.
Ngư Tiều vấn đáp y thuật ra đời vào khoảng thời gian sau khi Nam bộ đã bị Pháp xâm chiếm. Trong tác phẩm này, Nguyễn Đình Chiểu đã mượn bối cảnh của đất nước U Yên ở Trung Quốc đời xưa bị giặc nước ngoài xâm chiếm, dựng lên câu chuyện mấy người dân xứ này đi lánh nạn và cũng tìm thầy học thuốc, để dưới hình thức nói chuyện về y học, thổ lộ lòng căm phẫn của mình đối với thời cuộc, nhằn động viên tinh thần đấu tranh chống xâm lăng của nhân dân; đồng thời để nói lên sự quan tâm của mình đối với tính mạng của bệnh nhân trước tình cảnh các dung y vụ lợi, nhằm bổ cứu tình hình y học đương thời.


 

 Nội dung chuyện Ngư tiều vấn đáp Y thuật (trích từ quyển 2)

Vào khoảng năm 936, đất U Yên ở Trung Quốc, do Thạch Kính Đường là quan đô hộ sứ của nhà Đường, cai trị. Thạch Kính Đường thông mưu với quân Khiết Đan nước Liêu, cắt đất nhượng cho Khiết Đan, để được Khiết Đan phong cho làm vua xứ này. Dân U, Yên rơi vào tình cảnh lầm than dưới ách đô hộ của nước ngoài và dưới sự áp bức của bè lũ gian nịnh bù nhìn trong nước. Những người có tâm huyết không khuất phục chế độ ấy. Một số xiêu bạt đi nơi khác để sinh sống và tìm cách cứu nước, cứu dân. Trong số người này, có những nhân vật đã đi tìm con đường y học và cùng gặp nhau trên đường đi tìm thầy học thuốc :
- Mộng Thê Triền tức là Tiều, làm nghề đốn củi (tiều phu),
- Bảo Tử Phược tức là Ngư, làm nghề chài lưới (ngư ông),
- Đạo DẫnNhập Môn là những người đã biết thuốc, cùng đi chạy loạn và tìm thầy học thêm,
- Nhân Sư là người thầy thuốc nổi tiếng ở U Yên đi lánh, không muốn hợp tác với giặc.
Truyện :
Vì tình cảnh đất U Yên bị chia cắt và đặt dưới sự đô hộ của nước ngoài, cho nên Mộng Thê Triền cũng như Bảo Tử Phược đi đánh cá. Chẳng may vợ con bị ốm đau nhiều và chết chóc, nên cả hai người đều muốn đi tìm thầy học thuốc. Họ đều có ý định đi tìm Nhân Sư là một thầy thuốc rất giỏi và cũng là người U Yên đi ẩn cư. Mộng Thê TriềnBảo Tử Phược là hai người bạn cũ, bị hoàn cảnh loạn ly mà xa cách nhau từ lâu, gặp lại nhau trên đường đi tìm Nhân Sư. Dọc đường họ gặp thêm hai bạn cũ có cùng mục đích là Đạo DẫnNhập Môn. Cả mấy người cùng dắt nhau đi tìm Nhân Sư. Đạo DẫnNhập Môn là những người đã biết chỗ ở của Nhân Sư. Vì họ đã đều biết thuốc, nên trên đường đi, Ngư Tiều hỏi chuyện về y học rất nhiều. Đạo Dẫn và Nhập Môn đã lần lượt trả lời những câu hỏi của Ngư,Tiều, và giải thích một cách rõ ràng nhiều điểm về lý luận y học cơ bản, kèm theo ca, phú mà phần chính lấy ở Y học nhập môn ra.
Giữa đường, Đạo Dẫn tìm đường đi luyện đan (tu tiên), còn Ngư, Tiều thì theo Nhập Môn tiếp tục đi đến Đan Kỳ để tìm Nhân Sư, Nhưng khi đến nơi thì Nhân Sư đang bị bệnh và lánh ở Thiên Thai; song họ được gặp lại Đạo Dẫn ở đấy. Hỏi ra mới biết là Nhân Sư không phải là bị bệnh thật mà là vì vua Liêu nghe tiếng cho sứ đến mời Nhân Sư vào làm ngự y, nhưng Nhân Sư không muốn làm tôi kẻ thù nên đã xông hai mắt cho mù, rồi lánh về ở Thiên Thai và lưu học trò là Đạo Dẫn ở lại Đạo Kỳ để từ chối với sứ Tây Liêu.
Ngư, Tiều không được gặp Nhân Sư và cũng không ở lại để đợi Nhân Sư trở về. Nhưng Nhân Sư đã để lại hai bài dạy phép dùng thuốc (một bài luận về tiêu bản, một bài nói về phép chữa tạp bệnh). Ngư, Tiều lãnh hai bài đó rồi trở về. Sau khi từ biệt Đạo Dẫn và nhập Môn, Ngư, Tiều dự định sẽ bỏ nghề cũ để đi làm nghề y. Đêm đi lạc đường trong rừng, vào ngủ ở một cái miếu trong hang, nằm mê thấy mộng xử án các thầy thuốc, thầy châm cứu chữa xằng, và thầy phép, thầy chùa gieo mê tín dị đoan.
Tỉnh ra, Ngư, Tiều mới biết đó là những lời răn, nên khi về nhà, cả hai người đều ra công học thuốc cho thật giỏi, thấu đáo, rồi chuyên mỗi ngườimột khoa. Ngư chữa bệnh nhi khoa, Tiều chữa bệnh phụ khoa. Họ đều trở nên những thầy thuốc lành nghề và chân chính.

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán