09:47 +07 Thứ ba, 19/03/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thư viện Đông y » NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP

Liên hệ

TRANG 5

Thứ hai - 04/07/2011 09:18

XL.- Dương kinh lục phủ tỉnh, vinh, du, nguyên, kinh, hợp ca
(Bài ca về các huyệt tỉnh, vinh, du,nguyên, kinh, hợp của dương kinh thuộc sáu phủ)
Dịch nghĩa :
Tay chân đều có ba dương kinh, tổng cộng ba mươi sáu huyệt,

cả hai bên phải và trái tổng cộng là bảy mươi hai huyệt..

1. Túc thiếu dương : Mật (đởm)
 

Khiếu âm làm huyệt tỉnh.
Hợp khê làm huyệt vinh.
Lâm khấp làm huyệt du,
Khưu khư làm huyệt nguyên.
Dương phụ làm huyệt kinh.
Dương lăng làm huyệt hợp.
(Khiếu âm biệt hậu, hận tương khiên,
Kỷ hiệp khê lâm khấp đỗ quyên.
Hoài bảo khưu khư tinh vị tất
Phiền quân dương phụlăng tuyền.)
 

2. Thủ thiếu dương : tam tiêu

Quan xung làm huyệt tỉnh.
Dịch môn làm huyệt vinh.
Trung chữ làm huyệt du.
Dương tri làm huyệt nguyên.
Chi câu làm huyệt kinh
Thiên tỉnh làm huyệt hợp.
(Quang xung đào lý dịch môn tài,
Trung chữ, dương trì thứ đệ khai.
Hoa lạc chi câu hương mãn giản.
Nhất thiên tỉnh tự diệp phi lai).

3. Túc dương minh : Dạ dày

 

Lệ đoái làm huyệt tỉnh.
Nội đình làm huyệt vinh.
Khê cốc làm huyệt du.
Xung dương làm huyệt nguyên.
Giải khê làm huyệt kinh.
Tam lý làm huyệt hợp.
(Nhất phàm phong tống đoái đình tê (tây)
Hãm cốc xung dương quá giải khê.
Tam lý vị trí hà nhật đáo,
Kỷ phiên kiều thủ dục tư tề).
 

4- Thủ dương minh : Ruột già

 

Thương dương làm huyệt tỉnh,
Nhị gian làm huyệt vinh.
Tam gian làm huyệt du.
Hợp cốc làm huyệt nguyên.
Dương khê làm huyệt kinh.
Khúc trì làm huyệt hợp.
(Thương dương mao ốc nhị tam gian.
Hợp cốc dương khê độ kỷ loan
Cưu khúc trì biên minh nguyệt sắc,
Mãn thiên tinh đẩu dục ba lan).

5- Túc thái dương : Bọng đái

Chí âm làm huyệt tỉnh.
Thông cốc làm huyệt vinh.
Thúc cốt làm huyệt du
Kinh cốt làm huyệt nguyên
Côn lôn làm huyệt kinh
Uỷ trung làm huyệt hợp,
(Mao đinh kết khởi chí âm biên,
Thông cốc phù vân tứ vọng yên.
Kinh, thúc lưỡng phong long thổ phục,
Côn lôn sơn cận uỷ trung liên).

6- Thủ thái dương : Ruột non

Thiếu trạch làm huyệt tỉnh,
Tiền cốc làm huyệt vinh.
Hậu khê làm huyệt du,
Hoãn cốt làm huyệt nguyên.
Dương cốc làm huyệt kinh.
Thiếu hải làm huyệt hợp.
(Phù bình thiếu trạch nhậm đông tê (tây)
Tiền cốc nguyên lưu quá hậu khê
Hoãn cốt hựu thông dương cốc giản,
Tận cung thiếu hải lý ngư đê)

XLI.- Âm kinh ngũ tạng tỉnh, vinh, du, kinh, hợp ca
(Bài ca về các huyệt tỉnh, vinh, du, kinh, hợp của các kinh âm thuộc ngũ tạng )
Dịch nghĩa :
Tay chân đều có ba kinh âm, tổng cộng ba mươi huyệt,

cả hai bên phải và trái tổng cộng sáu mươi huyệt .

1- Túc quyết âm : Gan

Đại đôn làm huyệt tỉnh.
Hành gian làm huyệt vinh.
Thái xung làm huyệt du.
Trung phong làm huyệt kinh.
Khúc tuyền làm huyệt hợp.
(Vân hà yên tỏa đại đôn hề,
Tiếu chỉ hành gian lộ thái mê.
Dã tự trung phong vô đạo nhập,
Khúc tuyền hoàn hữu lão tăng quy).

2- Thủ quyết âm: Màng tim

 

Trung xung làm huyệt tỉnh.
Lao cung làm huyệt vinh,
Đại lăng làm huyệt du.
Gián sứ làm huyệt kinh.
Khúc tuyền làm huyệt hợp.
(Trung xung cô nhạn triệt vân tiêu,
Kỷ độ lao cung chỉ tự liêu.
Cánh hữu đại lăng biên gián sứ.
Xung dương khúc trạch mạc chiêu diêu).
 

3.- Túc thiếu âm : Thận

 

Dũng tuyền làm huyệt tỉnh.
Nhiên cốc làm huyệt vinh.
Thái khê làm huyệt du.
Phục lưu làm huyệt kinh.
Âm cốc làm huyệt hợp.
(Tam thu vi khách dũng tuyền biên,
Nhiên cốc, khê, lưu quá tiểu niên.
Âm cốc hữu thuyền hồi tiện đáp,
Văn cừ quy khứ kỷ đa tiền).

4.- Thủ thiếu âm : Tim

 

Thiếu xung làm huyệt tỉnh.
Thiếu phủ làm huyệt vinh.
Thần môn làm huyệt du.
Linh đạo làm huyệt kinh.
Thiếu hải làm huyệt hợp.
(Thiếu xung, thiếu phủ bả sư ban.
Binh mã thần môn đắc thắng hoàn.
Linh đạo chiến thư tiền nhật phát,
Như kim thiếu hải tận quy hàng).

5.- Túc thái âm : Lá lách

Ẩn bạch làm huyệt tỉnh.
Đại đô làm huyệt vinh.
Thái bạch làm huyệt du.
Thương khưu làm huyệt kinh.
Lăng tuyền làm huyệt hợp.
(Ẩn bạch vân trung nhất lão tăng,
Đại đô ly tục thiểu nhân tăng.
Kỷ hồi thái bạch thương khưu quá,
Ngập tận lăng tuyền thủy cộng chưng ).

6.- Thủ thái âm : Phổi

Thiếu thương làm huyệt tỉnh.
Ngư tế làm huyệt vinh.
Thái uyên làm huyệt du.
Kinh cừ làm huyệt kinh,
Xích trạch làm huyệt hợp.
(Thiếu thương hồ hải đổ ngư ông,
Ngư tế thái uyên bất khả phùng.
Kim nhật kinh cừ thuyền mã tải,
Tu tri xích trạch hoạch xà long).
 

XLII.- Khí huyết quán chú thập nhị kinh, trú dạ chu nhi phục thủy ca
(Bài ca về vòng tuần hoàn trong một ngày đêm của khí huyết vận hành qua mười hai kinh mạch)
Dịch nghĩa :
Hiểu trình trung phủ mã đề mang,
Hoài bảo tư lương xuất thiếu thương.
Cực mục thương dương tòng thử khứ,
Gia tiên nhất trực thượng nghênh hương.

Tự thừa khấp biệt lưỡng vi mang,
Ức tích phân huề lệ đoái hương,
Quy ẩn bạch vân chuyên mại túc,
Đại bao lường tận, tiểu bao lường.

Tâm xuất cực tuyền tự thủy thanh,
Thân như bình diệp thiếu xung linh.
Tự tòng thiếu trạch thừa tra khứ,
Hốt thính cung nga hữu tiếu thanh.

Tình minh lưỡng mục phán phù dung,
chí âm trầm nguyệt sắc mông.
Tịch mịch dũng tuyền nhân bất kiến,
Không văn du phủ báo thời chung.

Kỷ niên hạp kiếm dược thiên trì,
Vân quyển trung xung nhập tử vi.
Tam vũ quan xung vô trú trở,
Trúc ty liêm ngoại bá lao phi.

Đồng tử hiểu tư tự diểu nhiên,
Thời thời lưu luyến khiếu âm biên,
Đại đôn nhật nguyệt thường lai vãng
Phục nhập kỳ môn hựu nhất thiên.

1535- Tiều rằng : Tạng phủ trong ngoài,
Mười hai kinh nguyệt gẫm bài thơ hay.
Hơi đi máu chạy dần quay,
Sáu bài khí huyết nghe nay mặt mờ.

 

Môn rằng: Khí huyết sáu thơ,
1540- Mỗi câu mỗi huyệt luôn bờ lại qua.
Lần nghe thứ lớp kể ra :
Bài đầu từ phế chạy qua đại trường.
Xung phủ đến huyệt Thiếu thương,
Mối theo hung ức, ra đường ngón tay.
1545- Thương dương cũng ngón cái tay,
Chạy lên trước mũi, tên bày Nghênh hương,
Bài nhì, vị với tỳ hương,
Thừa khấp tủa xuống dưới đường ngón chân.
Lệ đoài lên ngón cái chân,
1550- Ẩn bạch xuống ngón thẳng chừng Đại bao
Đại bao vú tả làm rào,
Bài ba tâm chủ, cùng ao tiểu trường.
Cực tuyền chỗ tột da xương,
Hữu ra ngón út, đầu đường Thiếu xung.
1555- Thiếu trạch ngón út tả thông,
Thính cung tai tả ở lồng bên tai.
Bài tư bàng quanh, thân cai,
Tình minh gốc mũi xuống dài Chí âm.
Ngón chân út tả Chi âm.
1560- Giữa bàn chân hữu lại xâm Dũng tuyền.
Dũng tuyền ấy chạy lên liền,
Đến Du phủ huyệt tả biên hữu điều.
Bài năm tâm bào, tam tiêu,
Thiên trì giữa bụng ra chiều Trung xung.
1565- Tay hữu ngón giữa : Trung xung,
Tay tả ngón cái : Quan xung trổ màu,
Quan xung tả chạy lên đầu,
Trúc ty huyệt ấy ở sau chặng này.
Bài sáu đảm với can vầy,
1570- Ra từ Đồng tử, xuống đầy Khiếu âm.
Đồng tử gò má tả cầm,
Ngón chân út tả, Khiếu âm chỗ phòng.
Ngón chân út hữu Đại đôn,
Thẳng bên vú hữu, Kỳ môn đóng đồn.
1575- Ngày đêm khí huyết xây vòng,
M ười hai kinh lạc, ngoài trong khắp hòa.
Khí như mã, huyết như xa,
Xa nhờ mã kéo, mã hoà xa đi,
Thử xem bộ sách Lý y
1580- Vẻ hình gương giá dùng thì khá tra.

Ngư rằng : Như gấm thêm hoa,
Nhớ lời đạo hữu dạy ta đành(rành?) rành.

Dạy rằng : "Muốn thấy phép linh,
Coi chừng trời đất trong hình người ta ".
1585- Đường huynh nay lại vẻ ra,
Máy trời đất nhắm trong ba hình người.

Môn rằng : Coi tấm thân người,
Mười hai chi hóa, cùng mười can sinh
Nội kinh câu chữ luận rành :
1590- "Thân tứ đại hóa hữu sinh ", phải lời.
Dung y mấy biết thời trời,
Nỡ đem thuốc độc thử chơi mạng người,
Ta thường lo sợ mạng người,
Gắng công đọc sách hơn mười năm nay,
1595- Nhiệm màu mới thấy chỗ hay,
Minh Đường thơ cổ, ngâm rày người nghe :

XLIII.- Minh Đường thi
(Bài thơ về minh đường)
Dịch nghĩa :
Giáp thuộc mật, Ất thuộc gan, Bính thuộc ruột non,
Đinh thuộc tim, Mậu thuộc dạ dày, Kỷ thuộc lá lách,
Canh thuộc ruột già, Tân thuộc phổi,
Nhâm thuộc bọng đái, Quý do thận giữ,
Tam tiêu cũng gởi về ở cung nhâm,
Màng tim cùng tụ về ở cung quí.

XLIV.- Lại có thơ rằng
(Bài thơ về minh đường)
Dịch nghĩa :
Phổi ứng với Dần, ruột già ứng với Mão, dạ dày ứng với Thìn,
Lá lách ứng với Tỵ, tim ứng với Ngọ, ruột non ứng với Mùi,
Thân ứng với bọng đái, Dậu ứng với thận, màng tim ứng với Tuất,
Hợi ứng với tam tiêu, Tý ứng với mật, Sửu ứng với gan.

Coi hai thơ ấy tỏ tình,
Thấy trời đất ở trong mình người ta
Cho hay máy tạo chẳng xa,
1600- Âm dương qua lại, trẻ già trong thân.

Tiều rằng: Đạo hữu trước phân,
Mười hai kinh lạc có phần thơ ca.
Còn lo tính thuốc nhiều khoa,
Dẫn kinh mấy vị, hỏi qua chưa rành.

1605- Môn rằng : Học phải có hành,
Hợp coi vị thuốc dẫn kinh cho tường.
Thái dương kinh túc bàng quang,
Kinh thủ tiểu trường, phần biểu nêu tên.
Khương hoạt, Cao bản, dẫn lên,
1610- Hoàng bá dẫn xuống, chớ quên mà lầm.
Trong ấy là kinh Thiếu âm,
Gọi rằng túc thận, thủ tâm hai phần.
Vào trong Hoàng bá, Tế tân,
Khương hoạt, Tri mẫu, về phần thận chuyên.
1615- Thiếu dương kinh hoả biểu truyền,
Túc là phủ đảm, thủ liền tam tiêu.
Sài hồ, Xuyên khung lên điều,
Thanh bì xuống dắt, trị tiêu nhờ chàng.
Trong rắng Túc Quyết âm can,
1620- Thủ mệnh môn hỏa, hai đàng kinh đi.
Sài hồ, Xuyên khung, Thanh bì
Tuy chia biểu lý, cũng y một đường.
Dương minh kinh túc vị hương,
Kinh thủ đại trường, chỗ chứa đồ ăn,
Thăng ma, Bạch chỉ, Cát căn,
Thạch cao lên xuống, nêu rằng dẫn kinh,
Phần trong là Thái âm kinh
Túc tỳ, thủ phế, hai tình cũng y.
Bạch thược, Thăng ma vào tỳ,
1630- Cát cánh, Bạch chỉ, Thung đi phế đình.
Ấy đều vị thuốc dẫn kinh,
Trong ngoài nhận chứng cho tinh khỏi lầm.

Ngư rằng : Ba dương, ba âm,
Sáu kinh dón lại chứng làm dường nào ?

1635- Môn rằng : Bệnh mới cảm vào,
Sáu kinh kiến chứng, xưa rao rõ ràng.
Thái dương phát nóng, ghét hàn,
Cứng đơ xương sống, đau ngang lưng quần.
Thiếu dương nóng lạnh không chừng.
1640- Tai bùng, miệng đắng, ẩu lừng nách hông.
Dương minh nóng khát nước sòng,
Mũi khô, mắt nhức, ngồi chong chẳng nằm.
Lại thêm ỉa bón hãn dầm,
Ngầy xem ban mọc, da ngâm nước vàng.
1645- Thiếu âm họng lưỡi khô khan,
Nóng lòng thèm nước dựa màn nằm co,
Quyết âm gân giật, hung no,
Lưỡi cong, dái thụt, môi lò sắc xanh.
Thái âm đau bụng no cành,
!650- Ỉa không, khát nước, nóng hình chân tay.
Âm dương các chứng tỏ bày,
Lại còn hợp bệnh, lâu ngày truyền kinh.
Trong ngoài nhận chứng chẳng tinh,
Mang câu "dẫn khấu nhập đình", tội to.
1655- Học y muốn khỏi tội to,
Hợp kinh mấy chứng phải dò căn nguyên.
Sẵn lời ca quyết thầy truyền,
Ta xin thuật lại người biên giúp đời :

XLV.- Tam dương kinh kiến chứng tổng quyết
(Khái quát về triệu chứng các bệnh thuộc ba dương kinh)
Dịch nghĩa :
Phát nóng, sợ rét, lưng và xương sống đau (Thái dương ).
Mắt đau, mình nóng, trong mũi khô ( Dương minh).
Tai ù, miệng đắng, cổ ọe khan.
Nóng rét liên tiếp xen kẽ nhau, dưới hông đau ê (Thiếu dương).

XLVI.- Tam âm kinh kiến chứng tổng quyết
(Khái quát về triệu chứng các bệnh thuộc ba âm kinh)
Dịch nghĩa :
Tay chân nóng hâm hấp, lúc lúc lại đau bụng. (Thái âm).
Đi lỵ mà không khát nước, vốn là tạng bị hàn (Thái âm).
Mạch trầm, sợ khô, vốn liên quan với thận,
Uống ừng ực, cổ khô, nước dãi ít (Thiếu âm).
Gân rút, môi xanh, tứ chi đau,
Tai ù, luỡi cuốn lại thụt dái (Quyét âm ).
 

XLVII.- Lưỡng cảm chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh lưỡng cảm )
Dịch nghĩa :
Chứng thương hàn lưỡng cảm nửa âm nửa dương,
Lúc bắt đầu, đầu nhức chịu không nổi.
Trong người bứt rứt, miệng khô, hay khát nước,
Vốn là do thận và bọng đài cùng bị bệnh,

XLVIII.- Lưỡng thương bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh lưỡng thương )
Dịch nghĩa :
Nguyên là Thái dương và Dương minh cùng bị bệnh,
Bệnh cả hai kinh dồn lại làm một.
Nếu còn chứng về Thái dương thì nên làm ra mồ hôi (phát hãn),
Nếu không còn chứng về Thái dương thì nên dùng phép hạ (xổ).

XLIX.- Biểu bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng các bệnh thuộc biểu)
Dịch nghĩa :
Phát nóng, sợ rét là chứng biểu,
Mạch Phù, đau mình là thuộc kinh Thái dương.
Sợ rét ấy là biểu hư,
Dùng thuốc phát biểu nên xét rõ nặng nhẹ.
Mùa xuân, dương khí còn kém và yếu,
Nếu dùng thuốc phát hãn (làm ra mồ hôi) quá thì âm sẽ thắng,
Mùa đông, dương khí nấp sâu ở trong thì phát hãn là đúng.
Nếu dùng thuốc nhẹ thì bệnh không khỏi.

L.- Lý bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng các bệnh các bệnh thuộc lý)
Dịch nghĩa :
Mạch của chứng lý, Trầm mà Hoạt,
Không sợ lạnh chừ, lại sợ nóng,
Lòng bàn tay và dưới bụng mồ hôi dầm dề,
Cổ ráo miệng khô, phân táo kết,
Bụng đầy, bị suyễn, có khi nói sàm,
Đại tiện không đều, càng lúc càng nóng,
Ấy là nóng ở trong, đúng là bệnh lý thực,
Đó là các chứngthuộc kinh Dương minh, nên dùng thuốc hạ (xổ),
 

LI.- Luận biểu lý tạng phủ sở thuộc ca
(Bài ca luận về các bệnh biểu lý thuộc tạng phủ)
Dịch nghĩa :
Các chứng bệnh ở bọng đái, dạ dày và mật thuộc về dương,
Các chứng bệnh ở lá lách, thận và gan thuộc về âm,
Mạch Phù, Trường, Huyền thuộc dương, mạch Tế, Trầm, Vi, Hoãn thuộc âm.
Trước hãy xem mạch và chứng thuộc về biểu hay lý,

Trong ngoài hợp chứng tỏ truyền,
1660- Phải coi vận khí theo niên đổi dời,
Năm vận, sáu khí ở trời,
Năm tạng, sáu phủ ở người ứng nhau,
Cho hay năm vận chủ đau,
Sáu khí lâm bệnh, trước sau có lề,
1665- Bởi câu "khí vận bất tề "
Khiến dân bệnh hoạn trách về thấy lo.
Chưa thông vận khí khôn mò,
Nhóm lời ca quyết đọc cho biết đáng.

LII.- Cơ bênh ngoại cảm ôn thử thương hàn Hà Giản Lưu tiên sinh ôn thử soạn yếu
(Nguyên nhân các bệnh ngoại cảm - ôn thử thương hàn. Tóm tắt bài soạn về ôn thử của ông Lưu Hà Giản)
Dịch nghĩa :
Các chứng phong, co giật, choáng váng thuộc về can mộc.
Các chứng đau, ngứa nhọt, lở thuộc về tâm hỏa.
Các chứng thấp, thũng, đầy vốn thuộc về tỳ thổ.
Các chứng tức, uất, mòn mỏi thuộc về phế kim.
Các chứng lạnh, co rút thuộc về thận thủy.
Đó là danh mục chủ yếu các bệnh do ngũ vận gây ra.

Các chứng bất thình lình bị cứng thẳng chân tay,
Gân cốt co lại hay mềm oặt thật nhanh,
Vốn thuộc hai kinh Túc chủ về gan và mật,
Do khí Quyết âm phong mộc gây ra.

Các chứng thở khò khè, ợ và nôn ra nước chua,
Thình lình ỉa chảy như rót nước, có khi bị chuột rút,
Tiểu tiện đục như có cặn, lẫn cả những tia máu,
Nổi hạch, nổi nhọt, phát ban, lên sởi,
Ung thư, thổ tả do bị chứng hoắc loạn,
trong người bực bội, phù thũng, mũi nghẹt và khô,
Chảy máu cam, đái rát, mình phát nóng.
Sợ lạnh, phát run, hay giật mình hoảng hốt,
Khi cười, khi khóc, nói sàm, mất máu,
Bụng chương lên, vỗ vào có tiếng bồm bộp.
Đó là do khí Thiếu âm quân hỏa gây ra,
Lỗi của hai kinh Thủ chủ về tim và ruột non.

Các chứng chi và người cứng đơ, hay tích muốn thành trệ,
Hoắc loạn, đầy do các chứng cách, bĩ,
Trong mình thấy nặng nhọc, thổ tả, chân sưng,
Thịt phù mềm, như bùn, ấn vào lõm xuống không nổi lên,
Đó là do khí Thái âm thấp thổ của hai kinh Túc,
Chủ về lá lách và dạ dày gây ra.

Các chứng nóng, mê man, vật vã, gân giật giật,
Hồi hộp, co giật, lăn lộn quá mức,
Thình lình cấm khẩu, hôn mê, bứt rứt, điên cuồng,
La thét, hoảng sợ, hơi xông ngược lên.
Đùi sưng đau ê, hắt hơi, mửa, phát lở,
Cổ họng buốt, tai ù tưởng chừng điếc đặc.
Lợm mửa, ăn uống không thể nuốt trôi,
Mắt mờ, nhìn không rõ, kéo màng, thịt giật,
Hoặc là phát run, nói ngọng, ngơ ngác như mất hồn,
Đau thình lình, tả lỵ thình lình.
Đó là do khí Thiếu dương tướng hỏa của hai kinh Thủ,
Chủ về màng tim và tam tiêu gây ra,

Các chứng khô, cạn, sáp, bí
Cứng ráo, da rộp lên,
Đều do khí Dương minh táo kim,
Chủ về hai kinh thuộc phổi và ruột già gây ra,

Nước dãi và nước tiểu trong và lạnh.
Bị khối u, sa đì, báng đều rắn,
Đầy bụng, đau gấp, đại tiện chỉ có nước,
Ăn uống không thấy đói, thổ tả đều có mùi tanh.
Co duỗi khó khăn, thấy lạnh giá,
Lạnh giá, bế tắc thuộc về kinh Thái dương,
Chủ về thận và bọng đái tức là khí hàn thủy gây nên.
Âm dương, gốc ngọn chỉ trong vòng lục khí.

Phong, hỏa, thử thấp táo hàn,
1670- Bốn mùa qua lại, chàng rằng hơn thua.
Khí nào hơn lại vẽ bùa,
Khiến hơi tà nghịch theo lùa làm đau.
Người cùng trời đất ứng nhau,
Khí mùa chẳng chính, chứng đau không thường,
1675- Ngoại rằng cảm, nội rằng thương,
Ngoài tiêu trong bản, âm dương khác phần.
Từ ngoài sáu phủ vào lần,
Đến trong năm tạng, tinh thần chẳng an.
Thử xem một chứng thương hàn,
1680-Tạng nào mạch nấy, chia bàn tử sinh.
Tâm can, tỳ, phế, thận danh,
Noi trong sinh khắc năm hành đoán ra,
Giả như tâm hỏa chịu tà,
Vì nơi thận thủy đắm sa gây loàn.
1685- Lấy hai tạng ấy so bàn,
Thổ tỳ, kim phế, mộc can cũng vầy.

LIII.- Thương hàn ngũ tạng thụ bệnh ca
(Bài ca về bệnh thương hàn mà ngũ tạng bị bệnh)
Dịch nghĩa :
Nhói tim, lưỡi cứng, cười thì mặt đỏ lên.
Bực bội, bàn tay nóng, miệng ráo,
Trên rốn động hơi, mạch nên Hồng, Khẩ, Sác,
Nếu đi Trầm, Vi, thì mạng không toàn.

(thuỷ khắc hỏa)
Bệnh gan thì mặt xanh, mắt đau, nhắm,
Gan co, vẻ giận dữ, bên trái rốn thấy tưng tức,
Mạch nên Huyền và Trường
Nếu Phù, Sắc, Đỏan đều không chữa được !

(kim khắc mộc)
Bệnh tỳ thì không ăn, da mặt vàng,
Mình nặng, chân tay đau, thích nằm liệt giường,
Hơi động giữa rốn, mạch nên Hoãn và Đại,
Huyền, Trường và Khẩn ấy là tai ương.

(mộc khắc thổ)
Bệnh phổi thì mặt nhợt, vẻ lo buồn,
Thở dốc, đổ máu cam, nóng rét, ho, suyễn.
Thấy tưng tức ở bên phải rốn, mạch nên Trầm, Tế, Sắc,
Đại mà Lao là căn do của sự chết !
(hỏa khắc kim)
Bệnh thận thì mặt đen, móng tay, móng chân xanh,
Chân lạnh bụng đau, trong tai ù,
Hơi động dưới rốn, mạch nên Trầm, Hoạt,
Hoãn mà Đại là tình tạng chết.

(thổ khắc thủy)

Ấy rằng của đệ nhất quan,
Chứng nào chẳng bởi thương hàn gây ra.
Đến chừng biện các khí tà,
1690- Bệnh người mới cảm gọi là trúng thương,
Sách nêu chữ "trúng", chữ "thương".
Cho hay khí độc không thường người xuông.
Lắm cơn mưa gió luông tuồng,
Núi, đầm, khe, suối, độc duồng hơi bay,
1695- Rằng ai gặp ấy chẳng may,
Chứng nào thuốc nấy nhờ tay thấy điều.
Trong là bản, ngoài là tiêu
Ta từng nhận chứng học nhiều bài ca :

LIV.- Biểu lý nhị chứng ca
(Bài ca về hai chứng biểu, lý)
Dịch nghĩa :
Khi phát nóng, sợ lạnh, thân thể đau,
Mạch Phù là thuộc biểu, anh nên nhớ,
Nếu không sợ lạnh, chỉ sợ nóng,
Mạch Trầm, mồ hôi nhiều, thì đúng là lý không còn ngờ gì nữa.

LV.- Biên phong thấp chứng ca
(Bài ca biện luận chứng phong thấp)
Dịch nghĩa :
Xưa nay vẫn truyền có chứng phong, thấp hợp làm một bệnh.
Hơi thở khò khè, lừ đừ chỉ muốn ngủ,
Trong người thấy nặng nhọc, mạch Phù, hay ra mồ hôi,
Nếu cho uống thuốc phát hãn ắt sinh nói xàm.

LVI.- Trúng thấp chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh trúng thấp )
Dịch nghĩa :
Mạch mà Trầm, Hõa là trúng thấp,
Chỉ vì mưa gió, hơi xông lên nhiễm vào,
Đau khắp thân thể và khắp người nổ sắc vàng,
Đại tiện thì nhanh, nhưng tiểu tiện lại khó.

LVII.- Ôn độc chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh ôn độc)
Dịch nghĩa :
Bệnh ôn độc toàn thân nổi vằn như gấm,
Phát ban, lên sởi, nôn mửa thường xuyên,
Hoặc có lúc lại trở ho, trong lòng buồn bực, Đó là mùa đông cảm lạnh mà mùa xuân mới phát ra.
 

LVIII.- Nhiệt bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh nhiệt)
Dịch nghĩa :
Bị cảm mùa hè phần lớn là bệnh nhiệt,
Vốn cùng là một chứng với thương hàn.
Sợ lạnh, thân thể đau và nhức đầu,
Phát nóng lại thêm mạch Hồng mạnh.

LIX.- Trúng thử chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh cảm năng )
Dịch nghĩa :
Đổ mồ hôi trong mùa hè, gọi là cảm nắng,
Mạch Hư, Vi, Nhược, người rất bực bội, khát nước nhiều.
Mạch cáu, lưng lạnh toát, thân thể không đau,
Triệu chứng bên ngoài đại khái tựa bệnh nhiệt,

LX.- Kính bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh kính)
Dịch nghĩa
Nguyên bệnh kính là thuốc về bọng đái,
Cấm khẩu giống chứng giản, mình ưỡn cong,
Đó là trúng thương phong, hoặc cảm phải khí hàn thấp,
Cho nên chia gồm hai chứng : nhu kính và cương kính.

Ngư rằng : Hà chỉn sáu hơi,
1700- Nghe nhiều chứng bệnh dưới trời khác nhau,
Sư huynh vào cửa đạo lâu,
Mấy tầng nhà kín, buồng sâu thấy nhằm.
Chứng chi thầy thuốc nhiều lầm,
Có lời ca quyết xin ngâm truyền lòng ?

1705- Môn rằng: Ta rất dày công,
Hôm mai lòn lõi theo ông Đan Kỳ.
Tôn sư vốn bậc nho y,
Lòng cưu kinh tế, thiếu gì chước hay.
Thường rằng: Sáu khí ấy xây,
1710- Biến ra muôn bệnh, làm thầy phải lo.
Ra nghề cặn kẽ dạy cho,
Tây cơ ứng biến, tột mò gốc đau.
Mấy lời ca quyết truyền nhau,
Đều thầy ta đặt, trước sau cứu người.
1715- Chứng nào khúc mắc lầm người,
Nay ta tóm kể cho ngươi ghi lòng :

LXI.- Thương hàn kiến phong bệnh chứng ca
(Bài ca về bệnh thương hàn mà có triệu chứng bệnh thương phong)
Dịch nghĩa
Chứng này lạnh nhiều mà nóng ít,
Không bực bội trong mình, mà tay chân hơi lạnh,
Đó chính là bệnh thương hàn mà có triệuchứng bệnh thương phong.
Mạch thì Hoãn mà Phù, không thể nói khác được.
 

LXII.- Thương phong kiến hàn bệnh chứng ca
(Bài ca về bệnh thương phong mà có triệu chứng bệnh thương hàn)
Dịch nghĩa
Chứng này chân tay hơi ấm chớ coi lầm,
Phát nóng, sợ gió, lại thêm trong người bực bội.
Nếu lại thấy mạch đi Phù mà Khẩn,
Đó chính là bệnh thương phong mà có triệu chứng bệnh thương hàn.

LXIII.- Biểu nhiệt lý hàn bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh ngoài nóng trong lạnh)
Dịch nghĩa :
Người bệnh ngoài nóng nhưng lại thích mặc áo,
Lạnh ở trong xương, nóng chỉ ngoài da.
Trong lạnh ngoài nóng, mạch đi Trầm, Hoãn,
Tay chân hơi giá, đại tiện lỏng.
(Những chứng âm (lạnh) mà lại phát nóng,Thì thang Tứ nghịch thật đúng là thuốc chữa).

LXIV.- Biểu hàn lý nhiệt bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng của bệnh ngoài lạnh trong nóng)
Dịch nghĩa :
Mình lạnh lại không muốn mặc áo,
Lạnh ở ngoài da, nóng trong xương tủy.
Ngoài lạnh, trong nóng, mạch đi Trầm, Sác,
Miệng ráo, lưỡi khô, nên rõ như vậy.
(Cho nên lúc gặp chứng về Thiếu âm sợ lạnh,Trong người bứt rứt, không muốn mặc áo, nên dùng thuốc công)

LXV.- Âm chứng tự dương bệnh ca
(Bài ca về bệnh âm chứng tự dương)
Dịch nghĩa :
Âm chứng tựa dương nên nhận rõ,
Buồn bực, bứt rứt, mặt đỏ, mình hơi nóng. Đó là âm lạnh phát buồn bực, nên dùng thuốc ôn (ấm).
Bệnh ấy bộ Xích và Thốn mạch đi Vi và Trầm, nói cho anh biết.

LXVI.- Dương chứng tự âm bệnh ca
(Bài ca về bệnh dương chứng tựa âm )
Dịch nghĩa :
Dương chứng tựa âm, lấy gì mà lường biết,
Chân tay lạnh giá, tiểu tiện đỏ,
Đại tiện thì hoạc bón, hoặc đen,
Bệnh ấy mạch đi Trầm, Hoạt, anh nên rõ.

LXVII.- Vưu quyết chứng ca
(Bài ca về chứng giun sân)
Dịch nghĩa :
Đói mà chẳng ăn, đó là bệnh giun sán,
Ăn xong lại vì thế mà thổ ra giun.
Đó là vì trong dạ dày vốn bị lạnh tích tụ lại,
Nên dùng thang Lý trung, Tứ nghịch và Ô mai.

LXVIII.- Yết hầu bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh yết hầu)
Dịch nghĩa :
Phát ban, khạc ra máu là chứng dương độc,
Nếu là chứng âm độc thì trong cổ ắt có mụn.
Bệnh này ra mồ hôi nhiều, các mạch âm dương(Xích Thốn) đều đi Khẩn và Sác,
Phép để trị bệnh đau cổ họng gọi là vong dương.

LXIX.- Thương hàn tổng luận ca
(Bài ca tổng luận về thương hàn )
Dịch nghĩa :
Muốn hỏi về bệnh thương hàn,
Trước hết nên định rõ tên.
Dương kinh phần nhiều mình nóng,
Âm chứng ít bị nhức đầu.
Bổ dương nên dùng thuốc chín,
Thuốc tốt, sống chẳng hề gì.
Rành rành việc trong lòng,
Xa xa dưới đầu ngón tay.
Sách Bách vấn quả đã rõ ngọn ngành,
Sàch Thiên kim nên lấy làm khuôn mẫu,
Các bậc danh hiền nghĩ cách giúp đời,
Tên đã chua trong sách tiên.

LXX.- Phát cuồng bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh phát điên)
Dịch nghĩa :
Bứt rứt, buồn bực, nói nhảm, mặt đỏ,
Nóng dữ, cổ đau gọi là Trùng dương.
Lại chữa bằng phép chữa dương độc,
Dùng các vị Đình lịch, Thăng ma và Đại hoàng,

LXXI.- Hoắc loạn bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh hoắc loạn)
Dịch nghĩa :
Chân tay co quắp, lại thêm lạnh giá,
Phát nóng, thêm lạnh, dùng thang Tứ nghịch.
Ỉa mửa đã cầm rồi mà mình còn đau,
Dùng thang Quế chi hòa giải là tốt nhất.

LXXII.- Bất khả hãn bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng các bệnh không thể phát hãn được)
Dịch nghĩa :
Mạch đi Nhược là vô dương, đi Trì là thiếu máu
Bệnh thấp ôn, chứng phát nấc, mệt mỏi và bứt rứt,
Đàn bà bị khi vừa có kinh,
Những người khi bị động cùng là hư nhược rất không nên dùng thuốc phát hãn.

LXXIII.- Bất khả hạ bệnh chứng ca
(Bệnh ca về triệu chứng các bệnh không thể dùng thuốc xổ được)
Dịch nghĩa :
Mạch đi Phù, Hư, Tế lại có các chứng biểu,
Nôn mửa, sợ lạnh, không thể trung tiện được,
Đại tiện rắn, táo, tiểu tiện trong,
Hoặc ít, hoặc nhiều, hoặc đại tiện lỏng.

LXXIV.- Phúc thống bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng các bệnh đau bụng)
Dịch nghĩa :
Bệnh thương hàn đau bụng phải xem cho rõ,
Có chứng hư, chứng thực, có chứng âm, chứng dương,
Bệnh về kinh Thái dương mà xổ thì sinh ra đau ruột,
Nên dùng thang Quế chi thêm Thược dược, nếu đau quá thì thêm Hoàng
Bệnh về kinh Thiếu âm mà đau ruột thì tháo dạ rất nhanh.
Nên dùng thang Tứ nghịch thêm Thược dược,
Đau trong ruột nên xem người bệnh già hay trẻ,
Nếu là thực thì dùng thang Thừa khí rất hay,

LXXV.- Cước khí bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh cườc khí)
Dịch nghĩa :
Chứng cước Khí tương tự chứng thương hàn,
Đầu nhức, mình nóng, đại tiện bì,
Càc khớp chân tay đau, thêm cả nôn ọe,
Chỉ khác ở chỗ bệnh cước khí khó co chân tay hơn.

Tiều rằng : Trước đạo hữu truyền,
Năm tạng, sáu phủ, lệ biên đủ chừng
Tuy rằng bệnh, mạch rõ phân,
1720- Chỉ ư cùng thực chưa từng biện minh.

Môn rằng: Người chịu khí sinh,
Ốm, gầy, béo, chắc, vóc hình khác nhau.
Vậy nên tạng phủ chịu đau,
Chứng hư, chứng thực lố màu tựa như.
1725-Thực là khí thịnh có dư,
Hư là bất túc, lừ đừ ốm o.
Can thực thời hay giân lo,
Hai tròng mắt đỏ, nét co sảy sần.
Can hư dưới nách giựt gân,
1730- Móng tay khô biếc, phăn phăn ê hoài,
Tâm thực thời mừng cười dai,
Nhức trong cánh nách, xuống dài hông đau.
Tâm hư sợ sệt lao chao,
Cứng trong gốc lưỡi, mặt sầu thương lo.
1785- Tỳ thực thời bụng đầy no,
Nặng nề mình mẩy, mỏi giò, lộ hung.
Tỳ hư bốn vóc chảng dùng,
Ít ăn, nhiều ỉa, ẩu lung, ruột lồi.
Phế thực thời suyễn ho đồi,
1740- Vai lưng vế nhức, buồn hôi ra dầm.
Phế hư hơi thở vắn trầm,
Miệng khô mũi nhức rên ngâm mạc hình.
Thận thực thời dạ trướng bành,
Đái vàng, ỉa rót, thủng hình, mặt thâm.
1745- Thận hư lạnh lẽo như dầm,
Lưng co đau nhức ầm ầm tai kêu.
Chứng trong năm tạng chẳng đều,
Bệnh ngoài sáu phủ cũng nêu khác chừng.
Đảm thực thời khí mộc hừng,
1750- Trong minh hồi hộp ngập ngừng chẳng an.
Đảm hư hay ẩu nước toan,
Đắng mồm nhăn nhò, mơ màng luống nghi.
Tiểu trường thực ắt hỏa suy,
Nóng khô khát uống, dưới đì nhỉ vung.
1755- Tiểu trường hư ắt lạnh lùng,
Mấy lèo ruột nhỏ hơi sùng sục đau,
Vị là chỗ chứa cơm rau,
Thực thời bụng nhảy, no trào hơi nhăng.
Vị hư cơm chẳng chịu ăn,
1760- Ẩu lên hôi hám, ỉa rằng chẳng tiêu.
Đại trường thực khí kim nhiều,
Ruột như dao cắt chín chiều quặn đau.
Đại trường hư, ắt trống sau,
Khách hàn vào ngụ, làm no ỉa liền.
1765- Bàng quang thực khí nước truyền,
Nóng ran khát uống, đan điền mếch chưng.
Bàng quang hư át lạnh dần,
Bào trơn đái láo không chừng chảy tuôn.
Tam tiêu là phủ hơi luồn,
1770- Uống ăn, tiêu hóa, nhờ luồng ba hơi.
Thực thời da sủi sững hơi,
Đái vàng, ỉa bón, là nơi thăm chừng.
Hư thời ngôi trống, hàn ngưng,
Đái xót, ỉa bón, ăn ngừng, chậm tiêu,
1775- Chứng đau hư, thực chẳng đều,
Bởi nơi tạng phủ bệnh nhiều khác nhau.
Hợp chia bệnh mới, bệnh lâu,
Bệnh già, bệnh trẻ, gan cầu thực hư,
Lâu cùng già ấy, nhiều hư,
1780-Mới mà trẻ ấy, thực dư hơi tà.
Rẽ phân biểu lý chia ra,
Hoặc hàn, hoặc nhiệt ở ta xét bàn.
Tóm câu biểu, lý, nhiệt, hàn,
Chẳng qua hư, thực nẻo đàng ấy thôi.
1785- Một lời ta dón ngươi ôi !
Thực thời tả thực, hư rồi bổ hư,
Dẫu lầm chứng thực làm hư,
Chứng hư làm thực khôn từ lỗi ngươi
Thực, hư, thầy thuốc giết người,
1790- Độc hơn ôn dịch bắt tươi oan hồn.
Nào lời đạo hữu dạy khôn,
Trong ngoài tạng phủ, phải dồn sánh coi.
Sánh coi tật bệnh mở mòi,
Đến khi trị liệt lại soi mạch hình.
1795- Trong, ngoài, hư, thực tỏ tình,
Mặc dầu đối chứng phẩm bình thuốc thang,
Bổ hư xưa đã sẵn phương,
Chỉn e tả thực lắm đường sai ngoa.
Các kinh đều có hỏa tà,
1800- Thuốc đi hỗn nghịch gây ra sự loàn,
Bùa linh thầy vẽ rõ ràng,
Cầm coi các đạo cứu an hỏa tà :

LXXVI.- Chư dược tả chư kinh chi hỏa tà
(Các vị thuốc trị hỏa tà ở các kinh mạch)
Dịch nghĩa :
Hoàng liên trị hỏa tà ở tim,
Chi tử, Hoàng cầm trị hỏa tà ở phổi,
Bạch thược trị hỏa tà ở lá lách,
Sài hồ, Hoàng liên trị hỏa tà ở gan và mật.
Tri mẫu trị hỏa tà ở thận,
Mộc thông trị hỏa tà ở ruột non.
Hoàng cầm trị hỏa tà ở ruột già,
Sài hồ, Hoàng cầm trị hỏa tà ở tam tiêu.
Hoàng bá trị hỏa tà ở bọng đái.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán