Vì tôi không ở trong ngành y, nên tôi cũng không dám “múa rìu qua mắt thợ” mà phải chờ để đọc số báo sau xem tác giả nêu vấn đề có trùng với ý định của mình không. Thật may Tạp chí Cây thuốc quý số 35 đăng bài của Dược sĩ Bùi Thị Trường viết ở góc độ khác.
Vậy tôi mạnh dạn viết bài này để bạn đọc và nhất là các nhà chuyên môn tham khảo.
Trước đây tôi làm ở ngành in (Nhà in Quân đội 1), sau khi nghỉ hưu, từ năm 1998 - 2001 tôi làm quản đốc phân xưởng gia công sau in của Nhà in Trẻ (nay là Nhà in Báo Nhi đồng). Trong thời gian này, nhà in thường in các loại sách của Nhà xuất bản Y học, cứ mỗi đầu sách tôi đều giữ lại một cuốn để đọc, một phần tìm hiểu xem trong sách người ta viết về cái gì, một phần kiểm tra xem trong quá trình gia công sản phẩm có sai sót gì không.
Trong số sách của Nhà xuất bản Y học mà tôi được đọc có cuốn “Hồi ký của một người thầy thuốc” phát hành tháng 9 năm 1998 - một trong những cuốn sách tôi yêu thích nhất, người chịu xuất bản cuốn sách này là bác sĩ Nguyễn Văn Cừ, người biên tập là ông Đặng Thế Vĩnh. Nội dung cuốn sách là hồi ký của Bác sĩ Trần Nam Tiến - nguyên Trưởng ty Y tế tỉnh Phú Thọ (2-1950), Bệnh viện phó bệnh viện 1 ở 21 Quán Thánh, Chủ nhiệm khoa A. Năm 1962 ông được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lấy từ Tổng cục Đường sắt về Viện Lao Trung Ương làm trợ lý nghiên cứu khoa học. Cuốn sách có 190 trang trong đó có 34 trang viết về “Dùng máu gà chữa bệnh”. Vì khuôn khổ bài viết có hạn tôi xin trích lược vắn tắt như sau:
Về xuất xứ Bác sĩ Trần Nam Tiến viết: ”Nhân một chuyến anh Thạch đi Trung Quốc có anh Lý Ban - Thứ trưởng Bộ Ngoại thương cùng đi, tôi được anh Thạch cử đi tháp tùng… Đến bệnh viện Trung tâm Bắc Kinh, một cảnh đập vào mắt tôi là thấy hàng người dài đến hơn 1 km xếp hàng đôi trước cửa một khoa của bệnh viện, mỗi người có một con gà kẹp ở nách đợi đến lượt vào chữa bệnh bằng máu gà, hỏi bà con chữa bệnh gì thì bà nói là chữa mắt, người nói là chữa thiếu máu, suy nhược…
Nhưng về cơ chế của máu gà trong điều trị thì không ai được tiết lộ cho tôi biết vì Bộ Vệ sinh (tức Bộ Y tế) của Trung Quốc đã có văn bản xếp máu gà vào phương pháp tuyệt mật của Quốc gia, không ai được phép tiết lộ…
Cuối cùng khi ra về, dưới sự giúp đỡ của bà Lý Ban tôi cũng chỉ xin được tài liệu ghi các bệnh mà dùng máu gà chữa khỏi (Bà Lý Ban là vợ đồng chí Lý Ban Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, bà là người Trung Quốc, lúc đó (1966) là uỷ viên Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc).
Tài liệu thống kê có 130 loại bệnh được chữa bằng máu gà, cụ thể quy vào các nhóm:
- Các bệnh về mắt
- Các bệnh về suy nhược thần kinh
- Các bệnh về xuất huyết
- Các bệnh rối loạn nội tiết
Năm 1967 bài thuốc được Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đồng ý cho áp dụng ở Việt Nam. Cuối năm 1967 bác sĩ Tiến về phòng y tế Từ Liêm để bệnh nhân tập trung ở đơn vị huyện cho tiện theo dõi.
Vừa khai trương được vài tuần thì lãnh đạo phòng y tế Từ Liêm đã có thông tri do Bác sĩ Đào Tiến – phó phòng y tế huyện ký - gủi các xã là “không chịu trách nhiệm về những ai tiêm máu gà mà có tử vong”. Nhưng vì đã được nghiên cứu kỹ ở Bắc Kinh, lại được sự đồng ý của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch nữa nên tôi (Bác sĩ Tiến) vẫn tiến hành chữa bệnh bằng máu gà ở Viện Lao Từ Liêm - nơi tôi chọn làm trụ sở.
Sau ba năm bác sĩ Tiến đã tiêm máu gà cho 5000 người bệnh thuộc các loại bệnh - 1 ca đái dưỡng trấp
- 2 ca mắt giảm thị lực phải về hưu sớm được trở lại công tác.
- Nhiều ca suy nhược thần kinh
- 1 ca suy tuỷ đỏ.
- Còn lại bệnh nhân khái huyết, xuất huyết do giãn phế quản ho ra máu, đái ra máu, nôn ra máu, hai chị em gái bị bệnh bẩm sinh (hémogénie).
Lý giải về cơ chế, tác dụng của máu gà bác sĩ Tiến viết: “Trong thông báo của Bộ Vệ sinh Trung Quốc do anh Lý Ban (Thứ trưởng Bộ Ngoại thương VN) viết tay bằng chữ Trung Quốc và dịch ra tiếng Vịêt, tóm tắt có những ý chính:
1- Ký hiệu của máu gà ghi trong bệnh án điều trị là B102 có lẽ vì tác dụng bổ máu gấp 10 lần B12.
2 - Phương pháp điều trị này có trên 4000 năm trong dân gian.
3 - Đây là phương pháp độc đáo của Trung y, được xếp vào tài sản tuyệt mật của Quốc gia.
4 - Có tác dụng chữa trên 130 loại bệnh, không có biến chứng nguy hiểm tức thì cũng như về sau.
Vì là phương pháp giữ tuyệt mật nên không xin được tài liệu về cơ chế tác dụng, nhưng căn cứ vào tính chất của máu gà đăng trong các sách về thú y của Pháp, Anh, Đức, cộng với các xét nghiệm của tôi (B/S Tiến) được trường Đại học Nông nghiệp giúp đỡ đã thử máu hàng vạn con gà ở Việt Nam, nên sau 3 năm tiêm cho 5000 người bệnh rút ra:
- Máu gà thuộc nhóm máu O, tất cả những người có nhóm máu khác cũng có thể dùng được không lo phản ứng phản vệ.
- Tiêm máu gà không bao giờ bị áp xe (tất nhiên dụng cụ tiêm phải được vô trùng).
Trong hồi ký Bác sĩ Tiến cũng hướng dẫn cách chọn gà, làm chuồng, cho gà ăn, cách lấy máu… Cùng với 8 bệnh án có tên, địa chỉ cụ thể của những người được chữa khỏi bệnh bằng máu gà.
Ngoài chương nói về máu gà Bác sĩ Tiến còn phổ biến 25 bài thuốc chữa bệnh khỏi nhanh bằng lá thuốc Việt Nam xem ra cũng rất hay như chữa hóc xương, làm tan sỏi mật, xơ gan cổ trướng, chữa thủng dạ dày bằng da trâu…
Cuốn hồi ký này cũng đăng ba bức thư của bác sĩ Phạm Ngọc Quế (danh nghĩa hội đồng khoa học của Bộ y tế) đề các ngày 30 - 6 - 1970, 3 - 9 -1970, 20 -11-1970, trao đổi với Bác sĩ Tiến về việc nghiên cứu máu gà trong điều trị, trong bức thư ngày 3 - 9 - 1970 Bác sĩ Quế viết: “Kính gửi anh Tiến, anh Cầu (tức Hoàng Đình Cầu) - Bác sĩ Thứ trưởng thường trực - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ đã xem xong, xin trả lại anh 33 hồ sơ bệnh án để anh tiếp tục điều trị theo dõi, riêng tôi ghi tên 33 bệnh nhân sẽ trả lại sau để xem ý kiến của bà con ra sao”
Về nguyên nhân, Bộ y tế chưa có văn bản để hợp pháp hoá việc nghiên cứu dùng máu gà chữa bệnh, Bác sĩ Tiến viết:” Sau khi bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch mất ở chiến trường B, ban lãnh đạo mới ở Bộ chưa nắm được. Các anh có cho theo dõi nghe ngóng dư luận chỉ thấy các bệnh nhân được tiêm đều ca ngợi, không có phản ứng xấu nên Bộ cũng yên tâm. Một vài đồng nghiệp có hoài nghi nhưng công việc nghiên cứu vẫn không vì thế mà ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do không có văn bản chính thức của Bộ nên đến năm 1976 tôi (BS Tiến) về hưu, nhóm 6 người chúng tôi đều ngưng hoạt động”.
Bác sĩ Trần Nam Tiến viết hồi ký này năm 1995 lúc 78 tuổi chắc đến hôm nay bác là người thiên cổ rồi, còn tôi là người “ ngoại đạo” có sưu tầm chép lại cũng chỉ biết vậy mà thôi, nhất là trong lúc đại dịch H5N1 này, thịt gà còn chẳng giám ăn huống chi là tiêm máu vào người. Vậy tin hay không là tuỳ ở mỗi người. Riêng tôi thì tin lắm bởi vì người giới thiệu cuốn sách này là ông Vũ Đình Hoè nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên và Bộ trưởng Bộ Tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đại biểu Quốc hội khoá1
Nguồn tin: Caythuocquy.info.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn