07:10 ICT Thứ hai, 09/12/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Y Án » Trúng Phong

Liên hệ

LIỆT MẶT – ĐÔNG Y

Thứ năm - 29/12/2011 08:45
Thường gặp nhất là liệt mặt ngoại biên do lạnh (80%). Đa số các trường hợp liệt mặt (liệt dây TK VII) do lạnh, do xung huyết, điều trị bằng châm cứu đem lại kết quả tốt.

21 Tháng 4

LIỆT MẶT

(Diện Thần Kinh Ma Tý – Facial Paralysis)

 

I.ĐẠI CƯƠNG

  • Bệnh được đặt tên theo ông Charles Bell (1774-1842), người tìm ra nó.
  • Theo “Triệu Chứng Học Nội khoa”: Liệt mặt là hiện tượng mất hoặc giảm vận độc nửa mặt của những cơ bản da ở mặt do dây TK VII chi phối.
  • Liệt mặt ngoại biên là tổn thương được tính từ nhân dây VII trong cầu não, liệt mặt trung ương là những tổn thương được tính từ trước nhân trở lên. Những trường hợp liệt dây VII’ do nhân bọt trên không thuộc trường hợp này.
  • YHCT gọi là khẩu nhãn Oa Tả, Khẩu tịch, Diên nan (Than), Phong điếu tuyến, Diện Thần Kinh Ma Túy,
  • Tuổi: Tuổi nào cũng có thể phát bệnh, ở cả hai giới nhưng thường gặp ở thanh và tráng niên. Bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh
  • Rất thích hợp với phương pháp Châm Cứu, áp dụng châm cứu càng sớm, hiệu quả càng nhanh và càng cao.
  • Bệnh có đặc điểm là phục hồi nhanh, song dễ để lại di chứng về vận động, thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
  • Thường gặp nhất là liệt mặt ngoại biên do lạnh (80%). Đa số các trường hợp liệt mặt (liệt dây TK VII) do lạnh, do xung huyết, điều trị bằng châm cứu đem lại kết quả tốt. Các trường hợp liệt do nhiễm khuẩn hồi phục chậm hơn. Liệt dây TK VII ngoại biên do cảm lạnh dễ phục hồi hơn do chấn thương.

II.GIẢI PHẪU

Đường đi và phân bố của dây thần kinh số 7 hay dây thần kinh mặt.
I.Điểm xuất phát của TK mặt ở trong cầu não.
II.Điểm thoát của dây TK mặt ra khỏi hộp sọ qua lỗ trâm chũm.
1, nhánh thái dương.
2, nhánh gò má.
3, nhánh mặt.
4, nhánh hàm dưới.
5, nhánh cổ.

Về đặc điểm dây thần kinh số 7, hay còn gọi là dây thần kinh mặt, là một dây thần kinh hỗn hợp vừa điều khiển vận động vừa là dây thần kinh cảm giác, từ trong sọ não thoát ra nền sọ đi cùng với dây thần kinh số 8 qua tai trong, sau đó TK7 chui qua một ống xương hẹp gọi là ống Fallop, sau đó thoát ra ngoài nền sọ qua qua lỗ trâm chũm.

Như vậy tổn thương dây thần kinh số 7 phía trước ống Fallop được gọi là tổn thương dây thần kinh 7 trung ương; và tổn thương từ đoạn ống Fallop trở ra thì gọi là tổn thương thần kinh 7 ngoại biên.

Theo mô tả của Fuller và đồng nghiệp, dây thần kinh 7 ngoại biên khi thoát ra khỏi lỗ trâm chũm thì chạy rất nông cho đến nhánh xương hàm dưới, sau đó nó đi vào tuyến mang tai và tại đó nó phân làm ba nhánh chính để phân bổ về các cơ mặt Đó là nhánh gò má (bao gồm nhánh thái dương và gò má), nhánh miệng và nhánh hàm dưới (bao gồm nhánh hàm dưới và nhánh cổ).

Tuy nhiên các nhánh tận và nhánh phụ của dây TK7 có thể lên đến 7000 nhánh nhỏ dẫn đến khắp mặt, cổ, các tuyến nước bọt và ống tai ngoài. Các dây thần kinh này kiểm soát vận động của các cơ vùng cổ, trán và cơ biểu lộ cảm xúc vùng mặt, cũng như kiểm soát cường độ phát âm. Dây TK7 cũng đóng vai trò kiểm soát bài tiết nước mắt, nước bọt vùng trước miệng. Kiểm soát vị giác của 2/3 lưỡi phía trước và cảm giác vùng ống tai ngoài. Tại chỗ phân chia, nhánh thái dương và nhánh gò má chạy dốc lên, nhánh miệng và đặc biệt là các nhánh xương hàm dưới chúi xuống dưới, chạy lên trên hoặc ra sau ngành xương hàm dưới cho nên dễ bị tổn thương khi có sức ép đè vào vùng này. Thêm nữa, tổn thương có thể xảy ra khi có tác động kéo xương hàm dưới ra phía trước làm cho nhánh dây thần kinh mặt đoạn xương hàm dưới bị kéo dãn.

 

Theo mô tả qua 20 lần phẫu tích dây TK7 của Lisitsyn thì có một số sự khác biệt trong cấu trúc giải phẫu phân bố các nhánh của dây thần kinh này.
• Thứ nhất, chỗ phân nhánh có thể cao hay thấp tuỳ theo vị trí cao hay thấp của tuyến mang tai.
• Thứ hai, dây thần kinh có thể nằm nông hơn so với tuyến.
• Thứ ba, các nhánh xương hàm dưới đôi khi chạy ở vị trí thấp hơn bình thường, khi nó nó ôm vòng quanh mép chỗ góc của xương hàm.

Do đó khi đè nén vào vùng xương hàm dưới có thể gây tổn thương nhánh xương hàm dưới. Nhánh xương hàm dưới có chức năng điều phối các cơ của môi dưới, cho nên các thương tổn có thể hay gặp ở môi dưới hơn; cũng như các tổn thương nhẹ như nói khó, ăn uống khó. Tuy nhiên các nơi khác cũng có thể gặp tuỳ theo nhánh nào của dây thần kinh 7 bị ảnh hưởng.

http://www.bellspalsy.ws

III.PHÂN LOẠI

1. Theo YHCT: (Sách Triệu Chứng Học Nội Khoa)
Dựa vào cấu tạo giải phẫu học của dây VII, chia làm 2 loại:

  • Liệt mặt thể trung ương: do tổn thương phía trên nhân của dây VII, thường kèm liệt nửa người. Không có dấu hiệu Charles Bell, không bao giờ tiến triển sang thể co cứng.
  • Liệt mặt thể ngoại biên: do tổn thương hoặc ở ngay nhân nằm trong cầu não hoặc ở đoạn tận cùng phía ngoài. Thường liệt cả mặt trên lẫn mặt dưới, có dấu hiệu Charles Bell, có thể tiến triển thành thể cứng.

2. Theo YHCT:
YHCT dựa theo nguyên nhân gây bịnh, chia làm 3 loại:

  1. Liệt mặt do phong hàn (liệt dây TK VII ngoại biên do lạnh).
  2. Liệt mặt do phong nhiệt (liệt dây TK VII ngoại biên do nhiễm khuẩn).
  3. Liệt mặt do huyết ứ ở kinh lạc (liệt dây TK VII ngoại biên do sang chẩn).

IV.NGUYÊN NHÂN
1.Theo YHHĐ:
1- Liệt dây TK VII thể trung ương.

  • Thường do tổn thương ở 1 bên bán cầu não: nhũn não, chảy máu não, khối u não…
  • Hội chứng Millard-Gubler tuy liệt mặt thể ngoại biên nhưng vẫn kèo theo liệt nửa người với dấu hiệu Babinski bên đối diện của mặt liệt.
  • Do u não: U ở cầu não, u góc cầu tiểu não. U nền sọ: chú ý tới u màng não ở nền sọ.
  • Biến chứng thần kinh của u vòm họng.
  • Viêm màng não, nhất là viêm màng não do lao.

2- Liệt dây TK VII thể ngoại biên
Dựa theo vị trí từ nhân ra đến chỗ tận cùng của dây TK VII, có thể do:

  • Các nguyên nhân ở tai: Viêm tai giữa cấp hoặc mạn, viêm xương đá, viêm tai xương chũm
  • Viêm tuyến mang tai
  • Chấn thương vùng xương đá: ở ngoài lớn do vỡ xương đá, ở trẻ sơ sinh do can thiệp sản khoa (do kẹp Foxcep, khung chậu người mẹ hẹp…).
  • Nhiễm virut (virus herpes simplex týp I và virus herpes zoster)
  • Viêm màng não dầy dính, làm tổn thương TK từ rãnh hành tủy- cầu não đến ống tai trong.
  • Do giang mai, viêm nhiễm dây TK
  • Bệnh bại liệt trẻ em (Polye-liệt dây VII hai bên – thể thân não của bệnh bại liệt, liệt hai bên nửa mặt và thường gặp ở trẻ em)
  • Uốn ván mặt của Rase… các thể này hiện nay rất ít gặp.
  • Zona hạch gối (zona nhân gối): Zona là bệnh cấp tính do virus hướng thần kinh phạm vào hạch gối gây liệt mặt đột ngột. Đặc điểm là phát ban: ban đỏ, mụn nước ở quanh vành tai, vùng viền ống tai ngoài; có thể phạm cả vùng dây VII nên có thể có ban đỏ, mụn nước mọc ở 2/3 trước lưỡi. Cần chú ý đừng để vỡ mụn nước, vì sẽ làm dải ban đỏ, mụn nước lan rộng gây chèn ép nhiều nơi.
  • Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ…
  • Nguyên nhân do lạnh chiếm 80%. Liệt dây VII ngoại biên “do lạnh”. Thường gặp với bệnh cảnh đột ngột, sau khi tiếp xúc với trời lạnh, ngáp và bị liệt có thể đó là do nhiễm khuẩn tiềm tàng, biểu hiện ra do lạnh…

2.Theo YHCT:

  • Do tà khí Phong Hàn xâm phạm vào 3 kinh Dương ở mặt (Thủ dương minh Đại trường, Túc dương, minh Vị, và Túc thái dương Bàng quang) làm cho sự lưu thông của kinh khí bị bế tắc, khí huyết không thông, kinh Cân bị thiếu dinh dưỡng, không co lại được gây ra bệnh.
  • Do sang chấn (chấn thương) làm huyết bị ứ trở kinh lạc, khí huyết không điều hòa, kinh cân thiếu dinh dưỡng không co lại được gây ra bệnh.

VII.TRIỆU CHỨNG

1.Theo Y học hiện đại:

 

• Mặt mất cân xứng: mặt bị kéo lệch sang bên lành, bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn trán, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành (các cơ mặt không thể cử động theo ý muốn, nên vui buồn không lộ, khó diễn tả tình cảm bằng nét mặt nên có hình ảnh của nét mặt vô vảm (loss of facial expression). Sự mất cân xứng càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như khi cười, khi nhe răng, phồng má, thổi lửa, huýt sáo miệng méo lệch sang bên lành.

  • Mặt bên liệt trông như mặt nạ, nét mặt vô cảm
  • Mất hoặc mờ nếp nhăn trán
  • Mất hoặc mờ rãnh mũi má
  • Nhân trung lệch về bên lành
  • Miệng lệch về bên lành
  • Sự mất cân xứng rõ hơn khi bệnh nhân nhe răng, phồng má, thổi lửa, huýt sáo

 


Mắt nhắm không kín ở bên liệt, khi nhắm đồng tử di chuyển lên trên và ra ngoài để lộ một phần lòng trắng gọi là dấu hiệu Charle Bell dương tính.

 

Nói khó
Lưỡi lệch về bên liệt (do cơ lưỡi bên lành đẩy sang bên liệt)
Uống nước, nước chảy ra ngoài phía bên bệnh, ăn cơm thức ăn thường kẹt giữa răng và má ở bên bệnh
• Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như

  • Cảm giác tê một bên mặt
  • Mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi
  • Khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn.
  • Trường hợp liệt hoàn toàn: Có phần lớn các triệu chứng như trên
  • Trường hợp liệt nhẹ: Thường khó thấy sự không cân đối của mặt, cần phải thăm khám tỉ mỉ, kiên trì mới phát hiện được. Yêu cầu người bịnh nhắm thật chặt 2 mắt, ta thấy 2 lông mi bên liệt có vẻ dài hơn, do mắt bên liệt không co được chặt.

Phân biệt với liệt mặt trung ương: liệt VII trung ương chỉ liệt 1/2 mặt dưới và không có dấu hiệu Charle Bell không mất nếp nhăn trán.
• Bệnh có đặc điểm là phục hồi nhanh, 70-80% trường hợp mắc bệnh thường tự khỏi sau khoảng 1-3 tháng. Nhưng một số ca tiến triển xấu do chẩn đoán và điều trị sai, gây biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc (do mắt nhắm không khép kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm trùng), co giật cơ mặt (do hồi phục thần kinh không hoàn toàn) hoặc co cứng nửa mặt (do dây thần kinh thoái hóa).

2.Theo YHCT:

  • Thể phong hàn: Sau khi gặp mưa hoặc gió lạnh hoặc sáng sớm thức dậy, tự nhiên mắt không nhắm được, miệng méo cùng bên với mắt, nước uống vào dễ bị chảy ra ngoài, không huýt sáo được, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch Phù Khẩn.
  • Thể phong nhiệt: Sốt sợ gió, sợ nóng, mắt không nhắm được, miệng méo cùng bên, nước uống vào dễ bị chảy ra, không huýt sáo được, rêu lưỡi trắng dầy, mạch Phù Sác. Thường do nhiễm khuẩn.
  • Thể huyết ứ: Mắt không nhắm được, miệng méo, đau nhức ở mặt. Thường do di chứng sau chấn thương: té ngã, sau khi mổ vùng chũm, hàm…

VII.ĐIỀU TRỊ
1.Điều trị tây y

  • Kháng sinh: Ampicillin 1-2g/ngày
  • Prednisolon, Alpha chymotrypsin
  • Vitamin nhóm B như B1, B6, đặc biệt là mecobalamin: một dẫn xuất của Vitamin B12 có tác dụng thúc đẩy phục hồi dây thần kinh bị tổn thương hoặc Vitamin B1 liều cao: 0,025g-10 ống/ ngày, cho dài ngày.
  • Thường xuyên nhỏ mắt bằng dung dịch chloramphenicol trong trường hợp nặng. Hoặc dùng nước mắt nhân tạo. Không được dùng strychnine vì dễ chuyển sang co cứng.
  • Các thuốc giãn mạch: Cavinton

Chất steroid, như thuốc Prednisone, có giúp gì trong việc chữa bệnh liệt dây VII ngoại vi, đến nay, chưa ai dám quyết. Chưa có những khảo cứu cho thấy, khi bị liệt liệt dây VII ngoại vi, chất steroid rõ ràng giúp sự hồi phục nhanh hơn, hoặc hoàn toàn hơn. Dẫu vậy, chất steroid hay được các bác sĩ dùng để chữa bệnh liệt dây VII ngoại vi, may ra nó có giúp chút nào hay chút nấy.

Theo một tài liệu, khuynh hướng chữa trị liệt liệt dây VII ngoại vi hiện tại: nếu người bệnh đến khám sớm, triệu chứng chưa quá một tuần, nên dùng Prednisone (60-80 mg mỗi ngày)  trong 1 tuần.

Cũng vì khám phá cho thấy, siêu vi trùng herpes có lẽ là nguyên nhân gây bệnh liệt liệt dây VII ngoại vi, nên có bác sĩ dùng thêm thuốc diệt siêu vi herpes có tên Zovirax (acyclovir), với lượng 200 mg 5 lần mỗi ngày, cho đủ 10 ngày. Chữa trị này cũng vậy, chưa có những bằng chứng vững chắc cho thấy có thực sự giúp hay không. Gần đây, có thuốc Valtrex mới hơn, thường được sử dụng với lượng 1 gram ngày uống 3 lần trong 1 tuần.

2.Điều trị bằng Đông y
2.1.Châm cứu

 

  • Vùng Mắt-Trán: Thái dương (Nk), Toản trúc (Bq 2), Tình minh (Bq 1), Dương bạch (Đ.14), Ngư yêu (Nk), Đồng tử liêu.
  • Vùng Mũi – Nhân trung: Nghinh hương (Đtr 20), Nhân trung (Đc.26).
  • Vùng Má: Giáp xa (Vi 6), Địa thương (Vi 4), Hạ Quan, Quyền liêu, Tứ bạch
  • Vùng Cằm: Thừa tương (Nh.24).
  • Các huyệt khác: Hợp cốc, Phong trì, Ế phong, Túc Tam Lý, Nội Đình, Khúc trì, Huyết hải

Vì 3 đường kinh dương tuần hành trên mặt, kinh thủ Dương minh đại trường, kinh túc Dương minh vị và kinh thủ Thái dương bàng quang nên châm huyệt Hợp cốc, Khúc trì đối diện để thanh nhiệt, sơ điều kinh khí kinh thủ dương minh, châm huyệt Nội đình, Túc tam lý cùng bên để sơ điều kinh khí kinh túc dương minh-theo cách lấy huyệt ở xa. Châm các huyệt tại chỗ để sơ thông kinh khí vùng mặt bị bệnh. Phong trì, Ế phong để sơ phong hàn. Nội Đình, Khúc trì thanh nhiệt. Huyết hải hoạt huyết.

Có thể châm xuyên các huyệt: Toản trúc xuyên Tình minh, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Đồng tử liêu xuyên Thái dương, Địa thương xuyên Giáp xa

Châm huyệt Hợp cốc đối diện, Nội đình, Túc tam lý cùng bên.

Huyệt Ế phong là chủ yếu vì đó là nơi chưa chia nhánh của dây VII, không được thủy châm vào huyệt này, không châm sâu quá 1 cm.

 

Tham khảo
1-Châm Cứu Học Thượng Hải : Sơ thông kinh khí ở vùng mặt và má.
• Huyệt chính : Phong Trì (Đ.20) + Dương Bạch (Đ.14) + Địa Thương (Vi.4) + Tứ Bạch (Vi.2) + Hợp Cốc (Đtr.4) .
• Huyệt phụ : Nhân Trung (Đc.26) , Hiệp Thừa Tương, Thái Dương, Hạ Quan (Vi.7), Túc Tam Lý (Vi.36), Nội Đình (Vi.44) , Hòa Liêu (Đtr.19) .
o Tứ Bạch pHải châm thẳng hoặc xiên từ trên xuống dưới, Dương Bạch pHải xuyên thấu Ngư Yêu, Địa Thương, xuyên Giáp Xa. Trừ Hợp Cốc ra, Các huyệt khác đều châm bình.
o Ý Nghĩa : Dương Bạch, Địa Thương, Tứ Bạch, Nhân Trung, Hiệp Thừa Tương, Thái Dương, Hạ Quan, Hoà Liêu đều ở vùng Thần kinh mặt chi phối, là các huyệt cục bộ, để sơ thông kinh khí vùng bịnh; Phong Trì để sơ Phong hàn; Hợp Cốc, Túc Tam Lý, Nội Đình để sơ thông kinh khí ở kinh Dương minh vận hành qua mặt), theo cách lấy huyệt ở xa.

2-Thính Hội (Đ.2) + Giáp Xa (Vi.6) + Địa Thương (Vi.4) , méo bên pHải cứu bên trái và ngược lại, mỗi huyệt cứu 27 tráng (Tư Sinh Kinh).

3-Giáp Xa (Vi.6) + Địa Thương (Vi.4) (Châm Cứu Tụ Anh).

4-Địa Thương (Vi.4) + Giáp Xa (Vi.6) + Nhân Trung (Đc.26) + Hợp Cốc (Đtr.4) . Nếu sau nửa tháng hoặc 1 tháng bị tái phát thì châm Thính Hội (Đ.2) + Thừa Tương (Nh.24) + Ế Phong (Ttu.17) (Châm Cứu Đại Thành).

5-Giáp Xa (Vi.6) + Địa Thương (Vi.4) + Thuỷ Câu (Đc.26) +Thừa Tương (Nh.24) + Thính Hội (Đ.2) + Hợp Cốc (Đtr.4) (Loại Kinh Đồ Dực).

6-Ôn Lưu (Đtr.7) + Thiên Lịch (Đtr.6) + Nhị Gian (Đtr.2) + Nội Đình (Vi.44) (Phổ Tế Phương).

7-Giáp Xa (Vi.6) + Thuỷ Câu (Đc.26) + Liệt Khuyết (P.7) + Thái Uyên (P.9) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Nhị Gian (Đtr.2) + Địa Thương (Vi.4) + Ty Trúc Không (Ttu.23) (Thần Ứng Kinh).

8-Dương Bạch (Đ.14) + Ty Trúc Không (Ttu.23) + Tứ Bạch (Vi.2) + Địa Thương (Vi.4) , đều châm xiên, Hợp Cốc (Đtr.4) (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

9-Giáp Xa (Vi.6+, Địa Thương (Vi.4) + Quyền Liêu (Ttr.18) + Đồng Tử Liêu (Đ.1) + Dương Bạch (Đ.14) +Hợp Cốc (Đtr.4) + Nội Đình (Vi.44) [đều tả , châm phía đối diện] (Châm Cứu Trị Liệu Học).

10-Thuỷ Câu (Đc.26) + Địa Thương (Vi.4) + Giáp Xa (Vi.6) + Hợp Cốc (Đtr.4) (Trung Hoa Châm Cứu Học).

11-Ế Phong (Ttu.17) + Thiên Dung ((TTr.17) + Thính Hội (Đ.2) + Cự Liêu (Vi.3) + Tứ Bạch (Vi.2) + Toàn Trúc (Bq.2) + Ty Trúc Không (Ttu.23) + Khúc Mấn (Đ.7) + Giáp Xa (Vi.6) + Đồng Tử Liêu (Đ.2) + Địa Thương (Vi.4) + Hoà Liêu (Ttu.22) (Tân Châm Cứu Học).

12-Nhóm 1 : Dương Bạch (Đ.14) + Đầu Duy (Vi.8) + Ế Phong (Ttu.17) + Giáp Xa (Vi.6) +Địa Thương (Vi.4) + Hạ Quan (Vi.7) + Quyền Liêu (Ttr.18) + Đại Nghênh (Vi.5) + Thừa Tương (Nh.24) + Phong Trì (Đ.20) + Đại Chùy (Đc.14) + Uyển Cốt (Ttr.4) + Kiên Trung Du (Ttr.15) + Kiên Ngoại Du (Ttr.14) + Thủ Tam Lý (Đtr.10) + Hợp Cốc (Đtr.4) .
Nhóm 2 : Địa Thương (Vi.4) + Thượng Quan (Đ.3) + Hạ Quan (Vi.7) + Giáp Xa (Vi.6) + Đồng Tử Liêu (Đ.1) + Tứ Bạch (Vi.2) + Cự Liêu (Vi.3) + Ế Phong (Ttu.17) + Ty Trúc Không (Ttu.23) + Toàn Trúc (Bq.2) .
Nhóm 3 : Địa Thương (Vi.4) + Giáp Xa (Vi.6) + Gian Sử (Tb.5) + Đồng Tử Liêu (Đ.1) + Ty Trúc Không (Ttu.23) + Thuỷ Câu (Đc.26) + Ế Phong (Ttu.17) + Tứ Bạch (Vi.2) + Nhĩ Môn (Ttu.21) + Liệt Khuyết (P.7) + Thái Uyên (P.7) (Lâm Sàng Đa Khoa Tổng Hợp Trị Liệu Học).

13-Địa Thương (Vi.4) + Giáp Xa (Vi.6) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Nội Đình (Vi.44) + Thái Xung (C.3) (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

14-Thừa Tương (Nh.24) + Liệt Khuyết (P.7) + Nhị Gian (Đtr.2) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Thiên Lịch (Đtr.6) + Hòa Liêu (Đtr.19) + Ế Phong (Ttu.17) + Hòa Liêu (Đtr.19) + Ty Trúc Không (Ttu.23) + Quyền Liêu (Ttr.18) + Tứ Bạch (Vi.2) + Cự Liêu (Vi.3) + Địa Thương (Vi.4) + Giáp Xa (Vi.6) + Hạ Quan (Vi.7) + Lệ Đoài (Vi.45) + Thính Hội (Đ.2) + Thượng Quan (Đ.3) + Hàm Yến (Đ.4) + Hoàn Cốt (Đ.12) + Dương Bạch (Đ.14) (Châm Cứu Học HongKong).

15-Điều hòa kinh khí các đường kinh ở mặt.
Châm huyệt Thái Dương, Toàn Trúc (Bq.2) xuyên Tinh Minh (Bq.1) , Địa Thương (Vi.4) xuyên Giáp Xa (Vi.6) + Nhân Trung (Đc.26) + Thừa Tương (Nh.24) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Ế Phong (Ttu.17) .
Cách châm xuyên huyệt: châm đắc khí rồi, ngả kim, luồn dưới da đến huyệt kia (Châm Cứu Học Việt Nam).

16-Nhóm 1 : Hạ Quan (Vi.7) + Giáp Xa (Vi.6) + Tứ Bạch (Vi.2) + Dương Bạch (Đ.14) + Địa Thương (Vi.4) + A Thị Huyệt.
Nhóm 2 : Khiên Chính + Địa Thương (Vi.4) + Nghênh Hương (Đtr.20) + Toàn Trúc (Bq.2) + Thừa Khấp (Vi.1) + Phong Trì (Đ.20) + Hợp Cốc (Đtr.4) .
15 ngày đầu đều châm tả , lưu kim 15 – 20 phút. 15 ngày sau, châm bình bổ bình tả , lưu kim 20 – 30 phút. Ngày châm 1 lần. 7 lần là 1 liệu trình. Nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác (‘Tứ Xuyên Trung Y Tạp Chí’ số 34/1985).

17- Nhóm 1: Ấn Đường + Thừa Tương (Nh.24) + Phong Trì (Đ.20) + Đại Nghênh (Vi.5) (có thể thêm Tứ Bạch (Vi.2) , Hạ Quan (Vi.7), Túc Tam Lý – Vi.36).
Nhóm 2 : Thượng Tinh (Đc.23) + Quyền Liêu (Ttr.18) + Giáp Xa (Vi.6) + Hợp Cốc (Đtr.4) (có thể thêm Đầu Lâm Khấp, Nghênh Hương, Địa Thương (Vi.4 ).
Hư chứng: trước châm bổ, sau tả .
Thực chứng: trước tả sau bổ (‘Tứ xuyên Trung Y’ số 25/ 1985).

18-Nhóm 1 : Hợp Cốc (Đtr.4) [2 bên] + Hạ Quan (Vi.7) [bên bệnh] + Địa Thương (Vi.4) (bên bệnh) + Ty Trúc Không (Ttu.23) [bên bệnh).
Nhóm 2 : Hành Gian (C.2) + Trung Phong (C.4) + Túc Tam Lý (Vi.36) + Hậu Khê (Ttr.3) + Ngoại Quan (Ttu.5) [đều 2 bên] . Hoặc Hợp Cốc (Đtr.4) , Hạ Quan (Vi.7) cả 2 bên (‘Thượng Hải Châm Cứu Tạp Chí’ (4)-12/1985).

19-Hạ Quan (Vi.7) + Giáp Xa (Vi.6) ,+Địa Thương (Vi.4) + Thái Dương + Quyền Liêu (Ttr.18) + Tứ Bạch (Vi.2) + Toàn Trúc (Bq.2) + Phong Trì (Đ.20) + Hợp Cốc (Đtr.4) …
Hợp với Nghênh Hương (Đtr.20), Dương Bạch (Đ.14) , Nhân Trung (Đc.26) , Thừa Tương (Nh.24) , Khiên Chính, Thái Xung (C.3) , Tam Âm Giao (Ty.6) , Gian Sử (Tb.5).
Châm bình bổ bình tả . Lưu kim 20 – 30 phút. Mỗi ngày hoặc cách ngày châm 1 lần (‘Trung Quốc Châm Cứu’ số 1/1987)

20-Địa Thương (Vi.4) + Thuỷ Câu (Đc.26) + Nghênh Hương (Đtr.20) + Quyền Liêu (Ttr.18) + Tứ Bạch (Vi.2) + Thái Dương + Ty Trúc Không (Ttu,23) + Ngư Vĩ ( ‘Giang Tô Trung Y Tạp Chí’ số 1/ 1986).

21-Chủ yếu dùng xuyên châm:
Nhóm 1 : Dương Bạch (Đ.14) thấu Ngư Yêu + Địa Thương (Vi.4) thấu Giáp Xa (Vi.6) , thêm Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Nội Đình (Vi.44) .
Nhóm 2 : Ty Trúc Không Ttu.23) thấu Thái Dương + Hạ Quan (Vi.7) thấu Hòa Liêu (Đtr.19).
Hợp với Hợp Cốc (Đtr.4) + Thái Xung (C.3) -’Hồ Nam Trung Y Học Viện Học Báo’ (1),53/1986).

22- Huyệt chính: Quyền Liêu (Ttr.18) + Hòa Liêu (Đtr.19) + Địa Thương (Vi.4) + Đồng Tử Liêu (Đ.1) + Hợp Cốc (Đtr.4) .
Cảm Phong Hàn thêm Ngoại Quan (Ttu.5) + Phong Trì (Đ.20) .
Can Thận Âm Hư thêm Thái Khê (Th.3) + Hành Gian (C.2).
Can Đở m Thấp Nhiệt thêm Trung Chử (Ttu.3) + Ế Phong (Ttu.17) + Phong Trì (Đ.20) + Thính Hội (Đ.2) .
Mỗi lần dùng 5 huyệt chính thêm 4 huyệt phụ ‘Trung Quốc Châm Cứu’ số 40/1986).

23- Dùng điện châm huyệt Khiên Chính và Ế Phong (Ttu.17) . Cực chính mắc vào h. Ế Phong, cực phụ gắn vào Khiên Chính.
Không khép được mi, thêm Dương Bạch (Đ.14) .
Không nhắm mắt được thêm Toàn Trúc (Bq.2) thấu Ngư Yêu.
Không nhếch được mũi thêm Tứ Bạch (Vi.2) .
Khóe miệng xệ xuống thêm Địa Thương (Vi.4) thấu Quyền Liêu (Ttr.18).
Rãnh Nhân Trung (Đc.26) bị lệch thêm Đoài Đoan (Đc.27) thấu Địa Thương (Vi.4) ( ‘Sơn Tây Trung Y’ số 35/ 1986).

2.2. Xoa bóp bấm huyệt:

  • Đẩy Toản trúc: dùng ngón cái miết từ Tình minh lên Toản trúc 5-10 lần
  • Kháng cung: dung ngón tay cái miết từ Ấn đường dọc theo cung long mày ra huyệt Thái dương 5-10 lần
  • Day vùng quanh mắt 5-10 vòng
  • Miết từ gốc mũi qua Nghinh hương xuống Địa thương 5-10 lần
  • Phân Nhân trung và Thừa tương 5-10 lần
  • Day vòng quanh môi 5-10 lần
  • Xát má 5-10 lần
  • Bấm các huyệt Tình minh, Toản trúc, Ngư yêu, Nghinh hương, Địa thương, Giáp xa, Hạ quan, Hợp cốc đối diện.
  • Bóp má 3 lần
  • Liệu trình 1 lần/ngày, mỗi lần 20 phút

2.3.Thuốc

 

PHONG HÀN

PHONG NHIỆT

HUYẾT Ứ

Chứng

Sau khi gặp mưa hoặc  gió lạnh hoặc  sáng sớm thức dậy, tự nhiên mắt không nhắm được, miệng méo cùng bên với mắt, nước  uống vào dễ bị chảy ra ngoài, không huýt sáo được, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch Phù Khẩn.  

Sốt sợ gió, sợ nóng, mắt không nhắm được, miệng méo cùng bên, nước  uống vào dễ bị chảy ra, không huýt sáo được, rêu lưỡi trắng dầy, mạch Phù Sác. Thường do nhiễm khuẩn.

Mắt không nhắm được, miệng méo, đau nhức ở mặt.

Thường do di chứng sau chấn thương: té ngã, sau khi mổ vùng chũm, hàm…

Điều trị

Khu phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc. 

Khu phong, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc.

Khu phong, thanh nhiệt, hoạt huyết (lúc có sốt). Khu phong bổ huyết, hoạt lạc (khi hết sốt).

Hoạt huyết, hành khí, thông kinh lạc.

Thuốc

Đại Tần Giao Thang

Ngọc Kinh Tán

Thục Phụ Ô Tán

Khiên Chính Tán thêm Bạc hà, Bạch chỉ, Hoàng cầm, Liên kiều.

Trị Chư Phong Tý Tà Phương

Khiên Chính Tán thêm Đào nhân,  Hồng hoa, Quy vĩ, Xích thược, Xuyên khung.

Hóa Ứ Chỉ Thống Thang gia giảm

 

Sách YHCT Dân Tộc Việt Nam dùng: Tang ký sinh, Thương nhĩ tử, Kê huyết đằng đều 12g, Quế chi, Bạch chỉ, Uất kim, Trần bì đều 8g- sắc uống.

Sách YHCT Dân Tộc VN dùng: Kim ngân hoa, Bồ công anh đều 16g, Thổ phục linh, Thương nhĩ tử, Xuyên khung, Đan sâm, Ngưu tất đều 12g – sắc uống.

Sách YHCTDT Việt Nam dùng: Đan sâm, Xuyên khung, Ngưu tất đều 12g, Tô mộc, Uất kim đều 8g, Xích thược 16g, Hồng hoa 8-20g, Quế chi 6-10g, Quất lạc 8-10g, Địa long 10-16g, Cam thảo 4-6g- sắc uống

• Đại Tần Giao Thang (Bảo Mệnh Tập):

  1. Tần giao 08g
  2. Khương hoạt 08g
  3. Phòng phong 08g
  4. Độc hoạt 04g
  5. Tế tân 04g
  6. Bạch chỉ 04g
  7. Bạch thược 08g
  8. Bạch linh 08g
  9. Bạch truật 08g
  10. Cam thảo 02g
  11. Hoàng cầm 04g
  12. Thạch cao 04g
  13. Thục địa 04g
  14. Đương quy 08g
  15. Xuyên khung 20g
  16. Tần giao làm quân, để khu phong mà thông hành kinh lạc
  17. Khương hoạt, Phòng phong tán phong ở thái dương
  18. Bạch chỉ tán phong ở dương minh
  19. Tế tân, Độc hoạt tán phong ở thiếu âm
  20. Đương quy, Thục địa bổ huyết
  21. Xuyên khung hoạt huyết
  22. Bạch thược liễm âm, dưỡng huyết
  23. Bạch truật, Phục linh, Cam thảo ích khí, kiện tỳ
  24. Hoàng cầm, Thạch cao, Sinh địa lương huyết, thanh nhiệt

Ngọc Kinh Tán (Đương quy 8g, Nhục quế 10g, Nguyên hồ 8g, Toàn trùng 4g- sắc uống. (TGD Phương)

Thục Phụ Ô Tán: Thục phụ tử 90g, Xuyên ô (chế) 90g, Nhũ hương 60g. Tán bột chia thành 8-10 gói. Mỗi ngày làm 1 lần, mỗi lần 1 gói. Trước khi dùng thêm 4g bột gừng trộn vào thuốc, cho nước vào khuấy đều thành hồ sệt. Trước khi đắp thuốc, dặn người bịnh dùng lát gừng mỏng xát vào vùng bịnh cho đỏ ửng da, rồi bôi thuốc lên, trên đến huyệt Thái dương, dưới đến huyệt Địa thương, rộng chừng 3cm, lấy vải gạc cố định, rồi dùng túi nước nóng chườm ở ngoài một lát. Mỗi ngày thay thuốc một lần cho đến khi khỏi. (TGD Phương)

Khiên Chính Tán (Dương Thị Gia Tàng): Bạch phụ tử, Cương tằm, Toàn yết. Lượng bằng nhau. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g với nước nóng hoặc rượu
(Bạch phụ tử tán phong tà ở vùng đầu mặt; Cương tằm khư phong đờm; Toàn yết tức phong, trấn kinh. Hai vị này phối hợp có tác dụng sưu phong, thông lạc. Dùng rượu để dẫn thuốc đi lên thẳng đầu mặt. Thêm Kinh giới, Phòng phong, Bạch chỉ để tán phong, khử tà, Hồng hoa để hoạt huyết, hóa ứ)

Trị Chư Phong Tý Tà Phương: Phòng phong, Cam thảo, Hoàng cầm, Quế chi, Đương quy, Phục linh, Tần cửu, Cát căn, Sinh khương, Đại táo, Hạnh nhân), sắc uống. (LSDKTHTL Học)

Hóa ứ Chỉ Thống Thang gia giảm: Sinh địa, Đương quy đều 16g, Xích thược, Đào nhân, Hồng hoa, Đan sâm đều 12g, Xuyên khung 8g, Điền thất (bột) 4-6g uống với nước thuốc. (TGD Phương)

Theo Bs. Hoàng Sầm, từ kinh nghiệm lâm sàng 26 năm, điều trị bằng thuốc không nhất thiết chia thể như các sách giáo khoa, các thể nhất nhất chỉ cần dùng bài Đại tần giao thang gia vị. Tất cả các vị đều dùng 12g. Nếu do lạnh hoặc không rõ nguyên nhân gia Ma hoàng, Cảo bản, Tân di; nếu do nhiễm khuẩn gia Ngân hoa, Liên kiều, rễ chàm; nếu do chấn thương gia Đan sâm, Trạch lan.
Thời gian theo dõi điều trị và tiến triển cần chú ý: trong 7 ngày đầu bị bệnh xu hướng diễn tiến nặng thêm, cần nói trước cho bệnh nhân biết, ngày thứ 8 trở đi đến ngày 16 bệnh sẽ đỡ rõ hoặc khỏi. Trường hợp ngoan cố cũng chỉ nên điều trị 3 tuần rồi ngừng đợt I. Những ca bệnh quá 13 tuần không khỏi sẽ vĩnh viễn chấp nhận di chứng. Kết quả điều trị trên 1013 bệnh nhân, với tỉ lệ thất bại 0,5% (5 ca), 5 ca này hầu hết là liệt mặt do nhiễm vi rút.

Thuốc Đắp Trị Liệt Mặt

  • Tỳ ma tử 40g bỏ vỏ, Băng phiến 1 ít, giã nát như cao. Liệt bên trái dán bên phải và ngược lại (Đinh Nghiêu Thần, Hà Bắc-TQ).
  • Tỳ ma nhân (tử) 20 hột, Niêm (Nam) hương 8g. Giã nát Tỳ ma nhân, cho Niêm hương vào quậy đều. Đổ rượu vào hâm nóng, lúc còn ấm đem dán vào má. Bên trái liệt thì dán bên phải và ngược lại (Trang Thế Đức, Phước Kiến – TQ).
  • Thương nhục chế (giã nát), rắc trên thuốc cao thường dán ở khóe miệng. Bên trái liệt dán bên phải và ngược lại (Nhiếp Hàm Trí, Hà Bắc- TQ).
  • Bạch phụ tử 12g, Cương tằm 12g, Toàn yết 12g, nghiền nát, cho dầu thơm (Hương du) vào quậy đều dùng để dán. Liệt bên trái dán bên phải và ngược lại (Đương Truyền Tuy, Sơn Đông, TQ).
  • Nam tinh 12g, Chi tử (sống) 20 trái, giã nát trộn với dấm, dùng để bôi, liệt bên trái bôi vào vùng h. Giáp xa bên phải và ngược lại (Quách Đức Hưng, Sơn đông).
  • Tỳ ma tử 7 hột, Ba đậu 7 cái, giã nát, dán vào huyệt Thái dương, Đau bên phải dán bên trái và ngược lại (Cung Tôn Tính, Sơn Đông, TQ).
  • Tỳ ma tử 8g (bỏ vỏ), Nhũ hương 4g, giã nát. Liệt bên phải dán bên trái và ngược lại (Trưng Kinh Võ, Hà Bắc, TQ).
  • Băng phiến 1 ít, hòa với máu đuôi lươn, bôi. Liệt bên phải dán bên trái và ngược lại (293 Bài Thuốc Gia Truyền).
  • Ghi Chú: Các bài thuốc dùng để đắp, bôi, cần theo dõi cẩn thận, khi thấy hết méo, bỏ thuốc ra ngay.

VIII.PHÒNG BỆNH:

  • Cần tránh bị lạnh khi đi tàu xe và nên đóng cửa sổ khi ngủ để tránh gió lùa. Người già ban đêm không nên ra ngoài đi tiểu. Vào mùa nóng, không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt khi ngủ.
  • Khi bị liệt mặt, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não… Ngoài ra, cần điều trị sớm các chứng viêm nhiễm ở tai, mũi, họng và đề phòng chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm.
  • Để bảo vệ mắt bên liệt khỏi gió bụi và tránh biến chứng viêm loét giác mạc, cần đeo kính râm lót gạc sạch bên trong và rửa mắt hằng ngày bằng dung dịch nước muối NaCl 9%o hoặc cloramphenicol 0,4%. Có thể dùng băng dính cắt theo hình chữ Y dán đảo ngược, một đầu vào trán, hai đầu kia vào môi dưới và môi trên để nâng cơ mặt khỏi bị sệ.
  • Khi điều trị nội khoa có kết quả, cần giảm dần liều thuốc. Người bệnh nên đứng trước gương tự tập luyện phục hồi chức năng. Liêu pháp điều trị bằng phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa không có kết quả.

IX.MỘT SỐ CÁC NGHIÊN CỨU

Ở Trung Quốc, trong vài chục nǎm gần đây, chỉ tính riêng việc sử dụng các kỹ thuật châm và cứu để giải quyết cǎn bệnh này đã có đến hơn 100 công trình nghiên cứu khác nhau. Dưới đây xin được giới thiệu một số kinh nghiệm đặc sắc của các nhà châm cứu nước bạn, chủ yếu là các kỹ thuật thể châm, để độc giả có thể tham khảo và vận dụng trong nghiên cứu và điều trị.

1 . Viên Thanh Thuận (1 987) đã thực hiện phương pháp lấy huyệt kết hợp cục bộ và toàn thân. Các huyệt cục bộ gồm : giáp xa, địa phương (hai bên), cự khuyết, thừa khấp, ngư yêu, tứ bạch (bên bệnh). Các huyệt toàn thân gồm thái xung, hợp cốc. Thủ pháp châm : huyệt cục bộ châm xuyên huyệt, ngược chiều với hướng lệch của miệng ; giáp xa xuyên địa phương (bên lành), châm bổ, địa phương xuyên giáp xa, cự khuyết xuyên thừa khấp, ngư yếu xuyên dương bạch (bên bệnh), châm tả ; châm bình bổ bình tả thái xung và hợp cốc. Hiệu quả trị liệu đạt 96%, trong đó khỏi hoàn toàn 84%.

2. Mục Thục Khôn (1989) châm dương bạch xuyên ngư yêu, dương bạch xuyên toàn trúc, giáp xa xuyên địa phương, thái dương xuyên ty trúc không, tứ bạch xuyên nghênh hương, cự khuyết xuyên thừa khấp, ế phong và hợp cốc. Gia giảm, đau đầu châm đầu duy, phong trì, bách hội ; mắt nhắm không kín châm tình minh, đồng tử liêu. Hiệu quả điều trị đạt 98,7%, trong đó khỏi hoàn toàn 93,2%.

3. Giang Sơn (1989) đã sử dụng một huyệt kinh nghiệm làm chủ huyệt, vị trí : ở điểm nối giữa 1/3 trong và 2/3 ngoài đường nối hai huyệt địa phương và giáp xa. Các huyệt phối hợp tùy theo bệnh tình cụ thể mà lựa chọn từ 1 – 2 huyệt : nếu bệnh khởi phát trong vòng 1 tuần chọn phong trì, thái dương, ế phong, hợp cốc, túc tam lý ; nếu bệnh khởi phát trong vòng 2 tuần đến 1 tháng chọn ế phong (hoặc khiên chính), đầu duy xuyên huyền ly, ngoại quan, hợp cốc thái xung, túc tam lý ; nếu bệnh khởi phát trên 1 tháng chọn tình minh, nghênh hương, thiên dung, liệt khuyết, chiếu hai, thái xung, túc tam lý. Thao tác kỹ thuật : dùng kim hào châm dài 2 thốn châm nghiêng 15o Xuyên tới huyệt hạ quan, vừa tiến kim vừa vê nhẹ nhàng sao cho cảm giác tê tức
lan ra má, mắt, miệng, mũi và sau tai là đạt, lưu kim 15 – 30 phút các huyệt phối hợp châm tả nếu do phong nhiệt, châm bổ nếu do phong hàn. Trị liệu 713 ca đạt hiệu quả 100%, 75% khỏi hoàn toàn.

4. Kim Bá Hoa (1986) dùng ế phong làm chủ huyệt phối hợp với giáp xa, địa thương, nhân trung, thừa tương, toàn trúc. tứ bạch, hợp cốc và túc tam lý. Thao tác : châm ế phong hướng mũi kim về phía chóp mũi, tiến kim từ từ sâu khoảng 1 ,5 thốn sao cho có cảm giác tê tức, chướng nóng lan ra mặt là đạt (tả pháp); các huyệt khác châm bình bổ bình tả. Mỗi ngày châm 1 lần, 10 lần là 1 liệu trình. Đạt hiệu quả 100%.

5. Tân Tuyên Anh (1982) sử dụng 2 nhóm huyệt, nhóm 1 : dương bạch xuyên ngư yêu, địa thương xuyên giáp xa, ế phong, nghênh hương, hợp cốc ; nhóm 2 : toàn trúc, tình minh, cự khuyết xuyên thừa khấp, phong trì, dương lǎng tuyền. Thao tác : châm 2 nhóm thay thế nhau, lưu kim 15 phút, mỗi ngày 1 lần, 7 lần là 1 liệu trình, giữa 2 liệu trình nghỉ 3 ngày. Trị liệu 413 ca, đạt hiệu quả 99,7%, khỏe hoàn toàn 97,3%.

6. Quan Nhàn Thanh (1 990) dùng phương pháp “bốn kim tám huyệt” gồm dương bạch xuyên ngư yêu, tứ bạch xuyên nghênh hương, nghênh hương xuyên tình minh, địa THương xuyên giáp xa, phối hợp thêm hợp cốc. Gia giảm : đau và ù tai gia ế phong, đau mỏi cổ gia phong trì, đau nửa đầu gia thái dương.

Chọn dùng kim hào châm số 28 dài 2 thốn ; bệnh nặng, mắc lâu ngày, thể trạng suy nhược “dĩ hư giả bổ chi”; bệnh nhẹ, mới mắc, thể trạng tốt “dĩ thực giả tả chi”. Trị liệu 1 170 ca đạt hiệu quả 99,8%, khỏi hoàn toàn 80,9%.

7. Đỗ Thiếu Hoa (1991) châm bình bổ bình tả hữu thái dương, phong trì, ế phong, khiên chính, liệt mặt thượng (ở ngoài huyệt thái dương 5 phân), liệt mặt hạ (trung điềm đường nối địa thương và giáp xa), dương bạch xuyên ngư yêu, địa phương xuyên giáp xa, nghênh hương, tả hợp cốc, lưu kim 30 phút, mỗi ngày châm 1 lần, 10 lần là 1 liệu trình.

8. Mã Thụy Lâm (1981) chọn dùng các huyệt tại chỗ và lân cận gồm dương bạch, đồng tử liệu, phong trì, tứ bạch, giáp xa, địa thương, hạ quan, nghênh hương, quyền liêu, ngư yêu, nhân trung, thừa tương, hòa liêu (chọn châm mỗi lần 3 – 4 huyệt) và các huyệt ở xa gồm hợp cốc, chi câu, túc tam lý. Các huyệt cục bộ dùng bổ pháp, các huyệt ở xa dùng tả pháp. Trị liệu 1 195 ca đạt hiệu quả 99,4%. khỏi hoàn toàn 80,7%.

9. Vương Minh Minh (1992) dùng các huyệt khuyết bền, ế phong, giáp xa, địa phương, hạ quan, tứ bạch. Khuyết bồn châm thẳng hoặc chếch sâu 0,3 – 0 5 thốn, các huyệt khác châm bình bổ bình tả. Trị liệu 80 ca, khỏi 72 ca, đạt hiệu quả 97,5%. Châm cách nhiệt, 7 lần là 1 liệu trình.

10. Vương Dân Tập (1993) chọn dùng các chủ huyệt : dương bạch, toàn trúc, tự trúc không, tứ bạch, hạ quan, địa phương, giáp xa, hợp cốc và các phối huyệt : ế phong và hoàn cốt khi có đau và ù tai, phong trì khi đau cứng cổ gáy, trung chữ khi đau đầu và chóng mặt, túc tam lý khi bệnh lâu thể trạng suy nhược. Thủ pháp : châm địa phương và giáp xa bên liệt hướng xuyên lẫn nhau, châm dương bạch, toàn trúc và ty trúc không xuyên tới ngư yêu, châm tứ bạch nghiêng kim 15o Xuyên tới địa thương ; châm tả, lưu kim 30 phút, vê kim 2 lần, bệnh mới châm hàng này, 10 ngày là 1 liệu trình, bệnh cũ châm bổ cách nhật. Hiệu quả trị liệu đạt 98,6%, khỏi hoàn toàn 80,1%.

11 . Hoàng Trí Hoa (1995) chọn ế phong làm chủ huyệt phối hợp với hạ quan, địa thương, thừa tương, nhân trung, giáp xa, hợp cốc và túc tam lý. Thao tác: trước hết day xoa ế phong cho nóng lên rồi châm, nếu bị liệt bên trái thì hướng mũi kim về phía huyệt khiên chính bên phải và ngược lại. Trị liệu 36 ca đạt hiệu quả 100%, khỏi hoàn toàn 72,2%.

12. Vương Hiếu Lợi (1991) chỉ châm huyệt phong long. Thao tác: người bệnh nằm, dùng kim hào châm dài 3,5 thốn châm nhanh qua da tiến sâu 3 thốn, khi đắc khí thì vê nhẹ, lưu kim 30 phút. Trị liệu 102 ca đạt hiệu quả 98%, khỏi hoàn toàn 75,5%.

13. Ngải Hồng Thọ (1989) sử dụng địa thương và khiên chính làm chủ huyệt phối hợp với hợp cốc, lao cung.

Thao tác: châm kim từ địa thương xuyên tới khiên chính, vê nhanh và lắc kim để đạt đắc khí, không lưu kim. Sau đó, châm tiếp hợp cốc xuyên lao cung, kích thích mạnh, không lưu kim. Trị liệu 100 ca, trong đó có 76 ca mới bị chỉ châm 1 lần đã khỏi 53 ca, đỡ nhiều 18 ca, đỡ ít 5 ca, 24 ca bị bệnh kéo dài 3 – 7 tháng sau khi châm 1 lần khỏi 3 ca, đỡ nhiều 12 ca, đỡ ít 7 ca, không đỡ 2 ca.

14. Lữ Cǎn Vinh (1986) chọn dùng các huyệt địa thương, giáp xa, quyền liêu, phong trì, dương bạch, hợp cốc, túc tam lý. Thao tác: châm địa thương xuyên giáp xa, quyền liêu xuyên địa thương, thái dương xuyên giáp xa, dương bạch xuyên ngư yêu. Các huyệt khác đều châm thẳng, lưu kim 30 phút, vê kim 3 – 5 lần. Hiệu quả trị liệu 100%.

Như vậy có thể thấy, chỉ riêng về phương diện sừ dụng thể châm điều trị liệt mặt, kinh nghiệm của các tác giả Trung Quốc đã hết sức phong phú. Đó là chưa kể đến các phương pháp khác như cứu, thủy châm, điện châm, laser châm, từ châm, dán thuốc trên huyệt… hoặc phối hợp giữa các phương pháp.

TRONG LIỆT MẶT BELL, ĐIỀU TRỊ THUỐC CHỐNG VIRÚT CHO THẤY ÍT CÓ HIỆU QUẢ, PREDNISOLONE ĐIỀU TRỊ ĐƠN LIỆU PHÁP SẼ CÓ HIỆU QUẢ TỐT

Kurt Samson, Neurology Today*November 20, 2007

Thuốc chống virút herpes (acyclovir) đơn độc hoặc kết hợp với prednisolone là ít có hiệu quả trong điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại vi (liệt Bell) đã được ghi nhận bởi một nghiên cứu rộng lớn ở Xcốt-len. Tuy nhiên, đơn trị liệu prednisolone có thể giúp hầu hết các BN đạt được sự hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị sớm.

Trong một nghiên cứu đăng trong new England journal of medicine (Oct.18) đã so sánh điều trị sớm prednisolone có kết hợp hoặc không kết hợp với acyclovir ở gần 500 BN mới được chẩn đoán liệt mặt Bell, prednisolone đã cải thiện có ý nghĩa sự phục hồi hoàn toàn từ 3-9 tháng và đã xác định không có hiệu quả hơn khi dùng acyclovir đơn độc hoặc kết hợp với prednisolone (N Engl J Med 2007; 357:598-607).
Nghiên cứu này là quan trọng vì trong một thời gian dài đã rất khó để chỉ dẫn các dạng thử nghiệm giúp chúng ta một mô hình rõ ràng hơn trong xác định lợi ích của sự điều trị này. Frank M. Sullivan, PhD, một chuyên gia thần kinh tại trường Đại học Tổng hợp Xcốt-len nói “điều này đã trở nên quan trọng hơn do sự gia tăng dùng thuốc chống virút ở các BN này”.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, mù đôi đánh giá hiệu quả và theo dõi trong 9 tháng với 496 BN mới xuất hiện bệnh trong 72 giờ. Các BN này đã ngẫu nhiên được điều trị với prednisolone (50mg) hàng ngày, acyclovir (2000mg), hoặc kết hợp cả hai. Sự phục hồi chức năng mặt đã được đánh giá theo thang điểm House-Brackmann (House-Brackmann Scale).

Trong nhóm prednisolone, 83% đã phục hồi chức năng mặt trong 3 tháng so với 63,6% không được dùng prednisolone (p<0.001); và 71,2% ở nhóm acyclovir. Sau 9 tháng, sự phục hồi chức năng mặt đã là 94,4% ở nhóm prednisolone và 81,6% ở nhóm không dùng prednisolone (p<0.001); 85,4% cho nhóm acyclovir; và 90,8% cho các BN không dùng acyclovir (p = 0.10).

Ở các BN được điều trị với cả hai loại thuốc; 79,7% phục hồi chức năng mặt trong 3 tháng (p<0.001) và 92,7% sau 9 tháng (p<0.001). Sau 9 tháng; 85,2% các BN placebo đã phục hồi thần kinh mặt hoàn toàn, tương tự tỷ lệ phục hồi ở nhóm BN không được điều trị trong các nghiên cứu trước đây.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán