01:24 ICT Thứ năm, 19/09/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc » Vần A

Liên hệ

A NGÙY 阿 魏

Thứ tư - 02/03/2011 10:05
Là loại cây thảo sống lâu năm, cao từ 0,6 - 1m, cuống lá dẹp bao thân cây, lá chẻ, hoa nhỏ mầu vàng. Dược liệu thường dùng là khối mủ ngưng kết lại có hình dạng lớn nhỏ không đều.

A   NGÙY     阿 魏

Ferula Assafoetida L. 

 

-Xuất xứ  : Đường Bản Thảo.

-Tên khác : A ngu, Ẩn triển, Cáp tích nê, Hình ngu (Bản Thảo Cương Mục), A ngu tiệt, Ngùy khứ tật (Hòa Hán Dược Khảo), Huân cừ (Đường Bản Thảo), Ngũ thái ngùy (Trung Dược Chí), Xú  a ngùy (Tân Cương Trung Thảo Dược Thủ Sách).

-Tên khoa học : Ferula Assafoetida L.

Họ khoa học: Họ Hoa Tán (Umbelliferae).

-Mô tả : Là loại cây thảo sống lâu năm, cao từ  0,6 - 1m, cuống lá dẹp bao thân cây, lá chẻ, hoa nhỏ mầu vàng. Dược liệu thường dùng là khối mủ ngưng kết lại có hình dạng lớn nhỏ không đều. Mầu tím nâu hoặc  nâu sậm, có khi mầu trắng , vàng . Cứng nhưng khi bóp thì mềm, dính. Có mùi hôi.

    Khi xử dụng, chọn loại mầu tím nâu, lâu ngày không bay mầu là tốt.

    Loại mầu nâu sậm có lẫn với phiến rễ và cát là  loại hàng thứ phẩm.

-Địa lý : Trồng và sản xuất chính ở Ba Tư và Trung quốc. Vị thuốc này tại Việt Nam chưa trồng được, còn phải nhập.

- Thu Hái : Theo ‘Trung Dược Đại Tự Điển ‘ : thu hái vào những tháng mùa Đông, trước khi ra hoa. Khi lấy mủ, dùng dao rạch thành rãnh ở vỏ cây, phần trên gốc, lấy lá lớn đậy lại. Mấy ngày sau thì mủ chảy ra và ngưng kết lại,  cách khoảng 10 ngày sau lại làm như vậy để thu mủ rồi để dành dùng.

-Phần dùng làm thuốc : Dùng nhựa cây ở phần rễ sau khi nhựa ngưng kết lại (Assafoetida).

Mô tả dược liệu: Hình khối méo mó, đông cứng như mỡ hoặc dính liền nhau. Mầu đậm nhạt không đều. Mặt ngoài thường mầu nâu vàng hoặc nâu hồng. Chất cứng hoặc hơi mềm mà dính, hơ nóng thì mềm ra. Thứ tươi mới cắt ra mầu tương đối nhạt, có thể thấy mầu sữa trắng xen lẫn mầu nâu nhạt hoặc nâu hồng, gọi là ‘Ngũ Thái A Ngùy’. Có mùi hôi lâu tan, vị hơi cay, đắng (Dược Tài Học).

-Bào Chế :

   + Khi dùng, cho thêm 1 ít Hạnh nhân ( Prunus Armeniaca L.) hoặc  Đào nhân (Persica Vulgaris Mill) để dễ nghiền nát (Lôi Công Bào Chích Luận).

   + Cắt nhỏ, cho vào bát ( chén) có đáy nhám cho dễ nghiền hoặc  trộn chung với các dược vị khác cho dễ nghiền (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

   + Hòa tan A ngùy trong cồn 60o cho nóng, lọc ép qua vải thưa , loại bỏ tạp chất đến khi cho vào nước  nghiền ra không dính tay là  được , đun cách thủy cho rượu bay còn lại A ngùy (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Bảo quản :

    + Vì thuốc có mùi hôi nồng , cần  để trong hộp thiếc kín, để riêng xa các vị thuốc khác cho khỏi lây mùi.

    + Nên để nơi mát , tránh nóng nếu không sẽ bay mất mùi tinh dầu.

-Tính Vị :

+ Vị cay, bình , không độc (Đường Bản Thảo).

+ Vị cay, ấm (Hải Dược Bản Thảo).

+ Vị nóng (Nhật Hoa Tử Bản Thảo)

+ Vị đắng, cay, tính nhiệt, có độc (Bản Thảo Chính).

+ Vị đắng, cay, tính ấm (Trung Dược Đại Từ Điển).

- Quy Kinh  :

+Vào kinh Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh túc Thái âm  Tỳ, túc dương minh Vị (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Vào kinh Tỳ, Vị, Đại trường (Bản Thảo Tân Biên).

+ Vào kinh túc Thái âm Tỳø, túc Quyết âm  Can (Ngọc Quyết Dược Giải) .

+Vào kinh Can, Tỳ và Vị (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vào kinh Tỳ và Vị ( Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).   

-Thành phần hóa học :

+ Trong A ngùy có 10 - 17%  chất dầu , 40 - 46 %  chất nhựa, 25% chất keo, 1,5 - 10% chất tro và 60% các chất vô cơ, 45%  Sec Butyl Profenyl Disulfide, Acid Ferulic, Farnesiferol và Umbelliferon (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Farnesiferon A, B, C (Caglioti L và cộng sự, C A 1960, 54 : 616g).

+ Badrakemin, Coladonin Koladonin, Samarcandin acetate, Polyanthinin, Kamdonol, Gummosin Hofer O và cộng sự (Monatsh Chem 1984, 115 (10) : 1207).

+ Assafoetidin, Ferocolicin (Banerji A và cộng sự, C A 1988, 109 : 51717r).

-Tác dụng dược lý :

    + Trong loại Asafetida có mùi hôi, vị đắng mà cay, ảnh hưởng đến trường vị và hệ hô hấp (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

    + Có thể dùng trong các toa thuốc khu phong.

+ Ức chế độ cứng của hạch : Nước  sắc A  ngùy đắp bên ngoài có thể thấm vào các hạch cứng làm cho hạch mềm ra (Trung Dược Đại Từ Điển).

    + Ngừa giun : Dùng chung với Lưu Hoàng ( Sulfur ), Binh lang ( Areca Catechu L.) và Nhục quế (Cinnamomum Sp. ) đổ vào bao tử chuột nhắt có thể làm cho chuột ít mắc phải giun móc ( Ankylostome)  (Trung Dược Đại Từ Điển).

        + Sử dụng liều cao đến 12g vẫn  không thấy ngộ độc (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

+ Tác dụng chống đông máu : Tiêm nước  sắc A ngùy 10% vào tĩnh mạch chuột cống và chó với liều 2,5-10ml/kg thấy có khả kéo dài thời gian đông máu, bình quân 35-56%. Thí nghiệm trong ống nghiệm thấy thời gian ngưng kết huyết tương là 28-41% (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

+ Tác dụng kháng bức xạ, tăng bạch cầu, tiểu cầu : A ngùy có tác dụng trị liệu hoặc ngăn ngừa nhiễm phóng xạ cấp, có khả năng nâng cao hoạt xuất của chuột lên ( 30%. Đối với chó bị nhiễm phóng xạ cấp, A ngùy có khả năng giữ được hoạt suất 42,9% (Trung dược dược lý, độc lý dữ lâm sàng).

+ Đối với chuột nhắt, A ngùy có tác dụng hoạt huyết, đối với thỏ nhỏ bị trúng độc cấp, thấy có tác dụng làm tăng bạch hoặc tiểu cầu. Thực nghiệm chứng minh rằng A ngùy dùng uống với liều 0,6mg/kg kết hợp với tiêm tĩnh mạch chuột cống liều 100mg/kg hoặc 200mg/kg thấy có tác dụng ức chế ADP ( ngưng kết tiểu cầu). Lâm sàng trị chứng bạch cầu suy mỗi ngày dùng 30mg,  tỉ lệ đạt 76,6%, cao nhất đạt 93,3% (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Tác dụng chống ung thư : dùng hợp chất JTc - Z6 thấy có tác dụng ức chế ung thư phát triển, tỉ lệ đạt 90% trở lên (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

+ Tác dụng giảm đau, chống co giật : A ngùy có tác dụng với thần kinh, làm mềm gân cơ, chống co giật  (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).  

Độc tính : Liều độc LD50 là 125 ( 75mg/kg. Liều dùng chích là 1520mg/kg, liều uống là 3155mg/kg (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).  

+ Thử nghiệm trên 48 con chó và 26 con thỏ bị ngộ độc A ngùy cấp tính, thấy chức năng gan và điện tâm đồ bị xáo trộn (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

-Tác dụng chủ trị :

+ Trị các loại giun, trừ mùi hôi, phá báng tích, hạ ác khí ( Đường Bản Thảo).

+ Trị các chứng ác khí ( Thiên Kim Dực phương ).

+ Trị tim và  giữa bụng lạnh ( Hải Dược Bản Thảo ).

+ Trị chứng thi quyết ( cơ thể lạnh như xác chết), phá báng tích, khí lạnh, bụng trướng, sốt rét, hoắc loạn, tim và bụng đau , thận khí, ôn chướng ( Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Giải độc khi ăn phải các loại thịt trâu, dê hoặc  ngựa chết ( Bản Thảo Hối Biên).

+ Cắt cơn sốt rét, chỉ ( cầm ) lỵ, giải độc, tan mùi hôi( Bản Thảo Thông Huyền ).

+ Tiêu tích, sát trùng, giải độc, tán buổi, tán hàn, khử đờm, kháng bức xạ, kháng ung thư, tăng bạch cầu, chống đông máu, trị Tâm giảo thống (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

+ Trị thần kinh suy nhược, phế quản viêm mạn ( Tân Cương Trung Thảo Dược Thủ Sách) .

+ Trị tích báng , trùng tích, nhục tích, tim và bụng đau do hàn, sốt rét, kiết lỵ (Trung Dược Đại Từ Điển).

-Liều dùng : 0,12 - 2g chung với thuốc hoàn hoặc  tán hoặc  chế thành thuốc cao hoặc  nấu thành cao bôi ngoài da .

-Kiêng kỵ :

+ Người Tỳ Vị hư yếu không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Uống nhiều A ngùy sẽ làm mất khí, hoa mắt (Y Lâm Toản Yếu).

+ Người Tỳ Vị hư yếu, ăn ít, ăn vào lập tức nôn dữ dội, tiêu chảy, cơ thể gầy yếu : không dùng (Bản Thảo Cầu Chân).

+ Người Tỳ Vị suy yếu, phụ nữ có thai không nên dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ “Vì A ngùy có mùi rất hôi, người Tỳ Vị suy yếu ngửi thấy là  muốn nôn ngay” (Đông Dược Học Thiết Yếu).          

+ Có thai không dùng (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).       

-Đơn thuốc kinh nghiệm.

            + Phá Tích Tụ : 

     + Trị Khí tích, nhục tích, ngực bụng đầy trướng, đau  hoặc  đau lan ra 2 bên hông sườn, không muốn ăn uống  : Mộc hương 20g, Binh lang 20g, Hồ tiêu 10g, A ngùy 20g ( chế với giấm) . Làm hoàn, ngày uống 8 -12g  với nước  sắc vỏ Gừng sống

( A Ngùy Hoàn - Phổ Tế phương ). 

      +   Trị trẻ nhỏ bị thực tích, bụng to như bụng ếch, bụng đau , tiểu đục : A ngùy ( tẩm giấm 1 đêm ) 20g, Hoàng liên (sao) 20g, Hoa kiềm (tán nhuyễn) 12g, Sơn tra nhục 40g, Liên kiều 60g, Bán hạ ( tẩm nước  Tạo giác 1 đêm ) 40g. Tất cả tán bột, trộn với nước  hồ Thần khúc làm hoàn. Ngày uống 12 - 16g với nước  cơm, lúc đói ( A Ngùy Hoàn - Y Học Cương Mục).

    +  Trị tích tụ, bỉ khối, thực ẩm, khí huyết tích tụ lại: A ngùy, Sơn tra nhục, Nam tinh, Bán hạ, Thần khúc, Hoàng liên, La bặc tử, Liên kiều, Bối mẫu, Qua lâu, Phong hoa tiêu, Thạch hàm, Hồ hoàng  liên , Bạch giới tử. Tán bột, tẩm nước  Gừng, nấu chín bánh làm thành viên, mỗi lần uống 8g với nước  nóng. Sau khi uống thuốc, ăn vài trái Hồ đào. Người suy yếu không được dùng bài này (A Ngùy Hoàn -  Vệ Sinh Bảo Giám ).

+  Trị tích tụ, bỉ khối, thực ẩm, khí huyết tích tụ lại: A ngùy 20g, Bạch giới tử 100g, Bạch truật 120g, Tam lăng 80g, Nga truật  80g. Sao khô, tán bột. Lấy A ngùy chưng với rượu cho chảy ra, hòa thuốc bột trên làm thành hoàn. Ngày uống 12 - 16g với rượu ( A Ngùy Hoàn – Hà Nhật Trung Thủ Tập ).

       + Trị Tỳ Tích : A ngùy 2g , Kê tử  hoàng ï5 trái, Hoàng lạp ( nến ) 40g.  Nấu chung, chia làm 10 lần uống lúc đói. Uống sau 10 ngày đi tiêu ra máu đó là tích tụ đã tan. (Bảo Thọ Đường Kinh Nghiệmphương)

      + Trị tích khối : A ngùy, Nhũ hương, Một dược, Mang tiêu đều 80g. Tán bột. Đại hoàng  80g, Bạch giới tử  120g, Mộc miết tử 21 hột ( bỏ vỏ ), Xuyên sơn giáp 60g, Nhục quế 60g, Độc hoạt 60g, Loạn phác ( tóc ) 80g. Dùng dầu mè 1.600g nấu cho đến khi thấy dầu có sắc đen, bốc hết mùi thì cho thuốc bột  và Hoàng đơn vào nấu đặc thành cao, dùng để bôi ngoài da ( Hà Nhật Trung Thủ Tập).

      +  Trị nhục tích , bỉ  khối , ăn không tiêu : Nhân sâm, Quất hồng, Tam lăng, Nga truật, Sa nhân . Nấu, thêm Xạ hương, Lưu hoàng, Tô hợp thành cao, dùng để bôi ( Trung Quốc Y Học Đại Từ  Điển  ).  

       +  Trị sốt rét : Yên chi, A ngùy đều 1 cục to, tán bột. Dùng nước  cốt của Tỏi trộn đều sền sệt thành cao, bôi lên mặt hột Đào. Khi lên cơn sốt rét, đem thuốc dán vào vùng hổ khẩu tay, nam bên trái, nữ bên phải. Cơn sốt yên thì bỏ thuốc đi ( Ách Hổ Cao - Phổ Tế phương ).

       +  Trị sốt rét có báng : A ngùy, Xuyên khung, Bạch truật, Xích phục linh, Hồng hoa, Miết giáp tiêm ( sao với váng sữa cho dòn ), Đại hoàng, bột Kiều mạch. Tán bột, uống với rượu. Sau khi uống 3 ngày , thấy bụng đau, máu mủ chảy ra là hiệu nghiệm(A Ngùy Hóa Bỉ Tán -  Trương Thị Y Thông ).  

+ Trị bụng đau :  A ngùy nghiền nhỏ uống  4 - 8g với  rượu nóng (Vĩnh Loại Kiềm phương ).

+ Trị bụng đau :   A ngùy, nghiền nhỏ. Dùng nửa củ tỏi to bọc thuốc, nướng chín, nghiền nhỏ, làm hoàn. Ngày uống 2 - 4g với nước  sắc Ngải diệp ( Tổng Vi Luận phương ).

-Tham khảo :

+ “ A ngùy rất hôi, người Di ( còn gọi là A ) rất sợ A ngùy. Dân Ba tư gọi là A ngu, dân Thiên trúc gọi là Hình ngu, kinh Niết bàn gọi là Ương quỷ, dân Mông cổ gọi là Cáp tích nê. Thời nhà  Nguyên dùng nó để điều hòa thức ăn. Rễ của nó gọi là Aån triển vì tàng dưới đất mà phát triển ...” ( Y Học Cương Mục ).

+ “ A  ngùy mọc nơi Tây phiên và Côn lôn, mầm lá, rễ và thân giống Bạch chỉ, giã nát rễ lấy nước  nấu thành bánh là loại thượng hạng, cắt rễ phơi khô là  loại thứ phẩm .Mùi của nó rất hôi mà lại trừ được các mùi hôi khác , thật là vật phẩm kỳ lạ “( Đường Bản Thảo).

+ “ Đạo Bà la môn nói rằng Huân cừ tức là A ngùy, lấy nước  cốt từ rễ phơi khô như keo hoặc  cắt lấy rễ phơi khô, và mùi nó rất hôi. Người Ấn độ ăn chay không dùng A ngùy. A ngùy dùng ăn thường thì trừ được mùi hôi. Người Nhung rất coi trọng việc này” ( Tân Tu Bản Thảo Đồ Kinh ).

+ “ A ngùy là loại thuốc hóa bỉ, đọa thai, sát trùng ... khí của nó cay mà hôi, khí vị có mùi cỏ dại nhưng không làm tổn thương vị khí quá, cho nên các phương thuốc  cần dùng không thể bỏ quên được “( Bản Thảo Hối Ngôn).

+”Sách ‘Bách Nhất Tuyển Phương’ ghi :”Trị sốt rét đã nửa năm, dùng Chân A ngùy, Đơn sa (loại tốt), mỗi thứ 40g. Tán bột, trộn với nước cơn làm hoàn, to bằng hạt Bồ kết. Lúc đói, uống 1 hoàn với nước sắc Nhân sâm thì khỏi” ( Y Học Cương Mục).

+ “ Tịnh Tiêu Nham nói rằng A ngùy vị cay, tính bình , nhập vào kinh Tỳ, Vị, tiêu nhục tích, sát trùng, khử mùi hôi. Gốc từ  nước  Tây phiên , do mủ cây nấu thành, khí vị rất hôi. Lấy thử 1 ít, để trong đồ dùng bằng  đồng một đêm, nơi chạm phải A ngùy sẽ trắng như Thủy ngân, đó là  thứ thật. Người đời nay thường làm giả bằng Hồ toán bạch , người dùng không thể không cẩn thận “ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển ).              

+ ” Dù các vị thuốc có vị hôi cũng không bằng vị thuốc này. Mùi thơm là chính khí của trời đất, mùi hôi là  ác khí của trời đất. Những  mùi thơm hoặc hôi qua đều có tính luồn lách, thẩm thấu , đều có thể phá được tích tụ. Vì vậy, có thể xử dụng vị thuốc này phá được tích tụ, bỉ khối và sát trùng “ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán