18:43 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Y học dân gian

Liên hệ

Thiên lý - Vị thuốc dân dã

Thứ bảy - 10/11/2012 04:04
Thiên lý là một loại cây dây leo tự quấn. Thiên lý có nhiều tên gọi khác như: Hoa lý, Dạ lài hương… Tên khoa học: Telosma cordata (Burmf) Merr. Họ Thiên lý (ASCLEPIADACEAE).

Hoa thiên lý.

Thành phần và tác dụng dược lý trong hoa ?

Hoa Thiên lý có 3% chất xơ, 2,9% chất đạm, 2,8% chất bột đường các sinh tố C, B1, B2, PP, tiền sinh tố A. Các khoáng chất cần cho cơ thể như calci, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm có hàm lượng khá cao, vì vậy hoa Thiên lý ( cả lá non và ngọn) là thức ăn và thuốc bổ dưỡng giúp trẻ mau lớn, giúp người già giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt; tăng sức đề kháng cho người sử dụng. Chất kẽm còn có tác dụng đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh  ở nam do thường xuyên tiếp xúc với chì hoặc các chất có chì (động cơ chạy xăng pha chì, acca chì…). Câu ca dao:

“Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh hoa Lý, nấu chè hạt Sen”

Cho thấy kinh nghiệm dân gian dùng hoa Lý làm thuốc trợ dương cho nam giới là có cơ sở khoa học. Kinh nghiệm dân gian còn dùng lá Thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liên tục 7 – 10 ngày để trị giun kim. Dùng lá Thiên lý giã nát đắp để chữa lòi dom, sa dạ con; mỗi ngày thay thuốc đắp 2 lần, dùng liên tục 5 – 7 ngày.

Kiêng kỵ: Không xào nấu chung Thiên lý (hoặc ăn cùng bữa) với các chất giàu sắt như Tiết, Gan, thịt nạc Bò, lợn, rau Muống… vì chất sắt sẽ đẩy chất kẽm ra khỏi cơ thể.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Thiên lý

Thiên lý là cây ưa ẩm, ưa sáng, sinh sản vô tính và hữu tính. Nhiệt độ tối thiểu là 20 – 35oC; chịu rét kém, nhiệt độ không khí dưới 10oC  cây sẽ không phát triển. Thiên lý là cây thích vươn lên cao theo chiều thẳng đứng, thích nơi nhiều nắng gió.

Thời vụ trồng: Có thể ươm trồng quanh năm nhưng tốt nhất là ươm cây vào tiết Đông chí (đúng lúc cắt tỉa dây nhỏ, diệt khuẩn cho cây được 2 năm trở lên).

Giống và cách ươm cây: Chọn dây Thiên lý già, (da màu xám có vân nhăn nheo) không có bệnh, đường kính tối thiểu 6 – 7mm, nếu được 10mm là tốt nhất. Có thể cắt đoạn ngắn (hom) dài khoảng 30cm để ươm bầu hoặc cắt đoạn dài 80 – 100cm để khoanh tròn ươm trong chậu hoặc trồng ngay lên hố đã chuẩn bị sẵn. Sau khi cắt cần chấm tro (hoặc tàn hương) để chống chảy nhựa, mất nước và sát khuẩn rồi mới ươm trồng; để đầu thò lên mặt đất 10cm. Tưới đủ ẩm, chống rét cho cây qua 2 tiết:  Tiểu hàn và Đại hàn. Che đậy để tránh người và súc vật va chạm vào. Cắm que cho cây leo, chỉ để 2 mầm thành dây leo lên giàn.

Trồng ngoài đồng, bãi: Chọn đất pha cát, nơi dễ tưới, tiêu nước. Xung quanh không có cây to, núi cao che khuất. Lên luống cao 40cm, mặt rộng 40cm. Cách 3 mét bổ 1 hốc 20 x 30cm; cho phân chuồng hoai mục lót dưới. Khi cây ươm đã leo cao khoảng 50 – 60cm đem ra trồng. Mỗi gốc Thiên lý cần có diện tích giàn khoảng 10 – 12m2 (giàn hơi nghiêng kiểu nhà 2 mái, trục nóc Bắc Nam).

Trồng trong gia đình:

- Nơi hiếm đất, nhà ở đô thị, tối thiểu phải xây bồn cao 30cm, trong lòng rộng 30cm, dài 100cm. Đào sâu xuống đất 50cm, bốc đất lên, xếp xuống đáy 1 lớp vỏ Dừa (đã lấy nước uống), cứ 1 lớp xơ Dừa lấp 1 lớp đất 10cm (để dễ thoát nước và tạo phân bón cây sau này) rồi trồng bầu Thiên lý đã phát triển thành cây (dây Thiên lý dài 50cm), lấp đất kín bầu (vừa bằng mặt đất, cách thành bồn 30cm).

- Trường hợp làm giàn dưới thấp: Chọn nơi không có cây to hoặc không sát nhà cao tường che nắng. Tối thiểu cũng phải có ánh nắng chiếu trực tiếp được 4 – 6 giờ mỗi ngày. Làm giàn hơi nghiêng vào góc có nắng chiếu.

- Trường hợp làm giàn trên nóc nhà cao tầng: Nên làm giàn hơi nghiêng kiểu nhà 2 mái độ dốc khoảng 8 – 10o vừa tránh gió lớn vừa hứng được ánh nắng cả ngày; buộc dây cho Thiên lý leo lên (khi cây chưa lên đến giàn, mỗi tuần phải thả chùng dây 1 lần để kiểm tra rệp), khi cây leo lên giàn đã toả nhánh thì không cần dây dẫn nữa.

Chăm sóc: Đảm bảo đủ ẩm, úng phải tiêu nước ngay. Khi cây leo cao được 2m, bộ rễ đã phát triển mới bón thúc bằng nước giải pha loãng 1/20, tưới cách gốc 60cm. Khi cây nằm trên giàn 50cm mới cho phát triển nhánh, chủ động dẫn nhánh toả kín giàn. Tránh để các nhánh quấn quít vào nhau. Thường xuyên tỉa lá già, ủ rồi bón lại cho cây. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm cắt hết dây nhỏ và lá vào tiết Đông chí để diệt mầm bệnh và chống rét.

Sâu bệnh hại và cách diệt trừ: Rệp là nguy hiểm nhất. Nếu không tiêu diệt kịp thời, không bao giờ được ăn hoa Thiên lý. Phải kiểm tra hàng ngày từ lúc bắt đầu có lá, giết ngay bằng tay, nếu nhiều phải dùng chổi lông (chổi cạo râu hoặc chổi quét sơn tốt) quét rệp vào tờ bìa cứng rồi đốt cháy rệp. Khi có nụ phải kiểm tra xem rệp có chui vào kẽ chùm nụ hay không, nếu có thì dùng tăm nhọn đẩy rệp ra giết. Nấm đen (họ bạch phấn) như muội nồi nên thường gọi là muội, phát triển trên lá và dây; chỗ có nhiều lớp lá thường có nấm đen. Nó làm cho cây chảy nhựa và suy yếu (thường phát triển vào cuối mùa hoa, từ tháng 7 trở đi), diệt bằng cách không để lá dày nhiều lớp, hái bớt lá non để ăn, lá già để làm phân. Nếu thấy muội đen, hái toàn bộ lá có muội rắc vôi bột vào đem chôn. Pha nước vôi quét vào dây có muội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: thiên lý

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán