00:08 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc

Liên hệ

GIA TỬ 茄 子

Thứ bảy - 05/03/2011 18:35
Cây thảo sống hàng năm có khi sống dai hơn. Thân hơi hóa gỗ, thường có gai hoặc không.

GIA TỬ   茄 子

Solanum melongena Linn.

                          

Tên Việt Nam: Cà dái dê tím, Cà dê, Cà tím.

Tên khác: Bột hải gia, Phiên gia, Thủy gia, Giá gia (Cương mục), Lạc tô (Ngũ Đại Di Tử Lục), Lạc tô (Cương Mục Thập Di), Côn lôn qua (Ngự Lãm), Thảo miết giáp (Dưỡng Sinh), Thanh gia, Tử gia, Bạch gia, Nhân gia (Bản Thảo Cầu Chân),  Hà bảo gia (Thực Vật Học Đại Từ Điển) Côn lôn tử qua (Thập Di Lục), Nụy (ải) qua (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tên khoa họcSolanum melongena Linn.

Họ khoa học: Solanaceae.

Mô tả: Cây thảo sống hàng năm có khi sống dai hơn. Thân hơi hóa gỗ, thường có gai hoặc không. Lá mọc cách phủ nhiều lông len, có gai, phiến lớn, hình trái xoan hay thuôn, không đối xứng thường tròn ở gốc, nhọn đầu có phân thùy nhiều hay ít, các thùy thường ngắn, tù. Hoa tập trung thành xim ở nách lá. Đài hình phễu, có khi có gai, có 5-6-9 thùy hoặc hơn, không đều nhau, hình mũi mác nhọn. Tràng lớn màu tím xanh, tím nhạt hoặc trắng mặt ngoài phủ lông tơ. Bầu hình cầu hoặc cầu dẹt có 2-3 hoặc nhiều ô. Quả mọng có kích thước, hình dạng, màu sắc thay đổi theo thứ tự và tùy điều kiện trồng trọt. Hạt bé, giẹp, màu vàng. Cây ra hoa tháng 3-4, có khi ra quả quanh năm gọi là “Cà tứ thời”.

Địa lý: Được trồng làm thức ăn khớp nơi Việt Nam.

Phân biệt:

1- Xem thêm ở Bạch gia tử.

2- Còn có loài là Dái dê (Solanum melonhena Linn. Var longum Bailey) có thân, phiến lá và gân lá màu tím, quả hình trụ dài, phần đầu phình to hơn, được nhiều người thích ăn hơn và kinh nghiệm nhân dân dùng làm thuốc lợi tiểu và phòng chống bệnh xơ vữa động mạch, cần chú ý nghiên cứu.

Thu hái, sơ chế: Thu hái tháng 9-10 hàng năm, dùng tươi hoặc phơi nắng cho khô.

Phần dùng làm thuốc: Hoa, trái (còn gọi quả) đế quả, rễ.

Thành phần hoá học:

+  100g cà tím sinh 23 calori, có thành phần như sau : 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protein, 220mg kali, 15mg photpho, 12mg manhê, 10ng calci, 15mg lưu huỳnh, 0,5mg sắt, 0,2mg mangan, 0,2mg kẽm, rất ít vitamin. Ruột quả nhiều chất nhày. Vỏ quả có violantine, một chất thuộc nhóm anthocyanosid (Món Ăn Bài Thuốc).

Tác dụng dược lý:

+ Tăng tiết dịch tiêu hoá: Cà dái dê làm tăng tiết mật và dịch tụy, giúp tiêu hoá thức ăn. Cholesterol trong mật nhũ hoá chất béo để có thể hấp thụ qua thành ruột. Trypsin trong dịch tụy thủy phân protein thành albumin và aminoacid. Mật còn làm tăng nhu động ruột. Cà này trị ăn không tiêu, đầy bụng.

+ Trị táo bón: Chất xơ làm phân tăng thể tích và không đóng tảng. Chất nhầy làm phân trơn nhuận.

+ Giảm Cholesterol, giảm thân trọng: Gan tiết mật, cholesterol là thành phần quan trọng cuả mật. Ruột có Cholesterol cuả mật và trong thực phẩm (thịt, trứng). - Chất béo cần nhờ Cholesterol nhũ hoá mới ngấm được vào máu. Chất nhày cuả cà Dái dê ngoại hấp Cholesterol. Chất này bị khoá hoạt tính nên không hoàn thành chức năng, chất béo không được nhũ hoá nên ở lại ruột. Cả Cholesterol và chất béo lưu lại trong ruột để rồi di chuyển xuống ruột già và bài xuất theo phân. Cơ thể không được tiếp tế cholesterol và chất béo, chẳng những thế mật còn kéo theo Cholestrol. Kết quả là Cholesterol và chất béo trong máu đều giảm. Aên Cà dái dê chính là cách giảm Cholesterol-huyết và Triglycerid-huyết an toàn nhất. Một quả cà tím nướng có khả năng hấp thụ 83g chất béo trong 70 giây, cao gấp 4 lần khoai.  Không được tiếp tế thêm, cơ thể tiêu thụ mỡ dự  trữ nên thân trọng giảm.

+ Phụ trị bệnh tim mạch: Chất béo không tan trong huyết tương nên phải núp dưới dạng kết hợp với cholesterol và apoprotein gọi là lipoprotein. Lipoprotein lại chia ra nhiều loại nhưng chỉ có 2 loại làm chúng ta lưu tâm là lipoprotein LDL (low density ) và HDL (hignh density). Lipoprotein LDL dư thưà (nhân dân gọi là máu nhiễm mỡ) dễ bị oxy-hoá, tăng kết đọng tiểu cầu (tạo cục máu) và gây xơ động mạch. Động mạch bị giòn cứng và giảm khẩu độ, dẫn tới cao huyết áp, thiểu năng động mạch vành. Nếu tảng xơ động mạch hoặc cục máu di chuyển tới tim gây gây đột tử (nhân dân gọi là chết không kịp ngáp), nếu lên não sẽ gây tai biến não. Chất nhày cuả cà dái dê làm giảm triglycerid và cholesterol cũng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

     Các tài liệu cuả Đại học Berkeley, Johns Hopkins, Harvard, Tufts gần đây còn cho biết, thực đơn nhiều chất xơ và kali cũng giảm nguy cơ đột tử và tai biến não. Chất chống oxy-hoá (violantine) trong cà dái dê cũng tham gia ngăn chặn sự oxy-hoá lipoprotein LDL (Món Ăn Bài Thuốc).

+ Thông tiểu và thải urê:  Cà dái dê thông tiểu, tăng thải urê và acid uric (Món Ăn Bài Thuốc).

Tính vị: Vị ngọt, tính lạnh không độc.

Tác dụng: Tán huyết ứ, giảm đau tiêu sưng.

Chủ trị:

1- Quả làm thức ăn có tác dụng lợi tiểu, thông mật, phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch (Chủ trị của rễ xem ở phần: Tham khảo).

2- Cuống hoa sắc uống trị tiểu ra máu, cầu ra máu.

3- Hạt cũng có tác dụng lợi tiểu.

Liều dùng: 3-9g.

Kiêng kỵ: Người hay bị ngứa ngáy không nên dùng.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị phụ nữ vàng da chóng mặt, dùng cà dê chín vàng, lấy dao tre cắt ra phơi âm can cho khô rồi tán bột, mỗi lần uống 6g với rượu nóng (Trích Huyền Phương).

+ Trị đại tiện ra máu, máu ra nước xối xa,û rồi phân ra sau: quả cà dê còn nguyên đế, đốt tồn tính rồi tán bột, uống 6g với rượu nóng lúc đói (Linh Uyển Phương).

+ Trị tiêu ra máu lâu ngày: cà lớn 3 quả, mỗi lần dùng 1 quả, lấy giấy ướt bọc lại nướng chín xong bỏ vào bình ngâm với 1 thăng rưỡi giấm, rồi lấy giấy sáp (hoặc nylon) bọc kín 3 ngày, sau đó bỏ cà đi chỉ lấy nước mà uống nóng (Phổ Tế Phương).

+ Trị đau gò trong bụng như rùa bò: Cà non muối chua đã lâu ngày, đốt tồn tính, bỏ vào một ít Xạ hương, Khinh phấn, trộn ít mỡ dán vào (Thọ Thành Phương).

+ Trị phong đờm nhiệt: Cà già quả lớn, nhiều ít cũng được, bỏ vào trong hũ chôn dưới đất 1 năm cho rã ra thành nước, lấy lên, bỏ bột Khổ sâm vào, làmthành viên to bằng hạt Ngô đồng lớn, uống sau khi ăn hoặc lúc ngủ, mỗi lần 30 viên với rượu, rất có hiệu quả (Đồ Kinh Bản Thảo).

+ Trị đau lưng, chân co rút, thắt lưng và chân có phong huyết tích lạnh, co rút xương cốt đau nhức: Cà 5-10 cân, xắt lát, rửa sạch, nấu nước cốt thật đậm đặc, lọc bỏ bã, rồi sắc cô lại còn 1 thăng, nấu với bột gạo sống cho tới khi đặc là được, thêm vào một ít Xạ hương, Chu sa, làm thành viên to bằng hạt Ngô đồng lớn, mỗi lần uống 30 viên với Rượu nếp, gần tối thì uống, một tháng là đỡ (Đồ Kinh Bản Thảo).

+ Trị bị chấn thương đập đánh làm ứ bầm xanh tím, dùng Cà trái lớn quả già xắt lát dầy bằng ngón tay sấy trên ngói sạch, rồi tán bột, mỗi lần uống 6gvới rượu nóng, một đêm thì đỡ, không có sẹo vết chi cả (Thắng Kim Phương).

+ Trị trên cao ngã xuống, chấn thương, bị đánh đập, muốn tán huyết, giảm đau: Vào ngày trùng dương chọn 100 trái cà loại già, bỏ cuống đế, cắt ra làm 4, giã nhuyễn với 360g Tiêu thạch. Cứ một lớp cà rồi một lớp Tiêu thạch, sắp như thế nào cho tới khi hết, lấy giấy bịt kín nhiều lớp, để nơi sạch sẽ, trên dưới lấy gạch sạch kê lên và đậy xuống, đừng để cho phạm hơi đất, tới tháng giêng năm sau thì lấy ra phơi nắng, khi ấy cà đã nát bấy rồi, bỏ bã, lọc lấy nước cho vào hũ mới, lấy bông mỏng đậy trên miệng hũ rồi phơi tiếp cho tới khi cô lại thành cao là được. Mỗi lần uống nửa muỗng canh với rượu lúc bụng đói. Khi ứ huyết tan thì đau cũng giảm, khi cao khô cứng quá lấy nước cơm quậy đều để uống (Đồ Kinh Bản Thảo).

+ Trị nhọt độc phát bối: Vào ngày trùng dương chọn 100 trái cà loại già, bỏ cuống đế, cắt ra làm 4, giã nhuyễn với 360g Tiêu thạch. Cứ một lớp cà rồi một lớp Tiêu thạch, sắp như thế nào cho tới khi hết, lấy giấy bịt kín nhiều lớp, để nơi sạch sẽ, trên dưới lấy gạch sạch kê lên và đậy xuống, đừng để cho phạm hơi đất, tới tháng giêng năm sau thì lấy ra phơi nắng, khi ấy cà đã nát bấy rồi, bỏ bã, lọc lấy nước cho vào hũ mới, lấy bông mỏng đậy trên miệng hũ rồi phơi tiếp cho tới khi cô lại thành cao là được. Mỗi lần uống nửa muỗng canh với rượu lúc bụng đói rồi lấy cao xức vào nơi chung quanh miệng nhọt thì có cảm giác lạnh như nước, chỗ lở khô miệng thì đỡ, nếu đâm cồi rễ sâu vào thì cũng có thể tiêu được (Đồ Kinh Bản Thảo).

+ Trị lở sưng do nhiệt độc, dùng Cà sống 1 quả cắt làm 2 bỏ ruột, còn 2 cái vỏ úp trên chỗ lở sưng thì tiêu, nếu đã ra mủ thì dùng tiếp cho lành (Thánh Tế Tổng Lục ).

+ Trị lợi răng sưng đau: dùng xác quả Cà đã để cách một năm đốt cháy, đem bột xát vào luôn thì khỏi (Hải Thượng Phương).

+ Trị sâu răng đau nhức: Cà già đốt thành than xức vào (Trích Huyền Phương).

+ Trị họng sưng nghẹt đau đớn: dùng Cà già hoặc Cà làm tương nhai nát rồi nuốt nước từ từ (Đức Sinh Phương).

+ Trị phụ nữ nứt vú: dùng loại cà vào mùa thu nứt ra đem phơi trong râm cho khô, đốt tồn tính, tán bột, hòa với nước bôi (Bổ Di Phương).

Tham khảo:

. Cây Cà dê còn cho rễ gọi là Già căn, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng Khu phong, tán hàn, giảm đau, dùng trong trường hợp viêm khớp do phong thấp mãn tính, viêm đa khớp dạng thấp, dùng rễ cà 3 lượng, 1 lít rượu trắng ngâm 3-5 ngày uống 2 lần, lần 10ml.

Giảm đau, dùng trong nứt nẻ do lạnh, lở ngoài da, tím từng vùng, đau như cắt, phát ngứa, dùng rễ Cà 120g, sắc lấy nước rửa (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

. Cây Cà dê còn cho đài núm của quả gọi là Gìa đế, đốt cháy uống với nước cơm, mỗi lần 6g, chữa chứng tiêu ra máu, trĩ. Lý Thời Trân trong ‘Bản Thảo Cương Mục’ luận về núm quả Cà như sau: “Khi dùng Gia đế thì phải đốt cháy để chữa cho những người lở miệng, sâu răng, nếu dùng sống thì chà xát nó vào nơi chỗ bị xích bạch điến rất hay” (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

. Cây Cà dê cho cành lá khô và rễ gọi là Ngưu bàng căn sắc lấy nước cốt xức để trị chứng nứt nẻ do lạnh rất hay, Đời Minh, Lý Thời Trân dùng nó để tiêu tán được ứ huyết, huyết xuống lai rai, lỵ ra huyết, sâu răng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

. Quả Cà dê bẩm tính âm địa, bên ngoài giống như dương hỏa, da đỏ thịt trắng là dương bọc lấy âm, hoa quả thơm tím. Vì vậy sách cổ ghi dùng nó để trị hàn nhiệt, ngũ tạng lao đồng thời có thể tán huyết giảm đau, thông ruột lợi khí, nhưng nó có vị ngọt, khí lạnh, chất hoạt mà lợi, dùng nhiều thì có động khí sinh ngứa lở và hại tới mắt, đau bụng, tiêu chảy, phụ nữ có thai ăn vào lại càng có hại, đó là loài rau quả không bổ ích (Bản Thảo Cầu Chân).

. Người bẩm chất hàn lạnh thì không nên dùng nhiều, làm tổn hại người và động tới khí, sinh ra ngứa và có bệnh (Mã Chí).

.  Sau mùa thu ăn nhiều tới nó thì sẽ hại tới mắt (Lý Diên Phi).

. Ăn quả cà còn xanh non có nhiều solanin dễ gây đau nhức mỏi (lượng solanin giảm khi chín). Cà dái dê nướng có mùi thơm hấp dẫn do solanin (Món Ăn Bài Thuốc).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán