02:22 ICT Thứ năm, 19/09/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Phương Thang Đông Y

Liên hệ

PHƯƠNG TỂ HỌC

Thứ tư - 09/03/2011 17:45

Biên soạn: LY.Thích Tuệ Tâm

 

ĐẠI CƯƠNG VỀ PHƯƠNG TỂ HỌC

 ĐỊNH NGHĨA:

Phương tể học là bài thuốc cổ truyền được tạo thành do sự phối hợp các vị thuốc dùng để chữa một bệnh, một hội chứng bệnh hay một triệu chứng của bệnh.

Những phương thuốc này có tác dụng chữa bệnh tốt qua thực tế lâm sàng và những phương thuốc kinh nghiệm của người xưa truyền lại (cổ phương).

Bài thuốc gồm 1 vị gọi là đơn phương, bài thuốc có từ 2 vị trở lên gọi là phức phương.

Phương thuốc được tổ chức theo một nguyên tắc nhất định được biến hóa bằng cách:

Thêm bớt các vị thuốc

Thay đổi sự phối ngũ

Thay đổi liều lượng

Và thay đổi dạng bào chế v..v…

 

CÁCH XÂY DỰNG VÀ BIẾN HÓA MỘT SỐ PHƯƠNG THUỐC

Nguyên tắc xây dựng một phương thuốc:

Phương thuốc có thể có một hoặc nhiều vị thuốc tùy theo tình hình thực tế của bệnh tật và yêu cầu của việc chữa bệnh.

Một số phương thuốc hoàn chỉnh được cấu tạo theo nguyên tắc: quân, thần, tá, sứ:

Quân: là vị thuốc chính (thông thường từ 1 đến 2 vị)-chủ dược- có tác dụng chữa nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng chính của hội chứng bệnh.

Thần: là vị thuốc hổ trợ cho vị thuốc quân tăng thêm tác dụng chữa bệnh.

Tá: là vị thuốc chữa triệu chứng phụ của hội chứng bệnh, hạn chế tác dụng mãnh liệt hay độc tính của thuốc quân hoặc làm tăng tác dụng của vị thuốc chính.

Sứ: là vị thuốc tác dụng dẫn thuốc đến các tạng phủ hoặc vị trí bệnh và có tính năng điều hòa các vị thuốc trong phương thuốc.

Thí dụ: Ma hoàng thang

Gồm các vị: Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân, Cam thảo.

- Có tác dụng chữa ngoại cảm phong hàn

            - Triệu chứng: sợ lạnh, sốt không có mồ hôi, ho…

            - Trong đó Ma hoàng vị cay, tính ấm có tác dụng phát tán phong hàn, làm ra mồ hôi là quân.

            - Quế chi giúp cho Ma hoàng tăng tác dụng phát hãn giải biểu là thần.

- Hạnh nhân chữa ho suyễn là tá.

            - Cam thảo điều hòa các vị thuốc là sứ.

 

 SỰ BIẾN HÓA CỦA PHƯƠNG TỂ

Sự tăng hay giảm các vị thuốc:

- Căn cứ vào tình hình triệu chứng của bệnh tật trên cơ sở một bệnh.

- Căn cứ một hội chứng bệnh cho phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng của từng người bệnh.

- Như vậy bài thuốc vẫn là hạch tâm để gia giảm các vị thuốc.

Thí dụ: bài Ma hoàng thang

            - Ngoài tác dụng phát hãn giải biểu chữa cảm mạo phong hàn không có mồ hôi, sợ lạnh, ho suyễn. Nếu thêm chứng vật vã, rêu lưỡi vàng là bệnh đã vào lý thì phải thêm Thạch cao có tác dụng: thanh nhiệt trừ phiền.

            - Nếu thêm Sinh khương, Đại táo để điều hòa dinh vệ gọi là bài Đại thanh long thang.

Sự thay đổi dạng thuốc

- Tùy theo tình hình bệnh tật và yêu cầu chữa bệnh của từng giai đoạn bệnh.

- Bệnh cấp tính, bệnh nặng thường dùng thuốc sắc.

- Bệnh mạn tính, háo hoãn hoặc ở giai đoạn củng cố chữa bệnh thì dùng thuốc tán, hoàn, ngâm rượu…

Sự thay đổi liều lượng của các vị thuốc trong phương thuốc.

            Một số phương thuốc đều do một số vị thuốc tạo thành, nếu có sự thay đổi liều lượng của các vị thuốc thì vị thuốc quân có thay đổi, do đó phương thuốc mang tên khác nhau và tác dụng chữa bệnh cũng khác nhau.

Thí dụ: Như 3 bài: Tiểu thừa khí thang, Hậu phác tam vật thang và Hậu phác đại hoàng thang đều do các vị Đại hoàng, Hậu phác, Chỉ thực tạo thành nhưng liều lượng từng vị trong bài có sự thay đổi khác nhau nên cũng có tác dụng khác nhau.

 

BẢNG THAY ĐỔI LIỀU LƯỢNG

Bài thuốc

Đại hoàng

Hậu phác

Chỉ thực

Tác dụng chữa bệnh

Tiểu thừa khí thang

16g (quân)

8g (thần)

12g (thần)

Tả nhiệt nhuận trường.

Hậu phác Tam vật thang

8g (thần)

32 (quân)

12g (thần)

Trướng mãn, táo bón.

Hậu phác đại hoàng thang

20g (quân)

20g (quân)

12g (thần)

Nước màng phổi, màng tim.

Sự thay đổi phối ngũ của các vị thuốc:

Vị thuốc quân (chủ dược) trong phương thuốc không thay đổi

Nhưng các vị thuốc phối ngũ thay đổi làm tác dụng chữa bệnh của phương thuốc thay đổi theo.

   Thí dụ: bài Tả kim hoàn gồm Hoàng liên và Ngô thù du trị chứng đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua.

Nếu Hoàng liên phối hợp với mộc hương trị chứng lỵ, đau bụng, mót rặn gọi là Hương liên hoàn.

Mỗi vị thuốc trong phương thuốc phải làm một nhiệm vụ nhất định nhằm giải quyết một hoặc vài chứng trạng.

Phương thuốc có thể một vài vị (tiểu tể), hoặc từ 3-10 vị (trung tể) và có thể hơn 10 vị (đại tể).

Tiểu tể thường dùng để chữa bệnh đơn giản, mới mắc bệnh ở một vị trí nhất định, do một nguyên nhân nhất định nên thường có một vị thuốc.

Đại tể thường dùng để chữa chứng bệnh phức tạp, bệnh do nhiều nguyên nhân, có nhiều bộ phận cùng bị bệnh nên thường có 2-3 vị thuốc ở vị trí quân.

Người xưa phân loại phương tể ra làm: Thất thương, Thập tể và Bát trận:

 

A. Thất phương là: Đại, tiểu, hoãn, cấp, sơ, ngẫu, phức phương.

Đại phương: Chữa các chứng tà khí cường thịnh, bệnh có kiêm chứng không dùng đại phương không thể chữa được. Như trong Thương hàn luận chứng Dương minh phủ thực chứng dùng Đại thừa khí thang.

Tiểu phương: Chữa các chứng tà khí ở nông, bệnh không có kiêm chứng, chỉ cần phương tể nhẹ ít như Tiểu thừa khí thang.

Hoãn phương: Tất cả các chứng bệnh hư nhiệt không thể chữa vội được nên dùng phương tể có sức thuốc hòa hoãn như bài Tứ quân tử thang.

Cấp phương: Chữa các trường hợp thế bệnh nguy cấp, cần phải cứu ngay, nên phải dùng phương tể mãnh liệt như Tứ nghịch thang.

Cơ phương: Vị thuốc có số lẻ gọi là cơ phương như bài Độc sâm thang.

Ngẫu phương: Vị thuốc có số chẵn gọi là ngẫu phương như bài Kim quỹ thận khí hoàn.

Phức phương: Những phương tể lấy 2 phương hay nhiều phương kết hợp lại như bài Sài hồ quế chi thang, Đại thanh long thang.

 

B. Thập tể gồm: Tuyên, thông, bổ, tiết, khinh, trọng, hoạt, sáp, táo, thấp. 

- Tuyên: Phương thuốc có tác dụng khơi chỗ bế tắc như Qua đế tán.

- Thông: Phương thuốc có tác dụng thông trệ như Thập táo thang.

- Bổ: Phương thuốc có tác dụng bổ trợ cho các cơ quan, tạng phủ hoặc các chức năng trong cơ thể bị hư yếu như bài Tứ quân tử thang.

- Tiết: Phương thuốc có tác dụng thúc đẩy sự bế kết như bài Đại thừa khí thang.

- Khinh: Phương thuốc có khí vị nhẹ để trừ thực tà như bài Ma hoàng thang.

-Trọng: Phương thuốc có tác dụng trấn áp sự mất bình thường của tâm thần hoặc sự hoảng sợ như bài Châu sa an thần hoàn.

- Hoạt: Phương thuốc có tác dụng làm trơn nhuận để tiêu các chất ứ đọng như phép Mật tiễn đạo pháp (thông khoan).

- Sáp: Phương thuốc có tác dụng giữ sự hoạt thoát ra như Xích thạch chi, Vũ dư lương thang.

- Táo: Phương thuốc có tác dụng làm nhuận sự khô ráo như bài Quỳnh ngọc cao.

- Thấp: Phương thuốc có tác dụng để thắng thấp như bài Nhị diệu thang.

 

C. Bát trận gồm: Bổ, hòa, công, tán, hàn, nhiệt, cố, nhân

- Bổ trận: Thích hợp với người nguyên khí bị hao tổn, thể chất hư yếu.

- Hòa trận: Phương thuốc có tác dụng điều hòa sự chênh lệch, xung khắc của các tạng phủ, các chức năng trong mối quan hệ nội tạng cơ thể.

- Công trận: Phương thuốc có tác dụng trị các chứng cấp, chứng thực.

- Tán trận: Phương thuốc có tác dụng với biểu chứng, tà khí bó ở phần biểu.

- Hàn trận: Phương thuốc có tác dụng trị các chứng nhiệt để giáng hỏa, thanh nhiệt, tả hỏa hoặc bổ thủy.

- Nhiệt trận: Phương thuốc có tác dụng trị các chứng hàn hoặc bổ dương, bổ hỏa, trợ dương trừ hàn.

- Cố trận: Phương thuốc có tác dụng trị các chứng hoạt tiết không cầm.

- Nhân trận: Có ý nghĩa tùy theo từng cơ thể bệnh mà đặt ra phương thuốc thích hợp.

 

CÁC DẠNG THUỐC CỦA PHƯƠNG TỂ

      Tùy theo yêu cầu chữa bệnh trên lâm sàng, tính chất các vị thuốc và sự cấu tạo của bài thuốc mà phương thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau.

      Sau đây giới thiệu một số dạng thuốc hay gặp: Sắc, tàn, hoàn, ngâm rượu, viên, cao.

1.Thuốc sắc (thang): Một hay nhiều vị thuốc cấu tạo thành bài thuốc cho nước hoặc nước lẫn rượu vào sắc, bỏ bã, lấy nước uống gọi là thuốc thang.

Dạng thuốc này hấp thu nhanh, có tác dụng chữa bệnh mạnh cho nên những bệnh cấp tính cần phải dùng thuốc thang.

2.Thuốc tán: Đem các vị thuốc sao dòn, tán bột mịn thành thuốc tán dùng trong hay dùng ngoài. Khi dùng uống trong, uống với nước sôi nguội hoặc đem sắc với nước trong thời gian vài chục phút rồi uống rồi bỏ cặn.

Dạng thuốc này sử dụng đơn giản, dễ mang theo, tiết kiệm được thuốc, ít biến chất nhưng sự hấp thu kém hơn so với thuốc thang.

3.Thuốc hoàn: Đem các vị thuốc trong bài nghiền nhỏ mịn, luyện với mật hay cao thuốc đặc, hoặc hồ nếp rồi làm thành viên.

Đây là dạng thuốc thường dùng để chửa bệnh mãn tính trong thời gian dài hoặc là dạng thuốc bổ dùng để duy trì kết quả chữa bệnh.

Các loại thuốc hoàn hay gặp:

Hoàn mật, hoàn nước, hoàn hồ, hoàn đậm đặc.

Thuốc hoàn có tác dụng chậm, để đem theo, thể tích nhỏ, dể bảo quản.

4.Thuốc rượu: Đem các vị thuốc ngâm rượu trong một thời gian nhất định đủ để hoạt chất ngấm ra rượu, sau đó lọc bỏ bã thành rượu thuốc.

* Có thể uống trong hoặc dùng ngoài.

5. Viên dẹt: Các vị thuốc trong bài thuốc được nấu thành cao, làm thành cốm rồi dập viên theo phương pháp công nghiệp.

    * Lượng chuẩn xác, thể tích nhỏ, có thể bọc đường, dễ uống.

6. Thuốc cao: Thuốc cao chia làm 2 loại:

* Loại thuốc cao uống trong (hay dùng dạng cao lỏng)

* Loại thuốc cao dùng ngoài (hay dùng dạng cao mềm, cao cứng)

* Thuốc cao lỏng uống trong phải sắc hết hoạt hết chất (từ 72-120 giờ), lọc bỏ bã, cô lại thành cao, dùng nước đường hoặc mật ong đun lửa cho tan.

* Hàm lượng trung bình là 1ml cao lỏng tương đương với 1g thuốc.

* Ngoài ra còn dạng thuốc cao đặc hơn.

* Thích hợp với bệnh mãn tính, hoặc thuốc bổ, dể uống, có thể dùng trong thời gian dài (cao đặc).

* Loại cao dùng ngoài:

- Có 2 dạng : cao mềm và cao cứng

- Cao mền : đem bài thuốc nấu thành cao, cho tá dược (vaselin, dầu thực vật v.v...) trộn lẫn làm thành cao mềm.

* Thường dùng cho các vết thương phần mềm, bỏng...

- Cao cứng : đem bài thuốc nấu thành cao, cho tá dược

(nhựa thông, sáp ong v.v...) trộn lẫn làm thành cao cứng, phết lên vải, giấy làm cao dán lên mụt nhọt, khớp xương... Khi gặp nhiệt độ 36-37o trên mặt da của cơ thể thì thuốc sẽ chảy ra.

- Cao dán có tác dụng cục bộ hay toàn thân.

* Ngoài ra , còn có các loại thuốc:

- Thuốc đơn: thường chế như thuốc tể nhưng phức tạp hơn.

- Thuốc cất: thường được chưng, cất để lấy hơi nước và tinh dầu.

- Thuốc đỉnh: đem thuốc tán nhỏ, luyện chế thành thỏi, có thể nuốt hoặc mài với nước để uống.

- Thuốc thoi: lấy bột thuốc phết vào miếng giấy xe chặt lại hoặc đem thuốc luyện với chất lỏng rồi lăn thành thoi nhỏ, dùng cắm vào miếng mụt nhọt để chữa khỏi các lỗ dò thịt thối.

* Thuốc rửa: dùng thuốc sắc lấy nước để ngâm rửa hoặc chườm nóng vào chổ đau.

* Thuốc xông: có 2 cách: Xông khói thuốc và xông hơi thuốc

- Xông khói thuốc là bỏ vị thuốc vào vào than lửa, lấy khói thuốc xông vào chổ đau.

- Xông hơi thuốc là đem các vị thuốc sắc để hơi thuốc bốc lên kết hợp với hơi nóng tác động vào tấu lý bì phu và hít vào theo đường phế khí để chửa bệnh như xông cảm cúm hoặc xông để chữa một số bệnh ngoài da...

 

CÁCH DÙNG THUỐC SẮC

  Thuốc sắc ( thuốc thang ) là dạng thuốc hay được sử dụng nhất. Để phát huy được đầy đủ tác dụng chữa bệnh của vị thuốc, tránh lãng phí thuốc. Xin giới thiệu cách sắc và cách uống thuốc thang.

 

CÁCH SẮC THUỐC

Sắc trước: Thạch quyết minh, Mẫu lệ, Quy bản, Long cốt, Thạch cao sống, Từ thạch, Sừng dê, Sừng trâu, Xương hổ.

Sắc sau: Bạc hà, Mộc hương, Sa nhân, Bạch đậu khấu, Thanh hao, Hương nhu.

Bọc khi sắc trước: X .thạch chi, T .phúc hoa, Tỳ bà diệp, Đất lòng bếp.

Sắc riêng: Nhân sâm, Tam thất, Lộc nhung.

Hòa tan khi được uống: A giao, cao Kê huyết đằng, cao Sừng hươu, kẹo Mạch nha, cao Hổ cốt, cao Quy bản.

Quấy đều vào nước khi uống, hay uống riêng: Bột Ngưu hoàng, bột Chu sa, bột Hổ phách, bột Sa nhân, Mang tiêu, nước Sinh địa, nước Gừng, Trúc lịch.

 

UỐNG NÓNG VÀ UỐNG NGUỘI

Nói chung, thuốc giải biểu nên uống nóng, sau khi uống nên đắp chăn cho ra mồ hôi, bệnh hàn nên uống nóng, bệnh có sốt cao nên uống nguội.

Nếu bệnh nhân hôn mê có thể đưa thuốc vào dạ dày qua đường mũi.

 

ĐƠN VỊ ĐO LƯỜNG

Ghi lượng thuốc theo đơn vị đo lường nhà nước đã ban hành:

Hệ thống gam (g), kilôgam (kg)...

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán