Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh như: tuổi tác, yếu tố di truyền, giới tính, tiếp xúc với độc tố. Việc điều trị sớm (cả Tây y và Đông y) có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng sống, trì hoãn tiến triển của bệnh.
Người bệnh có các triệu chứng điển hình: run khi yên tĩnh, khi hoạt động thì giảm hoặc không run. Khi mệt mỏi, xúc động thì run nhiều, lúc ngủ không run. Thường run ở tay chân, nhất là hai tay; cũng có khi run ở 2 chân, đầu và hàm. Cứng cơ khi hoạt động, khi nghỉ hoàn toàn thì hết, thường bị cứng cơ ở gốc các chi. Người bệnh đi lại chậm chạp, khó khăn; đi từng bước nhỏ, chân lê, thân ngả về phía trước, đi lên thang gác dễ hơn đi trên mặt bằng; cơ mặt ít cử động như buồn rầu, nói chậm giọng đều đều, đôi khi nói lắp, câu nói ngắt quãng, giọng đơn điệu, không thay đổi tốc độ, âm lực; khi viết bị run đôi khi không viết được; làm những động tác thông thường rất khó khăn, khi đứng khó làm động tác quay đằng sau. Nét mặt vẻ lạnh lùng, mắt không chớp, trán không nhăn, cả đầu và mắt gần như bất động, chỉ có nhãn cầu đôi khi có động đậy nhưng rất ít.
Sau đây là các bài thuốc, cách xoa bóp day bấm huyệt hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson, cần lựa chọn áp dụng cho thích hợp.
Xuyên khung là vị thuốc trong bài “Thất vật giáng hạ thang” trị bệnh liệt run.
Thuốc uống: Dùng một trong các bài:
Bài 1 - Đại sài hồ thang gia vị: sài hồ 6g, bán hạ 4g, sinh khương 4g, hoàng cầm 3g, thược dược 3g, đại táo 3g, chỉ thực 3g, đại hoàng 3g, hậu phác 4g. Sắc uống. Công dụng: trị Parkinson, biểu hiện: đi bộ khó xoay đổi hướng; lúc chạy hai chân như bị châm chích, lê bước đi khó khăn, khi đi thân thể dần dần gục về trước; ngón tay run viết khó; trí nhớ giảm, đọc sách không hiểu chính xác nội dung; hành động chậm chạp vụng về, miệng khô, phát âm khó, nói ngọng.
Bài 2 - Thất vật giáng hạ thang: thục địa, thược dược, xuyên khung, đương quy, câu đằng, đào nhân, mẫu đơn bì mỗi vị 4g; hoàng bá, đại hoàng mỗi vị 2g; đỗ trọng 6g. Sắc uống. Trị Parkinson, biểu hiện: người béo phì, sắc mặt bình thường, đầu gối, gân cơ có lúc bị co rút, nhất là khi chạy, chân tay rung rung; thân thể bất ổn, chân và thắt lưng như dao động lắc lư; đại tiện nhiều lần trong ngày, nói và hành động chậm chạp vụng về, vùng bụng đầy trướng, hai bên rốn có dấu hiệu ứ huyết, mạch trầm hữu lực...
Khi thấy triệu chứng có giảm như chân tay hết run, huyết áp trở lại bình thường... nhưng 2 chân còn yếu thì dùng bài Ủy chứng phương: đương quy 15g, thục địa 12g, thược dược 9g, thương truật 9g, ngưu tất 9g, tri mẫu 9g, hoàng kỳ 6g, đỗ trọng 6g, hoàng bá 3g, đại hoàng 3g. Sắc uống.
Xoa bóp day bấm huyệt mặt đầu, cổ gáy tới bả vai tác dụng kiện não, giúp ngủ ngon, phục hồi hoạt động bình thường cho người bệnh Parkinson.
Xoa bóp day bấm huyệt hỗ trợ điều trị
Hằng ngày, người thân có thể tiến hành xoa bóp huyệt cho người bệnh 1 - 2 lần.
1. Dùng hai bàn tay cả 5 ngón chà xát cho nóng rồi xoa mặt, bóp vùng đầu, cổ, sau gáy. Các ngón tay nắm chặt kẹp nhóm chân tóc lên. Hai bàn tay các ngón khép kín chà xát lên xuống hai bên động mạch cảnh cổ. Các đầu ngón tay bóp mạnh hai bên cơ ức đòn chũm từ gáy xuống bả vai người bệnh.
2. Tiếp theo, day bấm các huyệt: á môn, an miên 1, an miên 2, khúc trì, hợp cốc, túc tam lý, tam âm giao. Mỗi huyệt day trong 1 - 2 phút. Tác dụng: kiện não, ổn định thần kinh, giúp ngủ ngon, phục hồi hoạt động bình thường của toàn thân và hai tay hai chân, giúp khí huyết lưu thông tốt.
Vị trí các huyệt:
Á môn: giữa đường chân tóc phía sau gáy.
An miên 1: trung điểm của huyệt ế phong và ế minh.
An miên 2: trung điểm của huyệt phong trì và ế minh.
Khúc trì: khép cánh tay vào ngực, huyệt ở đầu nếp gấp ngoài cùi chỏ tay.
Hợp cốc: tại đỉnh cao nhất của bắp thịt khi khép ngón tay cái và ngón tay trỏ, ở giữa khoảng nối ngón tay cái và ngón trỏ.
Tam âm giao: từ lồi cao nhất của mắt cá chân trong lên 3 tấc, chỗ lõm sát bờ sau xương chày.
Túc tam lý: chỗ lõm dưới ụ ngoài xương bánh chè. Hoặc úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó đo ra 1 tấc.
Tác giả bài viết: BS. Thanh Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn